Kịch bản về đề tài hiện đại cho sân khấu: Thiếu hay không?
VNTN - Tìm lời giải cho vấn đề kịch bản hay của sân khấu Việt Nam không đơn giản đổ lỗi cho đội ngũ tác giả sân khấu; chúng ta nên có một cái nhìn tổng thể, toàn diện và dám nhìn thẳng vào vấn đề.
Những năm trước, các phương tiện giải trí, nghe nhìn của chúng ta rất hạn chế, nghèo nàn; trong bối cảnh ấy đương nhiên sân khấu có một vị trí quan trọng, vừa là một hình thức nghệ thuật, vừa là một loại hình giải trí, vừa là một phương tiện tuyên truyền chuyển tải những vấn đề thuộc về xã hội, con người xưa và nay... Sau những năm đầu chín mươi của thế kỷ 20 cho đến nay, Việt Nam mở cửa đón gió bốn phương, những thành tựu về kinh tế, xã hội, đặc biệt về công nghệ thông tin chúng ta đang cố gắng bắt kịp phần nào với thế giới. Tuy nhiên, một điều cá biệt và không bình thường là: không đồng hành với sự phát triển, không bắt kịp thời đại, văn học nghệ thuật của Việt Nam đã bị tụt hậu và nhiều khi không biết đi đâu về đâu... Cho dù sự định hướng, quan tâm, đầu tư của Nhà nước nhiều hơn, lớn hơn. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng cho sự phát triển của văn học nghệ thuật nói chung, sân khấu nói riêng cần một sự nghiên cứu công phu, đi thẳng vào vấn đề.
Trước hết là về sự lãnh đạo và định hướng của các cơ quan quản lý sân khấu. Hiện nay, lãnh đạo trực tiếp hay gián tiếp, ngành ngang hay ngành dọc... thì một đơn vị sân khấu đang chịu ít nhất 3 sự lãnh đạo: từ Bộ hoặc Sở Văn hóa; từ hệ thống tuyên giáo từ trung ương xuống các tỉnh; Hội nghề nghiệp từ trung ương xuống các địa phương. Ngoài ra có thể còn phải nhận ý kiến chỉ đạo, chỉ thị, gợi ý... của các cá nhân là lãnh đạo trung ương hoặc trực tiếp ở các tỉnh... Như vậy sân khấu không thể hoạt động như một loại hình nghệ thuật tương đối độc lập và thuần túy chỉ vì mục đích nghệ thuật.
Bản thân các đơn vị sân khấu trong cuộc mưu sinh để tồn tại của mình, đương nhiên phải tự mình xoay sở, tự mình tìm hướng đi cho phù hợp với đời sống, xã hội đương thời; thế nên, có thể đi chệch hướng, có thể tụt hậu, có thể thương mại hoặc tầm thường một tác phẩm sân khấu với mục đích tồn tại...
Một kịch bản không hay thì dù đạo diễn có tài năng bậc thầy cũng không thể “phù phép” biến thành vở diễn hay được. Người viết kịch bản sân khấu chuyên nghiệp nước ta cũng có tới hàng trăm, chưa kể nhiều cây bút không chuyên... Nhưng đã nhiều năm nay sân khấu hầu như không có những vở diễn gây ấn tượng thật sâu sắc tới người xem, tạo dư luận xã hội rộng lớn. Kịch bản sân khấu nói chung đã khó, kịch bản về đề tài hiện đại càng khó hơn.
Những năm tám mươi của thế kỷ trước, khi những vở kịch “Mùa hè ở biển” của Xuân Trình, “Nhân danh công lý” của Võ Khắc Nghiêm, “Tôi và chúng ta”, “Vụ án 2000 ngày” của Lưu Quang Vũ... ra đời đã chấn động dư luận xã hội. Bởi vì đâu? Bởi khi ấy xã hội, con người Việt Nam còn ghê tởm, khinh bỉ, căm ghét những sự lừa dối, háo danh, cơ hội, thủ đoạn, đạo đức giả... Nhưng xã hội ngày nay cái xấu, cái ác còn nhiều chuyện vượt xa sức tưởng tượng của con người. Vậy nên, kịch bản về đề tài hiện đại của sân khấu nhiều năm khai thác những vấn đề của đời sống đã trở nên nhàm và không có sức hấp dẫn với công chúng.
Tại sao những vở kịch như: “Hăm Lét”, “Ô ten lô”, “Vua Lia” của Sechsxpia (Anh); “Cái chết của người chào hàng” (của Mỹ); hay nhiều vở của Đức, Nga, Đan Mạch..., và Việt Nam có “Hồn Trương Ba da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ được lan truyền rộng rãi, được không chỉ người dân bản địa yêu thích...? Bởi đó là những tác phẩm sân khấu mang tính tư tưởng, tính nhân văn cao. Nhiều kịch bản sân khấu về đề tài hiện đại của chúng ta đang sa vào sự vụn vặt, kể lể những éo le, trắc trở của tình duyên; những tình tay ba, tay tư với những màn mùi mẫn một cách cố tình hoặc giả. Sợi dây xuyên suốt những câu chuyện kịch phải là những con người đạo đức giả, cơ hội, háo danh, phản chủ, lừa lọc..., nhưng rồi vẫn ghế cao tót ngồi... Sau đó thì sao? Là sự trả giá, là nhân quả, là sám hối... Quanh đi quanh lại vẫn một số mô tip quen thuộc như vậy, làm sao khán giả không chán? Và, khi xem xong là hết, không còn những dư âm, những trăn trở, day dứt của khán giả khi được tiếp nhận một tác phẩm sân khấu với những rung động, những vấn đề lớn lao của thời cuộc, của con người, cuộc sống mà vở diễn muốn chuyển tải...
Thực trạng của kịch bản sân khấu nhìn chung đang có một số vấn đề đặt ra cần sự lý giải và những biện pháp khắc phục. Đề tài hiện đại cho sân khấu chưa bao giờ thiếu. Điều này đã được minh chứng bằng thực tế dàn dựng và biểu diễn của nhiều Nhà hát lớn ở Hà Nội cùng các đoàn nghệ thuật kịch các tỉnh những năm qua. Nhiều vở diễn đã có tiếng vang và thành công nhất định. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách trung thực, thẳng thắn thì sân khấu Việt Nam đang rất thiếu những kịch bản sân khấu có chất lượng về nghề nghiệp, tư tưởng, nội dung. Đấy là chưa đề cập đến một sự cách tân trong tiếp cận vấn đề, cách viết….
Những kịch bản sân khấu của các tác giả những năm trước và giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới đã đề cập trúng những vấn đề của thời đại, những bức xúc, tâm trạng của con người. Song hành với đó là một thái độ làm sân khấu nghiêm túc, cẩn trọng, vì nghệ thuật… Bởi thế nên sân khấu được coi là thánh đường của nghệ thuật. Người xem đến với sân khấu để được thỏa mãn những khát khao, ước vọng. Ngoài nhiều yếu tố tạo nên những kịch bản hay của các tác giả tài năng, bao trùm và xuyên suốt chính là tầm tư tưởng và tính nhân văn của tác phẩm, cho dù kịch bản đề cập đến nhiều mặt trái của xã hội.
Ngành sân khấu năm nào cũng tổ chức những trại viết rất rôm rả, năm nào cũng trao giải cho những kịch bản hay rất chu đáo, nhưng kịch bản hay vẫn còn... ở phía trước! Để có những kịch bản hay, có tầm về đề tài hiện đại cho sân khấu Việt Nam, điều quan trọng cần phải thay đổi tư duy làm sân khấu. Trước hết tư duy về những vấn đề liên quan đến kịch bản sân khấu. Phải biết chọn lọc và thẩm định được những người viết có khả năng để đầu tư, bồi dưỡng, nếu có điều kiện thì gửi đi học nước ngoài để họ trở thành những nhà viết kịch tài năng. Mỗi nhà hát, đoàn nghệ thuật nên chú trọng tạo dựng riêng cho mình một vài tác giả sân khấu phù hợp với quan điểm, hướng đi của mình để đầu tư và sinh lời…; dũng cảm và bản lĩnh từ chối những kịch bản không hay của quan chức, hãy đối xử bình đẳng với một kịch bản, không phân biệt của tác giả tên tuổi hay mới vào nghề, bởi tiêu chí cao nhất là: kịch bản hay.
Cao Minh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...