Thứ ba, ngày 17 tháng 09 năm 2024
02:21 (GMT +7)

Không gian cư trú vùng gò đồi của người Sán Dìu qua dân ca Soọng cô

“Soọng cô” theo tiếng Sán Dìu nghĩa là “xướng ca”, “ca hát”. Đây là một dạng hát ví gắn liền với đời sống tinh thần của người Sán Dìu, dễ nhớ, dễ thuộc và có khả năng ứng tác linh hoạt. Qua lời hát Soọng cô, có thể thấy được vẻ đẹp của thiên nhiên, đời sống lao động sản xuất, nét riêng về phong tục tập quán, những thói quen sinh hoạt, mối quan hệ cộng đồng hay không gian cư trú của người Sán Dìu.

Cộng đồng Sán Dìu ở Đồng Hỷ biểu diễn Soọng cô nhân dịp đón nhận Quyết định công nhận Soọng cô là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Cộng đồng Sán Dìu ở Đồng Hỷ biểu diễn Soọng cô nhân dịp đón nhận Quyết định công nhận Soọng cô là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Cảnh quan vùng gò đồi xuất hiện đậm nét trong các bài dân ca Soọng cô

Thái Nguyên có dạng địa hình chuyển tiếp rõ nét giữa đồng bằng và vùng núi, điển hình cho “vùng cảnh quan gò đồi”, với địa hình đặc trưng là đồi núi xen kẽ với ruộng thấp, chủ yếu là núi đá vôi và đồi dạng bát úp. Đó là vùng trung du có mặt bằng tương đối bằng phẳng, ổn định, nơi vừa có đồi núi thấp, vừa có rừng, lại có cả ruộng. Bao quanh gò đồi là các thung lũng. Đất đai nơi đây nhiều sỏi đá lại dễ bị xói mòn. Rừng hầu như không còn rậm rạp, không nhiều cây lớn, thay vào đó là tre nứa cùng các loài cây thấp nhỏ như sim, mua, guột…, có nơi chỉ còn một lớp cỏ cằn cỗi, thậm chí là đồi trọc. Khi dừng chân chọn mảnh đất Thái Nguyên làm nơi cư trú, người Sán Dìu đã tự gọi mình với tộc danh “Sơn Dao Nhân” - có nghĩa là người Dao ở trên núi - để khẳng định một không gian cư trú quen thuộc của tộc người.

Không gian cư trú vùng gò đồi của người Sán Dìu ở Thái Nguyên
Không gian cư trú vùng gò đồi của người Sán Dìu ở Thái Nguyên

Gắn liền với đời sống người Sán Dìu, Soọng cô là lời hát tâm tình, lời tự sự phản ánh chân thực cuộc sống lao động, sinh hoạt thường nhật. Trong quá trình khảo sát dân ca Soọng cô, chúng tôi nhận thấy hình ảnh vùng cư trú gò đồi xuất hiện thường xuyên. Trong số 174 bài dân ca có chứa các yếu tố về cảnh quan được khảo sát có tới 98 bài có các từ ngữ trực tiếp chỉ hình ảnh thiên nhiên gợi nhắc về địa hình đặc trưng của vùng trung du, trong đó: Hình ảnh “đồi” xuất hiện ở 25/174 bài (chiếm tỉ lệ 14/37%); hình ảnh “núi” xuất hiện ở 9/174 bài (chiếm tỉ lệ 5,17%); hình ảnh “rừng” xuất hiện ở 56/174 bài (chiếm tỉ lệ 32,18%).

Nói đến vùng cảnh quan trung du nơi người Sán Dìu sinh sống và canh tác, trước tiên không thể không nhắc đến không gian của “đồi” - nơi tập trung của các nếp nhà, hình thành không gian văn hóa, nơi hò hẹn của lứa đôi, nơi khởi nguồn của tình người, của các mối quan hệ và cũng là nơi cố kết cộng đồng:

Sọng cao lẹng tính ết chác thóng

Báo áp súi ngố hỵ lộ sin

(Trên đồi cao có một cái ao      

Con vịt, con ngỗng đi tìm đàn)

Sọng cao lẹng tếnh ết sông chéng

(Ở trên đồi có một đôi giếng)

Sọng lẹng hoi hú  sút súi sen

Lịu nhúy bại sọng sáp kim nghén

(Trên đồi có hồ nước lại trong

Cá chép nổi lên nhìn như vàng bạc)

Sọng cao lẹng tếnh háo móng tông

(Trên đồi lại lắm những cây lau)

Sọng lẹng lống lóng hỵ chám chốc

(Lên đồi với anh đi chặt tre)…

Sốc sa ta chấy súy ken sút

Mộc lại tá chấy sy lống lín

(Sa nhân có quả ở rễ ra

Dâu da có quả như vẩy rồng)

Trong các lời ca trên, hình ảnh “đồi” hiện lên đầy thân thuộc, gần gũi. Chàng trai, cô gái đã thuộc lòng về những quả đồi ấy nên biết thật rõ trên đồi có “một cái ao”, có “một đôi giếng”, có “hồ”, có “lắm những cây lau”, có “sa nhân” (một loại cây thuốc). Ao, giếng, hồ trên đồi cho nguồn nước trồng cây, nuôi cá, thả vịt, ngỗng; cây trên đồi là những loài cây cho gỗ, cho củi, cho nguồn thực phẩm, làm thuốc…

Hay một hình ảnh khác cho thấy rất rõ không gian sinh sống của người Sán Dìu, với tập quán dựng nhà ở chân đồi hay ven rừng, nhìn lên sẽ thấy núi cao, nhìn ra xa gặp rừng sâu, nhìn xuống là cánh đồng. Bởi vậy mà có “ruộng thấp”:

Sá sọi cao tun mếnh hoi nhọn,

Vố sọi tay thén mếnh long pha.

(Đồi cao chưa có chè non,

Ruộng thấp hoa lúa vẫn còn trắng tinh.)

Trong các bài hát dân ca của dân tộc Sán Dìu còn có không ít những hình ảnh mà khi xuất hiện, chúng khiến người đọc, người nghe liên tưởng đến không gian núi rừng như: “con ong”, “nai con”, “chim ưng”, “chim nhạn”, “chim khướu”, “chim cú”, “chim cu", là “cây lau”, “trầm hương”, “cây quế”, “sa nhân”… Cả một không gian thiên nhiên rừng núi được tái hiện thật chân thực, sinh động:

San hú chí

Nhít nhít pheo déo sọi san chông

(Con chim khướu

Bay đi bay lại ở trong rừng)

Thộc choóc san hù phi cô lẹng,

Vô hống sói pha san cộ san.

(Khướu bay qua núi một mình, 

Ong bay tìm kiếm bạn tình cùng hoa)

Choác cu phi cô lu ben lẹng

Phộc coi tháy sọi nỵ san thói

(Gà gô bay qua đồi bên đây

Chim cu gáy ở đồi bên này)

Xun tao léo

Vóng anh déo lon cao san thói

(Mùa xuân tới

Vàng anh nhẩy nhót trên rừng cao)

Lòi tạo lòng son nhít lọc san

Cu vún méo kẹo mọi sim van

(Đi đến thôn chàng mặt trời lặn

Chim cú kêu về nỗi lòng buồn)

Chóc cu phi cộ nam san thòi

(Chim cu bay qua bên đồi nam)

Chóc cu phi dip nam san cóc

(Chim cu bay vào sau góc rừng)

Lộc loen phềnh thi hú loen vui

(Con nai luyến rừng, hổ luyến đồi)

Dòng mòi háo sếch sọi cao san

(Dương mài mọc ở tại núi cao)

Tô mộc sang loi soác sẹn cút

(Tô mộc sinh ra làm nan quạt)

Sim tá vòng thành chếch lồng khoi

(Phải tìm hoàng đằng làm nón đội)

Bóng dáng của vàng anh, chim cú, chim khướu, nai, hổ… xuất hiện trong các bài hát gợi nên không gian thiên nhiên núi rừng nhiều hoang vu, nơi các loài chim, loài thú hoang dã sinh sống. Không những thế, những loài cây rừng, dây rừng tưởng như đầy lạ lẫm lại đã được người Sán Dìu sớm biết đến và thu hoạch nhằm phục vụ cho đời sống sinh hoạt của con người: “dương mài” (dòng mòi) là loài cây ăn quả sống trên núi cao, rễ cây được dùng để ăn với trầu; “tô mộc” là loài cây rừng được dùng để ngâm rượu, có màu đỏ tươi; cây cũng được dùng để tước nan quạt, “hoàng đằng” là loài dây rừng được đồng bào lấy về đan nón đội…

Lộc sọi cao san hỵ loen vui

(Con nai trong rừng luyến nơi ở)

Sọng lẹng chảm sái chảm móng tông

(Lên đồi chặt bó cây lau)

Cao san sống bác pha nan sói

Ọi sói xím hoang da cộng nán

(Rừng cao vách đá khó tìm hoa

Muốn tìm trầm hương chẳng biết đường)

Tần suất lặp đi lặp lại của những hình ảnh núi rừng trong lời ca Soọng cô cho thấy đây là những cảnh vật thân thuộc, gắn bó trong đời sống lao động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày của người Sán Dìu. Quá trình sinh tồn và phát triển trên mảnh đất gò đồi trung du của tỉnh Thái Nguyên, hình ảnh của tự nhiên, không gian cư trú trở thành những biểu tượng trong ca từ Soọng cô, đi vào đời sống tinh thần và là đặc trưng không gian văn hóa của người Sán Dìu.

Trồng chè trên vùng gò đồi của người Sán Dìu ở Thái Nguyên
Trồng chè trên vùng gò đồi của người Sán Dìu ở Thái Nguyên

Bóng dáng tre, trúc, sen, đào trong những bài Soọng cô

Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, chúng tôi nhận thấy sự xuất hiện với tần số khá lớn của hình ảnh “tre trúc” trong các bài hát Soọng cô. Đây cũng là hình ảnh đặc trưng của vùng cảnh quan trung du. Đó có thể là “rừng tre, trúc”, có thể là “tre ven đường”, là lũy tre đầu thôn, là bóng trúc trong thôn… Hình ảnh “tre trúc” trở nên quen thuộc và gần gũi với người Sán Dìu.

Tre trúc thường mọc thành bụi lớn trong rừng, trên vùng đồi núi. Những rừng tre trúc không chỉ đem lại nguồn nguyên vật liệu phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày (vật liệu làm nhà, làm chuồng trại, làm hàng rào, đan lát…) mà còn giúp đem lại bóng mát, kiến tạo cảnh quan xanh tươi cho thôn xóm. Ngoài ra, rừng tre trúc còn cung cấp một lượng măng lớn, làm nguồn thức ăn tuyệt vời cho con người. Với tán lá dày, rễ cây thường phân bố ở tầng đất mặt nên tre trúc còn giúp chống xói mòn, làm tơi xốp đất, bám giữ đất tốt, điều tiết dòng chảy của sông suối nơi miền núi. Sự hiện diện của “tre trúc”, nhất là “trúc” cho thấy rõ dấu ấn sinh kế vùng trung du.

Lu ben chông chốc com com lốc

(Cạnh đường trồng trúc, trúc khom xuống)

Lu ben chộng chốc nỵ ben im

Chốc nỵ théo théo lán lu xim

(Bên kia trồng tre, bên này mát

Cây tre mọc lên được làm lạt)

Long son háo léo ngọi son ưu

Chông chốc vui li tống cô chiu

(Thôn chàng đẹp lại nhiều trúc xanh

Trồng trúc để rào quanh thôn làng)

Lu ben chốc chấy long mao chám

Tánh chốc sang loi nhít cúi sòng

Long kim suy khin tách sếch sún

Nhong loi lu dọn tách cha loàng

(Cây trúc cạnh đường chàng không chặt

Để trúc ngày ngày mọc thêm dài

Nàng ở nhà gần được ăn măng

Nàng đến đường xa che bóng mát)

Các em thiếu nhi Sán Dìu biểu diễn Soọng cô nhân dịp đón nhận Quyết định công nhận Soọng cô là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Các em thiếu nhi Sán Dìu biểu diễn Soọng cô nhân dịp đón nhận Quyết định công nhận Soọng cô là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Ngoài hình ảnh “tre trúc”, trong các bài Soọng cô còn nhắc đến hình ảnh “hoa sen”, “hoa đào”. Cây sen sống nơi ao hồ, bùn lầy, vùng đất đặc trưng của nền sản xuất nông nghiệp lúa nước. Ở khắp các làng quê của người Kinh hay các dân tộc anh em khác sống nơi đồng bằng ta đều dễ dàng bắt gặp không gian thanh tao, dịu dàng với hương thơm dịu nhẹ của đồng sen, ao sen… Trong các bài dân ca Soọng cô ta cũng bắt gặp không gian ấy:

Sen hỵ hạm nhòng sút náy sộ

Lống nhòng sáy sộ họn pha sen

(Gọi mời cô nương ra đây ngồi

Mời nàng cùng ngồi ngắm hoa sen).

Nhong kim suy sọi nị son thòi

Hon kẹn len va tế tế hoi

(Cô nương ở tại cạnh đầu thôn

Nhìn thấy hoa sen bông bông nở).

Trong khi đó, “đào” lại là loài cây ưa với địa hình vùng trung du miền núi phía Bắc. Những “vườn đào”, “rừng đào” xuất hiện trong các bài hát Soọng cô đã nói lên đặc trưng địa hình sinh sống của đồng bào Sán Dìu. Sự có mặt của “hồ sen”, “ruộng lúa”, “đồi chè” xen lẫn với “vườn đào”, “rừng đào” là minh chứng cho nét đặc sắc về địa hình, không gian sinh sống, lao động sản xuất mang đậm dấu ấn sinh kế sản xuất nông nghiệp vùng trung du miền núi của người Sán Dìu.

Lống nhòng hị leo thao dòn thông

(Cùng nàng đi chơi trong vườn đào)

Hị tạo thao dòn nhít loc xay

(Đi đến vườn đào, mặt trời xuống đằng tây)

Hị tạo thao dòn nhít cui tông

(Đi đến vườn đào ngày cuối đông)

Sông cao lẹng tếnh háo dón tháo

(Ở trên đồi cao có vườn đào)

Như vậy, không gian sinh sống của người Sán Dìu đã in bóng trong các bài hát Soọng cô. Không phải ngẫu nhiên mà những hình ảnh về không gian rừng núi, không gian gò đồi, không gian đồng ruộng lại được xuất hiện với số lượng lớn trong các bài hát Soọng cô. Mỗi bài ca với những câu từ giản dị, mộc mạc đã trở thành nơi để người Sán Dìu gửi gắm bao tâm tư tình cảm, trong đó có cả tình cảm gắn bó, yêu quý đối với vùng đất mình sinh sống. Vùng đất ấy, không gian ấy cũng chính là nơi người Sán Dìu lao động, sản xuất và canh tác.

Những phát hiện về không gian sinh sống sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về sinh kế của người Sán Dìu, lý giải được những thói quen, sự lựa chọn của họ trong từng hoạt động sản xuất cụ thể. Dấu ấn đậm nét về không gian cư trú ấy góp phần lý giải vì sao Soọng cô lại trở nên gần gũi và gắn bó đến vậy trong đời sống tinh thần của đồng bào Sán Dìu: Soọng cô đâu chỉ là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn con người, Soọng cô còn mang chứa không gian sinh sống, lao động, nơi họ vịn vào mà đi, tựa vào mà sống, ngoảnh lại mà mỉm cười.

Trần Loan - Thùy Linh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy