Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
17:37 (GMT +7)

Khi y tế cơ sở “oằn mình” chống dịch

Những dãy xe xếp hàng dài ngoài cổng, luôn có hàng chục người nôn nóng xếp hàng chờ đến lượt trong sân Trạm; những bàn tay của cán bộ y tế thoăn thoắt nhưng giọng nói đã lạc đi và những đôi mắt có phần trũng sâu vì nhiều ngày gắng sức...


Cán bộ y tế “lọt thỏm” giữa “rừng” người bệnh

Sáng, trưa, chiều… tôi có mặt tại Trạm Y tế phường Túc Duyên, TP. Thái Nguyên nhưng chỉ có thể đứng lặng lẽ quan sát. 3 lần trong một ngày, tôi đến, ra về, lại đến và lại phải ra về… vẫn không thể trò chuyện được cùng các cán bộ y, bác sĩ của Trạm. Tôi quyết định trở lại Trạm vào lúc trời chuẩn bị nhá nhem tối. Những tưởng, thời điểm ấy, các y, bác sĩ sẽ được nghỉ ngơi và tôi có thể tranh thủ thời gian trò chuyện. Ấy vậy mà, cuộc trao đổi cũng chẳng dễ gì thực hiện vì chốc chốc lại có một hoặc một vài người đến đề nghị được test, khai báo y tế hoặc nhờ tư vấn điều trị tại nhà.

Sau khi sắp xếp cho tôi có một chỗ ngồi ở gần khu vực đón tiếp người đến khai báo y tế và F1 - nơi an toàn hơn cả ở Trạm lúc này, bác sĩ Lã Thị Thúy, Trạm Trưởng áy náy bảo: em thông cảm chờ chị một chút nhé! Rồi chị quay lại vị trí bàn hướng dẫn khai báo y tế, đón tiếp và phân loại bệnh nhân.

Bác sĩ Lã Thị Thúy, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Túc Duyên tư vấn theo dõi, điều trị cho người dân đến Trạm

Bác/anh/chị/em/cháu cần làm gì hay F mấy?… chị Thúy liên tục hỏi người mới đến. Ai F1 sẽ khai báo y tế tại bàn gần chỗ tôi ngồi. Ai F0 được hướng dẫn sang bàn bên cạnh dưới sự hướng dẫn của 1 cán bộ y tế khác. Ai cần test sẽ được hướng dẫn vào bên trong để thực hiện.

Một tiếng đồng hồ trôi qua, tôi ngồi quan sát thấy người này chưa kịp ra đã có người khác đến. Ngoài đường, các bóng đèn cao áp đã được bật, nền trời tối sẫm. Tôi nhẩm đếm đã có khoảng 20 người dân ra, vào Trạm làm thủ tục test virus, nghe tư vấn cách ly, điều trị tại nhà…

Gần 8 giờ tối, người đến đã thưa hơn, tôi tranh thủ trò chuyện với chị Thúy. Sau một ngày dài làm việc, không được nghỉ ngơi, cũng chưa được ăn bữa tối, đôi mắt chị Thúy hiện lên rõ vẻ mệt mỏi.

Trạm Y tế phường Túc Duyên hiện có 5 người gồm, một bác sĩ là Trạm trưởng, 2 y sĩ, 2 điều dưỡng. Chị Thúy thông tin: Từ ngày mùng 2 Tết Nguyên đán, số người liên quan đến dịch COVID-19 đến Trạm bắt đầu đông lên. Càng những ngày gần đây lượng người là F0, F1 càng lớn. Nhiều ngày cao điểm, Trạm đón tiếp hàng trăm người. Trong đó ghi nhận khoảng gần 200 ca mắc/ngày. Chỉ nhìn vào số liệu thống kê của Trạm đủ thấy mức độ lây lan khủng khiếp của dịch bệnh trên địa bàn. Nếu như trước Tết Nguyên đán, trên địa bàn phường mới ghi nhận hơn 10 trường hợp F0 thì sau gần 1 tháng, số lượng F0 đã là gần 1.700 trường hợp.

Y sĩ Trần Hồng Huệ, Trạm Y tế phường Túc Duyên, TP. Thái Nguyên sau thời gian nhiễm bệnh vẫn tình nguyện ở lại Trạm, nhận phần việc hướng dẫn và giúp các đối tượng F0 làm thủ tục khai báo, cách ly

Người bệnh và người liên quan trực tiếp đến các ca bệnh đông, trong khi đó cán bộ y tế Trạm phải đảm đương nhiều phần việc cùng lúc như: tiếp đón, hướng dẫn khai báo, lấy mẫu, sàng lọc, phân loại, điều trị, hướng dẫn cách ly, điều trị tại nhà, ra quyết định cách ly, hoàn thành cách ly… Bởi vậy mà công việc mỗi ngày của các chị thường kết thúc rất muộn, nhiều hôm 11, 12 giờ đêm mới về đến nhà và ăn bữa tối.

Do số lượng người mắc COVID-19 tăng đột biến từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, cán bộ y tế của Trạm phải làm thông trưa. UBND phường có hỗ trợ đặt cơm hộp cho chúng tôi ăn bữa trưa. Còn buổi tối, khi nào hết người đến Trạm, mọi người cùng nhau dọn dẹp xong xuôi, về nhà lúc nào thì ăn tối lúc đó - Chị Thúy cho biết thêm.

Thời điểm cuối ngày, số người đến Trạm đã thưa hơn còn vậy, chứ ban ngày, khoảnh sân rộng chừng vài chục mét vuông, cộng thêm một phòng cách ly vẫn chẳng đủ chỗ để cho những người thuộc đối tượng F0 và F1 đứng riêng rẽ theo hướng dẫn của cán bộ Trạm. Nhưng đó cũng không phải là tình trạng của riêng Trạm Y tế phường Túc Duyên.

Hơn 12 giờ trưa, tại Trạm Y tế xã Phúc Thuận, TX. Phổ Yên, vừa hoàn thành việc làm thủ tục hướng dẫn cách ly và theo dõi tại nhà cho 3 bệnh nhân F0 cuối cùng của buổi sáng, một nữ y sĩ trong bộ đồ bảo hộ màu xanh đưa 2 tay đỡ vào thắt lưng ngồi thụp xuống chiếc ghế nhựa ngay khu vực phân luồng đón tiếp người bệnh.

Cảm giác như chút sức lực cuối cùng chị vừa dồn vào công việc cả rồi. Nhìn dáng vẻ mệt nhoài của chị, tôi bất giác ước đừng có thêm ai đến lúc này để chị được nghỉ ngơi một lát. Nhưng chiếc kim giây chưa kịp chạy đủ một vòng trên mặt đồng hồ, người giao cơm hộp đã tới, chị lại vội vàng chạy ra lấy cơm cho mọi người.

Bên trong, y sĩ Triệu Thanh Toàn, dù mới bước sang ngày thứ 5 từ khi được xác định mắc COVID-19 nhưng cũng đã trở lại làm việc. Tay anh đang khua đều trên bàn phím, thống kê lượng bệnh nhân trong ngày làm báo cáo. Phòng bên cạnh, Trạm trưởng - Bác sĩ Hoàng Tiến Thưởng vẫn đang cặm cụi xem xét, ký xác nhận vào các quyết định hoàn thành hoặc cách ly mới cho người dân. Chốc chốc công việc của anh lại gián đoạn vì có các cuộc gọi đến xin tư vấn của các bệnh nhân đang điều trị tại nhà.

Những hộp cơm vừa kịp nhấc ra khỏi chiếc túi nilon thì tiếp tục có 3 chiếc xe máy và 5 người tiến vào sân Trạm. Một trong số họ lên tiếng, “Em F0 ra khai báo”. Túi cơm tạm ấp lại, ai vào việc nấy.

Những bữa trưa ăn vội của các y, bác sĩ Trạm Y tế xã Phúc Thuận, TX. Phổ Yên

Đợi lấy quyết định hoàn thành cách ly cho người dân trong xóm, chị Trần Thị Mỹ, Y tế thôn bản xóm Chãng, xã Phúc Thuận cho hay: Công việc của y tế thôn bản như chị kể từ khi dịch bùng phát làm không xuể. Xóm chị hiện đã không còn đủ biển thông báo nhà có người cách ly y tế để dán ở hộ dân vì cả xóm hầu như nhà nào cũng có người thuộc diện cách ly rồi. Hiện nay trưởng xóm, công an viên đều là F0 nên chị phải đảm nhiệm thêm phần việc đi lấy quyết định cách ly, hoàn thành cách ly về giao cho công dân để họ có căn cứ quay trở lại làm việc ở các cơ quan, công ty.

Những cống hiến lặng thầm

Quá tải hiện là tình trạng chung của hầu hết các trạm y tế xã, phường trên địa bàn tỉnh. Nhu cầu lớn, ngoài việc các y, bác sĩ ở mỗi trạm phải căng mình chống dịch còn kéo theo việc thiếu đồ bảo hộ theo quy chuẩn. Các trang bị như đồ bảo hộ cấp 3, găng tay y tế, khẩu trang N95 trở nên khan hiếm và gần như không có trong thời gian gần đây.

Những ngày này, thời gian làm việc của các y, bác sĩ tại nhiều trạm y tế xã, phường lên tới hàng chục tiếng mỗi ngày

Trong điều kiện mỗi ngày có hàng chục tiếng đồng hồ làm việc trong hoàn cảnh ba bề, bốn phía đều là F0, trang bị y tế lại không đảm bảo khiến các nhân viên y tế phải đối mặt với tình trạng lây nhiễm bệnh. Cùng với y sĩ Triệu Thanh Toàn, Trạm Y tế xã Phúc Thuận còn một cán bộ khác cũng đang trong thời gian nhiễm bệnh. Dù chưa bình phục, song cả 2 đều đã quay trở lại với công việc để hỗ trợ đồng nghiệp.

Kết thúc công việc tiếp đón, hướng dẫn, kiểm tra, sàng lọc,… cho người dân, cuối ngày các y, bác sĩ ở mỗi Trạm lại miệt mài bên sổ sách làm thống kê, báo cáo

Nhân viên y tế nhiễm COVID-19 hiện đang là vấn đề mà nhiều trạm y tế phải đối mặt. Những bộ quần áo phòng dịch cấp độ 3 cuối cùng tại Trạm Y tế phường Túc Duyên được bố trí cho 2 nhân viên mắc F0 mặc. Bởi với nhân lực chỉ có 5 người, công việc hiện nay đã là quá tải. Nên ngay sau khi được xét nghiệm cho kết quả mặc dù chưa âm tính nhưng đã không còn khả năng lây bệnh, Phó Trạm trưởng Vũ Thị Nữ cũng đã nhanh chóng quay lại làm việc. Còn y sĩ Trần Thị Hồng Huệ, từ hôm có kết quả dương tính vẫn chưa có ngày nào được nghỉ ngơi. Chị tình nguyện ở lại và đảm nhận công việc hướng dẫn các bệnh nhân F0 làm thủ tục khi đến Trạm khai báo.

Nguy cơ phơi nhiễm của nhân viên y tế ở cơ sở hiện nay rất lớn, trong khi thiết bị bảo hộ đảm bảo tiêu chuẩn đang thiếu

Bác sĩ La Thị Thúy chia sẻ: Biết là các bạn ấy rất mệt nhưng quả thực nếu 5 còn 3 chúng tôi không thể cáng đáng nổi công việc. 29 năm công tác, chưa bao giờ tôi thấy cán bộ y tế cơ sở như chúng tôi phải đối mặt với một áp lực lớn như vậy. Nếu không nhờ sự tận tâm, trách nhiệm và nhiệt huyết của cá nhân mỗi người, chúng tôi chắc không thể hoàn thành khối lượng công việc lớn như bây giờ. Ngoài 2 bạn là F0 ra, Trạm còn có một bạn vừa phải làm phẫu thuật ở vùng bụng. Chưa hết thời gian nghỉ dưỡng sức, bạn ấy cũng đã tình nguyện quay trở lại làm việc. 2 bạn có con nhỏ nhưng cũng sẵn sàng gác lại việc nhà, để dồn sức cho công việc tại Trạm.

Tính từ ngày 01/01/2022 đến ngày 28/2/2022, tỉnh Thái Nguyên ghi nhận 8.642 trường hợp F0 tại các cơ sở điều trị và có 91.925 số ca nhiễm là nhẹ hoặc không có triệu chứng, điều trị tại nhà, chỉ cần khai báo với y tế phường, xã. Tuy nhiên, thủ tục xác nhận F0 và người khỏi bệnh đối với lực lượng là cán bộ, công chức, người lao động đang trở thành một gánh nặng mới với y tế cơ sở, đồng thời gây thêm phiền hà, mệt mỏi với người dân.Trước thực trạng đó, tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra chiều 28/2, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh yêu cầu các ngành chức năng cần nhanh chóng, tận dụng những ưu thế trong thực hiện chuyển đổi số của tỉnh để ứng dụng trong việc cấp giấy chứng nhận cho các trường hợp nhiễm bệnh. Mục tiêu đề ra là không để những người đã được xác định là F0 phải tập trung tại trạm y tế xã, nhằm hạn chế tiếp xúc, giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh. Yêu cầu đảm bảo phòng tránh được việc ngụy tạo kết quả nhằm trục lợi là cần thiết, nhưng đồng thời phải đáp ứng được nhu cầu tiện lợi với người dân.

Không nói nhiều về mình nhưng theo chia sẻ của mọi người trong Trạm, tôi được biết chị Thúy cũng đã cả tháng nay đi sớm, về khuya, giấc ngủ không trọn. Điện thoại của chị Thúy luôn ở chế độ thường trực, có hôm vừa kịp đặt lưng xuống hoặc trời còn chưa sáng đã có điện thoại của người bệnh hoặc người nhà khi người bệnh có những dấu hiệu bất ổn cần tư vấn, nhất là những gia đình có trẻ nhỏ. Mẹ chị, dù đã ngoài 80 tuổi, đêm nào cũng ngồi chờ nghe tiếng con mở khóa cổng, rồi đứng từ xa chỉ để hỏi “con về rồi đấy à” mới yên tâm đi ngủ. Bởi ngày ngày chị “lọt thỏm” giữa “rừng” người F0, khả năng phơi nhiễm lớn nên không dám đến gần mẹ những ngày nay. Với những cán bộ y tế như chị hiện nay, một cái ôm dành cho người thân cũng là điều phải ao ước.

Bên cạnh công việc tại chỗ, các cán bộ, nhân viên y tế của Trạm còn là lực lượng nòng cốt của các trạm y tế lưu động.

Mới đây thôi, có cụ già ở khu dân cư xóm Soi bị tai biến, nằm liệt không thể đi lại, mắc COVID-19. Xác định những nguy cơ có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh, cán bộ y tế phường xuống vận động gia đình đưa cụ đi bệnh viện điều trị. Tuy nhiên không nhận được sự hợp tác của gia đình. Họ lấy lý do không có người vận chuyển người bệnh, đồng thời “thách” nếu muốn đưa cụ đi thì nhân viên y tế phải là người đưa cụ ra xe. Nhìn người bệnh áng chừng ngoài 70kg, ngoài trời thì mưa tầm tã, nhưng “còn nước còn tát”, tất cả vì sinh mệnh của người bệnh, vậy là 2 nữ nhân viên y tế của Trạm với dáng người nhỏ bé đã dùng hết sức của mình đưa cụ lên cáng. May thay, sự kiên trì của 2 chị đã nhận được sự ủng hộ của đồng chí tổ trưởng và đồng chí dân quân, hỗ trợ khênh cáng, rồi theo xe vào bệnh viện để đưa cụ xuống.

Trước đó, một bệnh nhân có tiền sử ung thư phổi giai đoạn cuối cũng được xác định nhiễm bệnh. Ngặt nỗi con, cháu của bệnh nhân đã mắc COVID-19 trước đó và đều đã được nhập viện. Không thể bỏ mặc sự sống chết của người bệnh, chị Hà Thị Nhâm gắng sức một tay xách đồ, một tay dìu ông ra xe để nhập viện…

Đồng hồ đã chỉ 10 giờ đêm, trong căn phòng ngổn ngang ghế, các chị người thu gom rác, người vệ sinh dụng cụ, người làm sổ sách, người lau dọn… Tiếng chuông điện thoại vang lên, y sĩ Trần Hồng Huệ dừng tay nhận điện thoại. Cuộc gọi kết thúc, chị lặng lẽ tiếp tục xếp chồng từng hàng ghế, nhưng cúi người thật thấp để cố giấu đi những giọt nước mắt đang lã chã rơi. Cuộc gọi vừa rồi là từ em trai chị. Bố đẻ chị đang mắc bệnh trọng, mấy ngày nay tình trạng của ông xấu đi, sự sống đều nhờ vào chiếc bình ô xy. Nhưng do công việc, nhiều ngày nay chị đã không có nhiều thời gian ở bên chăm sóc bố. Lại thêm đã nhiễm bệnh, chị càng không thể về cạnh ông ngay lúc này…

Cũng giống như cán bộ, nhân viên y tế ở các Trạm y tế phường Túc Duyên hay xã Phúc Thuận, các y bác sĩ ở cơ sở trên khắp địa bàn tỉnh mỗi người mỗi hoàn cảnh xong vì nhiệm vụ chung họ vẫn đang nỗ lực ngày đêm, đối diện với những áp lực mà không dễ kể trong một vài câu, nén lòng gác lại niềm riêng để hoàn thành sứ mệnh khi khoác trên mình chiếc áo blu trắng.

Kim Ngân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Xuân về một dải biên cương

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Nghiêng mình bên xứ lạ

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Nơi ngày xuân vương vấn niềm thương

Xem tin nổi bật 3 tháng trước