Khi nhạc Việt “sống ảo chết thật”
Những ca khúc có tuổi đời ngày càng ngắn là xu hướng, vấn đề chung của công nghệ giải trí âm nhạc thế giới chứ không riêng Việt Nam. Công nghệ phát triển ngày càng mạnh mẽ và tiện lợi, các sản phẩm âm nhạc cũng phải như “Fast Food”, nhằm đáp ứng được nhu cầu sử dụng liên tục của công chúng. Chính vì thế ca khúc “thị trường” ngày càng được sản xuất nhanh, và nhanh thì không phải sản phẩm nào cũng chất lượng nên việc “sống” ngắn cũng là đương nhiên.
Sơn Tùng M -TP có nhiều “Hit” trên các bảng xếp hạng âm nhạc Nguồn: Internet
Vài năm trở lại đây, hàng loạt những ca khúc bị giới chuyên môn đánh giá là nhảm, ca từ vô nghĩa như: “Vợ người ta”; “Anh không đòi quà”; “Không phải dạng vừa đâu”; “Ô mai chuối”; “Số nhọ”… và những ca khúc na ná kiểu đó lần lượt xếp hàng hay song song được sản xuất ồ ạt. Nhưng những ca khúc này lại trở thành “Hit” trong các bảng xếp loại VPop với số lượt nghe và xem cao trên các trang nhạc số như Zing.vn, Nhaccuatui hay Youtube. Ví dụ như trên Youtube, MV “Vợ người ta” đạt trên 77,4 triệu lượt xem; “Anh không đòi quà” đạt trên 14,2 triệu lượt xem; “Không phải dạng vừa đâu” đạt 6,7 triệu lượt xem vào lúc cao trào. Thậm chí các bài hát “Hit” của giới trẻ trong những năm trước, đạt được lượt nghe cao ngay khi mới ra đời như: “Forever alone”, “Teen vọng cổ”, “Quên cách yêu”… bỗng chốc tan biến như chưa hề tồn tại.
Công nghệ phát triển ngày càng mạnh mẽ nên ai cũng có thể sáng tác và biểu diễn. Không phải ai trong số họ cũng có xuất phát điểm từ một sản phẩm âm nhạc chỉn chu, thậm chí nhiều ca sĩ với những sản phẩm âm nhạc chưa được hoàn chỉnh nhưng vẫn có thể dễ dàng đến với công chúng. Nhiều trường hợp tự quay video, tự post lên mạng xã hội và nhanh chóng được các bạn trẻ hưởng ứng. Chính vì điều kiện sáng tác dễ dàng nên hầu như tuần nào trên thị trường cũng xuất hiện những sản phẩm âm nhạc mới. Tất cả đều muốn các bài hát của mình được nhớ lâu, nhưng khán giả chưa kịp thẩm thấu được ca khúc thì ca khúc khác lại đã xuất hiện, nên các sản phẩm âm nhạc luôn tự đào thải nhau. Một ca khúc vừa nổi tiếng, được cộng đồng hưởng ứng mạnh mẽ nhưng chỉ cần lọt ra ngoài trang chủ của một kênh nghe nhạc trực tuyến thì ca khúc ấy sẽ “nguội” ngay.
Trong đời sống âm nhạc Việt hiện nay, cứ nhìn những bảng xếp hạng VPop, những ca khúc “Hit”, hay “Top” có số lượt view cao, có ca khúc mới ra đời đã nhận được lượt nghe, lượt chia sẻ rất lớn, tạo nên làn sóng ảnh hưởng dữ dội đến công chúng, thậm chí có người đánh giá là làm "rung chuyển giới Showbiz"? Nhưng rồi cứ như cơn gió quét, “bạo phát bạo tàn”. Có thể đơn cử như trường hợp của Sơn Tùng M-TP, bỏ qua yếu tố chuyên môn, những bài hát của anh luôn nhận được lượt nghe, chia sẻ “khủng”. Đầu năm 2015, ca khúc “Chắc ai đó sẽ về” khi vừa ra mắt đã tạo nên cơn sốt trong cộng đồng mạng với 5 triệu lượt nghe sau 24 giờ. Một con số mà bất kỳ ca sĩ nào cũng phải mơ ước. “Ăn theo”, hàng loạt ca khúc của các nhạc sĩ, ca sĩ khác như “thủy triều” tràn trên các trang nhạc số, chiếm lĩnh các “Hit”, “Top”, nhưng cũng chỉ tồn tại một năm hay một vài tháng sau đó là nhanh chóng bị lãng quên.
Thực tế cho thấy, có nhiều ca khúc mang danh “ăn khách” nhưng giai điệu nhạt nhẽo, sao chép, ca từ gây phản cảm, than thở khóc lóc, chen lẫn tiếng nước ngoài... Thế nên, việc có đời sống sâu rộng trong công chúng yêu nhạc là rất khó đạt được. Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện nhận định: “Dễ hiểu vì các ca khúc sáng tác thời gian gần đây chú trọng rất nhiều vào giai điệu. Thậm chí, đó là những ca khúc thể hiện rõ trào lưu, xu hướng đang thịnh hành nhưng yếu kém về lời ca. Và khi ca khúc mang tính thời trang, đời sống của nó trở nên ngắn ngủi là tất yếu”. Nhạc sĩ Lê Quang bày tỏ: “Tuổi thọ ngắn ngủi là minh chứng rõ nét nhất cho chất lượng ca khúc hiện nay. Nhạc Việt những thập niên trước có nhiều ca khúc chinh phục mọi đối tượng khán giả yêu nhạc và có chỗ đứng lâu bền trong đời sống xã hội, thậm chí qua nhiều thập kỷ. Còn các ca khúc Việt trên những bảng xếp hạng âm nhạc hôm nay phần lớn là chết yểu”.
Về các ca khúc “thị trường” này, lại có ý kiến cho rằng, khán giả đang có xu hướng ưa chuộng các ca khúc càng đơn giản, càng ít từ ngữ càng tốt, đi thẳng vào vấn đề và gần gũi với cuộc sống. Đây là xu hướng bình thường và tất yếu của sự phát triển âm nhạc, vì không phải vô lý mà giới trẻ lại thích những ca khúc dễ dãi đến như thế. Hơn nữa, dân trí âm nhạc chung chưa cao, vì thế khán giả chưa thể hưởng thụ được âm nhạc cao cấp. Nhu cầu giải trí hiện nay rất lớn, cùng với đó là công nghệ giải trí phát triển, điều này có thể làm lung lay những giá trị âm nhạc đích thực?
Quả là đáng buồn khi các ca khúc hiện nay đang được lưu hành thiên về sự “dễ dãi” chứ không phải là sự giản dị, trong sáng. Minh chứng rõ nét là những bảng xếp hạng trên các phương tiện truyền thông và website âm nhạc, như: Làn sóng xanh của VOH, chương trình Yan V-pop 20 của kênh truyền hình YanTV, Yeah1 Count Down của kênh truyền hình Yeah1TV, bảng xếp hạng trên Zing.vn (đều được thống kê hằng tuần), Nhaccuatui, Youtube,… có những ca khúc liên tục có mặt trong top đầu nhưng chất lượng ca khúc lẫn giọng hát của ca sĩ không được giới chuyên môn đánh giá cao.
Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cho rằng: “Những ca khúc bình dân đang lan truyền với tốc độ chóng mặt trên các trang mạng xã hội nhưng không tồn tại được lâu. Điều quan trọng là chúng ta phải thay đổi nhận thức của lớp trẻ. Chúng ta không nên nhìn vào khuyết tật của nền âm nhạc bởi "cơ thể âm nhạc Việt Nam" vẫn khỏe mạnh, số đông vẫn hướng về cái đẹp, những giai điệu đẹp mãi mãi sống”.
Nhóm nhạc thị trường AXN đình đám một thời nay đã vắng bóng Nguồn: Internet
Có một thực tế đáng suy ngẫm, là ngoài các trang mạng xã hội, thì các phương tiện truyền thông cũng gián tiếp, thậm chí trực tiếp quảng bá cho ca khúc thị trường, với cường độ cấp tập, luôn là headline trong chuyên mục giải trí, ngay cả truyền hình cũng cần view- raiting nên cũng mời các nhạc sĩ, ca sĩ hát nhạc thị trường phỏng vấn, giao lưu trực tuyến. Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc cho rằng: “Âm nhạc quần chúng đang có xu hướng phát triển tuỳ tiện. Nếu chúng ta chấp nhận, thậm chí quảng bá cho những việc tương tự thì nền ca khúc quần chúng mãi mãi chỉ là nghiệp dư, hỗn loạn”.
Bàn về chuyện “khắc phục” những điều gọi là nghiệp dư, hỗn loạn trên, theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam thì: "Cần có sự đầu tư lâu dài và chiều sâu cho các lĩnh vực sáng tác âm nhạc kinh điển, bác học và âm nhạc dân tộc, kể cả lực lượng sáng tác, lực lượng biểu diễn và đặc biệt là lực lượng công chúng. Chúng ta phải xây dựng được lực lượng công chúng biết thưởng thức âm nhạc, biết yêu âm nhạc và đánh giá các loại hình âm nhạc khác nhau. Đó mới là nền tảng cho một nền âm nhạc phát triển lâu bền có sự phát triển hưng thịnh...”
Minh Châu
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...