Khi diễn viên “tay ngang” vào vai chính
VNTN - Điểm mặt hàng loạt phim điện ảnh Việt cả dòng thị trường lẫn nghệ thuật đã công chiếu hay sắp ra rạp từ 2014 - 2015 thấy một nghịch lý, vai chính toàn diễn viên “tay ngang” không chuyên, còn những diễn viên chuyên nghiệp thì chỉ là vai phụ. Phải chăng đây cũng là một yếu tố làm cho điện ảnh Việt trở nên nghiệp dư và mãi chưa có tác phẩm chất lượng cao?
Không biết đó là một xu hướng hay trào lưu, hay là công thức chiêu trò của các nhà sản xuất phim điện ảnh Việt Nam (ĐAVN) nhằm thu hút công chúng đến rạp và cũng là một kế sách an toàn cho số tiền đầu tư mà hàng loạt phim ĐAVN sản xuất trong 2 năm 2014 - 2015, những dự án mới cho mùa phim Tết 2016 cũng thấy dày đặc các ca sĩ, người mẫu, hoa hậu,… toàn diễn viên “tay ngang” không chuyên nhưng khá “hot” của showbiz Việt vào các vai chính, còn các diễn viên chuyên nghiệp thì chỉ như gia vị thêm nếm. Là phúc hay họa của ĐAVN nếu tình trạng này kéo dài? Bao giờ ĐAVN mới đến chuyên nghiệp, có tác phẩm chất lượng cao?
Để cạnh tranh và hút khách cũng như muốn tạo sự đổi mới, chứng tỏ sự “đa năng” của giới showbiz Việt, các nhà sản xuất phim ĐAVN đã không ngừng “săn lùng” các gương mặt mới cho phim. Để “đôi bên cùng có lợi”, nhà sản xuất có khán giả là “fan” của diễn viên, và diễn viên cũng đang cần được nổi tiếng.
Chẳng khó gì khi điểm một loạt phim công chiếu trong 2 năm trở lại đây, những phim dự định ra rạp sắp tới cũng như các dự án cho Tết Nguyên đán 2016, thấy rõ các vai chính đều thuộc về những gương mặt “hot” của showbiz Việt. “Hy sinh đời trai” nữ chính là ca sĩ Phi Nhung, “Siêu nhân X” giao vai nữ chính cho ca sĩ Diệp Lâm Anh, và nữ ca sĩ này cùng ca sĩ Phạm Anh Khoa vào vai nam - nữ chính trong phim “Con ma nhà họ Vương”. Phim “Già gân, mỹ nhân và găng tơ” thì vai nữ chính thuộc về ca sĩ Tóc Tiên. Rồi “Trùm cỏ” vai chính là ca sĩ Hàn gốc Việt Hari Won… Một danh sách dài tiếp theo như: Ca sĩ Hương Giang và người mẫu Khánh My trong “Trót yêu”, Hoa hậu Đặng Thu Thảo, người mẫu Vũ Tuần Việt trong “Điệp vụ chân dài”, ca sĩ Ngô Kiến Huy, Miu Lê, Hari Won trong “Em là bà nội của anh”, hotgirl - MC Quỳnh Chi cùng hotboy Bê Trần, Võ Cảnh trong “12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy”, ca sĩ Bằng Kiều và Bùi Anh Tuấn cùng người mẫu Xuân Tiến và hoa khôi Đồng bằng sông Cửu Long 2015 Nguyễn Thị Lệ Nam Em trong phim “Vệ sĩ, tiểu thư và thằng khờ”. Phim “Siêu trộm” giao vai chính cho rapper Su Boi và ảo thuật gia Petey Majik Nguyễn, “Hùng Ali và Sáu Lóc cóc” giao vai chính cho ca sĩ Ưng Hoàng Phúc, Long Nhật, người mẫu Hà Việt Dũng, “Valentine” giao các vai chính cho hàng loạt người mẫu như: Vương Thu Phương, Diệu Huyền, Huỳnh Tiên, “Vòng eo 56” vai diễn chính là người mẫu Ngọc Trinh,… Không chỉ với phim thị trường mà ngay cả với những phim được xem là thuộc dòng nghệ thuật cũng giao các vai chính và thứ chính cho các diễn viên “tay ngang” như “Quyên” cho Á hậu Vũ Ngọc Anh, “Đập cánh giữa không trung” cho ca sĩ Thanh Duy, “Dịu dàng” với Nguyễn Thanh Tú…
Ở VN chưa có trường nào đào tạo chuyên nghiệp nhà sản xuất phim một cách bài bản. Mà ngay như khái niệm này cũng chỉ manh nha vài năm trở lại đây, và trong quan niệm rất giản đơn, nhà sản xuất phim là người nắm tiền trong tay và muốn làm gì thì làm theo ý mình. Đặc biệt là 6 tháng đầu năm 2015, với 4 “cơn sốt vé” của: “Ngày nảy ngày nay”, “Sơn đẹp trai”, “Ma Dai”, “Trúng số” của những nhà sản xuất nghiệp dư là: Diễn viên Ngô Thanh Vân, diễn viên Thành Được, diễn viên Thanh Thúy, người mẫu Bebe Phạm, thì việc làm nhà sản xuất phim của ĐAVN dễ như trở bàn tay, nhiều “nhà” khác đã thừa thắng xông lên làm nhà sản xuất. Điển hình như diễn viên Trần Bảo Sơn với “Hy sinh đời trai”, “Điệp vụ 3 lờ” của ca sĩ Tóc Tiên, “Tèo Em 2” của Á hậu Hoàng My, rồi một loạt dự án hoành tráng: “Truy sát”, I am wanted, đồng minh của diễn viên Trương Ngọc Ánh, hay ca sĩ Lý Hải sau cú “thắng” đậm của “Lật mặt” cũng dự định tiếp “Lật mặt 2”… Chưa kể các nhà sản xuất khác như người mẫu Ngọc Trinh, diễn viên Lương Mạnh Hải, ca sĩ Ưng Hoàng Phúc, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, diễn viên Việt Anh (Chạy án)…
Có thể nói ở VN việc đào tạo diễn viên không hề ít trường hay khoa, gồm: Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh (TP.HCM, Hà Nội), Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, Trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TP.Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đăk Lăk, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Nha Trang v.v… Ngoài ra diễn viên còn có thể được đào tạo từ một số “lò” diễn viên như của HTV - Truyền hình TP.HCM (Hãng phim TFS), VTV - Truyền hình VN (Hãng phim VFC), có thể tìm kiếm cơ hội từ các cuộc thi như Triển vọng điện ảnh do Hội Điện ảnh TP. HCM tổ chức… Tuy vậy, chúng ta vẫn thấy sự khiếm khuyết bởi ở VN hiện tại không có trường hay khoa đào tạo diễn viên điện ảnh chuyên nghiệp.
Sau ba khóa đào tạo diễn viên điện ảnh của Đại học Điện ảnh VN thì xem như việc đào tạo diễn viên điện ảnh chuyên nghiệp đã chấm dứt, và số diễn viên này có thể nói là thế hệ diễn viên ĐAVN thành danh, thành tài, sáng giá cho đến tận hôm nay, chưa có diễn viên nào thay thế vị trí của họ. Cũng không biết từ một dự án hay ý tưởng nào mà điện ảnh - sân khấu được ghép chung nhau, để “cặp đôi” này bây giờ luôn gắn kết như một, các trường đào tạo hay các khoa diễn viên đều gọi chung là Sân khấu - Điện ảnh. Trong quá trình đào tạo thiếu sự liên hệ chặt chẽ, không đủ cơ sở vật chất và các môn học để diễn viên có thể bắt nhịp với dòng chảy điện ảnh thế giới. Vốn sống ít, lại không chịu đầu tư thời gian, công sức trong việc tạo dựng phông văn hóa nền, nhiều bạn trẻ đơn giản nghĩ rằng đã được học diễn viên trong trường Sân khấu - Điện ảnh thì có thể ngang nhiên trở thành diễn viên điện ảnh chuyên nghiệp, chờ đợi cơ hội được tỏa sáng ở những bộ phim mình tham gia… Với mô hình đào tạo phổ biến là diễn viên sân khấu song song với đào tạo diễn viên điện ảnh, sinh viên khi ra trường chủ yếu đầu quân về các nhà hát để đóng kịch, và sau đó vào các vai diễn trên phim truyền hình. Chỉ có vài trường hợp hãn hữu theo đuổi giấc mơ trở thành diễn viên điện ảnh, nhưng thật sự nếu không diễn trên sân khấu hay đóng phim truyền hình thì cơ hội có vai trong phim điện ảnh rất ít. Vì vậy, nguồn nhân lực đã thiếu lại càng hiếm..
Ca sĩ Diệp Lâm Anh và Phạm Anh Khoa trong phim Siêu nhân X
Không có quốc gia nào mà diễn viên sân khấu lại cũng là diễn viên điện ảnh (được xem là chuyên nghiệp) như VN, hay diễn viên phim truyền hình thì cũng đồng thời được gọi là diễn viên điện ảnh như nhau. Hầu như ở nước có nền điện ảnh phát triển cũng có những trường đại học hay các trung tâm đào tạo diễn viên điện ảnh chuyên nghiệp và rất nhiều cuộc tuyển lựa diễn viên cho các vai diễn. Điều cơ bản là gần như các diễn viên điện ảnh của họ rất ít người xuất thân từ diễn viên sân khấu hay diễn viên truyền hình, mà chỉ ngược lại, khi là diễn viên điện ảnh nổi tiếng, họ được mời vào một vai diễn trên sân khấu trong vở diễn nổi tiếng, hay mời vào một series phim truyền hình ăn khách…
Hiện nay, ngay cả việc cử sinh viên ra nước ngoài đào tạo diễn viên điện ảnh chuyên nghiệp cũng không thực hiện được. Việc này cũng rất khó để thực hiện trong cơ chế hiện tại, kể cả tự túc đi học cũng gần như không có ai. Việc học diễn viên ở nước ngoài mất khá nhiều thời gian, công sức, thậm chí ở một số các nước, học điện ảnh nói chung và học diễn viên nói riêng ít nhất phải tốt nghiệp một trường đại học.
Diễn viên không chuyên, nhà sản xuất không chuyên ngày một thịnh hành, “chiếm” ngôi trong phim ĐAVN, cho dù làm phong phú, đa dạng thị trường phim Việt, nhưng nếu không có một động thái sàng lọc và lựa chọn để hướng tới sự chuyên nghiệp, thì đây chính là nhân tố làm cho ĐAVN không thể có những tác phẩm chất lượng cao, mang tính thẩm mỹ nghệ thuật đặc sắc để có thể sánh vai với các nền điện ảnh khu vực và thế giới.
Hoài Hương
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...