Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
00:59 (GMT +7)

Khi điện ảnh là những lát cắt cuộc sống

Sau “ Bố già” đến “Nhà bà Nữ”, Trấn Thành là cái tên được xướng lên nhiều nhất trong làng giải trí phim Việt, khi liên tiếp các phim do anh sản xuất đã xô đổ kỷ lục phòng vé, thậm chí còn nằm trong top phim sản xuất năm 2023 đoạt doanh thu cao trên thế giới.

Khai thác yếu tố Đời thông qua những lát cắt cuộc sống của những người lao động bình dị trong một gia đình đa thế hệ. Và nếu như “Bố già” xoay quanh vai trò người đàn ông thì “Nhà bà Nữ” trụ cột lại chính là người phụ nữ. Việc gồng gánh một gia đình mà ở đó cái “Tôi” của bất cứ thành viên nào cũng lớn, với bà Nữ đôi khi trở thành quá tải… những suy nghĩ cực đoan, áp đặt làm bùng nổ những xung đột… và người xem, ở một chừng mực nhất định đã thấy bóng dáng mình trong đó. Để rồi đồng cảm, lan tỏa và tạo ra mức doanh thu khủng phòng vé.

Trong tháng 3 và những tháng tiếp sau, “Nhà bà Nữ” sẽ có những xuất chiếu tại Mỹ và nhiều quốc gia khác, cho thấy điện ảnh Việt Nam đã tìm được tiếng nói chung với điện ảnh thế giới khi khai thác trực diện những vấn đề của cuộc sống.

 

Điều không tưởng của điện ảnh Việt

450 tỉ đồng, “Nhà bà Nữ" đã lập kỷ lục cho phim Việt chiếu rạp chỉ trong 24 ngày ra rạp, con số này được khẳng định sẽ còn tiếp tục tăng cao khi tháng 3 này Trấn Thành sẽ đưa phim đi công chiếu quốc tế. Không chỉ những người bỏ tiền ra rạp xem “Nhà bà Nữ” có những nhận xét phim “đáng đồng tiền bát gạo” mà những nhà phê bình điện ảnh cũng giành cho “Nhà bà Nữ” những khen chê thỏa đáng. Công bằng mà nói, trước “Bố già” và “Nhà bà Nữ” điện ảnh Việt Nam chưa có phim nào đoạt được mức doanh thu phòng vé kỷ lục như vậy. Mặc dù trước đó, những cái tên như “Hai Phượng”; “Chị chị em em”; series “Lật mặt” hay gần đây nhất là phim “Em và Trịnh” cũng được xem là những bộ phim đình đám. Song đến thời điểm hiện tại, so về doanh thu, về tỷ lệ xuất chiếu thì hiển nhiên đều đứng sau và không nói lên điều gì.

Cặp đôi Ngọc Nhi và John (Uyển Ân và Song Luân) - Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Sức mạnh của “Nhà bà Nữ” đơn giản là khai thác những yếu tố rất đời của một gia đình lao động nghèo thành thị. Không có những đại gia, càng không có những cậu ấm cô chiêu sức nước hoa, xài điện thoại, đi xế hộp đắt tiền mà thay vào đó là những đứa con trong một gia đình lao động bình dân thành thị. Và ở gia đình ấy là những hỉ nộ ái ố của một xã hội thu nhỏ. Gánh bánh canh cua của bà Nữ đã gánh theo biết bao ước mơ và cả những hờn tủi của các thành viên trong gia đình khi phải chịu đựng sự áp đặt tưởng chừng như ngộp thở của bà Nữ. Từ bà nội Ngọc Ngà, đến chị Nhi và người chồng của bà đều cảm thấy cái Tôi của mình không được tôn trọng. Và mỗi người trong số họ đều bằng cách này hay cách khác đều nói lên suy nghĩ cá nhân của mình. Tuy nhiên những suy nghĩ ấy phần lớn đều bị người trụ cột bỏ qua và cho rằng thiếu thực tế. Những câu thoại rất đời vì thế được sử dụng một cách triệt để với mục đích giúp các nhân vật trong phim thể hiện hết cái Tôi của mình.

Nhiều khán giả đã cho rằng những lời thoại ấy đôi lúc, đôi chỗ kém duyên, thậm chí không nên đưa vào phim một cách công khai, trực diện như vậy “Thất bại là quyền của con người” hay: “Trong tình yêu sợ nhất là không ai đúng, không ai sai. Chúng ta khác nhau ở góc nhìn, không cảm thông được cho đối phương để rồi dần xa nhau”; “Ai cũng có lỗi nhưng ai cũng nghĩ mình là nạn nhân”, chính vì thế mà sự theo đuổi những đam mê, khát vọng sống của mỗi thành viên trong gia đình “Nhà bà Nữ” đều rất mạnh mẽ. Và dễ thấy nếu không để những lời thoại đó, những phản kháng đó xuất hiện trong phim thì phim chỉ đèm đẹp và chỉ là những lát cắt của chính đạo diễn chứ không còn là book phim mang hơi thở cuộc sống.

Tôn trọng thị hiếu của khán giả

Xây dựng tuyến nhân vật một cách chân thực, nhiều màu sắc với lối diễn xuất sâu, kỹ lưỡng đến từng chi tiết chính là sự dày công của đạo diễn Trấn Thành và ê kíp làm phim. Ở “Nhà bà Nữ” không có sự dễ dãi, thỏa hiệp với diễn xuất của diễn viên, thậm chí đạo diễn còn tạo áp lực để họ bộc lộ hết khả năng thiên bẩm qua vai diễn, nhằm đem tới cho khán giả những khung hình, thước phim có giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật. Bên cạnh đó là âm thanh, ánh sáng được xử lý nhuần nhuyễn tạo hiệu ứng tích cực cho thị giác và thính giác của người xem. Những điểm cộng của “Nhà bà Nữ” đã được khán giả ghi nhận thông qua doanh thu phòng vé.

Poster doanh thu phòng vé kỷ lục của "Nhà bà Nữ"

Bỏ qua các phim được cho là đối thủ trong làng điện ảnh Việt với những cái tên đã kể trên, “Nhà bà Nữ” tiếp tục khẳng định sự lên ngôi của dòng phim “mì ăn liền” nhưng lại chuyển tải được rất nhiều thông điệp từ cuộc sống. Đó là những ước mơ của người lớn được gửi gắm cho lớp trẻ, những suy nghĩ của họ cũng được áp đặt giống như mệnh lệnh sống, và khi bị phản kháng thì người lớn cảm thấy bị phụ bạc, họ la lớn thậm chí kêu trời và tiếp tục gây áp lực lên chính con em họ. Từ “Nhà bà Nữ” những gia đình Việt tự soi lại mình, và bất cứ ai cũng thấy một phần bóng dáng của mình trong đó. Khai thác đề tài gia đình thông qua các mối quan hệ cha và con trai, mẹ và con gái… nhưng ở những gia đình “bình dân” chính là sự lựa chọn khôn ngoan của đạo diễn, kiêm diễn viên phụ Trấn Thành.

Chúng ta thấy lâu nay, điện ảnh Việt nói chung khi làm phim thường khai thác đề tài tham nhũng, lợi ích nhóm mà ít khi chọn làm phim về những người lao động bình dị, nếu có thì sự xuất hiện của họ chỉ thoáng qua như một chút gia vị để phim có thêm màu sắc. Chính vì vậy, những bộ phim này thường không xuất hiện tại các rạp và nếu có doanh thu phòng vé cũng ở mức thấp. Có thể điểm qua những phim được đầu tư kinh phí lớn như: “Kẻ thứ ba”; “578 phát đạn của kẻ điên”… nhưng lại lỗ nặng khi không có khán giả đến rạp chỉ bởi phim không chạm đến được cảm xúc của người xem, không khiến khán giả khóc cười cùng nhân vật. Và khi “Nhà bà Nữ” xuất hiện thì những cung bậc cảm xúc đã được đánh thức, thậm chí vỡ òa trước mỗi trường đoạn của phim. Khóc và cười trước một người mẹ yêu con không đúng cách; trước mối qua hệ vợ chồng rạn nứt, mẹ và con không có tiếng nói chung trong hôn nhân. Và một người bà với những suy nghĩ rất trẻ trung, rất thoáng trong cư xử với các cháu của mình… Nhưng sau tất cả những khóc cười ấy, khán giả có thể cảm nhận được trên hết là sợi dây gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Ở đó không chỉ có những xung đột thế hệ mà còn có sự sẻ chia và ngập tràn sự yêu thương, gắn bó.

Chia sẻ về bộ phim, đạo diễn Trấn Thành tiết lộ, anh không muốn làm phim chỉ để gây tiếng cười, thỏa mãn nhu cầu giải trí của người xem và quên sạch khi ra khỏi rạp. Anh làm “Nhà bà Nữ” để khán giả vào rạp cùng gia đình. Nếu có thể, khi màn hình tắt, họ sẽ ra về với quyết tâm yêu thương nhiều hơn. Và như đạo diễn Bùi Tuấn Dũng nhận xét: “Nhà bà Nữ" của Trấn Thành cũng nhận đầy những khen chê trái chiều. Tuy nhiên, sự thật là Trấn Thành đã thành công nhờ nắm bắt tốt thị hiếu khán giả.

Cảnh trong phim “ Nhà bà Nữ”

Hướng đến khán giả, đặt bản thân là chính khán giả… để cảm nhận những yêu cầu, mong muốn của khán giả đối với nhà làm phim và bộ phim mình xem, chính là lựa chọn của đạo diễn Trấn Thành. Không làm phim theo sở thích của mình mà làm phim theo thị hiếu của khán giả, chọn đề tài và xử lý kịch bản, tuyển chọn diễn viên để hoàn thành bộ phim có thể chạm đến cảm xúc của khán giả chính là sự tôn trọng khán giả. Và Trấn Thành đã thành công khi ngày càng có nhiều khán giả chọn “Nhà bà Nữ”, kiên nhẫn đi hết bộ phim với những cũng bậc cảm xúc có thật. Và tin rằng, khi “Nhà bà Nữ” xuất ngoại, những cung bậc cảm xúc ấy cũng sẽ được nhân lên ở những nền văn hóa khác nhau. Và rất có thể “Nhà bà Nữ” sẽ là những gợi ý có giá trị cho các nhà làm phim Việt trên con đường chinh phục khán giả. Không cần những đề tài đao to búa lớn mà hãy bắt đầu từ những điều bình dị nhất trong cuộc sống vốn muôn màu muôn vẻ xung quanh chúng ta.

Minh Hằng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Phim ngắn: Có phải là vấn nạn?

Điện ảnh - Truyền hình 2 tuần trước