Khi âm nhạc không chỉ đơn thuần là giải trí
VNTN - Sau MV “ Để Mị nói cho mà nghe” của ca sĩ Hoàng Thùy Linh và “Hết thương cạn nhớ” của quán quân Giọng hát Việt mùa 3 Đức Phúc, kể những câu chuyện về đất và người hay những phong tục tập quán của người dân nơi đoàn làm phim chọn làm bối cảnh cho MV đã khiến nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng âm nhạc còn làm được nhiều chức năng hơn chứ không chỉ đơn thuần là giải trí. Và đến khi MV “Không thể cùng nhau suốt kiếp” của Hòa Minzy chính thức trình làng, những giá trị mới của âm nhạc cũng dần được hé lộ.
Sự dịch chuyển của âm nhạc trẻ
Kể một câu chuyện có thật hay lắp ghép những lát cắt được lấy cảm hứng từ những tác phẩm văn học làm chất liệu cho sản phẩm âm nhạc là một trong những xu hướng được các ca sĩ trẻ hiện nay lựa chọn. Công bằng mà nói, đây không phải là những phát hiện mới trong làng nhạc trẻ bởi xu hướng làm MV có tính chất tự sự đã khá phổ biến hiện nay, nhưng để tìm ra được những điều mới mẻ, hay ho như kiểu Hoàng Thùy Linh, Đức Phúc thì chưa nhiều. Xem những MV này, khán giả không chỉ được thưởng thức giọng ca mượt mà của ca sĩ mà còn mãn nhãn với lối phục trang của các nhận vật xuất hiện trong MV, và hơn cả là được đắm chìm trong câu chuyện được kể bằng âm nhạc khiến người xem cười đấy nhưng để rồi lại rơi nước mắt. Khai thác kho tàng văn học hiện thực phê phán với những cái tên quen thuộc của biết bao thế hệ người Việt Nam như: Chí Phèo, cha con Bá Kiến, những Mị, A Phủ, Lão Hạc, thầy giáo Thứ... những MV ca nhạc của họ giờ không chỉ đơn thuần là chọn bài hát, đầu tư phục trang, vũ đạo mà thay vào đó, họ quan tâm nhiều hơn đến những thông điệp được gửi gắm trong MV. Coi đây mới là ưu tiên số một khi bắt tay vào thực hiện dự án.
Chính vì vậy, trong khoảng thời gian từ hai năm trở lại đây, những sản phẩm âm nhạc đã đi vào đời sống nhiều hơn, thậm chí nhiều sản phẩm còn thật hơn cả ngoài đời như MV về tình yêu đồng giới “Em đã thấy anh cùng người ấy” và “Người ta đã bỏ em rồi” của Hương Giang Idol... Nhưng để kể một câu chuyện có lớp lang nhằm tái hiện lịch sử của dân tộc thì phải kể đến sự xuất hiện của Hòa Minzy qua MV “Không thể cùng nhau suốt kiếp” đã để lại trong lòng người xem vô vàn những xúc cảm khó quên.
Cảnh trong MV “ Không thể cùng nhau suốt kiếp” của Hòa Minzy
Không bàn đến kinh phí đầu tư MV hay trên một trăm bộ trang phục Hòa minzy sử dụng để phục vụ cho việc quay MV mà chỉ cần bàn đến ý tưởng của ê kíp, ca khúc, bối cảnh cũng như sự kỹ lưỡng trong chọn nhân vật xuất hiện trong MV như Vua Bảo Đại, các con của Vua... cũng đủ thấy sự kỳ công và rất có “tâm” của ê kíp thực hiện.“Không thể cùng nhau suốt kiếp” kể câu chuyện tình của Hoàng Đế Bảo Đại (22/10/1913 - 31/7/1997) và Hoàng Hậu Nam Phương (14/12/1914 - 16/9/1963). Từ khi hé lộ teaser, MV đã thu hút nhiều sự quan tâm của khán giả, đặc biệt là tạo hình cổ trang xuất sắc của Hòa Minzy dưới sự hỗ trợ của Ỷ Vân Hiên, một trong những ê kíp nổi tiếng về cổ trang tại Việt Nam. Với tạo hình Nam Phương Hoàng Hậu, Hòa Minzy diện triều phục hay thường phục đều vô cùng đẹp mắt với phục sức bám sát lịch sử. Cảnh quay dù hiện đại nhưng lại hài hòa, mang đến một bối cảnh lịch sử rất mới. Ngoài ra phần nhạc của MV cũng rất thu hút với ca từ da diết như viết riêng cho chuyện tình buồn trong chính sử. MV hiện đang giữ vị trí top 3 thịnh hành Youtube và có khả năng đứng top 1 trong một hai ngày tới. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và ê kíp có tâm, sự trở lại lần này của Hòa Minzy đang nhận được nhiều lời khen ngợi từ người hâm mộ ở nhiều độ tuổi. Trong đó, đích thân Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Phan Thiên Định đã trực tiếp gửi lời cảm ơn đầy cảm xúc và chúc mừng cho sự thành công của nữ ca sĩ cũng như ê kíp khi đã đưa Huế và một phần lịch sử của Huế nói riêng, nước Việt nói chung đến với công chúng trong và ngoài nước.
Đến những giá trị nhân văn
Âm nhạc đã dần khẳng định vị trí không thể thay thế trong đời sống tinh thần của mỗi cá nhân, đồng thời trong một chừng mực nhất định đã vượt thoát ra ngoài chức năng giải trí để có thể đảm nhận được nhiều trọng trách hơn, mới mẻ hơn như: đánh thức tiềm năng du lịch của những vùng đất, con người trên khắp dải đất hình chữ S, và đặc biệt là tái hiện lại lịch sử giúp cho lịch sử từ khô cứng trở nên gần gũi hơn, sống động hơn. Qua mỗi MV ca nhạc dù có thời lượng dài hay ngắn thì những thông điệp của ê kíp sản xuất cũng được khán giả nắm bắt một cách cụ thể. Đó là bối cảnh làng quê Bắc Bộ với những khu chợ nghèo, căn nhà mái lá lụp xụp, ruộng đồng thẳng cánh cò bay trong “Hết thương cạn nhớ”; là miền cực Bắc của Tổ quốc với những phiên chợ vùng cao, những váy áo đủ sắc màu của những chàng trai cô gái Mông đang trong độ tuổi cập kê... dù bị kiềm tỏa bởi những lễ giáo phong kiến, nhưng họ vẫn vươn lên với khát vọng yêu và sống mãnh liệt trong “Để Mị nói cho mà nghe”; “Có yêu nhau thì đừng làm trái tim đau”... đã thực sự chinh phục được những khán giả khó tính. Đó chính là sự thành công khi các nhạc sĩ, ca sĩ đưa văn hóa dân gian vào các sản phẩm âm nhạc của mình. Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh từng khẳng định: “Tôi tin những chất liệu văn học, văn hóa truyền thống đã nằm đâu đó trong mỗi con người Việt, những sáng tạo với những góc nhìn khác của người trẻ được lấy cảm hứng từ những chất liệu ấy sẽ dễ đi vào lòng người”.
Đúng vậy, trong đời sống âm nhạc trẻ những năm gần đây đã xuất hiện rất nhiều những gương mặt nhạc sĩ, ca sĩ trẻ ý thức được trách nhiệm kế thừa truyền thống, để nghe và sáng tác nhạc có sức nặng hơn. Ngoài các ca khúc mang chủ đề tình yêu thì vẫn có những ca khúc “hit” được sáng tác từ chính các bạn trẻ Việt. Có thể kể đến ca khúc “Việt Nam ơi”, được khán giả yêu mến gọi là “bài hát quốc dân”. Bài hát đã khơi niềm tự hào chiến thắng của người dân Việt Nam trên sân cỏ và sau này còn có thêm những phiên bản được sáng tác dựa theo nhạc lý của bài hát để nói về cuộc chiến chống Covid cũng mang sức nặng không kém.
MV thể hiện khát vọng sống, mong muốn cống hiến một phần sức trẻ cho Tổ quốc của thế hệ trẻ là một thực tế không thể phủ nhận và đáng được trân trọng. Nó khiến chúng ta có quyền tin tưởng và kỳ vọng về một sự kế thừa, tiếp nối truyền thống trong âm nhạc trẻ. Theo nhà lý luận, phê bình âm nhạc, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Châu thì: “Âm nhạc dân tộc muốn đứng vững trong đời sống một phần cũng nhờ các bạn trẻ”.
Thực tế, đời sống âm nhạc trẻ hiện nay không phải không có những sản phẩm lệch chuẩn, xa rời Chân - Thiện - Mỹ. Có điểm ra một số “siêu phẩm”, “MV triệu view”... nhưng lại không mang yếu tố nghệ thuật như MV “Như cái lò” với trang phục, cảnh quay nóng bỏng gây chướng mắt; MV “Ô mai chuối” của Sỹ Thanh với những ca từ sốc, trang phục hở nội y khiến cho khán giả cảm thấy bực tức, quay lưng. Mặc dù vậy, những MV được cho là “thảm họa” này vẫn được sản xuất tràn lan với lý do người nghệ sĩ đó có một lực lượng người hâm mộ hùng hậu. Thậm chí có những ca khúc lọt vào top bài hát hay, kèm theo những tương tác tràn lan trên mạng xã hội thể hiện sự yêu thích sản phẩm âm nhạc. Mới thấy, giá trị của tác phẩm âm nhạc trẻ không đo bằng thước đo thẩm định của các nhà nghiên cứu, phê bình mà bằng sức hút của người nghe, người xem qua mạng xã hội.
Quay trở lại với “Không thể cùng nhau suốt kiếp” đang gây bão cộng đồng mạng, mới thấy những sản phẩm âm nhạc được đầu tư kỹ lưỡng, có chất lượng nghệ thuật cao vẫn có chỗ đứng nhất định trong đời sống âm nhạc. Dù còn có những hạt sạn đáng tiếc, nhưng vốn ngọc còn có vết huống hồ một sản phẩm âm nhạc. “Không thể cùng nhau suốt kiếp” cũng không là ngoại lệ, về phục trang như: Họa tiết đôi môi đỏ chót trên bộ váy thường ngày của Hoàng Hậu Nam Phương; gương mặt u buồn của bà chiếm phần lớn những cảnh quay khiến cho MV có phần u uất... Nhưng dẫu là vậy, “Không thể cùng nhau suốt kiếp” vẫn cho chúng ta hy vọng về một tương lai không xa những MV nhuốm màu sử thi sẽ tiếp tục được xuất hiện. Sau mối tình của vua Bảo Đại - Hoàng Hậu Nam Phương, rất có thể sẽ còn có những thiên tình sử đẹp: Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ; Vua Quang Trung và Ngọc Hân Công Chúa, hay tình yêu nam - nữ trong cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc... Với dòng chảy của thời gian và sức trẻ, thị trường âm nhạc Việt Nam sẽ ngày càng phát triển, có sự kế thừa những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. Và chỉ cần chúng ta có những định hướng đúng thì âm nhạc sẽ làm được nhiều hơn chứ không chỉ đơn thuần là chức năng giải trí.
Để kết thúc bài viết, xin được đưa ra ý kiến của bà Nguyễn Thị Minh Châu, về công tác phê bình âm nhạc, góp phần định hướng cho sáng tác trẻ hiện nay: Người làm âm nhạc vốn đang thiếu diễn đàn và chỉ có số lượng bạn đọc quá hạn hẹp, nên sự chia sẻ, kết nối, tương tác giữa những người hoạt động âm nhạc với nhau hay giữa giới làm nhạc với giới yêu nhạc còn rất hạn chế. Và không phải nhà lý luận âm nhạc nào cũng tận dụng được những ưu việt của công nghệ tin học. Do đó, không thể hạn chế nhiễu loạn thông tin dẫn đến loạn chuẩn mực, cơ hội đạo nhạc và đạo văn trong âm nhạc càng dễ dàng nên hiện tượng vi phạm bản quyền gia tăng, tốc độ tin cậy về tính bảo mật thông tin suy giảm, tính tự phát và khó kiểm soát tăng thêm nguy cơ phát triển lệch lạc, mất cân đối. Do đó, cần phải có định hướng đúng đắn và kịp thời cho những người trẻ hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc.
TRÚC GIANG
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...