Khán giả phim Việt “có vấn đề tâm lý”?
VNTN - Sau cả mùa phim Tết ngủ yên do dịch bệnh, hai phim Việt ra rạp là “Bố già” và “Gái già lắm chiêu V: Những cuộc đời vương giả” vào đầu tháng 3/2021 đã và đang khuynh loát các rạp trong toàn quốc với doanh thu nằm trong top 5 các phim chiếu, đặc biệt phim “Bố già” đang chạm vào mốc 300 tỉ gây hiệu ứng trong cộng đồng,… và một phát ngôn của nhà sản xuất phim “Bố già” cũng đang gây “sốt” và phẫn nộ trong khán giả…
Có lẽ chưa khi nào mà phim Việt ra rạp trong vòng 10 năm trở lại đây lại gây một hiệu ứng đặc biệt trong cộng đồng như với phim “Bố già” của Trấn Thành và Vũ Ngọc Đãng. Được biết, sau 6 giờ công chiếu, “Bố già” đã thu về 10,2 tỷ đồng, trở thành phim điện ảnh Việt có doanh thu suất chiếu sớm cao nhất, sau 18 giờ đã có 1.200 suất chiếu trên toàn quốc, và liên tiếp lập kỷ lục 1 ngày doanh thu trên 30 tỉ, 100 tỉ trong 4 ngày đầu ra rạp, đạt 200 tỉ sau 9 ngày, và tính tới ngày 16/3 thì doanh thu lên 232 tỉ đồng theo thống kê của hệ thống Box Office Vietnam.
Tiếp theo là phim “Gái già lắm chiêu V: Những cuộc đời vương giả” của Bảo Nhân và Nam Cito nằm trong “vũ trụ”. “Gái già” dù không “nóng” bằng nhưng cũng tạo doanh thu vượt trội so với các phim cùng ra rạp tháng 3, đứng hàng thứ hai trong top 5 sau phim “Bố già”.
Phải chăng hai phim này chất lượng cao, là tín hiệu điện ảnh Việt đang tiến xa, vươn tới tầm điện ảnh các nước trong khu vực châu Á và các nền điện ảnh lớn của thế giới? Nên khán giả ùn ùn kéo nhau kín rạp, kín các suất chiếu từ sáng sớm đến tối khuya.
1. Có vấn đề tâm lý hay sống hời hợt?
“… người Việt đang có vấn đề tâm lý” và không muốn mình là “sống hời hợt” nên kéo nhau đi xem phim để có thể qua phim mà nhận chân giá trị của bản thân?
Đặt ra câu hỏi này là vì trong một phỏng vấn của nhà sản xuất phim “Bố già” là MC Trấn Thành với tờ Ngôi sao ngày 15/3: “Bộ phim của tôi càng thành công thì chứng tỏ người Việt có vấn đề về tâm lý càng lớn. Người đi xem càng đông thì càng nhiều người có vấn đề về tâm lý nên mới tìm thấy sự đồng cảm….” - Với cụm từ “người Việt có vấn đề về tâm lý” đang gây “bão” trong cộng đồng khán giả xem phim, trước đó, ca sĩ Hồ Ngọc Hà cũng đã đăng tải bài review về phim “Bố già”, cũng làm nhiều người tỏ ra không hài lòng vì dòng chữ "ai không đi xem là sống hời hợt".
Những phát ngôn này đang được xem là thiếu trân trọng khán giả xem phim, thậm chí còn ám chỉ khán giả xem phim có vấn đề tâm lý - có nghĩa là không bình thường,… Đã có nhà báo lão thành cho rằng, theo phát ngôn của MC Trấn Thành thì phim “Bố già” là một cú lừa, ai đi xem phim là “có vấn đề về tâm lý”, giống như mình khùng mình mới đi xem phim.
Vậy phim như thế nào, có thật là hay không? Phim “Bố già” của MC Trấn Thành sản xuất và vào vai chính (chưa nói đến việc lấy tên một phim nổi tiếng của Hollywood dựa vào tác phẩm văn học cũng nổi tiếng của Mỹ như một kiểu ăn theo), dựa trên web drama (phim chiếu mạng) hài tâm lý ăn khách cùng tên được ra mắt vào đầu năm 2020 của Trấn Thành đã thu hút cả triệu lượt xem. Phim kể về gia đình ông Ba Sang (Trấn Thành), ông sống trong xóm lao động nghèo, một thân một mình nuôi hai đứa con một trai một gái: Quắn - con ruột và Bù Tọt - con nuôi. Ba Sang có tính hay lo chuyện bao đồng, thường giúp đỡ hàng xóm kể cả những người khinh ghét ông nên không ít lần tự tạo phiền phức cho bản thân và gây mâu thuẫn cha con… Qua những hiểu lầm giữa cha con, rồi tình yêu thương con của người cha phải trải qua thử thách nghiệt ngã mà dần dần họ hiểu nhau, xích lại nhau và kết phim là một cuộc đoàn viên ấm áp tình cảm gia đình.
Về nội dung phim, chuyện khoảng cách giữa các thế hệ trong gia đình là chủ đề quá cũ, đã có nhiều phim của truyền hình Việt Nam khai thác và chiếu rất nhiều trên các kênh truyền hình, “Bố già” có khác là phim điện ảnh, nhưng cũng không có gì mới vì phim điện ảnh của khu vực châu Á cũng rất nhiều phim đề tài này. Dĩ nhiên câu chuyện gia đình, dưới diễn xuất nhập vai của diễn viên, thì câu chuyện trở nên cảm xúc hơn, nhất là khi rất nhiều giá trị gia đình truyền thống đang bị các trào lưu văn hóa ngoại xâm nhập làm mai một, bào mòn…, khán giả xem phim có thể thấy gần gũi với hiện thực… Phần khác, sau một thời gian khá dài do dịch bệnh, phim Việt ra rạp đã “mất mùa” Tết, và thêm nữa muốn ủng hộ phim Việt, nên khán giả ùn ùn kéo đi xem.
Nhưng xét mặt khác, phim có thật đã phản ánh đúng hiện thực không? Khi bối cảnh là một khu phố trung tâm thành phố Hồ Chí Minh của thời hiện tại, mà quanh năm nước ngập lõm bõm, dân cư cứ ngập chìm trong cái vũng nước đó để rồi sống một cách khổ sở…, không ai nghĩ cần phải làm gì thay đổi cho khu phố mình sống xanh - sạch - đẹp hơn. Rồi những câu triết lý của Ba Sang gần như lấy từ trên facebook cá nhân của Trấn Thành khiến nó khiên cưỡng và cũng rất lên mặt dạy dỗ… Còn đứng về mặt “nghề” thì giới chuyên môn đều nhận xét đây là một phim nằm chênh vênh giữa các ranh giới: sân khấu - phim truyền hình - phim điện ảnh, rất nhiều scene giống như kịch trên sân khấu, nhiều scene copy thủ pháp từ web drama cùng tên, thoại quá nhiều, quá dài, kịch bản còn lỏng lẻo, dấu ấn của phim điện ảnh rất nhạt…
Với phim như vậy, có đáng đi xem để bị chính nhà sản xuất cho rằng xem phim của mình “càng đông thì càng nhiều người có vấn đề về tâm lý nên mới tìm thấy sự đồng cảm…”? Hay đây là một thói kiêu ngạo kém văn hóa trong ứng xử của MC Trần Thành, vốn đã gặp nhiều lần tai tiếng về kém văn minh trong khi làm MC ở các gameshow?
2. Khi phim trăm tỉ chỉ “mua vui vài trống canh”
Trái ngược với bối cảnh xóm trọ nghèo trong “Bố già”,“Gái già lắm chiều V: Những cuộc đời vương giả” mang đến hình ảnh một cuộc sống xa hoa giàu sang, đầy vật phẩm xa xỉ tại kinh thành cổ Huế. Trong nhung gấm hào nhoáng lộng lẫy đó là cuộc chiến gia tộc giành di sản, những âm mưu thủ đoạn lừa dối người thân, lừa dối cả cộng đồng, cùng sự mâu thuẫn của các thành viên trong gia đình sẵn sàng triệt hạ nhau không tình thân… Theo như nhà sản xuất, họ muốn tạo dựng một “vũ trụ” phim về cuộc sống vương giả giàu sang phú quý của một bộ phận giới đại gia, và không tiếc việc đầu tư để dựng các bối cảnh sang trọng với những vật phẩm “hàng thật”, như với phim này chi 46 tỉ - gần 2 triệu USD, ví dụ với bối cảnh Bạch Trà viên đã mua 2 tỉ đồng hoa màu trắng về trồng trong vườn, hay bỏ tiền thuê cả cung An Định - Huế….
Phim làm chỉ để khoe sang giàu, nhưng ngoài những xa hoa xa xỉ, thì toàn những chuyện xấu trong gia tộc, hay cách cạnh khóe châm chọc, ganh ghét nhau, thậm chí tìm cách lừa đảo trong kinh doanh, dối trá trong tình yêu, hay những thủ đoạn chiếm đoạt gia tài mà ruột thịt tương tàn, người trẻ thay vì sống nhân nghĩa thì cũng toa rập những âm mưu của người lớn, rồi những màn lừa dối thật - giả … Vậy sau cùng làm phim này nhằm giáo dục chân - thiện - mỹ gì khi xem người giàu “xấu xí” đầy những khuyết tật từ tâm hồn đến ứng xử nhân thế và một cuộc sống vật chất hưởng thụ?
Cũng từ đây, nhìn lại các phim Việt trăm tỉ trong vòng gần 10 năm trở lại đây, thấy rõ ràng phim giải trí thị trường chiếm gần hết. Trước phim “Bố già”, thì có phim “Cua lại vợ bầu” đoạt doanh thu 191,8 tỉ, nắm giữ kỷ lục trong 2 năm 2019 - 2020, riêng năm 2020 thì phim điện ảnh Việt xem như đóng băng vì dịch bệnh, sau “Gái già lắm chiêu 3” đoạt doanh thu 165 tỉ, “Chị 13: 3 ngày sinh tử” cán mốc doanh thu 100 tỷ trong mùa phim Tết, thì mãi tới gần cuối năm 2020 mới có thêm phim “Tiệc trăng máu” doanh thu 175 tỉ. Trước đó nữa cũng có một số phim ăn khách đạt doanh thu trăm tỉ “Để mai tính 2” (2014) - 101,3 tỉ, “Em là bà nội của anh” (2015) - 102 tỉ, “Em chưa 18” (2017) - 171 tỉ, “Siêu sao siêu ngố” (2018) - 109 tỉ đồng, “Trạng Quỳnh” (2019) - 100 tỉ, “Lật mặt 4: Nhà có khách” (2019) - 120 tỉ, “Mắt biếc” (2019) - 180 tỉ, “Hai Phượng” (2019) đạt doanh thu 200 tỷ đồng nhưng là tổng doanh thu ở cả thị trường trong nước lẫn quốc tế, riêng ở Việt Nam là 160 tỉ.
Không tính năm 2020 vì dịch bệnh, số phim ra rạp chưa tới 10 phim nên ảnh hưởng doanh thu, thì ngay cả lúc “thịnh” nhất như những năm 2018 - 2019 hơn 40 phim ra rạp trong năm, thì phim doanh thu trăm tỉ cũng không hơn 5 phim, và trong số phim trăm tỉ đó thì phim nghệ thuật cực kỳ hiếm, chỉ vài phim trong ranh giới giữa nghệ thuật và thị trường chứ không phải thuần nghệ thuật, còn lại toàn phim thị trường mang tính giải trí cao. Vậy thì nền điện ảnh Việt Nam có thể xem là phát triển không? Khi ngay cả phim giải trí thị trường cũng không có nhiều phim trăm tỉ? Và giá trị chân - thiện - mỹ, giá trị cuộc sống ý nghĩa của phim là gì khi phim “mua vui vài trống canh”?
Tháng Tư này, theo lịch dự kiến là cuộc đổ bộ ồ ạt 13 phim Việt ra rạp gồm: “Song song” và “Người lắng nghe” (2.4); “Vô diện sát nhân” (9.4); “Lật mặt: 48h”, “Kiều”, “Bẫy ngọt ngào” (16.4); “Rừng thế mạng”, “Dân chơi không sợ con rơi” (21.4); “Chìa khóa trăm tỉ” (23.4). Đáng nói cuối tháng 4, có tới 4 phim ra rạp cùng ngày là:“Bóng đè”, “1990”, “Thiên thần hộ mệnh” và “Trạng Tí phiêu lưu ký” (30.4). Chưa tính một dự án phim khác cũng định ra rạp vào tháng Tư nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn 1/4/2021 là “Em và Trịnh”.
Và trong số danh mục phim này, không biết có phim nào trăm tỉ hay vượt kỷ lục “Bố già” khi phần lớn là phim mang tính giải trí thị trường? Có phim nào mà khán giả xem phim là “có vấn đề tâm lý”?
Hoài Hương
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...