Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
10:50 (GMT +7)

Khắc phục hạn chế để nâng cao chất lượng hoạt động

HƯỚNG TỚI ĐẠI HỘI VII HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TỈNH

Hơn 30 năm sau khi được thành lập (1987) và trải qua 6 nhiệm kỳ đại hội, Chi hội Mỹ thuật đã phát triển khá lớn mạnh và có nhiều biến chuyển. Số hội viên được kết nạp tăng lên đáng kể, từ một vài hội viên ban đầu nay đã có trên 30 người. Hiện nay, có nhiều hoạ sĩ trẻ đã phát huy tốt năng lực và khẳng định được mình như: Dương Văn Chung, Hoàng Minh Đức, Trịnh Việt Hà, Trần Quang Tú... Được như vậy là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của các ban ngành chức năng trong tỉnh và lãnh đạo Hội VHNT tỉnh qua các thời kỳ. Đặc biệt phải kể đến các thế hệ Chi hội trưởng qua các thời kỳ như Dương Thị Nội, Trần Tuấn Vinh, Đặng Cử…, những người luôn gần gũi với anh em hội viên và có công trong việc xây dựng tổ chức chi hội, bồi dưỡng, truyền cho thế hệ hoạ sĩ hôm nay bầu nhiệt huyết sáng tạo.

 

Song dường như các nhiệm kỳ vừa qua Chi hội Mỹ thuật vẫn còn những hạn chế nhất định về chất lượng tác phẩm, số hội viên tham gia triển lãm không đồng đều, vẫn tập trung vào những cái tên quen thuộc. Có lẽ do nhiều nguyên nhân, cơ bản vẫn là khách quan. Các họa sĩ số đông đều làm ở cơ quan nhà nước, nhiều hoạt động đều thực hiện mang tính chất tự phát - tự giác, thiếu bài bản chuyên nghiệp. Cơ chế chính sách còn eo hẹp chưa kịp thời, chưa đủ khích lệ họa sĩ sáng tác. Ngoài ra, công tác truyền thông còn hạn chế, các thông tin, thông báo chưa kịp thời. Cũng phải kể đến việc quy chế kết nạp hội viên cũng chỉ chú ý về số lượng mà chưa đề cao chất lượng. Nhiều hội viên sau khi được kết nạp hàng chục năm cũng chỉ có một hai tác phẩm tham dự triển lãm hoặc dự được một hai cuộc sau đó không tham gia nữa như họa sĩ Ma Văn Hùng (Phú Lương), Phạm Trung Thành (TPTN). Hoặc có nhiều hoạ sĩ bỏ lửng không tham gia triển lãm nhóm mà chỉ làm triển lãm cá nhân như hoạ sĩ Hắc Long, Nguyệt Nga.

Quả thật, việc làm thế nào để nâng cao chất lượng hoạt động mỹ thuật nói riêng cũng như một số chuyên ngành nghệ thuật khác trong tỉnh nói chung là một câu hỏi khó trả lời chính xác. Thiết nghĩ, các họa sĩ và các ban ngành chức năng cần có sự đổi mới hơn nữa về quan điểm nhận thức, xác định rõ quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết số 23 - NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X): “…Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”…

Cá nhân tôi xin đưa ra một số đề xuất với lãnh đạo Tỉnh ủy và Hội VHNT tỉnh như sau: Thực hiện điều chỉnh Điều lệ Hội cho phù hợp với bối cảnh hiện nay. Rà soát lại danh sách hội viên, nếu hội viên quá lâu không tham gia công tác Hội, không còn nhu cầu là hội viên thì nên thông báo xóa tên. Đối với các ngành chức năng nên sớm có kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, nghệ thuật; trung tâm triển lãm nghệ thuật có chất lượng cao, tầm cỡ lớn, tính chất hiện đại nhằm công bố, giới thiệu, quảng bá các tác phẩm nghệ thuật có chất lượng tốt, định hướng thẩm mỹ cho công chúng. Việc cần làm ngay là: Xây dựng Bảo tàng - Nhà triển lãm Việt Bắc để giới thiệu những tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh hay kiến trúc trong khu Việt Bắc - Tây Bắc từ trước tới nay. Đồng thời, xây dựng cơ chế và phòng chức năng lưu giữ - bảo tồn - xuất bản các tác phẩm mỹ thuật đạt giải thưởng của tỉnh, khu vực và giải thưởng quốc tế (nếu có).

Bên cạnh đó, cũng cần tiếp tục xây dựng và đổi mới cơ chế, chính sách, chế tài điều chỉnh việc Nhà nước đặt hàng mua tác phẩm, tổ chức xuất bản, triển lãm, tặng giải thưởng/ đầu tư các tác phẩm mỹ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Việc hỗ trợ bồi dưỡng lý luận VHNT cho các họa sĩ cũng cần thiết. Cần tạo điều kiện và tổ chức học tập, nghiên cứu chuyên đề, trại sáng tác tập trung cho các họa sĩ đăng ký đề tài có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Điều này vừa có tác dụng định hướng, vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa - tinh thần ngày càng cao của nhân dân. Cụ thể là: đề tài bám sát thực tiễn của đất nước, gắn bó với cuộc sống của nhân dân, bảo vệ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại; lên án, phê phán không khoan nhượng những tiêu cực, xấu xa đang cản trở sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam...

Hy vọng với sự quan tâm của các ban ngành chức năng và sự nỗ lực, nhiệt huyết của các văn nghệ sĩ thì trong một ngày không xa Thái Nguyên sẽ khẳng định là một trung tâm lớn về văn hóa nghệ thuật của cả nước, thu hút được sự quan tâm của đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Họa sĩ Nguyễn Gia Bảy (Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đại hội có nhiều đổi mới

Các kỳ Đại hội 4 năm trước

Những dấu ấn nhiệm kỳ

Các kỳ Đại hội 4 năm trước

Nơi đưa văn chương của tôi đi xa hơn

Các kỳ Đại hội 4 năm trước

Nơi chắp cánh khát vọng sáng tạo

Các kỳ Đại hội 4 năm trước