Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
15:40 (GMT +7)

Hy vọng nẩy sinh từ tuyệt vọng (kỳ 1)

LND: Vừa qua, tôi được Hội Nhà văn cử tham dự “Diễn đàn văn học Trung Quốc và các nước sông Mekong” tháng 5/2017 tại thành phố Nam Ninh, Trung Quốc. Tại đây tôi đã gặp nhà văn Thiết Ngưng. 

Bà nói, rất mừng vì tôi cũng sang tham dự. Nhớ khi bà sang thăm Hà Nội, tôi đã có dịp gặp gỡ trao đổi và viết một bài phỏng vấn bà. Bà nói vẫn giữ ấn tượng tốt đẹp về cuộc viếng thăm đó. Kết thúc diễn đàn, bà tặng tôi một cuốn sách mới in năm 2016 với lời đề tặng thân thiết. Cuốn sách mang tựa đề “Dùng đôi mắt đẫm lệ làm tai”. Tôi xin dịch một bài viết trong tập sách, bài “Hy vọng nẩy sinh từ tuyệt vọng” để giới thiệu với bạn đọc. Đây là bài ghi lại cuộc trò chuyện kéo dài trong 6 giờ khi bà đến thăm và làm khách của nhà văn nổi tiếng người Nhật, ông Oe Kenzaburo, người đoạt giải Nobel văn học năm 1994.

Ông Oe Kenzaburo sinh năm 1935, theo học chuyên ngành văn học Pháp ở Đại học Tokyo, viết luận văn tốt nghiệp về tác phẩm của Jean-Paul Sartre. Năm 1960 ông cùng đoàn nhà văn Nhật Bản thăm Trung Quốc. Năm 1961 là thành viên Hội đồng của Đại hội các nhà văn Á-Phi tổ chức ở Tokyo, nhưng sau đó xin từ chức để phản đối Trung Quốc thử vũ khí hạt nhân. 

Ngày 2-2-2010 nhân khi Thiết Ngưng sang Nhật dự Diễn đàn văn học Đông Á Nhật - Trung - Hàn lần thứ hai, Oe Kenzaburo đã mời bà đến thăm tư gia. Phiên dịch  tiếng Nhật là Hứa Kim Long. Do giới hạn về việc in ấn nên tôi xin phép lược đi một số đoạn, theo tôi không ảnh hưởng gì đến nội dung chính.

Nhà văn Thiết Ngưng                                               Nhà văn Oe Kenzaburo

Oe Kenzaburo (OK): Ở Nhật hiện có hai học giả họ Takeuchi, một người gọi là Takeuchi Thật và một gọi là Takeuchi Tốt. Ông Tốt viết về Lỗ Tấn là hay nhất. Ông ấy mất vào những năm 70 của thế kỉ trước. Tôi có đi dự lễ tang ông này. Trong lúc tang lễ, có một người đột ngột ngã xuống, rồi chết. Người ấy là Masuda. (Một nhà nghiên cứu về Lỗ Tấn, dịch Lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc sang tiếng nhật- ND)

Thiết Ngưng (TN): Khi chuẩn bị tang lễ cho Takeuchi Tốt, ông cũng có mặt ở đó?

OK: Có. Lớp những nhà văn ấy đều sinh trước hoặc sau năm 1910, đều đã trên dưới 70 rồi. Đương nhiên ông Masuda rất kính trọng Lỗ Tấn. Nếu ông ấy được nhìn thấy những lễ phẩm này thì hay biết mấy!

Chà, thật đẹp! Quá là đẹp!

TN: Đây là những thư tín viết bằng tiếng Nhật của Lỗ Tấn. Thư viết cho ông Takeuchi Tốt.

OK: Đây là bộ sách tốt nhất mà tôi nhận được trong vòng 5 năm nay.

TN: Đúng vậy ư? Thế thì tôi cảm thấy rất vui, rất vinh hạnh.

OK: Tôi còn phải cảm ơn chị đã tặng tôi bộ sách 5 cuốn do đích thân Lỗ Tấn dịch. Hiện nay tôi đang đọc từng điểm, từng điểm một, lại học tiếp.

TN: Bộ sách ấy tôi nhờ ông Hứa Kim Long chuyển cho tiên sinh. Đó là bộ sách do Lỗ Tấn dịch. Nhưng tôi nghĩ bộ sách này quí hơn, vì đối với nhà văn Oe Kenzaburo thì tiện lợi hơn, gần gũi hơn.

OK: Đây là cuốn sách thuộc loại có một không hai, rất rất tốt.

TN: Cuốn sách này in vào năm 1997… để tôi coi lại, đúng là in vào năm 1997, chỉ in có 200 cuốn, in theo phương pháp truyền thống.

OK: Tôi rất rất thích đấy.

TN: Tôi còn một món quà nữa gửi biếu Oe tiên sinh. Cái này cũng có liên quan đến tiên sinh Lỗ Tấn, đó là loại giấy mà tiên sinh Lỗ Tấn vẫn dùng để viết thư. Trên đầu trang giấy viết thư của tiên sinh Lỗ Tấn đều có in hoa và tranh.

Phu nhân nhà văn Oe Kenzaburo: Làm sao có thể viết chữ lên tờ giấy đẹp như thế này.

TN: Loại giấy này có thể giữ làm kỉ niệm, nó được in ra bằng phương pháp in nước cổ truyền của Trung Quốc, được làm rất kĩ lưỡng. Còn đây là sách của tôi. Tôi đem sang đây hai cuốn, được xuất bản ở Hương Cảng và Xingapo, đều bằng Trung văn, là hai tập truyện ngắn và truyện vừa. Còn đây là tập tiểu thuyết xuất bản bằng tiếng Anh, ở bìa lót tôi có viết: “Kính tặng nhà văn Oe Kenzaburo mà tôi vô cùng quí mến”.

OK: Tiểu thuyết “Vĩnh viễn lâu bao lâu”! Thật là một tiêu đề quá hay!

TN: Nhưng tôi nghe những người bạn thông thạo tiếng Anh nói, cuốn này dịch không được tốt lắm.

OK: Tôi nhớ, từ rất sớm, lúc tôi mười lăm mười sáu tuổi, có thể mười bẩy tuổi, tôi đã suy ngẫm về một vấn đề rất lớn của triết học, đấy là vĩnh viễn lâu bao lâu.

TN: Thật vậy sao? Điều đó làm tôi phải giật mình. Tiên sinh đã ngẫm nghĩ nó vào lúc tuổi thiếu niên, còn tôi đến tận cuối thế kỉ, cuối thế kỉ 20 mới nghĩ đến vấn đề này. Vào năm 1999.

OK: Thuở đó tôi đã nghĩ đến hai vấn đề. Một là cái chết của cá nhân. Vấn đề cái chết, nhưng tôi không nói về nó. Vấn đề thứ hai là sau khi tôi chết, thì cái gọi là vĩnh viễn sẽ lâu được bao lâu? Sự vĩnh viễn về mặt thời gian làm cho người ta sợ hãi. Mà không gian thì vô hạn. Vũ trụ là vô hạn. Ngoài sự vĩnh viễn của thời gian còn có vĩnh viễn về không gian, vĩnh viễn có tính vật lí, vũ trụ sâu thẳm vô cùng. Con người mỗi khi nghĩ đến vấn đề đó đều rất nhức đầu.

TN: Tiên sinh nói đến vấn đề vĩnh viễn về mặt thời gian. Tôi luôn đem theo bên mình một cuốn sổ ghi chép. Khi đọc sách tôi rất thích ghi chép. Đây là đoạn tôi ghi lại từ tiểu thuyết “Nàng Annabel Lee chết yểu trong giá buốt” của tiên sinh ở trang 176: “Lúc ấy tôi có cảm giác dường như mình mãi mãi chỉ làm một động tác điều chỉnh ống kính, vào chính cái thời điểm mà tôi làm việc đó, tôi đã tạo ra một thứ thời gian vĩnh viễn.”. Đọc đến đoạn đó, tôi thấy trái tim mình chấn động, vì thế tôi đã ghi lại.

Bởi vì đây là vấn đề rất thách thức, bởi vì nó làm cho người ta bị mê cảm, cũng làm cho người ta cảm thấy không đủ kiên nhẫn, nhưng đồng thời cũng có hi vọng, đó cũng chính là cái “vĩnh viễn lâu bao lâu” của tôi. Bởi vì tôi cảm thấy thời gian rất mạnh mẽ, còn con người sao mà nhỏ bé. Tiên sinh cũng có hai câu thơ mà giờ tôi vẫn nhớ, cũng có quan hệ đến thời gian và sự vĩnh viễn: “Tôi chả có cách gì sống lại một lần nữa/ Nhưng chúng ta có thể sống mới thêm một lần”. “Không có cách gì” và “có thể”… Tôi nghĩ rằng “có thể” là thái độ tích cực đối với cuộc sống. Vì thế khi đọc nhà văn Oe Kenzaburo ta thấy tác phẩm của ông luôn hàm chứa hy vọng, dù rằng có lúc rất thấu lạnh.

OK: Chị có thể đọc ra như vậy, tôi rất lấy làm vui. Daito sống trong một căn phòng kề bên căn phòng của tôi, ngày nào tôi cũng đều phải quấn lại chăn cho nó. Ngày nào cũng vào giờ ấy. Chuyện đã kéo dài hơn 40 năm nay. Con tôi cứ hơn 11 giờ đêm là dậy đi ra phòng vệ sinh, rồi đi ngủ tiếp. Vào giờ ấy tôi lại đi dém chăn, đắp khăn lên ngực cho nó. Đó là việc làm trong chốc lát, nhưng tôi đã làm hơn 40 năm, cái khoảnh khắc đó đối với tôi là vĩnh viễn. Trong cái khoảnh khắc đó có sự vĩnh viễn. Chị đã phát hiện ra cái khoảnh khắc ấy, tôi cảm thấy vô cùng sung sướng.

Những vật kỉ niệm tôi có rất nhiều, nhưng không biết chọn gì tặng chị. Hôm qua tôi đã nghĩ, có một vật để tặng chị thì rất hợp. Hôm qua tôi nhớ đến hai nhà văn nữ được tặng giải thưởng văn học Nôben, đều là bạn thân của tôi. Một là nhà văn Nam Phi Nadine 'Gordimer, tôi gặp ở Stockhom, Thụy Điển. Bà ấy rất thích rượu mạnh Mao Đài, bèn bí mật đến một cửa hàng riêng, mua liền 6 chai, để tránh bị mang tiếng nghiện, nhưng chẳng may lại gặp tôi ở đó. Bà nói với một người bạn rằng: “Ông người Nhật này rất thích loại rượu đó. Tôi nói với ông ta, uống rượu nhiều không tốt đối với sức khỏe, không nên mua nhiều. Ông người Nhật này định mua 500 chai, nhưng tôi gàn, chỉ nên mua 6 chai. Để làm gương cho ông ấy, tôi bèn mua 6 chai.”.

Một người bạn gái nữa, tôi quen ở Princeton University, thường cùng ăn cơm với nhau. Bà là nhà văn Toni Morrison, đoạt giải Nôben năm 1993. Tôi rất thích tác phẩm của bà ấy. Toni Morrison có một Ủy ban hỗ trợ các nhà văn lưu vong do Wole Soyinka sáng lập. Mỗi nhà văn đoạt giải Nôben đều phải gửi một tác phẩm có kí tên của mình cho Hội đồng, Wole Soyinka cùng kí tên lên. Tôi cũng gửi một cuốn sách có kí tên mình. Đồng thời tôi cũng mua một cuốn sách của bà, có bà kí tên. Tất nhiên không phải là một cuốn sách xuất sắc như sách của Lỗ Tấn. Tôi muốn tặng chị cuốn sách đó, chị nghĩ sao?

TN: Quá bất ngờ đối với tôi.

OK: Cuốn sách này bà ấy đích thân kí tên.

TN: Toni Morrison có một cuốn tiểu thuyết rất nổi tiếng, cuốn “Quá yêu”.

OK: Cuốn sách này là một tập thơ tiếng Anh.

TN: Nhưng đây là sách Toni Morrison tặng tiên sinh Oe Kenzaburo?

OK: Không, đây là cuốn sách tôi mua. Ở Hội sách mọi người đều phải mua, giá cực cao, đó là cách góp tiền ủng hộ các nhà văn lưu vong. Toni Morrison mời mọi người mua sách của bà. Tôi mua sách với tư cách một người đọc bình thường. Toni nói, Kenzaburo không phải mua, tôi sẽ tặng ông mà. Tôi bảo không, tôi phải mua cuốn sách này như một người đọc bình thường.

TN: Thật ư, vào năm nào vậy?

OK: Ở đại học Princeton. Đâu như vào năm 1998, không, không phải, vào năm 2001. Bây giờ tôi xin tặng chị.

TN: Đối với tôi, đây là tặng phẩm rất bất ngờ. Tôi có một thỉnh cầu hơi quá, xin tiên sinh kí tên dưới tên Toni Morrison. Như vậy tôi sẽ được cuốn sách có hai nhà văn đoạt giải Nôben kí tên.

OK: Chữ chị viết rất đẹp, tôi có chút ngại ngần kí tên vào đây. Tôi có một bài thơ nhỏ, tôi có thể đề lên đây chăng?

… Tôi bình quân cứ năm năm viết một bài thơ. Hôm nay vì Thiết Ngưng tiên sinh, tôi xin ứng tác một bài thơ, chép vào tập thơ của Toni Morrison để tặng tiên sinh.

(Oe Kenzaburo vừa ngâm vừa chép lên trang bìa lót của tập thơ)

“Thanh âm” của Princeton và Bắc Kinh - Tặng nữ sĩ Thiết Ngưng

Đã từng dùng cơm cùng nữ sĩ đồng liêu

Ở Princeton

Toni Morrison nhìn đôi tai tôi

Nói:

Sau khi tôi bắt đầu viết một cuốn tiểu thuyết

Viết rất khó nhọc

Đang lúc tôi vật vã suy tư

Thì vào một buổi sáng, lại vào một buổi tối

Ở phía sau tai tôi

Bộ tiểu thuyết phát ra “tiếng nói”

Sau đó, tiểu thuyết của tôi ra đời.

Kenzaburo, ở phía sau đôi tai to của anh

Có thường xuyên nghe được “thanh âm” đó không?

Đúng là như vậy! Rồi tôi và Toni Morrison nắm chặt tay nhau

Tôi luôn cho rằng

Thiết Ngưng nữ sĩ, một buổi sáng nào đó và sau đó một đêm thâu nào đó

Từ phía sau đôi tai xinh đẹp của mình

Chị sẽ nghe thấy “thanh âm” như thế.

Oe Kenzaburo

Ngày 2 tháng 2 năm 2010

OK: Morrison nói với tôi, khi viết vào ban đêm, nếu bên tai bà vang lên một âm thanh, rồi cứ noi theo đó mà viết, tác phẩm sẽ thành công. Bà hỏi tôi, có khi nào thể nghiệm như vậy không? Tôi bảo, tôi cũng có thể nghiệm như thế. Thiết Ngưng tiên sinh, nếu vào một đêm nào đấy tiên sinh nghe thấy âm thanh đó bên tai, thì chắc chắn tiên sinh sẽ viết ra một tác phẩm ưu tú.

TN: Mong muốn thành kính để “thanh âm” của tiểu thuyết đến với mình là nguyện vọng của tất cả những nhà tiểu thuyết đích thực. Điều đó cần phải chuyên chú, mẫn tiệp, cần cù và có sự đồng cảm với quảng đại nhân quần, nhưng cũng luôn đi cùng thất bại. Tôi hy vọng mình có thể viết ra những cuốn tiểu thuyết ưu tú. Thơ của tiên sinh làm tôi xúc động tận đáy lòng, khiến tôi khó có thể dùng ngôn từ nào diễn đạt nổi.

OK: Ở các thành thị ở Trung Quốc hiện nay, có nhiều phụ nữ dám dũng cảm phát biểu ý kiến của mình về cuộc sống hiện nay không?

TN: Câu hỏi của tiên sinh khiến tôi nhớ tới một chương trình truyền hình tuyển chọn ca sĩ của một đài truyền hình ở phía nam Trung Quốc. Có một nữ thí sinh đến từ một thị trấn nhỏ ở Đông Bắc, tuổi hơn 60, đĩnh đạc lên sàn diễn. Giọng của bà khá tốt, hát bài hát theo điệu cổ truyền dân tộc rất chuẩn, khán giả vỗ tay nhiệt liệt. Khi người dẫn chương trình hỏi, người trong gia đình có đồng ý để bà đi thi hát không, bà đáp chồng và con gái không đồng ý, cho rằng bà đã già rồi, nên ở nhà chăm sóc gia đình. Hiện bà đã rời khỏi gia đình ở Đông Bắc xuống phương Nam, thuê một căn hộ nhỏ ở, để học nghề hát. Người nhà rất không chấp nhận. Người xem cũng chia làm hai phái, ủng hộ và phản đối.

OK: Chuyện thật có ý nghĩa. Bà ta giải thích lí do của mình như thế nào?

TN: Bà ta nói, tôi không phải là người không quan tâm đến gia đình. Hơn 30 năm nay, tôi chăm sóc chồng, con gái, cháu trai, hi sinh sở thích của mình. Hiện nay chồng tôi khỏe mạnh, con gái có công việc ổn định, cháu trai đã 12 tuổi rồi, tôi nghĩ tôi có thể dùng thời gian cho bản thân mình rồi. Ca hát là sở thích lớn nhất của đời tôi, mơ có một ngày nào đó được bước lên sân khấu biểu diễn. Tiên sinh Oe Kenzaburo và phu nhân, nếu các vị có mặt ở đó, các vị ủng hộ hay phản đối.

OK: Tôi ủng hộ. Tôi không nghĩ rằng bà ấy phải chịu giam hãm.

Phu nhân Oe Kezaburo: Tôi cũng ủng hộ người phụ nữ này. Cần phải tôn trọng sở thích của bà ấy.

TN: Sau đó bà ấy nói với người dẫn chương trình, người duy nhất trong gia đình ủng hộ bà là đứa cháu 12 tuổi. Bà ngoại đã nuôi cháu lớn. Cháu hiểu bà ngoại có quyền được theo đuổi mơ ước của mình. Tuy chỉ là tiết mục tuyển chọn của một người bình thường, nhưng tôi nhớ người phụ nữ này.

OK: Những người phản đối bà ấy là vì bà ấy đã làm ngược lại “qui phạm” lâu nay.

TN: Có những “qui phạm” làm cản trở sức sáng tạo, đúng không?

Khoảng năm 2009, khi tiên sinh thăm Bắc Kinh, Trung Quốc đã xuất bản tác phẩm Daito của tiên sinh. Thực ra, không phải khi đọc Daito tôi mới nghĩ đến mà có nhiều lúc tôi đã nghĩ đến, người như thế nào gọi là bình thường, còn như thế nào thì gọi là không bình thường…

OK: Năm 2000, tôi nhận lời mời thăm Bắc Kinh của Sở nghiên cứu văn học nước ngoài thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc. Ông Hứa Kim Long và đồng nghiệp đã bố trí tôi tham dự một buổi tọa đàm, có một số nhà văn Trung Quốc tham gia. Hôm đó có một nhà văn, cũng là một nhà chính trị đã đứng tuổi, hình như là Bộ trưởng cùng dự. Ông ta từ lâu đã rất nổi tiếng, về mặt chính trị ông ta rất có thế lực. Thiết Ngưng tiên sinh cũng có mặt mà…Đúng rồi, ông ta là Vương Mông. Là một tiểu thuyết gia xuất sắc, lại là người có thế lực chính trị, không khỏi khiến người ta có chút sợ hãi. Tại diễn đàn có một nữ nhà văn trẻ không ngừng “công kích” Vương Mông. Nhà văn trẻ đó chính là Thiết Ngưng tiên sinh đây.

TN: Sau đó có một số nhà báo Trung Quốc đã gọi điện hỏi tôi, đề nghị tôi kể lại hoạt động của nhà văn Oe Kenzaburo ở đó.

OK: Ồ, thế sao? Vương Mông bây giờ có thể không còn là một thế lực chính trị nữa, nhưng lúc đó ông ta rất mạnh, vậy mà cô ấy, cô nhà văn trẻ ấy lại dám “công kích” ông ta. (Cười).

TN: Ngày ấy tôi thật vô lễ…(Cười)

OK: Tôi nghĩ như thế rất tốt. Gần đây, tại một cuộc hội thảo, tôi đã kể chuyện này với Komori Yoichi và tôi cũng thuật lại chuyện này trong tác phẩm của tôi. Rồi Komori Yoichi tiếp tục thuật lại chuyện đó trong tác phẩm của anh ta. Tôi nói, nhà văn nữ trẻ tuổi “công kích” Vương Mông, hẳn sau này cô ta sẽ phải dằn vặt lắm. Sau đó, một lần viết thư cho tôi, Komori Yoichi nói, Thiết Ngưng bây giờ là một nhà văn rất mạnh ở Trung Quốc.

Hà Phạm Phú (dịch)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bí mật về ông chủ Cornille

Văn học nước ngoài 2 ngày trước

Chiếc tù và

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Anh ở đâu, tình yêu của em?

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Con hổ nhà thơ

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Cái chết đến cùng với sự thừa kế

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kỳ nghỉ trăng mật

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Nạn châu chấu ở vùng Sahel

Văn học nước ngoài 1 tháng trước