Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
19:13 (GMT +7)

Huyền khí

Làng Thổ Kị gái đẹp nức tiếng trong thiên hạ. Đẹp đến nỗi các nàng tiên giáng trần muốn ở lại làm bạn. Người ta còn đồn rằng: Có ông tướng từng vào sinh ra tử, gươm đao trận mạc lẫy lừng cũng run rẩy trước vẻ đẹp của con gái làng Thổ Kị. Không chỉ đẹp, cái nết ở ăn qua bao lở bồi, trầm luân nhân thế đã làm nên nền nếp gia phong của làng.

Những giai thoại về con gái làng Thổ Kị lưu truyền trong dân gian nhiều vô kể. Đời nọ truyền đời kia, mỗi giai thoại lại có nhiều dị bản. Thực hư những giai thoại, ông Thạch nghe chỉ biết cười cười, nhưng trong lòng rất lấy làm hãnh diện, bởi ông lấy vợ và ở rể tại chính làng Thổ Kị.

Ngày ấy, trận địa pháo cao xạ của ông Thạch bố trí bên làng làm nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường vận tải quân sự chiến lược ra tiền tuyến. Lan, cô thôn nữ trong đội dân quân hút hồn ông ngay từ cái nhìn đầu tiên. Sau vài buổi giúp bộ đội vận chuyển đạn chiến đấu, hai người đã không thể sống thiếu nhau. Mối tình nửa sét đánh, nửa như ông trời sắp đặt được hai bên gia đình ủng hộ, họ nên vợ nên chồng ngay trước ngày ông cùng đơn vị hành quân ra mặt trận.

Thổ Kị là một làng cổ thuần nông. Dù chiến tranh tao loạn, làng vẫn giữ được nét rêu phong cổ kính với cây đa, giếng nước, sân đình. Con đường làng lát gạch xoãi nghiêng mòn vẹt óng lên đỏ như son. Ông Thạch được biết ngày trước con gái đi lấy chồng là trai làng khác, để được rước dâu họ nhà trai phải cung tiến cho làng trăm viên gạch lát đường. Gạch mang đến cũng là loại gạch Bát Tràng nung rơm, chả kém gạch xây cung vua phủ chúa. Đời này qua đời khác, hầu hết các lối ngõ đều đã được lát.

Trong một trận chiến khốc liệt, ông Thạch bị thương nặng. Tuy nhiên như có phép màu nhiệm, ông vuột khỏi tay thần chết, trở về chỉ thiếu một bàn chân, đoạn ruột ngắn và có thêm mảnh đạn găm trong hộp sọ. Bốn năm sau mảnh đạn mới được các bác sĩ bệnh viện quân đội gắp ra, bởi giữa chiến trường ác liệt, các trạm quân y không đủ điều kiện thực hiện…

Nằm ghếch chân chữ ngũ trên chiếc chõng tre, nghĩ về những năm tháng đã qua, ông Thạch thấy mình như trẻ lại, thi thoảng ngồi dậy chiêu ngụm nước chè xanh. Nếu không phải dùng chiếc nạng gỗ ông đã rảo bước về phía trận địa pháo năm xưa cùng đồng đội chiến đấu.

Đêm càng về khuya trăng càng sáng. Ánh trăng tãi ướt rượt trên mảnh vườn bao quanh bởi hàng cau đương mùa trĩu quả. Ở làng Thổ Kị chỉ duy nhất nhà ông còn hàng cau và ngôi nhà gạch cũ. Hồi phục viên, ông được nhận vào làm giáo viên trường cấp I, II của xã đóng trên đất làng Thổ Kị. Thấy ông đi lại khó khăn, hai họ đã bàn nhau góp tiền mua cho vợ chồng ông mảnh đất này. Căn nhà cũng không chỉ là công sức và vốn liếng của vợ chồng ông. Trong cuộc đời, ông Thạch cho rằng món nợ lớn nhất là nợ ân tình. Ông đã nợ quá nhiều từ đồng đội, người thân, đến bạn bè, hàng xóm.

Nhiều năm trước, ba đứa con hai trai một gái phương trưởng, yên bề gia thất, ngỏ ý đón vợ chồng ông lên thành phố không được, chúng bàn nhau góp tiền xây cho bố mẹ ngôi nhà mới, vợ chồng ông cũng dứt khoát từ chối. Bao đời nay, “nhà ngói, cây mít, sân gạch” là mơ ước của người dân quê. Vợ chồng ông đã đạt được mơ ước ấy, ông không nỡ đập bỏ chạy theo thời cuộc. Căn bệnh quái ác không cho bà bên ông đến cuối đời. Phút lâm chung, đôi môi bà nở nụ cười mãn nguyện.

Bầy đom đóm đột nhiên từ vườn lập lòe bay qua sân. Hồi mới phải lòng nhau, Lan chỉ bầy đom đóm và nép vào bên ông, thảng thốt: “Các ma nữ đi tìm chồng đó anh”. “Đom đóm chứ làm gì có ma?”. “Bà em bảo khu trận địa các anh, ngày xưa là binh trại của hai bà Trưng Trắc – Trưng Nhị. Căn cứ ấy toàn các cô gái đẹp, đao kiếm, võ nghệ chả kém đàn ông. Cuộc chiến thất bại, linh hồn nhiều cô hóa đom đóm tìm chồng…!”. Ông Thạch bật cười, ôm chặt Lan: “Vậy phải cho ma nữ biết anh là chồng em, kẻo…”. Vầng trăng xấu hổ nép vào mây. Bất chợt tiếng kẻng báo động vang lên cắt ngang cơn sóng lòng cuộn siết.

Với đôi nạng gỗ, ông Thạch vội vã vào nhà thắp hương lên ban thờ vợ. Suốt cuộc đời mình, vợ ông tảo tần vì chồng vì con, gương mặt phúc hậu của bà vẫn ngời lên nét xuân sắc. Trong ánh sáng mờ ảo của ngọn nến nhỏ, di ảnh bà Lan đột nhiên nhòa nhạt, chấp chới hiện lên hình ảnh cô thôn nữ năm nào. “Em…!”. Ông Thạch phủ phục, cố kìm tiếng nấc nghẹn.

Không gian lặng phắc, chùng đặc mùi hương trầm.

* * *

Không biết ông Thạch ngồi trước ban thờ vợ bao lâu, bất giác, một người đàn ông kéo ông đứng dậy:

- Để bà ấy yên giấc ngàn thu nơi chín suối. Đi theo ta.

- Ông là ai?

- Ta là thành hoàng làng.

Ông Thạch bối rối, không tin vào mắt mình:

- Ngài là… Đội ơn ngài hiển linh…!

Người đàn ông tự xưng là thành hoàng làng nghiêm mặt:

- Hãy coi ta là thần dân của làng. Kẻ hèn mọn này không muốn xưng hô như vậy.

- Ta đi đâu?

- Ngươi làm rể làng Thổ Kị, chẳng lẽ chỉ nghe giai thoại về con gái làng thôi sao?

Con đường làng lát gạch ngập tràn trăng. Bầy đom đóm như thể khát hơi người chao nghiêng nhấp nhánh. Ông Thạch thấy mình nhẹ bẫng, phiêu lãng lướt trên những ngọn cây, mái nhà làng quê thôn dã. Chẳng mấy chốc, ông đã đứng trên khu vực trận địa pháo năm xưa, giờ là ngôi trường cấp II bề thế. Sân trường vắng lặng, ánh đèn điện cao áp chen trăng mướt nhẫy trên các vuông đất trồng hoa rực rỡ.

Ông Thạch bước lại khóm hoa ngọc lan, nhặt lên từng bông, hít hà:

- Hoa thơm quá, nhưng tôi chưa hiểu tại sao chúng ta lại đến đây.

Vị thành hoàng không trả lời câu hỏi, nhìn thẳng ông Thạch:

- Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng mùa xuân năm 40 sau Công nguyên, chắc ngươi cũng nghe nói?

- Bất kì người Việt nào cũng đều tự hào về Trưng Trắc và Trưng Nhị. – Ông Thạch ngước mắt về xa xăm, nói rành rẽ: - Hai Bà phất cờ khởi nghĩa đánh bại quân nhà Hán, làm chủ Mê Linh, tiến về Cổ Loa, Luy Lâu. Thái thú Tô Định hoảng sợ bỏ thành chạy trốn về Nam Hải. Năm 42, nhà Hán cử Mã Viện đem 2 vạn quân tinh nhuệ, 2 nghìn xe thuyền và nhiều dân phu sang chinh phạt. Nhận được tin, hai Bà kéo quân từ Mê Linh về nghênh chiến. Tháng 3 năm 43, hai Bà hy sinh ở Cẩm Khê. Cuộc kháng chiến vẫn kéo dài đến tháng 11 năm 43 sau đó mới bị dập tắt. Theo các nguồn sử liệu: Phần lớn các tướng lĩnh của cuộc khởi nghĩa là phụ nữ. Số tướng lĩnh đàn ông ít hơn…

- Trí nhớ của ngươi quả không tồi.

- Hai Bà Trưng đóng binh trại tại đây?

- Không, chỉ là tướng quân dưới trướng. Ta nhớ không nhầm thì tên của nữ tướng ấy là Man Thiện…

Tiếng chuông gió từ hiên nhà nào đó cất lên làm vị thành hoàng làng ngừng lời, chăm chú lắng nghe. Tiếng chuông như thêu trăng, gom làn hương sóng sánh chắt vào đêm. Lặng im hồi lâu, vị thành hoàng ngồi dịch lại bên ông Thạch, giọng như gió thoảng:

- Mỗi lần nghe chuông gió, ta lại nhớ những ngày bên quân sĩ. Nhiều năm quá rồi, ta không gặp họ.

- Người xưa truyền lại: Ông là một võ tướng của Lý Thường Kiệt. Trong cuộc chiến chống quân xâm lược nhà Tống, ông cầm một cánh quân chặn giặc trên phòng tuyến sông Cầu. Giang sơn thái bình an lạc, người làng phong ông là thành hoàng. Ngự nơi thanh tịnh, ông có lẽ am tường mọi sự?

- Chẳng phải ngươi chính là tổng quản đội binh của ta sao?

Ông Thạch sững người:

- Tôi…

- Chứ sao! Ngươi xem kia.

Một luồng gió quét qua nóng rực. Không gian sáng bừng. Phòng tuyến của chiến binh Đại Việt sừng sững. Ông Thạch thấy mình mặc giáp sắt, tay chống đốc kiếm, tay ghì cương ngựa. Phía trước, vị thành hoàng làng là chính chủ tướng. Viên quan đốc trận bồng lá cờ hiệu chờ lệnh. Vị chủ tướng tuốt gươm dõng dạc: “Quân Tống đã giày xéo đất đai tiền nhân. Gươm đao của chúng có thể biến đất đai ngập tràn máu, nhưng máu chỉ chồng chất thêm sự căm hận. Ta thà chết vì muôn dân, xã tắc”.

Quân sĩ Đại Việt lên cung chĩa thẳng đội hình địch. Quân Tống ào ạt xông lên chiến lũy. “Giết”. Lá cờ hiệu trên tay quan đốc trận phất cao. Tiếng trống trận của quân sĩ Đại Việt vang lên giòn giã. Làn mưa mũi tên bay ra tới tấp. Các loại máy bắn đá liên tiếp nhả đạn. Nhiều tên vừa nhảy lên chiến hào liền bị các thanh giáo mác đốn ngã. Chủ tướng Đại Việt vung kiếm thúc ngựa cùng kỵ binh lao vào đội hình địch. Từ các hướng quân sĩ Đại Việt nhất tề xông lên. Đội kỵ mã gươm vung sáng lóa, quân địch đổ rạp, đầu văng như sung rụng. Đội tượng binh lừng lững xung trận. Những chú voi mang chùy sắt nhằm đầu giặc quăng quật, thân người bay lên như lá. Hàng ngàn quân Tống bị gọng kìm thép của quân sĩ Đại Việt siết lại. Một khoảnh trời tối sầm, tiếng thét dũng mãnh của quân sĩ Đại Việt át tiếng la hét hoảng loạn của quân Tống. Lửa rừng rực cháy…

Trong chốc lát, ông Thạch đã thấy mình ngồi bên vị thành hoàng:

- Tôi không nghĩ mình có thể là chiến binh Đại Việt.

- Trận chiến ấy, cả ta và ngươi đều tử trận. Ngươi đầu thai kiếp khác. Ta được người đời tôn thờ. Chiến tranh tao loạn, nơi thờ tự bị phá, ta phải trú ngụ dưới gốc đa, ngửi nhờ hương hoa người quá cổ để linh hồn không bị phiêu tán. Từ ngày được đón về đình, ta gắng chắp nối thần tích nhưng chưa trọn…!

- Tôi muốn biết, thời Hai Bà Trưng chiêu binh, Thổ Kị đã lập làng?

- Thời ấy nơi này còn hoang vu, gò đống, đầm lầy, kênh rạch, rừng già… Chỉ các nghĩa binh đóng trú thao luyện. Khi Hai Bà phát lệnh công thành, họ xuất binh hợp sức khiêu chiến.

- Người các xứ cho rằng gái làng Thổ Kị đẹp, là bởi hướng đình, hoặc giếng làng trùng mạch long tuyền. Liệu có còn nguyên do nào khác.

- Ta nghe nói: Sau trận bị Mã Viện đánh úp, quân sĩ sống sót lưu lạc khắp nơi. Về sau, một phó tướng của Hai Bà cất công tìm kiếm, chiêu nạp họ về đây lập ấp, nuôi chí phục hận. Ta không chắc có phải họ sinh con đẻ cái lập nên làng hay không.

- Người ta còn đồn: Có vị tướng từng vào sinh ra tử, cũng run rẩy trước vẻ đẹp của gái làng Thổ Kị? Thực hư tôi chỉ nghe kể, mong ông thứ lỗi.

Vị thành hoàng làng bật cười, tiếng cười nghiêng ngả trăng:

- Ta tử trận trước ngày nước Nam sạch bóng quân thù. Ngươi bái lạy thờ phụng ta không biết sao? Lời đồn, ta nghĩ chỉ là đàm tiếu vui. Vị tướng ấy là bạn của ta, ngươi cũng nên gặp.

Không cần ông Thạch trả lời, vị thành hoàng vung cây thiết bảo. Chỉ một loáng cả hai đã tới Đài Tổ quốc ghi công. Vị tướng mặc bộ binh phục đã cũ ngồi tư lự bên bệ thờ. Nghe thành hoàng làng giới thiệu ông Thạch và kể lại lời đồn, vị tướng mỉm cười:

- Trước ba quân, ta đã quì gối, chống đốc kiếm cầu hôn. Thiết nghĩ, trân quí người mình sẽ đầu gối tay ấp cũng là sĩ khí đàn ông. Nhân gian thêu dệt này nọ chẳng sao. Ta sống với vợ chứ không sống với thiên hạ. Ở đời, điều căn cốt phải biết là chính mình.

Ông Thạch ngập ngừng:

- Tại sao ông lại ở đây?

- Ta tử trận vì giang sơn Đại Việt, đài tưởng niệm này không dành cho ta sao? Các liệt tổ, liệt tông nơi phụng thờ quân điếu phạt hủy hoại. Ta và huynh đệ lấy đây làm chốn đi về.

- Ông và tôi cùng mang áo trận, cùng làm rể làng Thổ Kị. Hòn tên mũi đạn vô tình, tôi may mắn không nằm lại…– Ngẫm ngợi giây lát, ông Thạch không cưỡng nổi sự tò mò: - Tôi hỏi khí không phải: Bà nhà mình mấy lần khai hoa?

- Ơn giời, vợ chồng ta có hai cháu gái. Ta tử trận, bà ấy ở vậy thờ chồng, nuôi con.

- Trai gái làng Thổ Kị rất có thể nhiều người là hậu duệ của đại quan.

- Không nên gọi ta là đại quan. Ta là một quân binh như bao đinh tráng khác. Mặc binh phục, ta chỉ nghĩ nước có giặc phải đi đánh giặc, giặc tan lại mặc áo nông phu. “Trung quân báo quốc” là bổn phận của bầy tôi. Ta cũng không muốn người đời coi ai đó là hậu duệ. Lỡ đó là hậu duệ kẻ nghịch tặc thì sao? Mỗi người một số mệnh, hãy để họ an yên tự tại. Thôi, sắp đến ngày giỗ trận, ta phải đi tìm huynh đệ.

Vị tướng chỉnh lại binh phục định bước đi. Ông Thạch cố vớt vát:

- Nhiều tượng đài các anh hùng hào kiệt, chắc huynh đệ của đại quan tề tựu ở đó.

- Họ hô thần nhập tượng, không một lời về chiến binh trận vong. Linh hồn huynh đệ ta về dưới trướng sao được!

Trong chớp mắt, hình hài vị tướng nhòa vào sương khói. Ánh trăng dường như sáng hơn. Thành hoàng ngước nhìn xa xăm, giọng nghèn nghẹn:

- Ngàn năm binh lửa, giang sơn này được dựng nên bằng máu. Nhiều nghĩa địa không còn dấu tích, tro cốt thành cỏ cây. Muôn sự chỉ còn là huyền tích.

Hình ảnh các trận chiến khốc liệt làm ông Thạch băn khoăn:

- Thành hoàng đưa tôi về miền kí ức, hẳn có nguyên do?

Không để ông Thạch hiểu sai chủ ý, thành hoàng nghiêm mặt:

- Bao đời nay dân tộc ta phải tuốt gươm. Ta với ngươi ra trận trong trái tim là bản ấp. Thanh gươm mang hào khí bài thơ thần “Nam quốc sơn hà”. Chút hồi tưởng không phải để tự huyễn hoặc, mà là tìm lại mình trong khí phách người xưa. Lòng dân làm nên thế nước. Sức mạnh của muôn dân buộc kẻ thù phải khuất phục. Tinh thần Việt bắt nguồn từ khí thiêng dân tộc. Ta muốn ngươi ghi tạc điều ấy – Ngừng một lát, thành hoàng nhỏ nhẹ - Đất nước thái bình thịnh trị, nhưng nhiều văn thần võ tướng, nho sinh đỗ đạt ít người nhớ. Nét cổ truyền trong đất lề quê thói mai một... Ngươi không thấy người đời thiên vị nhan sắc sao? Cái đẹp đáng được tôn thờ, nhưng đẹp hơn vẫn là văn hiến. Xem ra ta và ngươi còn nhiều việc phải làm cho cõi người.

Những ánh chớp từ muôn thanh gươm lấp lóa sáng. Tiếng trống đốc trận, tiếng ngựa hí, quân reo ngập tràn. Vị nữ tướng cưỡi voi dũng mãnh phất cờ lệnh. Dòng thác các chiến binh ào ạt lao về phía trước. Nghĩ mình đã tử trận, ông Thạch bám chặt tiếng trống. Văng vẳng bên tai ông lời vị thành hoàng: “Nhân sinh đâu chỉ có linh khí của tiền nhân, mà còn bao huyền khí. Bản sắc tạo nên sự đẹp đẽ của xã tắc…”.

Ông Thạch chưa kịp mở lời, bảy sắc cầu vồng hiện lên nhấp nhánh rồi vụt nở muôn chùm hoa cải. Ông bừng tỉnh, ngỡ ngàng thấy mình vẫn ngồi bên ban thờ vợ. Con đom đóm từ ngoài lập lòe bay vào chao ngang cửa. Lòng dạ rối bời, ông cố định thần nhớ lại những gì vừa diễn ra.

Kẹp đôi nạng gỗ đứng lên, ông thắp cho vợ tuần nhang mới. Hình như không phải là mơ. Liệu có giấc mơ nào đưa người ta ngược nguồn về quá khứ? Ông trời se duyên cho ông làm rể của làng, chắc là bởi muốn ông hiểu thêm về muôn sự.

Mùi hương trầm thơm ngát. Ngọn nến gần lụi. Nụ cười của người vợ quá cố trên di ảnh rung rinh…!

Truyện ngắn. Phan Thái

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 5 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 5 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 6 ngày trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 1 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước