Hương vị một miền quê yêu dấu
Bút ký. Phạm Quý
Hương vị ấy tôi nghĩ chẳng ai không biết cả. Nó có từ một loài quả dân dã trong vườn, nhưng lại thơm một mùi thơm thật lạ lùng. Mùi thơm ấy thấm đẫm tuổi thơ tôi, thẫm đẫm bao kỷ niệm về tình ruột thịt, xóm giềng. Và bây giờ, hương vị ấy đã trở thành thương hiệu của một miền quê yêu dấu.
Linh Sơn là tên gọi quê tôi. Người ta dịch nghĩa là núi thiêng. Từ thành phố nhìn về hướng đông có một dải núi xanh mờ. Xã Linh Sơn lưng tựa vào núi đó. Phía trước mặt là dòng Sông Cầu trong xanh, bồi đắp cho màu xanh đôi bờ. Dãy núi là ranh giới với xã Khe Mo, còn dòng sông là ranh giới với trung tâm thành phố. Sinh ra trên mảnh đất này, tôi đã chứng kiến bao vui buồn, nhọc nhằn trên lưng áo, khuôn mặt người thân. Đã nghe được tiếng vọng của những cánh đồng, những quả đồi hoang vu mà nhiều thế hệ tháng ngày dãi dầm mưa nắng kiếm tìm một sự no ấm, yên bình.
Rất có thể thổ nhưỡng một vùng đồi núi này hợp với cây trái. Nhưng nếu không có đôi bàn tay con người thì làm sao cây trái được lên hương. Hương vị một loại quả tôi đang muốn nói với các bạn đây chả xa lạ gì với tất cả mọi miền. Cây ổi có thể có trong mọi mảnh vườn, ai cũng có thể tưởng tượng ra dáng hình cây lá và một mùi thơm đặc trưng quả chín. Khi quả chuyển màu vàng nhạt, bao sự tinh túy, chắt lọc của cây như dồn cả vào quả ấy. Nó cũng như một sự đền bù cho hoa ổi không thơm, không sặc sỡ, luôn dung dị ẩn trong lớp lá bàng bạc xanh. Quả chín, cũng chỉ thoảng vị thơm. Nhưng khi ta vừa bửa đôi, mùi thơm ấy bỗng phả ra như bung tỏa. Một mùi thơm nức như mùi hoa, lại quện trong đó vị ngọt ngào của quả chín. Cái ngọt mà ngay cả khứu giác cũng nhận ra mới là sự đặc trưng độc đáo của quả ổi luôn giấu mình ở một góc vườn quê.
Cây ổi đã mang lại cho người nông dân một nguồn thu đáng kể
Cách đây gần ba chục năm, cây ổi quê tôi không ai để ý. Có nhà trồng một vài cây để con cháu có quả ăn chơi. Có nhà chẳng trồng nhưng có thể hạt chim tha về tự mọc trong vườn. Rồi bên muôn loài cây trong khu vườn tạp, nó hồn nhiên lớn, hồn nhiên ra hoa kết quả. Chỉ có tụi con trẻ chúng tôi mới hay ghé thăm khi thấy quả ổi đã hơi chuyển màu trên cành. Giống ổi xưa cũng có mấy loại. Ổi đào. Ổi mỡ. Ổi găng. Ổi trâu. Ổi đào bửa ra lõi có một màu đỏ hồng thơm nức mũi. Ổi mỡ lõi màu trắng nhưng cũng chẳng kém thơm. Ổi găng quả nhỏ hơn và thon như hình quả găng cật mà vị ngọt khác thường. Ổi trâu to như quả lê nhưng vị lại thua các giống ổi nhỏ.
Góc vườn nhà tôi cũng có một cây ổi găng. Quả hơi ương là trèo lên hái. Quả trên ngọn thì dùng cào cỏ lúa móc xuống. Chẳng bao giờ ổi trên cành kịp chuyển màu chín vàng. Đến vườn nhà ai có cây ổi là sà vào lùng sục. Sự thảo thơm xóm giềng chỉ là củ sắn, củ khoai, quả ổi mời nhau. Cây ổi thời ấy ở làng như cây trái của chung, thấy chín thì miệng hỏi nhưng tay đã vít cành…
Tôi có những ký ức mà hương vị ấy luôn trong tôi suốt cuộc đời này, đó là tình yêu thương của ông bà ngoại. Nhà ông bà ngoại tôi ở trên một quả đồi thấp. Trong vườn mỗi loại vài cây ăn quả nhưng nhiều nhất vẫn là cây ổi. Mùa ổi chín, được ra nhà ông bà ngoại chơi như được bước vào vườn cổ tích. Mùi ổi thơm ngào ngạt. Tôi trèo hết cây này đến cây khác. Bà ra chỉ cây nào là cây ổi đào. Cây nào ổi mỡ. Cây nào ngọt hơn. Cây nào bị trèo vít cành nhiều quả chua đừng nên hái. Khi về, tôi khệ nệ đeo túi ổi thơm nức lệch bên vai. Lâu không thấy các cháu ra, bà ngoại tôi lại lấy cào cỏ lúa bứt quả chín xuống, cho đầy chiếc bị cói, giữa trưa nắng đem vào cho mấy anh em tôi. Đến bây giờ hương vị những quả ổi bà cho cùng dáng bà lui cui đi về giữa trưa nắng trong tôi vẫn không phai mờ.
Đồng đất Linh Sơn không nhiều. Những năm xưa ruộng thấp chỉ cấy một vụ. Việc thiếu gạo ăn trong năm là chuyện thường ngày ở xã. Vậy mà đồi bãi chỉ nhìn thấy dáng những cây sắn khẳng khiu để thêm vào chất độn. Vườn nhà cây tạp mọc um tùm bên những hàng tre. Nhìn xa có vẻ trù phú một màu xanh. Nhìn xa có vẻ một cuộc sống yên bình. Nhưng chỉ những người nông dân trong những lũy tre làng ấy biết mình mang nỗi khát khao gì. Họ đã một thời kỳ vật lộn, xoay chuyển, cải cách những mảnh vườn. Đầu những năm chín mươi đi đến đâu trong xã cũng thấy những vườn táo mọc lên. Tre, xoan, mít, ổi chặt sạch để cây táo sum suê lá cành. Ông đại tá nghỉ hưu Bế Hiển Vinh ở xóm Núi Hột là người nổi tiếng về trồng táo, bán cành táo chiết cho dân làng khắp xã. Đất Linh Sơn pha sỏi cơm nên mát lành. Táo la cành lan rộng. Táo ra hoa chiu chít. Táo đậu quả trĩu cành. Nhưng thời gian sau táo bán rẻ như cho. Người nông dân không bõ công đi chợ, kệ cho táo rụng đầy vườn. Rồi lại ra sức chặt bỏ. Người tạm bỏ vườn hoang. Người xoay sang trồng nhãn, trồng vải, nhưng chưa loại cây nào tạo nên sự thu nhập ổn định cho người nông dân Linh Sơn.
Có một câu nói của nguyên Chủ tịch Hội Nông dân xã Linh Sơn Nguyễn Văn Hòa làm tôi tâm đắc: “Nếu có một loại giống cây gì có hiệu quả kinh tế thì dù có phải thức khuya, dậy sớm, kỹ thuật chăm nom khó mấy người nông dân bây giờ làm được hết. Cái lo nhất là đầu ra cho sản phẩm thôi”.
Và rồi giống ổi mới đã bén rễ ở đất Linh Sơn vào khoảng năm 2012. Người đặt những cây giống đầu tiên là ông Phụng ở xóm Thông Nhãn. Thấy nó hợp đất cho ra quả ngọt và bán được ở thị trường thì nhiều người tìm mua giống về trồng. Hội Nông dân xã cũng đã chủ động về tận nơi cung cấp giống ở Ninh Giang, Hưng Yên để tìm hiểu cách chăm bón. Diện tích trồng ổi từ mấy trăm mét vuông của vài hộ lan ra cả xã tới hơn 80ha. Trồng nhiều diện tích nhất là mấy xóm Núi Hột, Làng Phan, Thông Nhãn, Thanh Chử, Tân Lập. Quả ổi ngọt giống mới Đài Loan khi bám vào mảnh đất Linh Sơn thì vị càng thêm ngọt và giòn. Cũng to quả như nhau, cũng mịn da bóng đẹp như nhau, nhưng chất đất vùng miền khác làm sao có một vị ngọt ngào như ổi vùng đất Linh Sơn. Từ niềm vui về sự khác biệt này, những người lãnh đạo trong xã và bà con trồng ổi lại nghĩ đến một thương hiệu riêng. Khi đã có thương hiệu riêng ắt sẽ có thị trường riêng của nó. Nữ Bí thư Đảng ủy xã Vũ Thị Thu Hường là một người rất tâm huyết với sản phẩm mới của nông dân. Chị ráo riết trong việc chỉ đạo làm hồ sơ xin cấp nhãn hiệu cho quả ổi đang phát triển trên mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi này. Năm 2016, Hội Nông dân Linh Sơn chính thức làm hồ sơ gửi về Cục Sở hữu trí tuệ xin được cấp nhãn hiệu cho quả ổi quê hương mình.
Ông Nguyễn Văn Hoà xóm Tân Lập, xã Linh Sơn trong vườn ổi của gia đình
Con đường đến một nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp tưởng sẽ dễ dàng. Vậy mà cũng lòng vòng tới ba năm. Bắt đầu từ năm 2016 hồ sơ đã đủ các yếu tố gửi đi. Sự trùng hợp tên địa danh bỗng thành trở ngại. Trước thời điểm đó, cũng lại có một doanh nghiệp mang tên Linh Sơn ở miền Nam xin cấp nhãn hiệu hoa quả tươi Linh Sơn. Cùng tên địa danh, cùng sản phẩm hoa quả. Nơi xin cấp sau phải chịu thiệt thòi không được cấp nhãn hiệu. Chủ tịch Hội Nông dân Nguyễn Văn Hòa lại phải chạy lên chạy xuống sửa lại tên nhãn hiệu. Đến năm 2019 mới chính thức có nhãn hiệu “Ổi Linh Nham”, xã Linh Sơn. Sở dĩ có tên này bởi Linh Nham là tên khởi đầu của xã Linh Sơn bây giờ.
Cây ổi giống cũ quả bé lại chỉ ra quả theo mùa. Ổi Linh Sơn giống mới bây giờ quả to, đẹp lại cho trái quanh năm. Quả ổi ngày xưa chỉ là sự thơm thảo vườn nhà. Quả ổi bây giờ có thương hiệu hẳn hoi, tiêu thụ trên khắp thị trường. Ổi Linh Sơn làm quà cho bạn bè phương xa. Ổi Linh Sơn là thức tráng miệng sau bữa ăn của mỗi gia đình. Ổi Linh Sơn bày bán ngang hàng với dưa, lê, chuối, táo trên các chợ. Đặc biệt những người mắc bệnh tiểu đường thì ổi là loại trái cây bổ dưỡng tuyệt vời. Hương ổi Linh Sơn bay xa. Một hương vị ngọt ngào được nhiều người ưa chuộng từ mảnh đất thân thương và những con người ngày đêm chẳng quản nhọc nhằn mưa nắng tưới chăm. Giờ thì việc đặt cây giống hay chiết ghép cành không phải là việc khó với người trồng. Anh Trần Nam, đương kim Chủ tịch Hội Nông dân xã Linh Sơn hồ hởi cho tôi biết: mỗi năm các vườn ổi ở Linh Sơn cung cấp ra thị trường khoảng hơn hai nghìn tấn quả. Quả ổi Linh Sơn đã được hội đồng thẩm định của tỉnh công nhận là một trong ba mươi sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên. Nhưng, vẫn còn một điều đáng buồn là, sản phẩm đã có nhãn hiệu như thế nhưng chưa có đầu ra riêng, hiện giờ vẫn là tự sản tự tiêu trên thị trường.
Có một điều luôn phấn khích trong tôi mỗi khi nói về quả ổi mang nhãn hiệu quê nhà. Những kỷ niệm ấu thơ, những hình ảnh về bao người thân thương nhọc nhằn mưa nắng trong nghèo khó in trong ký ức. Từ những dấu ấn ấy đã có một lần tôi ước mơ hương vị ổi quê tôi được tỏa lan, được góp phần vào cuộc sống của quê nhà thì nay nó đã hiển hiện là sự thật. Nhiều nhà người dân quê tôi đã có nguồn thu nhập ổn định từ cây ổi.
Cái ước mơ ấy lại hiện diện trên một tác phẩm văn học mang đậm dấu ấn một cuộc thi. Năm 2004, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên mở cuộc thi truyện ngắn với chủ đề: “Thái Nguyên và thời kỳ đổi mới”. Tôi mung lung tìm tứ truyện. Rồi những ký ức năm xưa hiện về. Rồi cái hương ổi ấy bất chợt tỏa ra từ tâm thức trao cho tôi cái tứ. Tôi ngồi vào bàn viết với một cảm xúc mãnh liệt như hương ổi đang lôi cuốn ngòi bút của mình. Câu chuyện ấy chỉ toàn ký ức thôi. Nó được lấy tên là “Hương Ổi”. Trong truyện ngắn ấy tôi đã mơ về những vườn ổi giống mới để người dân làng tôi bớt đi nghèo túng. Thật bất ngờ, truyện ngắn ấy của tôi giành giải nhất cuộc thi. Một dấu ấn để cho tôi có sự đam mê sự sáng tạo đến bây giờ. Và cũng thật bất ngờ, tám năm sau cái giấc mơ tưởng như chỉ có trong sự hư cấu của văn học ấy đã thành sự thật.
Tôi còn nhớ trong truyện có câu nói của người thím thế này: “Các anh các chị còn có đồng lương, thím đây chỉ có vườn ổi trông vào lúc về già thôi”. Bây giờ, vườn ổi của nhiều nhà đã như một cuốn sổ tiết kiệm. Ít ngày lại có một chuyến đi chợ. Khi rẻ như chính vụ hè thì cây lại cho quả nhiều hơn. Mùa đông quả có ít hơn thì bù lại quả ổi được giá. Đi cùng ông Hòa trong vườn ổi với hàng hàng thẳng tắp, ước chừng cũng chỉ rộng 400m2. Ông bảo năm nào thời tiết thuận lợi một lứa cũng thu dăm tạ. Năm nay mưa nhiều, quả ít một lứa hái chỉ hơn tạ thôi, nhưng giá lại gần ba mươi nghìn một cân. Tôi nghĩ tận dụng vườn bãi mà có thu, thế cũng quá ổn rồi. Cây chiết giờ trồng một năm đã bói quả, từ đó hàng năm cứ đều đều từng đợt cho thu. Chăm bón cũng không đến nỗi cầu kỳ kỹ thuật. Sâu bệnh thì bọc quả để chống bọ xít châm là chắc có thu.
Đêm Rằm Trung thu 2022 vừa qua, trên đường phố Thái Nguyên có một chiếc đèn đặc biệt. Nó mang hình quả ổi ghi rõ nhãn hiệu: “Ổi Linh Nham xã Linh Sơn” đi trong đêm rước đèn. Trong một đêm ùa về trong tâm trí tôi với bao kỷ niệm thời thơ ấu thì chiếc đèn ấy lại dâng lên trong tôi một cảm xúc lạ kỳ. Một nỗi vui mừng ấm áp như quyện trong hương ổi tỏa lan.
Đèn Trung thu hình quả ổi của người dân xã Linh Sơn góp phần quảng bá thương hiệu của vùng đất này
Bây giờ, mỗi lần về quê. Đi qua những vườn ổi đang mang túi bọc quả trắng xóa khắp thân cành, trông xa như những đóa hoa vô cùng đẹp mắt, lòng tôi luôn xao động vô cùng. Biết bao cảm xúc dâng trào bởi ký ức và những gì trước mắt. Những bông hoa ấy bên trong đang có một sự chắt dồn để lớn dần lên. Để rồi một ngày, nó đủ hương, đủ vị dâng cho đời sự ngọt ngào. Tôi lại ước, giá như có một chuỗi tiêu thụ sản phẩm cho quả ổi Linh Sơn quê tôi, để ổn định giá cả, để nhãn hiệu “Ổi Linh Nham”, xã Linh Sơn có một chỗ đứng không bị trôi nổi lẫn lộn trên thị trường. Và, để hương vị một miền quê ấy bay xa khắp mọi miền.
1 đã tặng
1
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...