Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
19:28 (GMT +7)

Hợp tác quốc phòng Việt Nam-Hoa Kỳ trong khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện

Kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ

VNTN - 20 năm sau khi bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, các mối liên hệ song phương và đa phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã có những bước tiến dài. Cùng với sự phát triển của các mối quan hệ khác, quan hệ quốc phòng hai nước đã phát triển đáp ứng nhu cầu của mỗi nước. Tuy mối quan hệ này chưa đạt mức phát triển cao như các mối quan hệ về kinh tế, xã hội, nhưng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nhân dịp tổ chức Đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ hai (2011), hai bên đã ký Bản ghi nhớ giữa Bộ quốc phòng hai nước về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương và gần đây nhất, hai bên đã ký Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ. Trong những năm qua, quan hệ quốc phòng hai nước tiếp tục phát triển theo nhịp độ hai bên mong muốn, phù hợp với các định hướng chiến lược trong khuôn khổ Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng và khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước.

 

Tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Fitzgerald (DDG 62) và tàu tác chiến gần bờ USS Fort Worth 

(LCS 3) tại cảng Tiên Sa, Đà Nẵng  (Ảnh: Vinh Thông)- Nguồn: VOV Giao thông

Hợp tác song phương

Bên cạnh việc trao đổi các đoàn lãnh đạo quốc phòng hai nước, hàng năm, Bộ Quốc phòng hai nước còn tổ chức các cơ chế đối thoại, trao đổi quốc phòng luân phiên. Hợp tác đào tạo theo Chương trình huấn luyện đào tạo quân sự quốc tế (IMET) thu được nhiều kết quả; hợp tác quân y là lĩnh vực có nhiều tiềm năng hợp tác trong tương lai. Hợp tác an ninh biển là lĩnh vực được hai bên quan tâm và đầu tư thúc đẩy trong thời gian qua. Hợp tác giữa Cảnh sát biển Việt Nam với Lực lượng cảnh vệ bờ biển và các cơ quan khác của Hoa Kỳ tiếp tục được tăng cường.

Việt Nam đánh giá cao các dự án nhân đạo như Chương trình Đối tác Thái Bình Dương (Pacific Partnership-PP), Thiên thần Thái Bình Dương (Pacific Angel-PA) hoặc các dự án nhân đạo viện trợ cho các địa phương đã phát huy hiệu quả, giúp nhân dân tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn của Việt Nam. Tháng 3/2015, trong khuôn khổ chương trình Thiên thần Thái Bình Dương 2015, Không quân Hoa Kỳ cùng với Không quân Hoàng gia Cămpuchia, Không quân Xingapo, Không quân Hoàng gia Thái Lan, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Tổ chức Đông Tây Hội ngộ tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ nhân đạo cho người dân tỉnh Quảng Ngãi. Đây là lần thứ 5 chương trình được tổ chức tại Việt Nam.

Hai bên đang tiến hành hợp tác có hiệu quả trong lĩnh vực hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Hợp tác trong lĩnh vực tìm kiếm, cứu nạn cũng là lĩnh vực có một số phát triển mới và còn nhiều tiềm năng hợp tác. Hai bên đã tiến hành nhiều cuộc tập huấn, trao đổi thông tin và kinh nghiệm tìm kiếm, cứu nạn.

Trong lĩnh vực hợp tác tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh, trên tinh thần nhân đạo, Việt Nam đã làm hết sức mình trong hợp tác tìm kiếm quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh, được Chính phủ Hoa Kỳ đánh giá cao và coi là mối quan hệ mẫu mực trong giải quyết hậu quả chiến tranh. Việt Nam hoan nghênh Hoa Kỳ cung cấp thông tin về bộ đội Việt Nam mất tích trong chiến tranh, trao trả lại các kỷ vật chiến tranh.

Việt Nam đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ đối với Việt Nam trong xử lý chất độc Da cam/điôxin, trong đó có xử lý môi trường ô nhiễm điôxin, chăm sóc sức khỏe người khuyết tật, trong đó có nạn nhân chất độc Da cam/điôxin. Trong những năm qua, hai bên đã hợp tác tốt để triển khai Dự án tẩy độc sân bay Đà Nẵng và Dự án đánh giá môi trường ô nhiễm tại sân bay Biên Hòa. Về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, Việt Nam hoan nghênh mọi nỗ lực của hai bên để giải quyết vấn đề mang tính nhân đạo này; đồng thời là biện pháp thiết thực để tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, tạo sơ sở cho thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương.

Hợp tác đa phương  

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng và quân đội hai nước tiếp tục duy trì các cuộc tiếp xúc đa phương trong khuôn khổ các cơ chế đa phương như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Đối thoại Shangri-La... Qua đó, cùng chia sẻ tầm nhìn chung về phương thức thúc đẩy quan hệ quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ, đóng góp cho duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác và phát triển trong khu vực cũng như trên thế giới.

Hoa Kỳ có vai trò quan trọng trong việc định hình cấu trúc an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương và hiện là thành viên của hầu hết các cơ chế hợp tác quốc phòng, an ninh đa phương tại khu vực, trong đó có ADMM+. Kể từ khi ADMM+ được thành lập vào năm 2010, Hoa Kỳ với tư cách là một trong 8 nước đối tác đối thoại của ASEAN, đã ủng hộ vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam cũng như việc Việt Nam đăng cai tổ chức ADMM+, góp phần đưa cơ chế này trở thành bộ phận quan trọng của cấu trúc an ninh khu vực đang định hình. Đến nay, Hoa Kỳ đã tích cực tham gia vào hợp tác trên 6 lĩnh vực trong khuôn khổ ADMM+ gồm: Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa; an ninh biển, quân y; chống khủng bố; gìn giữ hòa bình và hành động mìn nhân đạo. Trong nhiệm kỳ 2011-2013, Hoa Kỳ và Inđônêxia là nước đồng chủ trì Nhóm chuyên gia ADMM+ về chống khủng bố, đã góp phần tăng cường hợp tác vì mục tiêu chung là hòa bình và an ninh khu vực.

Vấn đề dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam

Trong bối cảnh kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ và 3 năm quan hệ Đối tác toàn diện, Hoa Kỳ cần dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vì hiện nay, quan hệ giữa hai nước là quan hệ đối tác toàn diện, nên không có lý do gì mà Hoa Kỳ không dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Hành động này mang tính biểu tượng, chứng minh quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã hoàn toàn được bình thường hóa.

Việc Hoa Kỳ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam là cơ hội để Việt Nam tranh thủ mua một số loại vũ khí phương tiện cần thiết, phù hợp với điều kiện và khả năng sử dụng của Việt Nam, nhất là về tài chính. Thông qua việc mua vũ khí của Hoa Kỳ, Việt Nam có điều kiện tiếp cận công nghệ tiến tiến, nâng cao trình độ và khả năng phối hợp tác chiến trong bối cảnh hội nhập quốc tế; hạn chế sự độc quyền của các đối tác khác và có điều kiện để mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác kĩ thuật quân sự một cách bình đẳng hơn.

Triển vọng

Hiện nay, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ nói chung và quan hệ quốc phòng giữa hai nước nói riêng đang phát triển theo chiều hướng tích cực, mang lại lợi ích cho cả hai bên. Với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, chắc chắn trong thời gian tới, quan hệ quốc phòng giữa hai nước sẽ được tăng cường và phát triển tốt đẹp. Tuy nhiên, để quan hệ quốc phòng hai nước phát triển hơn nữa, cả hai bên cần nỗ lực đẩy mạnh xây dựng lòng tin và tiến tới nhận thức chung về vấn đề dân chủ, nhân quyền.

Đẩy mạnh xây dựng lòng tin

Tuy chiến tranh đã kết thúc 40 năm, song vấn đề lòng tin giữa hai bên vẫn cần tiếp tục được thúc đẩy. Chiến tranh đã để lại hậu quả nặng nề cho nhân dân Việt Nam. Hơn 4 triệu người bị chết, hàng triệu người khác bị thương, hơn 300.000 người khác bị mất tích tạo nên đau thương cho hầu hết các gia đình Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng về kinh tế - xã hội và môi trường do chiến tranh gây ra. Trong chiến tranh, đã có hơn 100 triệu lít chất độc hóa học được sử dụng, trong đó có khoảng 65% chất độc da cam/điôxin, làm một nửa diện tích rừng Việt Nam bị phá hủy. Hiện nay, có hơn một triệu nạn nhân chất độc điôxin đang được Nhà nước Việt Nam trợ cấp, nhưng số nạn nhân chất độc điôxin thực sự cần giúp đỡ còn cao hơn. Việt Nam đã trở thành đất nước hứng chịu nhiều bom đạn nhất trong lịch sử thế giới với 7,85 triệu tấn, gấp gần 3 lần tổng số tấn bom sử dụng trong chiến tranh thế giới thứ hai, phá hủy hầu hết cơ sở hạ tầng ở cả hai miền Nam Bắc Việt Nam. Mỗi năm, hàng nghìn người dân Việt Nam bị thương do bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh. Theo thống kê, cứ 100.000 người dân thì có 29 người là nạn nhân của bom mìn. Diện tích đất bị ô nhiễm do bom, mìn, vật liệu nổ chiếm 21,12% diện tích cả nước.

Chính phủ một số nước, nhiều tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ cũng đã hỗ trợ đáng kể cho các chương trình làm sạch bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, nhất là tại các khu vực bị ô nhiễm nặng. Tuy nhiên, với tốc độ như hiện nay, việc làm sạch môi trường bị ô nhiễm bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, phải mất hàng trăm năm.

Giải quyết những hậu quả do chiến tranh để lại là một trong những hành động thiết thực để xây dựng lòng tin giữa hai nước. Nhà nước và các tổ chức xã hội của Việt Nam đã và đang hoạt động rất tích cực để khắc phục hậu quả của chiến tranh, giảm bớt đau khổ cho các nạn nhân chiến tranh. Tuy nhiên những nguồn lực đó vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn cần giúp đỡ của các nạn nhân. Việt Nam hoan nghênh sự hợp tác hỗ trợ của các nước, các tổ chức, các nhà khoa học trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ trong việc nghiên cứu và xử lý tác hại và ảnh hưởng của chất độc da cam/điôxin, sẵn sàng trao đổi, thoả thuận hợp tác trong lĩnh vực này. Trong thời gian tới, hai bên cần tích cực hơn nữa trong việc hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh. Việc tăng cường hợp tác của Hoa Kỳ trong giải quyết hậu quả chiến tranh có một ý nghĩa rất quan trọng trong phát phát triển quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ nói chung và quan hệ quốc phòng hai nước nói riêng.

Tiến tới nhận thức chung về vấn đề dân chủ, nhân quyền

Với phương châm “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, Việt Nam đã thể hiện bằng những hành động thiết thực và hiệu quả, khắc phục khó khăn và trở ngại và cùng bắt tay xây dựng và đẩy mạnh quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ, trong đó có hợp tác quốc phòng. Thiện chí của Việt Nam đã được nhân dân và Chính phủ Hoa Kỳ đáp lại bằng cả lời nói và hành động. Nhờ đó, trong 20 năm qua, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã từng bước được định hình và ngày càng phát triển.

Tuy nhiên, một số nhà chính trị và báo giới Hoa Kỳ vẫn có thái độ không thiện chí, lên án vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo ở Việt Nam hoặc dùng những vấn đề trên tạo cớ gây sức ép với Việt Nam. Những hành động như vậy của một số người cần được chấm dứt bởi đó là di sản của một kiểu chính trị lỗi thời, lạc lõng, không phù hợp với xu hướng phát triển chung của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và xu thế chung của thời đại hiện nay. Những khó khăn, vướng mắc nêu trên, tuy không thể đảo ngược được xu hướng phát triển tích cực của quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước, nhưng nếu không được giải quyết, khắc phục thì sẽ có ảnh hưởng không có lợi, làm giảm uy tín và hình ảnh của chính phủ hai nước.

Hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian qua đã có bước phát triển tích cực. Tuy hai bên vẫn còn một số bất đồng, nhưng những khác biệt này là nhỏ so với lợi ích chung của hai nước và cần được giải quyết thông qua đối thoại. Với những kết quả hợp tác đã đạt được và tiềm năng hợp tác còn nhiều, quan hệ quốc phòng hai nước chắc chắn sẽ phát triển hơn nữa trong thời gian tới, vì lợi ích của cả hai nước, góp phần xây dựng châu Á - Thái Bình Dương thành một khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển

Vũ Khanh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy