Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
09:41 (GMT +7)

Hòn đá cháy màu lửa

Truyện ngắn. Sương Nguyệt Minh

1. Hắn đã một lần gặp anh trong buổi giao lưu khán giả với Đoàn làm phim. Nhưng giáp mặt một cách tình cờ thì phải đến cái lần hắn chở anh trên một cuốc xích lô.

Hôm ấy, nắng cuối ngày hừng lên rồi để tắt, thứ nắng xứ Huế rót mật lên kinh thành cổ màu vàng nâu u hoài buồn muốn khóc. Mây cũng đổ bóng xuống sông Hương, nước ngừng trôi, sông cũng ngừng trôi. Cảm giác thất vọng cộng với không gian trầm mặc tù đọng, bí bách vô cùng. Anh lặng lẽ rời buổi tổng kết lúc nửa chừng…

Tâm trạng tuyệt tình phim chiến tranh luôn ngự trị trong đầu anh. Phim trận mạc, lính tráng bò lên đánh lô cốt đầu cầu mà cái mông to như nồi đình cứ nhấp nhô phơi trước mũi súng địch; đánh nhau mặc quần áo mới tinh như đi duyệt binh, chẳng ám sạm chút khói đạn bom. Chiến hào, công sự không sứt mẻ lở loét mà vuông thành sắc cạnh, giống hệt thao trường vừa làm cho tân binh tập luyện... Hình ảnh, không gian trận mạc còn thanh bình như thế huống hồ là nhân vật...

Anh là họa sĩ ở một hãng phim, lòng tự trọng nghề nghiệp có thừa, lại thêm danh dự những ngày đã từng khoác áo lính khiến lòng anh bất ổn lúc buộc phải xem các phim chiến tranh của đồng nghiệp. Và tất nhiên, anh cũng phát ngượng khi người xem bàn tán, bình phẩm bộ phim mà anh can dự với tư cách họa sĩ.

2. Hắn đang chờ đón khách ở bên kia đường. Anh từ bên này sang. Động tác thay lời gọi và cái cách ngồi lên ghế không hẳn thói quen cố hữu mà là sự lơ đãng khi đang mải nghĩ chuyện khác.

Hắn hỏi:

- Cảm phiền! Cho tui hỏi: anh đi mô?

- Nhà vườn Thiên Thai ở ngoại ô, đường X.

Thả lỏng thân xác, xua đuổi khí uất khỏi đầu, anh lim dim mắt tìm kiếm giây phút thư giãn hiếm hoi. Hắn: Chậm chạp. Hơi uể oải. Lặng lẽ guồng. Hắn mệt, mệt vẫn phải cố, vì miếng cơm manh áo và bầy con bẩy đứa từ lít nhít còn đái dầm đến lớn tướng vừa tốt nghiệp đại học. Cọc... cạch; cọc... cạch... Chân thật đạp nặng, chân giả đạp nhẹ…

Xe ngược dốc. Đột nhiên, anh mở nhoàng mắt. Hắn còng lưng đạp, mặt ghé sát gần trán anh, anh nhận biết cả hơi thở và mùi mồ hôi chua lòm. Gặp người đạp xe xích lô ở đâu đó rồi nhỉ? Anh cố lục lọi khuấy đảo vùng ký ức mù mờ. Thảng thốt lưu lại khá lâu trong anh là gương mặt có cặp lông mày rậm rì xanh, sống mũi cao y hệt mũi Tây, vết thẹo dài nham nhở như cánh đồng phát hoang mùa đầu và một bắp giò cụt phải lắp chân giả đã cũ sờn xước...

- Xin lỗi! Tôi ngồi thế này thì nhẫn tâm quá. Ai lại để...

Hắn cười gượng, héo hắt, chiều lòng khách:

- Cảm phiền! Anh hai. Tui đang lao động, còn anh hai họa sĩ, là thượng đế của tui.

- Ồ... anh cũng biết tôi?

- Biết chớ. Cả nước biết chớ mình tui đâu. Hổm trước chiếu xong phim Khoảnh khắc đời thường trong chiến tranh, Đoàn làm phim giao lưu với khán giả. Tui hỏi: “Thưa mấy anh! Tui thấy trang bị lính dù trong phim hổng giống ngoài chiến trận, có phải Đoàn làm phim cố tình làm khác đi?”. Anh hai còn nhớ anh hai đứng dậy nhìn tui, ngạc nhiên không? Bộ anh hai sợ cái sần sùi gớm ghiếc trên mặt tui lắm sao? Nói anh hai đừng giận, giải thích lúc đó hổng thuyết phục tui...

- Anh cứ nói, đừng ngại.

Hắn ngập ngừng rồi lặng lẽ. Hắn thích điện ảnh về chiến tranh. Dám bỏ vài cuốc xích lô để xem phim, nhưng trận mạc không như các phim hắn đã coi. Sậm sượng lắm! Còn anh, linh tính đang mách bảo: Một khán giả già đời, lọc lõi chớ không phải gã đạp xích lô bình thường.

- Có vẻ như anh cũng am hiểu và quan tâm đến chiến tranh?

- Dạ có. Đất nước mình chiến tranh liên miên. Tầm tuổi anh, tuổi tui ai mà hổng biết, có khi còn dầm mình đầm đìa chìm ngủm vào chiến tranh chớ bộ. Chỉ có những thằng hổng có trái tim mới thờ ơ với cơn địa chấn bom đạn quét xuống thân phận con người.

Chà chà... một triết lý nhân sinh bay ra từ miệng gã đạp xích lô mặc quần áo vá. Anh nghĩ. Sự đời cứ tréo ngoe như thế, lắm anh trí thức mặt trắng, tay nổi đầy gân xanh lại nói năng thô lậu; nhiều người lao động chân tay “vai u thịt bắp, mồ hôi dầu” thì triết luận như giáo sư triết học.

- Xin lỗi, cho tôi hỏi: Anh ở Huế. Chắc anh biết Nhà vườn Thiên Thai?

- Quá rành rẽ, anh hai. – Hắn xởi lởi. - Để tui kể nghen.

3.... Nhà vườn Thiên Thai rộng khoảng 2000m2 ở ngoại ô, giá thời điểm này cỡ ngàn cây vàng. Chủ nhà vốn là một trung úy thủy quân lục chiến, qua giải phóng Huế năm 1975 đi học tập cải tạo một thời gian thì được hồi gia. Sau những “chớp bể mưa nguồn”, ông ta không di tản sang phương Tây mà chí thú làm ăn vui cảnh vườn cây, non bộ. Dạo những năm đầu thập niên tám mươi của thế kỷ trước, cả nước đói dài, tiền mất giá, một bộ phận dân Huế suốt ngày chỉ lo miếng ăn, có gia đình bán đổ bán tháo nhà cửa đi di tản. Ông cựu trung úy ngụy mua khu nhà vườn ấy làm dân Huế ngạc nhiên. Nguồn tài chánh từ đâu thì hổng ai biết rõ. Người Huế vốn đằm tính, kín đáo và không xía vô chuyện người khác, với lại còn đang lo chạy gạo, ai hơi sức đâu mà ngồi lê đôi mách, đàm tiếu; chuyện mua nhà vườn này cũng chìm hút rất nhanh vào cơm áo gạo tiền. Có một điều khác dân bản địa, lúc ấy với khu đất rộng như thế, người khác có thể cuốc đất lật cỏ trồng mì, dặm khoai lang chống đói thì ông cựu sĩ quan ngụy lại trồng cây lâu niên, mua non bộ và chăm cây cảnh, nắn uốn tạo dựng cây thế… bày theo một trật tự cũng chẳng giống ai. Bộ sưu tập non bộ, cây thế cứ dầy lên mãi. Cây thế cũng như người và cộng đồng người vậy. Đơn độc - Quây quần. Lẻ loi - Trùng điệp. Lô xô - Cao vút. Ngang tàng – Rụt rè. Lẫm liệt - Đớn hèn. Cương trực – Dối trá. Yếu đuối - Cường tráng. Mỏng manh... Dáng hoành, dáng trực, dáng xiêu, dáng huyền... Thế lão mai đồng quý tử, thế ngũ phúc, thế bàn thạch mai toàn, thế quân tử chính trực... Đủ cả. Đến Nhà vườn Thiên Thai có thể chìm ngập trong thú vui gửi gắm nỗi niềm hoặc ngẫm ngợi ký thác nỗi cao hoài, hay tâm sự truyền bá tâm đức toát ra từ trong mỗi cây thế.

Lại có chuyện kỳ dị thế này: Ông cựu trung úy thủy quân lục chiến chuyên đi thu lượm, mua lại các đồ phế liệu chiến tranh và đồ lính ra trận cả phía bên này và phía bên kia. Ví như: Mũ lính thủy quân, mảnh dù hoa loang lổ, bi đông lính Nam Hàn, giầy biệt kích, dao găm lính dù, áo rằn ri, bật lửa Díppô của Mỹ, nhật ký người lính, viên gạch vỡ ở Thành Cổ, hòn đá xù xì Đồi Thịt Băm có viên đạn AK ghim vào, mảnh giáp chiếc xe tăng T54 nào đó ở Đại lộ Kinh hoàng v.v.. Nơi ông qua lại nhiều nhất là dọc tuyến Đường 9, sông Thạch Hãn, Thành Cổ; thời loạn, cả tuổi trẻ nướng ở cái lò bát quái ấy mà không cháy; và bây giờ ông mê mải với những kỷ vật đời lính. Người đời đến nhà vườn của ông ta có thể tìm lại dĩ vãng huy hoàng và buồn đau, tìm lại thân phận người mỗi khi liên tưởng đến các thế non bộ, cây cảnh, hay quân dụng chiến trận...

Chuyện kể đầy tâm trạng, thân phận hiện ra từ lời một gã đạp xích lô. Thì ra, gã cũng muộn phiền, đồng cảm với ông chủ nhà vườn. Rất đáng nể và tôn trọng!

Vẫn cọc... cạch, cọc... cạch... Chân thật đạp nặng, chân giả đạp nhẹ. Cọc... cạch..., cọc cạch... Thật nhọc nhằn, không lãng mạn một chút nào. Người ta đủ hai chân vào đời, lắm khi đi còn chuệnh choạng vấp ngã; còn gã đạp xích lô thì... Nỗi niềm trắc ẩn, lòng thương cảm, sẻ chia trỗi dậy:

- Tôi thấy rất tội. Sao anh lại đến nông nỗi nầy? Chắc đi lượm trái nổ, kẽm gai, phế liệu bán... nên...?

Quá khứ buốt đau luôn có đất sống. Miền ký ức ủ than luôn dày vò lại cháy bỏng lòng hắn. Cũng cầm súng đánh nhau nơi xa trường đàng hoàng chớ bộ, hắn nghĩ: “Bọn hắn thua bởi phía bên kia cân sức cân tài. Cái sự thua đâu có đáng hổ thẹn...”.

- Ai cũng nghĩ tui mạt vận như vậy. Nói anh hai đừng ngại, tui để lại một bắp giò ở Thành Cổ mùa hè đỏ lửa 1972. Tui là lính dù.

- Ủa! Ở Thành Cổ, cha?

- Thưa vâng!

- Tôi cũng đánh nhau hồi đó, ở phía Thành Tây Nam. Lúc đầu chúng tôi đánh ở Nhà ga xe lửa Quảng Trị.

- Tui cũng vậy. Có khi cái trái lựu đạn Liên Xô do anh liệng tới phạt cụt cái chân trái nầy cũng nên.

- Trời ạ. Một tình huống giả định khủng khiếp…

Anh ngập ngừng. Không khí dường như ngưng đọng. Nghẹt thở. Từ đầu chiến dịch đến lúc bị thương, anh liệng ít nhất chín chục trái. Bom đạn bời bời, nó nổ tiện cụt chân hắn hay bể đầu người lính Ngụy nào đó, sao biết được. Cái tay trái của anh bị đạn bắn thẳng phải tháo khớp cùi chỏ, không hắn thì đồng ngũ lính dù của hắn. Chiến tranh là thế, đạn đã lên nòng, đối mặt nhau không bắn đối phương thì cũng bị họ đốn gục... Anh lại hỏi:

- Anh lấy gì bảo đảm anh đã từng đánh nhau ở đó?

Dĩ vãng buồn đau luôn canh cánh thức trong lòng, giờ lại ồn lên. Đánh nhau ở Thành Cổ là một việc không thể né, hắn kiêu hãnh hay mặc cảm, nói ra người ta cũng chẳng tin. Hắn đang đi ngoài rìa, ngoài đường biên cộng đồng thật rồi. Người đi đường, không ai biết một thời hắn và anh đã từng choảng nhau, hướng mũi súng vào nhau bóp cò. Trước đây là hai chiến tuyến thù hận; nay đời thường, hắn phế binh đang chở một thương binh được cả xã hội ưu tiên, chăm sóc. Hắn đạp xích lô lấm láp, anh ta là hoạ sĩ sang trọng nổi danh. Có hề chi! Giọng hắn đầy hãnh diện, niềm tự hào xen lẫn xót xa:

- Anh hai nói tui buồn quá xá. Đã thất trận người ta phải giấu mình đi chớ; ai còn nhận tham gia cuộc oánh tương tàn đó. Vậy mà tui không mặc cảm tự ti, dám nhận cái thua rất hãnh diện, thua người đáng thắng - dứt khoát thắng. Mà tui cũng hỏi thiệt nghen: Anh thì lấy gì khẳng định anh đã oánh nhau ở đó nào?

Anh ngồi xoay hẳn người lại, ngước mặt nhìn hắn chăm chắm. Anh thở dài, trầm ngâm:

- Tôi nói điều này anh không tin, mọi người cũng chẳng tin đâu: Dạo ấy, trong vài ba lúc ngưng tiếng súng, tôi đã lấy dao găm khắc dòng chữ: 1972. đánh nhau ở đây...

- Anh khắc ở đâu, tường Thành Cổ a? – Hắn vồ vập như bắt được vàng.

- Không phải. Tôi lấy dao găm đục vào hòn đá, đúng là đục chứ không phải là khắc. Hòn đá rộng cỡ nửa cái chiếu đôi vốn là bệ đỡ con nghê. Nó nằm vật ra dưới chân Thành Cổ. Phải công nhận dao găm Mỹ tốt thật, nước thép sáng xanh, lưỡi dài thanh mảnh,… của lính dù chết trận thiếu gì. Cũng phải quằn mũi năm chiếc dao găm thì tôi mới đục xong dòng chữ.

- Trời đất ơi!...

“Tui cũng vậy”. Suýt nữa hắn thốt lên. Sao ngẫu nhiên trùng hợp đến lạ kỳ vậy? Hắn cũng làm cái việc tương tự giống anh. Hắn cũng khắc dòng chữ đó nhưng hắn khắc vào bức tường Thành Cổ phía Tây Nam...

- Tôi nghe nói Nhà vườn Thiên Thai có một Hòn đá như thế.

- Tui biết hòn đá này lâu rồi. Anh hai cứ đến thử xem có phải Hòn đá của mình không.

Đời là vậy, thiên hình vạn trạng biến hóa kỳ ảo. Hắn đã chứng kiến thêm một cuộc tìm kiếm ký ức nữa. Còn anh giơ tay ôm ngực, có vẻ như tim đập liên hồi và trong lòng đang xáo trộn bất ổn.

4. Hơi thở ngưng đọng. Không gian như đặc quánh. Y như ngày nào hắn cùng tụi lính dù hối nhau quyết bò lên cắm cờ trên Thành Cổ, nhưng bị đánh bật ra.

Hắn thấy anh cũng lặng thinh. Cả hai đang rơi vào im ắng. Cồn cào nỗi nhớ muốn vùi đi, quên đi mà không chôn lấp nổi. Bom đạn tơi bời. Tan hoang. Khói dựng đứng đúc thành những cây nấm rồi tan loang phủ trùm bụi. Nửa viên gạch vỡ cũng không vẹn nguyên. Sắt thép đấu với sắt thép, thuốc nổ đấu với thuốc nổ; hỏi da thịt nào chịu thấu? Vậy mà có đất sống cho Hòn đá lãng mạn đã tồn tại!

Bình tâm trở lại, hắn nhận ra tình huống vừa rồi không bất ngờ, ly kì lắm. Ở đời thiếu gì chuyện lặp lại giống nhau như thể tạo hóa sắp đặt trêu tức con người vừa thông minh mẫn tiệp, vừa khờ dại u tối. Có phải một mình anh chàng họa sĩ này có hòn đá ấy đâu. Ít nhất đến lúc này, hắn biết đã có thêm hòn đá thứ hai.

1972. tao oánh nhau ở đây. Hắn đã dùng dao găm Mỹ đục dòng chữ ấy lên bức tường Thành Cổ giữa khoảng lặng các đợt mưa bom bão đạn. Bức tường sụp đổ mất một nửa, nham nhở; lựu đạn quân giải phóng nổ phía trước bức tường, hắn núp phía sau. Bức tường thành đã che chắn mạng sống cho hắn về với má, lấy vợ sinh con bầy bẩy đứa. Có một chút gì đó bay bổng, lãng mạn hơn là sự yêng hùng, đại ca... Năm ấy hắn còn trẻ lắm, mới hai mốt tuổi đầu...

Sau chiến tranh, hắn đã đi tìm bức tường thành sụp đổ một nửa. Nhưng còn đâu Thành Cổ ơi! Hoang tàn. Bình địa rồi. Hắn: Mặt nhàu. Cụt một bắp giò. Chưa lắp chân giả thập thễnh chống nạng bước. Lang thang. Ngẩn ngơ. Đến Nhà ga xe lửa Quảng Trị, đi vòng quanh rồi vào hẳn trong Thành Cổ... Tiếng nạng gỗ luôn gõ xuống nền đất. Đất rùng mình. Đất âm âm lan xuống cõi âm. Bao nhiêu hồn ma thức giấc. Hắn lẩm bẩm, đọc:

Da trời ghen màu cỏ xanh.

Mây bay dỗi hờn khói trắng

Đêm ngày đong quên đổi nhớ.

Oằn lưng níu tháng năm trôi

Lần tìm tuổi xuân đánh mất

Oan hồn túm áo choàng vai

Trách chi tuổi trẻ dại khờ

Dòng sông hoa lửa bây giờ tắm chung...

Quên và nhớ. Đầy và vơi. Chẳng biết thế nào mà lần... Nhưng đấy là thơ. Thơ hắn viết cho riêng hắn; có mấy trăm bài. Ai bảo là thơ cũng được, ai chê là vè cũng chẳng sao.

Mấy chục lần hắn từ Huế trở ra Thành Cổ, lần nào cũng ngẩn ngơ, và rưng rưng rồi ngẫm ngợi. Lần nào đến đất này, hắn cũng tháo giầy ở cái chân còn lại, buộc đeo lên cổ. Tóc tốt lút vai. Râu quai nón rậm như rễ bèo Tây. Hắn khoác túi Clây mo trễ bên hông. Trông hắn giống một phế binh thất thế lê bước trên đường phố Sài Gòn thời sắc áo lính Mỹ rợp trời. Nhưng đó là hắn muốn thế. Chống nạng gỗ, hắn bước đi thập thễnh trên cỏ non xanh mềm. Cỏ non mát rượi gan bàn chân còn lại. Nhưng đầu hắn thì ong ong, lòng hắn thì nhói đau! Những tự vấn lộn xộn không kiểm soát nổi. Có mảng tường Thành Cổ nào vẹn nguyên? Có thằng bạn lính dù nào đang nằm trong lòng đất Thành Cổ dưới chân ta không? Có oan hồn người lính giải phóng nào hiện lên oán trách thù hận ta đã từng nã súng vào họ? Thưa các anh phía bên nầy và thưa các anh phía bên kia! Tui cũng để lại ở đất nầy một bắp giò đây nè.

Một lần, hắn từ Huế ra Quảng Trị. Cuối chiều hè. Hoàng hôn đỏ lịm, chói mắt. Trời xanh thẳm, từng không cao tít. Hắn ngồi uống nước chè chén bên Đường 9 Xuyên Á nhìn thấy một đám xúm đông xúm đỏ. Tò mò nổi lên, té ra, nhà nước làm lại đoạn lộ liên huyện, đào móng lộ ra cả một chiếc xe tăng T54 dưới mặt đường. Người ta phải dùng chiếc cẩu hạng nặng để trục nó lên.

Bất ngờ không thể tin được dù sự thật đang hiển nhiên phơi trước mặt hắn. Ký ức ngủ yên cả chục năm vụt dậy. Chiếc xe tăng T54 bị lính dù bắn đứt xích nằm bên cạnh hố bom năm nào lờ mờ ẩn hiện trong đầu hắn. Yêng hùng. Và kiêu hãnh. Lính dù bọn hắn đã thi nhau cắp súng AR15 bắn từng viên từng viên vào vỏ giáp T54 chiến lợi phẩm. Tên từng đứa hiện lên từ từ như người ta đột từng mũi đột vào vỏ giáp sơn màu cứt ngựa còn mới. Có lẽ ngày trước, khi làm đường, người ta đã đẩy chiếc xe tăng T54 xuống hố bom rồi san lấp?... Nước thép có nhiều chỗ rỉ ngoèn, và lấm láp đất ướt. Cũng khá vất vả, hắn mới nhận ra tên từng thằng bạn lính dù và tên hắn.

Ngay tối hôm đó, hắn trở về Huế. Suốt đêm và cả sáng hôm sau chạy vạy vay tiền. Hắn lại ra Quảng Trị ngay; nhưng chiếc xe tăng T54 cũ đầy thương tật đã biến mất tăm không còn bóng dáng. Có thể người ta cất giữ, bảo tồn ở một nơi đâu đấy? Có thể một người buôn phế liệu sắt vụn ve chai nào đó đã nhanh chân hơn hắn?

Cuộc đời là vậy. Hắn đang mất dần quá khứ một thời oanh liệt và tang thương. Đêm ấy, hắn đã khóc như cha chết. Nước mắt tiếc nuối, âu sầu, tiếc nuối. Sau đó, hắn tự an ủi vỗ về niềm hy vọng của kẻ chậm chân thất thế: Mua lại chiếc xe tăng T54 cũ phế liệu để ghi nhận chiến công trận mạc chẳng phải là ngông cuồng! Những người như hắn, tương tự như hắn đều có thể làm được. Nhưng biết đặt món chiến lợi phẩm T54 cũ ấy ở đâu? Lúc đó hắn chưa có nhà phải đi ở nhờ...

Bấy nhiêu năm, vật đổi sao dời; cái gì cũng khác. Cái còn lại thì không rõ hình hài. Cái mới sinh thì xa lạ. Cái mất đi thì biệt tích dấu vết... Lần nào đến vùng này, hắn cũng rưng rưng trong lòng.

- Cảm phiền, cho tui hỏi: Ngày trước oánh nhau có mảnh tường...

- Tưởng mua vé số, lại hỏi thăm. Chú ni kỳ cục vậy. Mảnh tường thì mắc gì tới con?

Cô bé bán vé số đang ế ẩm, cau có cắt ngang lời hắn. Hắn bẽ bàng, chống nạng đi. Tiếng cô bé làu bàu đuổi theo sau lưng. Hóa ra hắn vô tình gieo nỗi thất vọng vào lòng người đang bươn chải mưu sinh. Nhưng hắn có tội chi, ngoài cái đau đáu đi tìm dĩ vãng.

- Cảm phiền, cho tui hỏi: Mùa hè năm 1972 - đỏ lửa, chỗ nầy còn sót lại mảng tường, bây giờ chẳng biết nơi mô?

Ông thợ cắt tóc bên lề đường, hờ hững:

- Qua người xứ khác vãng lai, đâu có biết mảng tường... Rách việc. Tưởng đến hớt cái tóc cợp, ai dè...

Hắn lạc vào cõi mê thật rồi. Bom đạn ngút trời như thế đến viên gạch gãy cũng chẳng còn vẹn nguyên huống chi mảng tường!? Vậy mà hắn cứ đi tìm, đi vô định tìm kỷ vật trận mạc một thời đã mất.

Hắn cứ đi, đi loanh quanh, dật dờ. Mỗi lần hỏi thăm, bao giờ cũng bắt đầu bằng hai chữ: cảm phiền... Ai cũng bị cuốn vào vòng mưu sinh cơm áo gạo tiền, họ chối từ hắn một cách vô tình lạnh lùng và nhẫn tâm. Hắn đi bên ngoài cuộc đời của cả những người thợ mưu sinh bình thường.

5. Anh kể: Anh đã nhiều lần qua sông Thạch Hãn. Người ta bảo: Thạch Hãn – dòng sông hoa máu; Thạch Hãn – nấm mồ chung thủy táng. Anh chỉ thấy xót lòng khi nhớ đến bạn đồng ngũ không về.

Đò xuôi Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ

Đáy sông còn đó, bạn tôi nằm

Có tuổi đôi mươi thành sóng biếc

Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm.

Thơ của một người nào đó từng ra trận mà anh không nhớ tên.

Anh đi về Thành Cổ. Cánh tay trái bị thương, cụt ngủn từ cùi chỏ thu hình trong ống tay áo lất phất bay. Đau quá! Nếu như bom đạn tiện nốt cánh tay phải thì đút thức ăn vào miệng cũng không xong chứ nói gì đến ước mong nổi tiếng như Pi cát xô, Van Gốc. Nhưng anh vẫn còn may mắn, hạnh phúc hơn bao nhiêu thằng bạn sinh viên Đại học Mỹ thuật, Bách khoa, Tổng hợp, Sư phạm... cùng đợt nhập ngũ tháng tư năm 1971 không về với mẹ. Anh đã tháo giầy, rút tất và bàn chân trần đi rất gượng nhẹ trên cỏ xanh, trên đất mềm. Bởi dưới cỏ là đất, dưới đất là đồng đội anh đang yên nghỉ...

Một đoạn thành còn sót lại và cái cổng được trùng tu gợi lòng anh dấy lên cảm giác u hoài. Đài tưởng niệm trầm buồn, sừng sững, uy nghi vươn mình trong nắng sớm. Thành Cổ là nghĩa trang – nấm mồ chung của vạn người. Anh phân vân và thấy lòng mình trĩu nặng. Tháng ngày đã qua, linh hồn đồng đội anh đã hóa vào trời xanh vĩnh hằng hay đang nương dưới mái cuốn vòm âm dương kia?

1972. đánh nhau ở đây. Sau đó, bao lần anh đã đến đây đi tìm Hòn đá một thời. Hòn đá đã che chắn cứu mạng anh. Lựu đạn nổ phía trước Hòn đá, anh núp phía sau. Hòn đá - người mẹ đá đã sinh thành anh lần thứ hai. Hòn đá cũng là cái bia chắn tử thần, một mặt đã lỗ chỗ vết thủng hứng đạn bắn thẳng cho anh.

Đã có lúc anh thật sự thất vọng, chán và nản. Ấy là cái lần, anh đến đúng lúc người ta tu sửa lại con hào nước vòng quanh Thành Cổ. Lại vẫn như các lần anh đi hỏi tìm Hòn đá. Vừa cầu khẩn, vừa mong manh hy vọng.

Một người đang đào mai dừng tay gạt mồ hôi trán, thủng thẳng: “Tụi tui đào ở đây gặp bao nhiêu hòn đá, biết hòn nào của anh mà chừa lại!”. “Nhưng các anh gạt chúng vào đâu chứ?” “Cái ông này kỳ thiệt! Ở trên trời rơi xuống đấy hả? Hòn bé tấp vào bờ hào này, hòn lớn người ta khuân về đập ra làm móng xây nhà, hòn có hình thù góc cạnh thì người chơi non bộ đến khuân. Ai biết đâu mà lần!”. Thấy anh châng hẩng buồn, khuôn mặt đuỗn ra, cái anh cầm cán mai cười bảo: “Tui nói vậy thôi. Chớ đá ở đâu ra mà lắm thế. Chắc anh ở nơi xa đến hổng biết. Mùa hè năm 1972 đánh nhau ở đây tơi bời, đến nửa viên gạch cũng không lành lặn huống hồ là hòn đá bằng nửa cái chiếu đôi?!”.

Thất vọng, khoảng trống trong lòng rợn ngợp quá, anh vừa đánh mất một vật vô giá. Nếu mà khóc được thì anh đã khóc giữa thanh thiên bạch nhật này rồi. Nhưng anh vẫn cứ đi tìm...

6. Cuối cùng, hắn và anh cũng đến được cái nơi cần đến. Trống hoác, nhà vườn tan bành, tiêu điều, cái xanh tươi, trữ tình thơ mộng biến mất như chưa hề có trên đời. Bất ngờ nằm ngoài trí tưởng tượng của hắn và anh. Mấy người thợ sắt đang hì hụi gỡ hạ biển hiệu Nhà vườn Thiên Thai xuống đất. Một cánh tay cần cẩu dài nghêu đầy quyền uy công nghiệp, góc vườn, chiếc xe ben chất đầy đá khối đang nổ máy xình xình. Hàng rào ô rô xung quanh nhà vườn được xén tỉa công phu đã bị đánh bật gốc để xây tường gạch bao. Cái bàn gốc lũa đặt bên gốc cây hoàng lan, ông chủ hay đánh cờ với khách mất tăm tích. Mấy cây cổ thụ đốn hạ nằm vật ra và bị gầu xúc cần cẩu đánh bật gốc. Cảnh tiêu điều hoang tàn của nhà vườn đập vào mắt hắn, đau rát như có cái cần cẩu đang khua khoắng trong bụng.

Ông chủ khoảng ngoài sáu mươi, cao lớn. Mặt chữ điền, đôi mày rậm hơi xếch, mũi cao, má đầy, coi bộ phương phi. Ông đưa mắt nhìn như dò hỏi hai vị khách đến khá đường đột, rồi ông chợt nhớ ra, hình như đã gặp hắn vài ba lần ở cái nhà vườn này rồi. Ánh mắt dịu lại, nét mặt ông chủ thân thiện hơn. Ông than thở về công chuyện giải phóng nhà vườn quá chậm; vì đang bận bịu nên hối người giúp việc đưa khách vào căn nhà cổ còn sót lại để hầu trà chờ ông chút xíu.

Yên vị, sau một tuần trà, vài ba câu chuyện chủng chẳng trong sự chờ đợi nóng lòng, sốt ruột. Bất chợt anh nhìn thấy ảnh ông chủ có dải băng đen chạy chéo góc trên ban thờ. Vẫn mặt chữ điền, đôi mày rậm hơi xếch, mũi cao, má đầy, coi bộ phương phi mà lại mang sắc phục thủy quân lục chiến. Cái quân hàm trung úy thủy quân lục chiến không tương xứng chút nào với gương mặt ông lão sáu mươi già cũ kỹ.

Biết anh ngạc nhiên khó hiểu, hắn bảo:

- Em ruột ông chủ đó. Giống nhau quá ha? Hai giọt nước phải không, anh hai? Cái ảnh nầy ông cựu trung úy ngụy chụp trước lúc mất độ nửa năm.

Anh bảo:

- Tôi thấy làm lạ, không cắt nghĩa được.

Hắn tảng lờ, không giải thích. Cái gì mù mờ hãy cứ để mù mờ. Sương mù bay cứ để mù sương bay; mặt trời lên, sương tan thì mọi thứ trên mặt đất đều rõ ràng rành mạch cả. Con người ta không có gì chán hơn là đã biết hết mọi thứ trên đời, chẳng có gì bí ẩn nữa. Anh mới đến, lạ, rất mù mờ; nhưng hắn thì quá tỏ tường.

...Dân quanh đây cũng chỉ vài nhà biết nội cảnh gia đình nầy. Quê gốc họ ở mạn sân bay Tây Lộc. Một nhà có hai anh em sinh đôi mà mỗi người một ngả. Ông lúc nãy là người anh nhảy núi đi cách mạng. Người em bị bắt lính, đi đánh nhau ở vùng chiến thuật 1 rồi rút về cố thủ Đà Nẵng cho đến lúc bị thương mất khả năng làm thằng đàn ông; chưa kịp giải ngũ thì chiến tranh kết thúc. Sau năm 1975, họ đi tìm nhau, nhưng không gặp; mãi sau mới biết người em đang thụ giáo ở Trại học tập cải tạo. Phải mấy năm sau gia đình mới đoàn tụ, họ mua mảnh đất nầy làm cái nhà vườn; hồi đó giá bèo lắm. Lúc đầu, người em lóc cóc ra Quảng Trị rồi lại vào Huế lượm, mua mấy đồ chiến trận phía bên Ngụy. Cũng là nỗi niềm thân phận. Cũng là một cách sống cùng quá khứ, đánh thức dĩ vãng. Người anh không những thờ ơ mà còn giễu nhại trong lòng và cố giấu đi điệu cười khẩy.

Ông ấy đi làm việc nhà nước tận Sài Gòn thỉnh thoảng mới ra Huế về nhà, anh em hàn huyên được vài câu đã trách đứa em nửa đàn ông nửa đàn bà lẫn cẫn, toàn làm cái việc nhố nhăng, tầm phào, nhọc công. Sau lại nghĩ: Em mình phế binh đến đường con cái cũng tuyệt, cản làm chi, để nó ấy theo đuổi cái chí thằng đàn ông lỡ thời thất thế. Rồi cũng thấy hay hay, có chút ý nghĩa nào đó… Về sau, đi đây đó công chuyện, người anh cũng lượm được vài ba đồ chiến trận thuộc bên Giải phóng, bỏ lăn lóc chung ở đây. Còn cái hòn đá anh họa sĩ hỏi, nhà này có thiệt.

Một lần, sau cuộc cờ tàn, ông chủ Nhà vườn Thiên Thai bảo hắn: “Moa biết toa cũng từng uýnh nhau ngoài Quảng Trị. Toa kể chuyện này có thể toa hổng tin. Khi ấy là chiều nhập nhoạng, moa và trung đội lính thủy quân lục chiến kẹt lại trong lửa cháy, đạn bom tùm lum dưới mạn chân Thành Cổ; moa nhìn thấy Hòn đá khắc dòng chữ Mùa hè năm 1972, tao đánh nhau ở đây...”. Hắn chột dạ, cố kìm lòng, biểu: “Có dễ đại huynh trông gà hóa cuốc, giữa lúc pháo đàn đạn bầy như thế, lo cái thân ẩn tránh cũng không xong; thằng lính nào còn bụng dạ để mơ mộng lãng mạn bày đặt cái sự yêng hùng đó”. Ông cựu trung úy ngụy biểu: “Moa nhìn thấy thiệt. Người lính bất kỳ nào đó đã đục dòng chữ ấy từ lúc chiến sự chưa ác liệt hoặc lúc ngưng tiếng nổ giữa các lần trận đánh thì sao?”. “Thưa vâng! – Theo đà câu chuyện lôi cuốn, hắn phụ họa. – Rất có thể người lính nào đó điên khùng đục dòng chữ ấy giữa lúc oánh nhau tơi bời. Có nghĩa là, ai oánh nhau cứ oánh, ai mơ mộng, yêng hùng cứ lãng mạng, yêng hùng”. “Thì vậy. Qua còn nhìn thấy người lính giải phóng chết nằm đè lên xác thằng lính thủy quân lục chiến. Chả là hai người quần nhau giáp lá cà, thằng lính thuỷ quân lục chiến – bạn qua trước lúc gục xuống Hòn đá đã kịp cắn đứt cuống họng anh lính giải phóng. Qua phải lật xác tìm bạn, máu chảy lênh láng lên Hòn đá. Cái hình ảnh ấy thường đến vào lúc nửa đêm khi đất trời giao ngày, nó ám ảnh qua kinh khủng, hổng ngủ được. Nhứt định nhà vườn của qua phải có Hòn đá ấy”. Rùng mình. Người nổi gai ốc. Hắn cắn chặt môi. Chút xíu nữa là hắn tông tốc kể chuyện hắn cũng có một dòng chữ đẫm máu tương tự như thế trên bức tường Thành Cổ.

Sau nửa năm, hắn đã thấy Hòn đá trong Nhà vườn Thiên Thai. Hòn đá ấy ám khói lửa, bầm dập, lở loét, sất sước, lỗ chỗ vết đạn, mảnh pháo, mảnh bom ghim. Chẳng biết ông cựu trung úy thủy quân lục chiến mua hay lượm được Hòn đá ngoài Quảng Trị. Mà có khi ông ấy tái tạo, đục lấy cũng nên. Bây giờ, ông cựu trung úy Ngụy mất được mấy tháng nay. Khổ thân! Chết không mang được cái gì theo...

Ông chủ nhà tạm hết công chuyện bước vào nhà tiếp khách. Vài ba câu đưa đẩy, ông chủ nhà nhận ra người đạp xích lô - bạn tri âm của em mình. Nét mặt lạnh, ông đâu có buồn buồn nẫu ruột như anh và hắn. Hắn nhớ lại: Dạo trước, ông chủ “nhảy núi” này chưa về hưu. Hắn đã từng ngồi thọp vào ghế xích lô ngủ gà gật khi bóng nắng đổ dài ở cổng chờ đón khách đến mua cây cảnh, non bộ. Cũng có hôm ế khách, hắn vào ngồi chầu rìa, hút thuốc lào uống nước chè nhạt, xem ông chủ cựu lính thủy quân lục chiến đánh cờ tướng với bạn tri âm và hóng chuyện. Rồi hắn cao cờ lúc nào không biết, chỉ học lỏm mà cao cờ mới tài. Hắn thành bạn cờ với ông chủ nhà vườn. Nhưng hắn phải kiếm sống, chả lẽ cứ bỏ xích lô đi đánh cờ hoài để nhà treo niêu vợ con đói. Ông chủ là người từng trải, hiểu đời, ý tứ. Ông chủ cần người giải phiền muộn. Hắn đã làm được việc ấy. Thế là ông chủ thường trả tiền cho những lúc hắn hầu cờ ông. Gọi là cho tiền lũ trẻ mua sách vở cũng được mà thuê đánh cờ cũng chẳng sao...

Anh và hắn hỏi xin được xem hòn đá. Nhưng ông chủ nhà vườn tỉnh khô, lắc đầu. Anh linh cảm việc chẳng thành. Không còn cơ hội nữa rồi. Nhà vườn tan hoang đang bày ra trước mặt anh và hắn rồi.

Suốt đời ông bỏ việc nhà mải mê làm việc nhà nước. Ngay cả cái việc sưu tầm, thu lượm đồ lính trận của người em trai ông cũng cho là lẩn thẩn, hoài phí vào việc vô công rồi nghề chỉ hợp với mấy anh trí thức lãng mạn, học lắm. Hòn đá của em ông chẳng biết thật hay giả, nhưng ông thấy rách việc; không có Hòn đá thì đã chết ai, cái nhà vườn này sụp chắc?! Còn bao nhiêu việc phải lo quan trọng hơn nhiều, chí ít là miếng ăn. Mấy đứa con và bà vợ ông đã kịp làm xong thủ tục xây khách sạn hai sao trên nền nhà vườn khi ông vừa về nghỉ hưu vài tháng. Chị dâu quên em chồng, mấy đứa cháu cũng quên phắt ngay chú ruột chúng nó. Người em trai xấu số của ông không còn chỗ đứng trong cái nhà này. Ông thì không quên, nhưng gầy dựng theo kiểu chú em trai thì không hợp thời. Dọn. Dọn tất.

Họ giữ lại một ít non bộ, cây cảnh quý để làm đẹp cái khách sạn hai sao sắp xây còn thì bán đổ bán tháo thật nhanh để lấy mặt bằng thi công. Đồ chiến trận thì bán mớ như bán phế liệu, còn lại thì thuê công nhân môi trường đô thị hót gọn lên xe rác. Đá khối, đá tảng cùng dự định đục tượng không thành của ông cựu trung úy dù thì đi theo xe ben vào lò nung vôi. Ông bình thản, coi mọi việc đều giản đơn; con người sinh lão bệnh tử... chết chẳng mang theo chi hết. Sao cứ phải câu nệ chuyện quá khứ buồn đau hay huy hoàng tráng lệ?

- Mấy anh ra coi chiếc xe ben cuối cùng đó. May ra Hòn đá còn chình ình trên thùng.

Anh và hắn tá hỏa vội vàng chạy ra ngoài thì chiếc xe ben chạy từ lâu rồi. Xích lô. Xích lô. Một cuộc hành trình mới, đã đến nước này thì hắn – phế binh cụt một bắp giò ngồi trên ghế, anh đạp vội theo con đường chiếc xe ben đã đi.

Đoạn kết

Lúc ấy, hoàng hôn đang buông đỏ ối. Dãy núi Tây Lộc mờ xanh. Một cái lò nung vôi ở chân núi đang tỏa khói cuồn cuộn như rồng bay lên bầu trời. Hắn và anh đến chỉ thấy: Một toán thợ đập đá. Ngực u cục láng bóng mồ hôi. Búa năm cân giáng hết sức. Vài con trâu còn ách trên vai, thùng rỗng. Cái xe ben cũng rỗng thùng. Bên cạnh đó: Một cái lò vừa ra vôi. Một cái nữa đang chờ thợ đang khuân đá vào lò.

- Cảm phiền! - Hắn rụt rè hỏi người lái xe ben. - Cho tui hỏi: Anh có thấy Hòn đá khắc dòng chữ...

Người tài xế cáu kỉnh, quát lại:

- Dòng chữ nào? Đá mà có dòng chữ... Rách việc.

Minh họa: Dương Văn Chung

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 5 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 6 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 6 ngày trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước