Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
04:07 (GMT +7)

“Hòm nhòm” và nghệ thuật kể chuyện rong

VNTN - “Hòm nhòm” đã từng có một thời là một phần không thể thiếu của cuộc sống thường ngày tại nhiều quốc gia khác nhau. Ngày nay ngay cả khái niệm “hòm nhòm” - một chiếc hộp có hai lỗ nhìn để người xem ghé mắt thưởng thức những bức ảnh hay cuộn phim - cũng chẳng mấy người còn nhớ tới. Tuy vậy, cần biết rằng “hòm nhòm” từng là một bộ môn nghệ thuật, có lịch sử lâu đời và chiều sâu ít người ngờ đến.

Chiếc “hòm nhòm” đầu tiên được nhà thơ, nhà văn, nhà triết học và linh mục người Ý Leon Battista Alberti sáng chế vào năm 1437. Chiếc “hòm nhòm” của Leon Alberti chỉ gồm một cái hộp không có đáy mà ông có thể trượt những tấm kính màu vào để khán giả ngắm qua hai lỗ nhìn. Dần dần theo thời gian thiết kế của những chiếc “hòm nhòm” trở nên phức tạp hơn. Kính màu được thay thế bằng phim âm bản; nến được thay bằng đèn halogen…

Đến giữa thế kỷ thứ 20 đã có những chiếc “hòm nhòm” chẳng khác gì rạp chiếu phim thu nhỏ vì có cả một máy chiếu phim 35mm bên trong. Chỉ có một điều không đổi là người nghệ sĩ luôn luôn đóng vai trò trung tâm trong việc dẫn dắt khán giả qua những hình ảnh rời rạc bằng câu chuyện kể của mình.

 

Hai cô gái người Trung Quốc vừa xem hòm nhòm vừa nghe nghệ sĩ kể chuyện.

Nguồn gốc của “hòm nhòm” như là một bộ môn nghệ thuật. Dẫu vậy thì lịch sử của nó còn lâu đời hơn thế. Ngay từ thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên tại Ấn Độ đã có những người kể chuyện rong vác trên vai từng cuộn tranh khổ lớn đến các khu chợ để biểu diễn. Nghề kể chuyện rong có tranh minh họa lan sang phương Tây và đến Ý, nơi mà hiện vẫn còn tồn tại những tấm tranh đã từng đi khắp châu Âu thời Trung Cổ cùng với các nghệ sĩ được gọi là Cantastoria.

Ở phương Đông, kỹ nghệ nói trên được truyền tới Nhật Bản cùng với Phật giáo. Những nhà sư người Nhật Bản thường vẽ lên giấy hình ảnh minh họa điển tích trong kinh Phật, rồi lấy tranh đó để dạy cho trẻ con. Dần dần việc này trở thành một bộ môn nghệ thuật riêng biệt, có quy củ rõ ràng và nó mang tên là Kamishibai.

Những thập niên đầu thế kỷ 20 là thời kỳ thịnh vượng nhất của “hòm nhòm”. Tại thời điểm đó, hầu như trên đường phố nào tại châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc cũng đều có những nghệ sĩ rong ruổi trên xe đạp với chiếc “hòm nhòm”. Họ chỉ cần một góc phố nhỏ thôi là đủ để dựng đồ nghề, và chẳng mấy chốc sẽ có một đám đông dài cả trẻ con lẫn người lớn nối hàng chờ. Lần lượt từng khán giả một sẽ được phủ một tấm vải lên đầu, rồi thì ghé con mắt mình vào hai lỗ nhòm. Trong khi đó thì người nghệ sĩ không ngừng nghỉ kể chuyện bằng chất cuốn hút của mình, thu hút khách qua đường. Cứ thế mà người nghệ sĩ “hòm nhòm” đem lại niềm vui cho khán giả và trở thành người được các cộng đồng luôn mong ngóng.

Nội dung được chiếu trong các “hòm nhòm” rất đa dạng. Đối với trẻ em thì đó có thể là các bức tranh kể lại những câu chuyện cổ tích quen thuộc, hay là một chuỗi những tấm ảnh về cảnh lạ đầy yếu tố hấp dẫn ở một phương trời nào đó. Đối với người lớn thì đó có thể là những hình ảnh về sự kiện thời sự mới nhất mà họ không có cách nào được nhìn thấy ngoài cách mua báo. Và những vùng đất ở nông thôn, nơi mà không có báo, sẽ có người làm nghề “hòm nhòm” rong.

Để kích thích hơn nữa trí tò mò của người xem, người nghệ sĩ đưa vào trong “hòm nhòm” của mình những hiệu ứng thị giác như khói và ống kính lồi lõm. Cùng với giọng kể chuyện của người nghệ sĩ, bất kỳ ai được xem “hòm nhòm” đều có cảm giác như mình đang bị lạc vào một thế giới gần gũi nhưng cũng khác lạ mà họ không thể rời ra được.

Tại Việt Nam, những chiếc “hộp nhòm” đầu tiên được thương nhân Trung Quốc đưa đến những khu đô thị nơi họ tập trung buôn bán như Phố Hiến và Hội An. Thế nhưng phải đến thời kỳ Pháp thuộc thì “hòm nhòm” mới thật sự được đưa vào Việt Nam. Nước Pháp là một trong những quốc gia đầu tiên phát triển nền điện ảnh, từ đó dẫn đến việc họ sớm đưa máy chiếu và phim cuộn vào trong “hòm nhòm”.

Trong truyện ngắn “Quán tươi” của cố nhà văn Nguyễn Tuân có một cảnh nhân vật chính mang tên Khâu đi chợ xem trong “hòm nhòm” những tấm hình bộ đội và nhân dân thắng trận trước thực dân Pháp. Khâu phải công nhận rằng cái thú vị nhất của xem “hòm nhòm” là được nghe giọng nói của người nghệ sĩ kể chuyện.

***

Trong thời hiện đại này, khi mà bất kỳ ai cũng có thể xem phim trên chiếc điện thoại thông minh bỏ túi của mình, thì “hòm nhòm” quả thật khó có “đất sống”. Nhưng chúng ta liệu có thể nhìn vào sự trỗi dậy của nghệ thuật đường phố tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung để mà tin vào một sự trở lại của “hòm nhòm” hay không?! Câu trả lời là có. Như ở trên đã nói, điểm thu hút nhất của một chiếc “hòm nhòm” chính là cách người nghệ sĩ xâu chuỗi những tấm ảnh lại thành một câu chuyện. Ở một mặt nào đó, điều này cũng giống như người nghệ sĩ hát xẩm kể chuyện đời mình qua tiếng đàn. Và chưa bao giờ loài người chúng ta thôi thèm muốn được nghe kể những câu chuyện hay cả, cho dù chúng có huyễn hoặc đến mấy.

Đối với những “người đọc sử thi” thời hiện đại, nếu chỉ với lòng yêu nghề và tài năng kể chuyện thôi thì mới là điều kiện cần. Điều kiện đủ ở đây là kiến thức, trí tưởng tượng đồng thời phải tận dụng các công nghệ mới như một phương tiện để truyền tải câu chuyện. Nghệ thuật “hòm nhòm” đi vào thời kỳ cực thịnh (đầu thế kỷ 20) nhờ vào cách đó. Ngày nay, các nghệ sĩ nếu hồi sinh được nghệ thuật “hòm nhòm”, chắc chắn cũng phải làm theo cách tương tự.

LÊ VŨ (tổng hợp)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Phim ngắn: Có phải là vấn nạn?

Điện ảnh - Truyền hình 1 tháng trước