Hội thảo khoa học “Văn học Thái Nguyên 20 năm đầu thế kỷ XXI”: Quá trình kiến tạo và những chuyển động
VNTN- Ngày 25/7, trong khuôn khổ chương trình Kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên (1987 - 2022), Hội thảo khoa học “Văn học Thái Nguyên 20 năm đầu thế kỷ XXI” đã được tổ chức với sự tham gia của đại diện các cơ quan chuyên môn, các nhà nghiên cứu, lí luận - phê bình trong và ngoài tỉnh, cùng đông đảo các hội viên, văn nghệ sĩ.
Đoàn Chủ tọa điều hành Hội thảo (từ trái sang: TS. Nguyễn Kiến Thọ - Ủy viên BCH, Chi hội trưởng Chi hội Thơ; Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh - Chủ tịch Hội VHNT tỉnh; PGS.TS Trần Thị Việt Trung - Ủy viên BCH, Chi hội trưởng Chi hội Lý luận phê bình; Nhà văn Phan Thái - Ủy viên BTV, Chi hội trưởng Chi hội Văn xuôi)
1. Hội thảo là hoạt động chuyên môn nhằm nhìn nhận lại quá trình kiến tạo những giá trị cũng như những chuyển động của văn học Thái Nguyên trong giai đoạn 20 năm đầu thế kỷ XXI. Đồng thời, đây cũng là diễn đàn học thuật để nhận diện đặc điểm và thành tựu, phân tích những giới hạn nhằm đặt ra những yêu cầu để văn học Thái Nguyên tiếp tục có những bước phát triển hơn nữa trong giai đoạn tiếp theo.
Hội thảo đã thu hút 19 tham luận khoa học từ các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà lí luận phê bình, nhà văn, nhà thơ đến từ các đơn vị như Viện Văn học, Hội Nhà văn Việt Nam, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên), Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên…
Các tham luận đã đưa ra những phân tích từ góc độ diện để có cái nhìn tổng thể (Khái quát văn học Thái Nguyên 20 năm; Đội ngũ sáng tác; Lĩnh vực Văn xuôi, Thơ, Nghiên cứu - lí luận - phê bình…), đồng thời đi sâu vào góc độ điểm để có cái nhìn cụ thể với từng vấn đề, đối tượng (Lực lượng tác giả trẻ; Đề tài lịch sử; Đề tài công nghiệp - công nhân…). Đáng chú ý, các tham luận cũng đi vào làm rõ một số gương mặt tác giả nổi bật để qua đó phác họa diện mạo chung của văn học Thái Nguyên trong 20 năm đầu thế kỷ XXI.
PGS.TS Nguyễn Huy Quát trình bày tham luận “Văn học Thái Nguyên với đề tài lịch sử”
Không chỉ nêu bật những đặc điểm, thành tựu, các tham luận cũng chỉ rõ những vấn đề còn hạn chế để cùng đặt ra những giải pháp, hướng phát triển của văn học Thái Nguyên ở những chặng đường phía trước.
2. Các tham luận tại Hội thảo đã cho thấy sự khảo sát, phân tích công phu, kỹ lưỡng, đa chiều, qua đó đem lại những cái nhìn khách quan, đặt ra những vấn đề hữu ích cho tổ chức Hội cũng như cho mỗi người sáng tác, nghiên cứu.
Nhằm đưa ra cái nhìn tổng quan đồng thời đặt ra những vấn đề cần quan tâm của Hội thảo, TS. Nguyễn Kiến Thọ (Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên) đã có báo cáo đề dẫn với nội dung: “Văn chương Thái Nguyên 20 năm đầu thế kỷ XXI - bước chạy đà cho một hành trình mới”. Báo cáo đề dẫn đã khẳng định: Hai mươi năm có tính chất bản lề cho sự phát triển bền vững trong đời sống văn học nghệ thuật của tỉnh nhà. Theo tác giả, đây là hai mươi năm cần thiết cho một cuộc bàn giao về đội ngũ, từ thế hệ các nhà văn, nhà thơ trưởng thành trong và ngay sau thời Văn nghệ Việt Bắc đến các nhà văn, nhà thơ được định danh vào những thập niên cuối cùng của thế kỉ XX; có cả một thế hệ người viết xuất hiện và từng bước dấn thân vào địa hạt văn chương một cách chững chạc, tự tin và đầy bản lĩnh trong hai thập kỉ đầu tiên của thế kỉ này. Đây cũng là giai đoạn cho một sự khẳng định về thành tựu của văn chương Thái Nguyên cả về chiều sâu và bề rộng, vượt qua những giới hạn mang tính địa phương để từng bước hòa nhập với đời sống văn chương cả nước; là thời gian cần thiết để các nhà văn, nhà thơ Thái Nguyên tìm thấy lối đi riêng trong hành trình sáng tạo nghệ thuật của mình. Tuy vậy, tác giả cũng thẳng thắn đưa ra nhận định giàu tính xây dựng: “Dường như trong đời sống văn chương Thái Nguyên hôm nay, chúng ta chưa có hoặc chưa đủ để cho người đọc nhận thấy hoặc hình dung về những nhà văn thực sự bản lĩnh, dám và đang dấn thân để khám phá và phản ánh những ngóc ngách, góc cạnh của đời sống, những vấn đề mang tính thời sự, những vấn đề mang tính nhân bản sâu sắc. Có vẻ như, văn chương Thái Nguyên lúc này vẫn chưa dịch chuyển được bao xa khỏi sự hướng tâm của các hệ giá trị mang tính lịch sử”.
Nhận định về 20 năm văn học Thái Nguyên - những điểm nhấn từ phương diện đội ngũ sáng tác, PGS.TS Trần Thị Việt Trung (Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên) cho rằng: Đội ngũ các nhà văn Thái Nguyên đã có những nỗ lực đáng được khẳng định, dần khắc phục các hạn chế, kế thừa và phát huy những thành tựu, những mặt mạnh của hoạt động văn học giai đoạn trước; bứt phá và sáng tạo vượt lên chính mình… và đã đạt được những thành tựu mới, đáp ứng nhu cầu đổi mới văn chương, bắt kịp và hòa vào dòng chảy văn chương đương đại của cả nước. Các nhà văn Thái Nguyên đã có sự trưởng thành rõ rệt, đã vươn đến một “độ chín” nhất định về trình độ, năng lực, về chất lượng sáng tác.
Nhìn nhận về văn xuôi, nhà văn Phan Thái (Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên) khẳng định đây là thời kỳ văn xuôi Thái Nguyên nở rộ, trong đó tiểu thuyết là một điểm nhấn quan trọng, với sự bứt phá, đa dạng về đề tài, bút pháp, từng bước hình thành các mảng văn học theo nhiều đề tài, chủ đề. Trong khi đó, soi chiếu vào đội ngũ sáng tác, TS. Ngô Gia Võ (Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên) chỉ ra sự vận động của thơ Thái Nguyên. Từ việc nhìn vào số lượng các tác giả được kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam, các giải thưởng được trao, các thế hệ người viết, TS. Ngô Gia Võ khẳng định: “Thơ Thái Nguyên đã hoàn thành được sứ mệnh của mình, tiếp tục hòa nhập với thơ cả nước theo xu hướng vừa dân tộc vừa hiện đại”.
Đi sâu vào lĩnh vực nghiên cứu, lý luận - phê bình, PGS.TS Cao Thị Hồng (Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên) khẳng định: Hai mươi năm, hòa trong dòng chảy của đời sống văn học dân tộc, với ảnh hưởng của bản thân sự phát triển văn học, ảnh hưởng của đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội và đặc biệt sự ảnh hưởng từ việc tiếp nhận những thành tựu lý luận - phê bình văn học hiện đại trên thế giới đã làm cho diện mạo nghiên cứu, lý luận - phê bình văn học ở Thái Nguyên có những đổi mới căn bản. Theo tác giả, dẫu chưa thể đáp ứng được tốt nhất những nhu cầu, đòi hỏi của đời sống và của công chúng văn học nhưng vẫn cần ghi nhận và đánh giá một cách tích cực về sự hiện diện và tầm quan trọng của nghiên cứu - lý luận phê bình trong đời sống văn học tỉnh nhà những năm qua. Bên cạnh việc ghi nhận thành tựu (công trình - tác phẩm đã công bố; mảng nghiên cứu, phê bình văn học dân tộc thiểu số ở phía Bắc Việt Nam; nghiên cứu các vấn đề lý luận - phê bình văn học thời kỳ đổi mới ở Việt Nam và ứng dụng các lý thuyết hiện đại nghiên cứu các di sản văn chương dân tộc), tác giả cũng chỉ ra những hạn chế cần giải quyết (ít người cầm bút chuyên nghiệp và gắn bó lâu dài với nghề; chưa có chiến lược phát triển đội ngũ; tính học thuật trong nhiều nghiên cứu, phê bình văn học chưa cao).
PGS.TS Cao Thị Hồng (Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên) chỉ ra những hạn chế cần giải quyết đối với nghiên cứu, phê bình văn học của các tác giả Thái Nguyên.
Một số tham luận đã đi vào từng tác giả, tác phẩm cụ thể để nhận diện một số gương mặt văn chương nổi bật của văn học Thái Nguyên 20 năm đầu thế kỷ XXI. Nếu PGS.TS Dương Thu Hằng (Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên) đi vào vấn đề cảm quan sinh thái trong tiểu thuyết Hồ Thủy Giang, thì ThS. Trần Văn Tác (Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên) khảo sát về thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết Ma Trường Nguyên. TS. Nguyễn Thanh Tâm (Tạp chí Văn nghệ Quân đội) luận về sự truy vấn chủ thể từ thơ Phạm Văn Vũ và Nguyễn Nhật Huy, trong khi TS. Đỗ Thị Thu Huyền (Viện Văn học) bàn về “văn hóa dã hòa” trong văn xuôi Bùi Thị Như Lan. PGS.TS Cao Thị Hảo (Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên) có những đánh giá về vị trí, đóng góp của nhà nghiên cứu, lí luận - phê bình Trần Thị Việt Trung, trong khi PGS.TS Trần Hoài Anh (Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh) nhận diện nhà nghiên cứu lí luận - phê bình Cao Thị Hồng như một người dấn thân đi tìm mỹ cảm văn chương.
Bên cạnh các tham luận, một số nhà nghiên cứu, chuyên gia cũng đã có những thảo luận tham góp đáng chú ý, đặt ra những vấn đề cần quan tâm cũng như nhiều sự gợi mở.
TS. Bùi Thế Đức (Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng LLPB VHNT trung ương) ghi nhận thế mạnh của văn học nghệ thuật Thái Nguyên về đội ngũ, lực lượng; đồng thời nhấn mạnh cần phải có sự phối hợp, đổi mới nhằm nâng cao chất lượng trong công tác hoạt động của những người làm nghiên cứu, lí luận - phê bình.
TS. Bùi Thế Đức (Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng LLPB VHNT trung ương) phát biểu tại Hội thảo
TS. Đỗ Thị Thu Huyền (Viện Văn học) đề xuất cần có những cách làm bài bản, liên tục, kiên trì nhằm chuẩn bị được đội ngũ sáng tác kế thừa, nhất là lực lượng tác giả trẻ người dân tộc thiểu số.
Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu (Hội Nhà văn Việt Nam) khẳng định Thái Nguyên có đóng góp quan trọng vào mảng văn học dịch khi dịch giả Phạm Đức Hùng là gương mặt hiếm hoi về tiếng Đức tham gia Hội đồng dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam; đồng thời đặt ra gợi ý về việc đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá, đưa văn chương của Thái Nguyên đến với bạn đọc trong nước và thậm chí là nước ngoài. Đây là những thảo luận, gợi mở hết sức hữu ích, trong bối cảnh mà hoạt động văn học nghệ thuật hơn bao giờ hết cần sự chuyển động, đổi mới, bứt phá để đáp ứng yêu cầu của hoàn cảnh mới, thời đại mới.
Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu (Hội Nhà văn Việt Nam)
3. Kết luận Hội thảo, PGS.TS Trần Thị Việt Trung đánh giá: Các tham luận đã đi vào nghiên cứu khái quát, tổng thể về văn học Thái Nguyên trong 20 năm đầu thế kỷ XXI; nhận rõ diện mạo, tính chất, đặc điểm, quá trình vận động phát triển, đặt ra các vấn đề cần khắc phục, hướng tới các giải pháp nhằm đưa văn học Thái Nguyên phát triển một cách mạnh mẽ hơn nữa, phù hợp và đáp ứng nhu cầu của bạn đọc cũng như của xã hội, địa phương trong thời kì đổi mới.
Có thể thấy, Hội thảo đã đạt một số kết quả quan trọng: Ghi nhận, khẳng định những cố gắng, nỗ lực cùng thành tựu đã đạt được của đội ngũ các nhà văn Thái Nguyên trong 20 năm đầu thế kỉ XXI - những kết quả đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của con người Thái Nguyên; chỉ ra một số giới hạn cần phải vượt qua của văn học Thái Nguyên trên các mặt đội ngũ sáng tác, đề tài, chủ đề, đặc biệt là đổi mới tư duy nghệ thuật quyết liệt hơn nữa để có những tác phẩm hay, tác phẩm đỉnh cao, để có thể nâng cao về số lượng chất lượng tác phẩm, xứng đáng với vị thế, vị trí của văn học Thái Nguyên.
Kết quả mà Hội thảo đạt được cũng là một minh chứng sống động cho quá trình hoạt động tích cực, hiệu quả của Hội VHNT Thái Nguyên trong suốt những năm qua, thông qua đó cũng đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm cho bước phát triển trong những năm tiếp theo của văn học nghệ thuật tỉnh nhà.
Kết thúc hội thảo, nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: Việc nhận diện các vấn đề văn học nghệ thuật tỉnh nhà và xây dựng các giải pháp tiếp theo không chỉ dừng lại trong khuôn khổ hội thảo; Hội mong muốn tiếp tục đón nhận những tham góp của các nhà nghiên cứu, chuyên gia, tác giả, văn nghệ sĩ và những người quan tâm để có những phương cách hoạt động hiệu quả hơn nữa.
Bài: Minh Khuê
Ảnh: Thanh Lên
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...