Chủ nhật, ngày 22 tháng 09 năm 2024
00:47 (GMT +7)

Hội hát Nàng Hai

VNTN - Trong tiếng Tày, “Nàng Hai” có nghĩa là Hằng Nga. Hát Nàng Hai là một lễ hội ca hát của nam nữ thanh niên nông thôn- nông nghiệp thời trước. Ngày nay do điều kiện sống thay đổi, nhất là sau khi trải qua các cuộc chiến tranh, rồi những năm bao cấp thiếu đói, thanh niên nam nữ không còn tổ chức hội hát Nàng Hai nữa. Thành thử những điều tôi nói sau đây có lẽ chỉ là những gì còn lại trong kí ức.

Hội hát Nàng Hai được tổ chức vào tháng 8 âm lịch. Lúc này theo nông lịch cũ, công việc đồng áng tạm thời thư thả để chuẩn bị tháng sau bắt đầu thu hoạch. Trời dịu mát. Ban ngày bầu trời xanh vời vợi. Đến tối, trời quang mây, trăng sáng vằng vặc. Con trai, con gái trong bản và các bản lân cận, gặp nhau ca hát theo các làn điệu then, lượn. Nội dung những bài hát là ca ngợi vẻ đẹp của làng bản, đố nhau về sự tích Hằng Nga. Thông qua các chủ đề hát ấy, con trai con gái ướm lời yêu đương.

Để chuẩn bị cho những đêm hát Nàng Hai, con trai, con gái trong bản hẹn ngày và nhắn tin mời thanh niên các bản cùng đến dự. Nam thanh, nữ tú trong bản chia thành hai nhóm, nhóm con trai và nhóm con gái, tập hát trước những bài hát đối đáp. Mỗi nhóm cử một người đại diện cho cả nhóm. Người đại diện phải là người có giọng hát hay, ứng đáp và ứng tác giỏi. Hội hát mang tính chất cuộc thi hát, thi ứng đáp và ứng tác. Đây không chỉ là một lễ hội mang màu sắc tín ngưỡng, cuộc vui chơi giải trí mà còn là dịp các trai tài gái sắc trổ tài hiểu biết, văn hóa văn nghệ.

Hát tiễn Nàng Hai  - Ảnh sưu tầm (Nguồn: Cao Bằng online)  

Trước ngày hội hát bắt đầu, thanh niên trong bản cùng nhau dựng một bàn thờ tại một bãi cỏ rộng, gần một bến sông. Trên bàn thờ, ngoài bình hương, người ta treo những con én, con ương (yến, oanh) bằng giấy màu gấp thành, có hoa lá hái từ trong rừng về thơm ngào ngạt. Bày trên bàn thờ là vàng mã, thuyền gỗ vông xinh xinh.

Mở đầu lễ hội là điệu hát then, do một nam và một nữ vừa đàn vừa hát khúc hát lễ hội. Dưới ánh trăng sáng ngời ngợi, khói hương nghi ngút, ngào ngạt, giọng hát trong trẻo, tiếng đàn tính réo rắt đưa các nam thanh nữ tú “đi” trong tưởng tượng theo các chương đoạn: Mời Hằng Nga, Ngóng đợi Hằng Nga mường trời. Khi các khúc hát đã đạt tới độ cao trào, hai người đại diện cho nhóm nam và nhóm nữ đã nhập vai (Hằng Nga đã nhập hồn mình), cả hai người dẫn dắt tất cả nam nữ thanh niên trong bản lên đường (trong tưởng tượng) đến cung Quảng mời các vị thần đến dự hội, mừng cơm mới. Nội dung các khúc hát thể hiện sự tưởng tượng đoàn nam thanh nữ tú đi gặp Mẹ Nàng Lạn Ba kêu xin Mẹ Nàng  ngừng vỗ sóng và mở cửa trời cho đoàn đi lễ. Họ gọi đò vượt sông rồi vào trình Mẹ Nàng Khắc Cơ chuyên giữ thóc giống. Mẹ Nàng cho giống thóc. Đoàn lại đến trình diện Mẹ Nàng Bích Vân xin thêm thuyền và quân phu (Sluông) giúp chèo thuyền và chở thóc giống qua sông Ngân Hà. Họ đi tiếp lại gặp Mẹ Nàng Bích Lan xin giống bông và cây dâu tằm,... gặp Mẹ Nàng Mạ Mỳ xin mẹ nhốt hết sâu bọ, chớ thả sâu bọ ra phá hoại mùa màng. Hòa cùng tiếng đàn tính trầm đục, thánh thót, giọng hát then trong trẻo mà sâu lắng, các nam nữ thanh niên thả hồn mình tưởng tượng bay bổng trên thiên cung, gặp các sứ thần cầu mong những điều may mắn cho mùa màng ở trần gian và cho chính mình.

Các Mẹ Nàng (các Hằng Nga - Nàng Hai) ở Cung Quảng Hàn giúp đỡ thỏa mãn các yêu cầu của đoàn trai gái trần gian. Đoàn người lại trở về. Họ mời các Nàng Hai cùng xuống trần gian dự hội.

Về trần gian, họ mở hội múa hát, họ dựng các bàn thờ dâng hương, hoa, bày cỗ cùng các lễ vật: cơm mới, bánh trái mang từ các bản trong thung lũng đến cúng bái, giải uế, cầu nguyện cho mùa màng bội thu.

Chính vì hội “Hát Nàng Hai” có phần lễ, khấn vái, thắp hương gắn với những điều tưởng tượng ở trên trời  như vậy, nên có một thời bị phê phán là “mê tín, dị đoan”. Mà đã “mê tín, dị đoan” thì nên bỏ. Thanh niên tiên tiến không hưởng ứng nữa.

Kết thúc phần lễ, con trai con gái cùng đem những thuyền gỗ nhỏ đến thả xuống sông, đẩy nhẹ cho thuyền trôi về xa, đưa tiễn các Nàng Hai về trời. Tiếng đàn tính ngừng bặt. Hai người hát then như tỉnh lại. Và mọi người bắt đầu hội hát.

Đêm hôm đó và cả những đêm sau, con trai con gái trong bản cùng con trai con gái các bản khác đến dự hội hát đối đáp những bài hát giao duyên. Những bài hát phần hội hát không nhất thiết là theo điệu then. Có thể là lượn: lượn Nàng ới, lượn thương, hay lượn cọi. Dưới ánh trăng thu sáng ngời ngợi, thơ mộng, tiếng ca trong trẻo, da diết, lãng mạn, nói lên cảnh đẹp của thiên nhiên, sự phồn thịnh của bản làng và nỗi mong nhớ, niềm ước vọng của con người. Lắng nghe núi Thiên Ô đang nói/ Nói ra miệng nên chữ Phú chữ Vinh/ Nói ra miệng nên chữ Ninh chữ Đại/ Nói ra miệng nên chữ Thái chữ Khang.(Bản dịch)

Con trai, con gái bản này bản kia ướm lòng nhau bằng những lời hát bóng gió: Nghe em hát giọng sao trong trẻo/ Giọng ngân nga hơn cả ve rừng/ Giá giọng như con chim, anh giăng bẫy mang về/ Giá như giọng là quả, anh bỏ túi để ngắm/ Giọng em mà như sách, anh cất vào hòm/ Nhưng giọng hát gió bay, anh không thể bắt được.(Bản dịch)

Đêm hội gần về sáng, khi chia tay, tiếng lượn cứ vấn vương quyến luyến: Gà gáy trời vừa rạng sáng/ Đường bộ em đi, em sợ beo/ Đường thủy ngồi thuyền em sợ thuồng luồng ghẹo/ Anh có thương đưa tiễn em theo.(Bản dịch)

Hát Nàng Hai là một hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian, gắn với nền sản xuất nông nghiệp. Nó vừa có ý nghĩa sinh hoạt gắn với tâm linh, cầu mong mùa màng tươi tốt, vừa là dịp để nam nữ thanh niên giao duyên và trổ tài.

Dẫu biết rằng, do hoàn cảnh chiến tranh và những điều kiện kinh tế xã hội đã thay đổi, hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ cũng đã thay đổi theo. Dẫu biết rằng trong làng bản bây giờ, nhờ có điện và các phương tiện hiện đại khác như loa đài, đầu đĩa CD, hát karaoke đã trở nên phổ biến. Nhưng tôi vẫn luyến tiếc những đêm hội hát Nàng Hai. Dù hội hát đã lùi vào dĩ vãng, nhưng những bài hát còn lưu truyền lại, nếu sưu tầm được, vẫn còn có ích cho hôm nay và mai sau.

Lương Bèn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy