Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
16:45 (GMT +7)

Hoa bất tử

Từng giờ vật lộn với nỗi đau bệnh tật, nhưng chưa bao giờ chị nản lòng, buông bỏ. Ý chí quyết liệt vượt lên bởi ham được sống có ích cho chính mình và xã hội. Chị giống như loài hoa bất tử, cả trong hoàn cảnh nghiệt ngã nhất cũng không gục ngã, kiên trì vươn lên bằng tấm lòng chân thiện. Đó là chị Dương Thị Hòa Huệ, 41 tuổi, ở tổ 2, phường Quang Vinh (TP. Thái Nguyên). Hiện chị là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật TP. Thái Nguyên. Chị tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội; 6 lần tham gia hiến máu cứu người; là vận động viên khuyết tật gặt hái được nhiều huy chương trên đấu trường toàn quốc.


Sẻ chia sự sống

Sẽ rất bình thường nếu như chị là một người đàn bà lành lặn. Càng bình thường hơn nếu chị là một chính khách. Xa vời quá. Chị không may mắn có được những điều đó. Vì chị là một người đàn bà tàn tật. Nhưng chị lại là người “hành Bồ Tát đạo”, tích cực tham gia hiến máu, với suy nghĩ hiền lương “Một giọt máu cho đi - Một cuộc đời ở lại”.

Chị bước ra từ phòng cho máu, nặng nhọc đu người trên đôi nạng gỗ. Mấy lọn tóc bết lại trên trán, song đôi mắt chị long lanh, miệng nở nụ cười hạnh phúc. Chị đang rất vui vì đã làm được một công việc ý nghĩa: Sẻ chia sự sống của mình cho một ai đó đang nguy cấp trên giường bệnh cần có máu cấp cứu. Tính đến trung tuần tháng 4 năm 2022 này, là lần thứ 6 chị tham gia chương trình hiến máu tình nguyện.

Tò mò tôi theo về nhà chị. Một ngôi nhà bình dị ở phường Quang Vinh có 3 thế hệ cùng sinh sống, gồm mẹ của Huệ, Huệ và con gái của Huệ. Mẹ Huệ tuổi cao, thường xuyên bị đau ốm vì bị u tuyến giáp. Con gái của Huệ là bé Dương Tuệ Minh, 9 tuổi. Còn Huệ, lao động chính trong nhà. 41 tuổi là 41 năm Huệ lết lê đất cát vì di chứng chất độc da cam.

Bố là bộ đội chống Mỹ. Ngày đất nước thống nhất, ông trở về, mang theo căn bệnh được gọi là di chứng chất độc da cam. Ông mất khi Huệ đang học năm cuối phổ thông trung học. Huệ còn nhớ như in năm tháng tuổi thơ của mình, giống như loài cỏ dại bên đường, không được mấy người quan tâm chăm sóc, vẫn lay lắt mà lớn.

Ngày còn sống, bố vẫn thường cõng cô đi bệnh viện, hết tuyến tỉnh, tuyến huyện rồi về trung ương. Các liệu trình điều trị “trong uống ngoài xoa” đủ cả, nhưng bệnh tình của Huệ vẫn không lay chuyển, nhất là đôi chân cứ co quắp, không thể được như người bình thường. Có lần ông khóc, nói với con gái: Lỗi là ở bố. Huệ cũng khóc: Bố mẹ không có lỗi. Lỗi ở chiến tranh.

Khi tốt nghiệp lớp 12, bạn bè ai nấy phấn chấn đăng ký theo vào các trường đại học, cao đẳng hoặc đi học trường nghề. Huệ lặng lẽ nhìn vào khoảng trời mông lung, lòng trống rỗng. Bố mới mất vì bệnh hiểm nghèo, mẹ đau ốm thường niên, nhà nghèo lấy đâu tiền theo lên đại học. Cô bặm môi nén giấu để tiếng khóc không bật lên thành lời. Nhưng giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt, nhòe nhoẹt ướt. Cô giật mình vì chợt thấy mẹ đứng ở sau lưng từ khi nào. Bà ôm con vào lòng, hỏi bằng một tiếng nấc: - Con có muốn đi học nữa không? - Không đâu mẹ ơi. Cho con được ở nhà giúp mẹ… Cô òa khóc. Hai mẹ con ôm chặt lấy nhau vì tủi thân.

Huệ tâm sự: Là nạn nhân chất độc da cam, xương giòn dễ gẫy, chân tay yếu mềm lại mang nhiều thứ bệnh, song tôi không than vắn thở dài. Tôi sợ lây cái đau của mình cho người thân. Tôi lết lê giúp mẹ việc nhà, việc đồng áng. Mẹ thở dài, không muốn để tôi vất vả. Nhưng bà bất lực vì không còn cách nào hơn. Sức khỏe của bà hạn chế lắm.

Rồi số phận đã mỉm cười với Huệ. Một tổ chức quốc tế nhận tài trợ toàn bộ kinh phí nắn chỉnh lại cho chị đôi bàn chân. Chị mừng lắm, bấy giờ năm 2000, dù biết ca phẫu thuật xương sẽ diễn ra trong đau đớn kinh khủng nhưng chị hy vọng mình sẽ có được đôi chân như của người bình thường. Song vận may không đến, chị xuất viện với đôi chân mang nhiều hơn những cơn đau. Chị chia sẻ: Không thể vì thế ngồi ôm chân kêu đau, hằng ngày tôi cùng mẹ chăm lo 6 sào đất trồng rau. Vì mẹ yếu, chân tôi què, nên nhà chuyên về rau muống. Làm lâu thành quen, hôm nào cũng bắt đầu ra ruộng hái rau từ lúc 1 giờ sáng cho kịp buổi chợ sớm. Để có rau bán quanh năm, tôi chăm bón, hái cuốn chiếu từ đám này sang đám kia, bình quân 1 ngày 40 mớ. Gặp hôm đắt chợ được 10.000 đồng/mớ; hôm ế chợ được 1.000 đồng/mớ, đủ mua gạo ăn cho 3 người trong nhà.

Chị đã vượt lên hoàn cảnh đặc biệt của mình để cầm nắm lấy hạnh phúc. Hơn nữa, chị đã vượt qua định kiến xã hội để một mình sinh con. Bé Tuệ Minh, con gái chị sinh năm 2013, lành lặn, kháu khỉnh như bao trẻ em trên đời. Chị hãnh diện với niềm hạnh phúc riêng. Chị nựng con là “Mặt trời bé thơ của mẹ”. Lúc bé Tuệ Minh 3 tuổi, chị gửi bé cho bà ngoại trông nuôi, để một lần nữa đứng ở ranh giới sinh tử, với mơ ước thay đổi số phận. Chị bùi ngùi: Sau 15 năm phẫu thuật, tổ chức quốc tế ấy đã trở lại, tiếp tục nhận tài trợ cho tôi một phần để làm phẫu thuật đôi chân. Sau thăm khám, hội chẩn, họ thận trọng đưa ra 2 phương án: Cắt cụt chân hoặc mổ nạo sụn khớp, hàn chặt cổ bàn chân. Không nghĩ nhiều, chị chọn phương án mổ nạo sụn khớp, và chỉ mổ thử một chân.

Mỗi ngày chị Huệ đều dành thời gian kèm con học bài.

Để có tiền “đối ứng” cho ca phẫu thuật, mẹ chị phải dáo dác đi vay mượn người thân. Ca phẫu thuật đã diễn ra an toàn, nhưng tiếc rằng chân mổ lại không cải thiện được gì. Chị nói buồn thiu: Trước đây chưa can thiệp dao kéo, tôi là cô bé què, sống vô tư vì chỉ đau sơ sơ. Còn sau 2 lẫn phẫu thuật nhân đạo, mỗi khi tiết trời thay đổi, đôi chân đau kinh khủng. Và tôi chấp nhận chung sống với “dị tật bẩm sinh 2 bàn chân khoèo”. Song tôi luôn biết ơn các nhà tài trợ, các thầy thuốc và mọi người trong cộng đồng xã hội đã chia sẻ. Tình cảm ấy làm trái tim tôi ấm áp hơn, nên cho dù cuộc sống riêng còn nhiều khó khăn, tôi vẫn luôn sẵn sàng sẻ chia những gì mình có với mọi người trong cộng đồng xã hội.

Câu chuyện chị kể cho tôi chân chất một niềm đau thân phận. Nhưng tôi nhận ra một chân lý cao đẹp luôn hiện hữu giữa đời thường. Càng những nơi khó khăn, gian khổ nhất thì cái đẹp tình người càng lan tỏa, át vợi những bon chen của cuộc sống đời thường. Vâng! Chị - Người đàn bà tật nguyền có cuộc sống từng giờ, từng phút nén kìm đau đớn vì di hại chiến tranh. Chị vừa làm xong một công việc “hành Bồ Tát đạo”. Nghĩa cử lớn lao lắm, bởi “Cứu một người phúc đẳng hà sa”. Vậy mà khi được hỏi, chị khiêm tốn: Hiến máu, tôi thấy đó là việc cần làm. Tôi luôn sẵn sàng tham gia, vì đó là cách sẻ chia sự sống tốt nhất.

Cho đến bây giờ chị vẫn nhớ tâm trạng lần đầu tham gia hiến máu. Chị hào hứng: Năm 2018, lần đầu tham gia hiến máu cũng thấy run. Không phải vì sợ đau, mà sợ “người ta” chê mình tàn tật. Tận khi thấy bịch máu của mình bên cạnh đầy dần, tôi mới thấy vui. Hơn nữa, tôi thấy mọi người xung quanh trò chuyện. Họ nói: Huệ què hiến được máu thì không vì lý do gì mình không tham gia.

Tôi biết chị tham gia hiến máu không phải để lập kỷ lục về số lần, số đơn vị máu được hiến, mà xuất phát từ trái tim nhân hậu. Chị quyết liệt vượt qua được nỗi đau thể xác để sẻ chia sự sống, và để đóng góp công sức của mình cùng mọi người trong cộng đồng xã hội, với suy nghĩ làm cho điều thiện nảy nở như một vườn hoa mùa xuân.

Mặc dù chân bị tật, nhưng chị Huệ là lao động chính trong nhà.

Hướng tới mặt trời

Là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật TP. Thái Nguyên, chị hăng hái tổ chức cho chị em tham gia các hoạt động phong trào, như thi cắm hoa, nấu ăn, trao đổi kỹ năng giao tiếp, nuôi dạy con… Thấy nhiều chị em tự ti, chị động viên: Mỗi phụ nữ đều đẹp như một bông hoa. Nhưng để thật đẹp, cần ở mỗi người sự nỗ lực phấn đấu, vươn lên, giống như loài hoa luôn hướng tới mặt trời.

Chị can đảm vượt lên tự ti, mặc cảm chính mình để được sống, được yêu như bao phụ nữ trên đời. Chị vượt qua nỗi buồn của những đêm trường cô liêu. “Đạp bằng” những ghẻ lạnh, khinh khi đời thường, dù một chút thoáng qua, không phải tìm sự bình yên thui thủi góc nhà hôm sớm, mà để khẳng định mình, và những người đồng cảnh ngộ đang sống bình đẳng như mọi người trong cộng đồng xã hội.

Cho dù chị chưa bao giờ đứng thẳng được trên đôi chân, nhưng cũng không bao giờ, và chưa một lần chị thở dài than thân trách phận. Chị luôn ngẩng cao đầu với nụ cười hiền hậu, và thường có mặt đúng lúc khi chị em cần một sự sẻ chia. Chị nói khẽ với tôi: Phụ nữ, chỉ cần một lời động viên thôi là vừa đủ ấm lòng. Chợt chị ngồi lặng đi giây lát vẻ ngẫm ngợi. Rồi thẽ thọt: Anh có biết không? Năm 2021 vừa rồi, bài tham dự Cuộc thi viết về “Bình đẳng giới - Vì một cuộc sống tốt đẹp” do Hội Người Khuyết tật Hà Nội và Quỹ ABILIS tại Việt Nam đồng tổ chức, tôi được Ban Giám khảo trao giải Nhất. Bài đó tôi viết về chính cuộc đời mình.

Nhìn chị loay hoay chuyển tư thế ngồi trên ghế, tôi buột miệng hỏi: - Sao chị không dùng xe lăn để di chuyển cho thuận tiện? Chị trả lời ngay: - Tôi đã có xe lăn, 2 cái chứ chẳng ít. Nhưng thấy có chị lê lết cực nhọc hơn, nên đã tặng lại cho chị em sử dụng… Vậy là cây nạng gỗ kẹp nách, hoặc chiếc ghế nhựa lại thay đôi chân chị mỗi khi đi làm đồng, đi chợ, hoặc đi đâu đó khi cần thiết. Chị nói như tâm sự: Nhìn xuống còn có nhiều người khó khăn hơn, nên tôi muốn chia sẻ, giúp đỡ, tiếp thêm nghị lực cho chị em có cơ hội nắm bắt lấy hạnh phúc của mình.

Dù thân thể tàn tật, nhưng tâm hồn không tàn phế. Tôi nghĩ như thế về chị, rồi chợt liên tưởng đến những con người tuyệt vời như: Nữ họa sĩ mù Lisa Fittipaldi với những bức tranh tuyệt đỉnh thế giới; Beethoven bị điếc nhưng trở thành nhà soạn nhạc nổi tiếng thế giới; mới nổi trong những năm gần đây là Nicholas James "Nick" Vujicic. Dù không có chân tay, nhưng ông đã đi khắp thế giới để diễn thuyết, truyền động lực về cuộc sống của người khuyết tật...

Chị không dám sánh với ai, nhưng tôi nhận ra ở chị một tâm hồn thánh thiện. Dù hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, nhưng chị dám cho đi và không nghĩ để nhận lại điều gì. Chị thấy đó là việc có ích thì làm ngay, làm luôn và làm hết mình. Ví như việc chị tham gia hiến máu, chị cả quyết sẽ còn tiếp tục hiến, và hiến đến lúc không thể được nữa mới thôi. Về chuyện tặng bạn xe lăn, chị thở phào nhẹ nhõm: Tôi còn nhúc nhắc đi lại được, nên xe lăn cần cho người đau yếu hơn mình.

Như để minh chứng mình không phải người tàn phế, chị với tay lấy chiếc vợt cầu lông treo trên tường, vụt mạnh vào không khí tạo thành tiếng gió kêu vun vút. Đặt chiếc vợt vào lòng, chị kể: Thỉnh thoảng nhàn rỗi tôi vẫn mang vợt cầu lông ra chơi cùng đám trẻ con trong tổ dân phố. Cứ quả được, quả mất, nhưng bọn trẻ rất thích thú khi tập cầu với tôi. Chúng hồn nhiên hướng dẫn cho tôi làm quen với sân cầu, như: sân 1, sân 2; kỹ thuật phát cầu, đập cầu… dần thành mê. Hơn nữa, tham gia trên sân cầu tôi thấy mình được thoải mái, quên đi đau nhức xương khớp và sống hòa đồng với mọi người một cách hồn nhiên nhất.

Từ chơi cầu cho vui đến đam mê là một khoảng cách rất gần, không phân định được. Trừ hôm mưa, chiều nào chị cũng tham gia trận cầu với bọn trẻ. Cười nắc nẻ hồn nhiên, mồ hôi ướt lưng áo mà thấy cuộc sống tràn trề sinh lực. Thấy chị đam mê thể thao, chị Nguyễn Tú Anh, vận động viên khuyết tật của tỉnh đã tỉ tê rủ đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên tiến cử chị với cán bộ chuyên môn. Chị bảo: Vui thì đến thôi, chứ tôi đâu nghĩ mình sẽ trở thành một vận động viên đi đánh giải quốc gia.

Sau một buổi thử năng khiếu, chị được các cán bộ chuyên môn của Sở triệu tập tham gia tập luyện. Chị chính thức làm quen với sân cầu đúng tiêu chuẩn thi đấu, được hướng dẫn cách cầm vợt, kỹ thuật phát, đỡ cầu bài bản. Từ sân cầu tổ dân phố, chị chính thức trở thành vận động viên cấp tỉnh, tham gia thi đấu Giải Vô địch thể thao người khuyết tật toàn quốc ở 2 môn Cầu lông và Quần vợt xe lăn.

Chị Dương Thị Hòa Huệ (áo xanh bên trái) cùng các vận động viên Thái Nguyên tham dự Giải Thể thao Người Khuyết tật toàn quốc năm 2022, tại TP. Hồ Chí Minh.

Một bất ngờ là ngay lần dự giải đầu tiên (năm 2017), chị đã tỏa sáng bằng việc giành được 1 Huy chương (HC) Đồng ở nội dung đơn nữ, 1 HC Đồng ở nội dung đôi nam - nữ; năm 2018 chị giành được 1 HC Bạc, 1 HC Đồng ở nội dung đôi nữ; năm 2019, Giải tổ chức tại Thái Nguyên, chị bị thua ngay trên sân nhà vì khi đó đôi chân đốc chứng đau nhức kinh khủng. Cuối năm 2020, tham dự Giải Quần vợt xe lăn toàn quốc, chị giành 1 HC Vàng ở nội dung đơn nữ và 1 Huy chương Vàng ở nội dung đôi nữ. Tháng 4 năm 2021 chị giành 1 HC Vàng quần vợt xe lăn ở nội dung đơn nữ. Năm 2022, chị tham gia 2 giải thể thao Người khuyết tật toàn quốc vào tháng 4 và tháng 6, giành tổng số 4 huy chương các loại, trong đó 1 Vàng, 2 Bạc và 1 Đồng. Chị chia sẻ: Tham gia đội tuyển thể thao của tỉnh, tôi thi đấu hết mình vì màu cờ, sắc áo. Và ở đó tôi có thêm bạn mới. Họ là những người mang trái tim giàu nghị lực. Tôi học hỏi được từ họ nhiều điều bổ ích trong cuộc sống.

Chợt từ ngoài ngõ có tiếng trẻ ríu ran. Tôi nhìn ra thấy bé Dương Tuệ Minh ùa về, sà ngay vào lòng mẹ trò chuyện. Cháu khoe: Kết quả học tập năm học 2021 - 2022 con đạt học sinh giỏi xuất sắc, được giải Nhất tham gia cuộc thi kể chuyện theo sách ở trường... Chị ôm con vào lòng, tôi thấy có một giọt nước trong veo lăn tròn qua gò má, rơi vào vạt áo đồng phục của con. Tôi biết chị đang rất hạnh phúc, nên hỏi một câu vu vơ:

- Nếu ông trời cho 3 điều ước, chị sẽ ước gì?

-Mong thế giới hòa bình; nhân loại tìm được thuốc chữa khỏi bệnh da cam/dioxin; cho con gái tôi chăm ngoan, học giỏi.

- Sao chị không dành cho riêng mình một điều ước?

- Có 3 điều thì đã ước rồi. Còn nếu có điều ước thứ tư, mà ước cho mình, thì tôi mong có được chiếc xe lăn gấp gọn, có thể cho lên xe ô tô để di chuyển khi tham gia thi đấu thể thao; đi sinh hoạt Câu lạc bộ, gặp gỡ chị em cùng cảnh khuyết tật để sẻ chia cho niềm đau nguôi vơi.

Vâng! Ước mơ thì vẫn là ước mơ. Nhưng điều ước thứ tư của chị không phải là chuyện khó. Bởi trong cuộc sống đời thường luôn có những niềm tin được nuôi dưỡng bằng tình bác ái.

Phạm Ngọc Chuẩn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Không khóc ở Đài Loan

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Trái tim bồ đề

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Thái Nguyên lưu luyến trong tôi

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Người bản Dao thay áo cho rừng

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước

Văng vẳng tiếng còi tàu

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước