Thứ sáu, ngày 18 tháng 10 năm 2024
17:17 (GMT +7)

Hiệp sĩ không kiếm

VNTN - Chỉ mới nghe rằng anh từng học nhạc ở đâu và được theo đuổi loại nhạc cụ nào, vậy mà tôi đã mừng úm. Mừng vì nghĩ sẽ có bức chân dung đẹp chụp một lão nhạc công đầu muối tiêu, làn da ám khói, đôi mắt khép lim dim đang nghiêng đầu sát cây accordion - tình tứ, tha thiết, đắm say cứ như dựa vào vai trần cô gái Nga mà uyển chuyển lướt dập dìu trên sàn nhảy ảo mờ ánh đèn…

 

Quản Thắng làm tôi thất vọng khi trả lời rằng anh không có đàn. Anh cũng chẳng màng đến việc đáp lời câu hỏi “tại sao không?” của tôi. Anh ném sang tôi cái nhìn miệt thị: Một kẻ ngoại đạo, cứ nghĩ là sắm cây accordion dễ như người ta sắm cây sáo trúc, hay nhẹ nhàng như mua một chiếc đàn tính sao? Sau khi được anh san sẻ, rằng anh đã từng đến các đoàn nghệ thuật hỏi mua lại cây accordion cũ mà không đâu người ta bán…, dần dần tôi mới vỡ ra, một chiếc đàn accordion có giá trên thị trường thế giới lên tới vài chục ngàn dolla. Sở dĩ một thời nó xuất hiện thường xuyên trên sân khấu, là bởi nó đã được cuốn theo những gói hàng viện trợ không hoàn lại của các nước anh em cập tới Việt Nam thời chống Mỹ. Có được những nhạc cụ cao cấp như thế, người ta phải chấp nhận giảm bớt bột mì, thậm chí giảm cả xe tăng, tàu bay, tàu bò cho quân đội. Thứ ta vẫn thường nghe: “Mặt trận văn hóa” quả nó đã từng tồn tại không chỉ bằng khẩu hiệu, mà nó đã hiện hữu đầy sức sống ở đất nước này. Và chơi được accordion, phải là người có sức vóc, có thể biểu diễn vài giờ “phiêu” trên sàn diễn với một cây đàn cồng kềnh nặng gần hai chục kilo.

Quen anh đã lâu, tuy vậy tôi vẫn ngại không hỏi, rằng anh đen do vốn dĩ trời ban cho thế, hay tại bởi các lớp ngụy trang từ tro, than và đất bùn đã thấm sâu vào lớp mô làn da của người lính đặc công lăn lộn với những buổi tập luyện, mặc quần xà lỏn chui rào kẽm gai? Đôi mí mắt lại cứ luôn khép nhẹ, khiến người đối thoại với anh cứ nhột nhạt, bởi cảm nghĩ rằng đã bị anh soi thấu tâm can mình… Nhưng tạo hóa vốn công bằng, đã gắn lên khuôn mặt anh một nụ cười “rụng tim” đám đàn bà, con gái. Và hình như anh cũng đã không bỏ hoang phí một đời trai vốn tiếng sinh năm Dần (1950). Chẳng phải ngẫu nhiên, những ai chỉ mới gặp anh một lần là đã nhớ về một người thật dễ mến với ánh cười lấp lóa cùng cách hành xử nhẹ nhàng, không vội vã mà luôn được việc.

Khi hỏi anh đã từng trải qua những công việc nào trước khi nghỉ hưu, thì anh lại cười. Không phải cười trừ, mà cái cười khiến người đối thoại cuốn theo câu chuyện anh dẫn dắt. Anh đã làm tôi chú tâm vào con số mười: Anh sinh vào tháng mười. Mười năm trong quân ngũ. Mười năm làm Trưởng phòng Văn hóa. Mười năm làm Phó Giám đốc Nhà văn hóa… Những con số đôi khi nó cứ vô tình vận vào đời người. Niềm vui, nỗi buồn của cuộc đời, của công việc nó lặp theo những chu kì như không để anh kịp buồn chán. Vừa tốt nghiệp Trường Sư phạm Nhạc Họa trung ương (khoa Accordion), chưa kịp thân thiện với ánh đèn sân khấu, anh đã được gọi vào bộ đội đặc công, cùng Tiểu đoàn 31 tham gia chiến trường Quảng Trị. Sau năm 1973 anh được bổ sung vào Đội Tuyên truyền văn hóa Bộ đội đặc công. Ở đây, anh không những đã phát huy được những gì đã học, mà còn tích cực tham gia sáng tác và biểu diễn. Có thể nói mười năm trong quân ngũ đã rèn giũa anh, đã là môi trường đầy cảm hứng cho anh sáng tạo. Đã phát lộ một Quản Thắng đầy chất nghệ sĩ - chiến sĩ. Anh là một trong những người chuyên sáng tác và cung cấp các chương trình văn hóa, văn nghệ của Bộ đội đặc công. Bài “Hành khúc đặc công” của anh từ lâu đã được coi là bài hát truyền thống của lực lượng đặc biệt này.

Thời kì công tác ở Sở Văn hóa Bắc Thái (sau này là Thái Nguyên), anh cũng đã kịp hoàn thiện chương trình đại học (khoa tại chức) về sáng tác và lý luận phê bình âm nhạc. Luận văn tốt nghiệp “Khai thác chất liệu dân ca vùng Việt Bắc trong ca khúc hiện đại” vẫn được anh chú tâm cho những sáng tạo các ca khúc về sau này.

Là người làm quản lý văn hóa nhiều năm, nay về hưu anh hoạt động văn nghệ. Trong câu chuyện trao đổi về nghiệp vụ, anh luôn rành mạch nhấn mạnh chức năng bên Sở Văn hóa sắm vai trò là đại diện của nhà nước, nơi chịu trách nhiệm quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Còn Hội Văn học nghệ thuật là một tổ chức quần chúng, hoạt động dựa vào tài năng cá nhân, nên phải chú tâm sáng tạo ra các tác phẩm để phục vụ cho nhu cầu thưởng thức văn hóa của quần chúng nhân dân.

Khi hỏi về những thành tựu trong cuộc đời hoạt động văn hóa văn nghệ của mình, Quản Thắng lại không liệt kê các giải thưởng của những chu kì 5 năm ở Hội Văn học nghệ thuật hay những bằng khen từ cấp này, cấp nọ… Anh luôn chỉ đau đáu về những chuyến biểu diễn đầy sôi động thời quân ngũ và những năm đi xây dựng văn hóa, văn nghệ ở địa phương sau này… Số phận đã ghép duyên anh với cây accordion, thứ nhạc cụ mà theo anh là dễ chơi nhất khi tay phải nhấn cho những thanh cao và tay trái nhấn cho bè trầm… Nhịp khúc là cảm hứng của những lần ôm, khép vòng tay… Thử tìm xem, có thứ nhạc cụ nào dễ hòa đồng với khán giả như accordion(?) Cứ nghe âm thanh của nó, là đôi chân đã muốn rối lên! Chỉ với một cây đàn accordion trong tay một nhạc công chơi điêu luyện, là đã có thể thay thế cho cả ban nhạc rồi.

Trên đường về tôi mới chợt nhận ra, là suốt cả buổi chiều, Quản Thắng chỉ cứ loanh quanh say sưa nói về accordion. Như một kẻ “si” vẫn nhung nhớ mối tình đầu; như một cầu thủ tả về pha ghi bàn quyết định của mình trong trận trung kết… Năm 2020 anh tròn 70 tuổi - và với văn nghệ, thì tuổi ấy vẫn là “non”! Vậy nên chúc anh luôn bung nở nụ cười vui cho những thành tựu mới. Chúc anh cùng gia đình hạnh phúc khi xuân về!

VŨ KIM KHOA

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục