Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
19:24 (GMT +7)

Hầu chuyện người cao tuổi

VNTN - Theo quan niệm thì “điểm yếu” của người cao tuổi là suy giảm sức khỏe và trí nhớ…, đó là chuyện bình thường bởi nó hợp quy luật tự nhiên. Thế nhưng hiện nay, tuổi của người cao tuổi cũng cao hơn trước, những nghiên cứu khảo sát nhiều năm nay chứng minh, tuổi thọ trung bình của người dân ở nước ta đã vượt ngưỡng 73, thì quan niệm “nhân sinh thất thập cổ lai hy” đã thay đổi. Chính vì người cao tuổi “trẻ lại” nên đã có ý kiến đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ. Cũng chính vì sự “trẻ lại” đó mà dư luận đã phản bác ý kiến đề xuất không áp dụng án tử hình với người 70 tuổi trở lên.

Tuy nhiên, bên cạnh sự đi lên về sức khỏe và tuổi thọ thì nhìn chung, người cao tuổi cũng không thể “vô tư”, trái lại, “vui thú điền viên” vẫn nằm trong ngưỡng chỉ là… mơ ước. Ngoại trừ một số người có cuộc sống an nhàn, khá giả, hoặc “an phận thủ thường” thì đại đa số người cao tuổi ở nước ta hiện nay - dù chỉ là U50 cũng ít nhiều trải qua thời kỳ chiến tranh, nền kinh tế bao cấp trì trệ, nếu ai còn bị “ám ảnh” về giai đoạn đó sẽ rất dễ dàng bị “dị ứng” trước một xã hội cởi mở cùng văn hóa ngoại lai và quá coi trọng đồng tiền. Từ đó dẫn đến việc người cao tuổi thường có những nhận xét thiếu khách quan về những gì ngoài tầm sở hữu, ngoài tầm hiểu biết và cả ngoài tầm hưởng thụ. Không có gì phải ngạc nhiên khi ở một số cuộc thi, liên hoan, hội diễn…, các ứng viên đã đưa ra yêu cầu phải “trẻ hóa” ban giám khảo.

Có một thực tế là, trong lúc ở phương Tây nhiều tỷ phú thường chỉ để lại cho con họ một phần gia sản, phần còn lại để làm từ thiện, đóng góp cho xã hội; thì ở nước ta, ngay cả người nghèo cũng sẵn sàng “hy sinh đời bố, củng cố đời con” để rồi, trong không ít trường hợp đã thỏa hiệp nuông chiều, dẫn đến bi kịch, vì “không để con trở thành chính nó”. Ngược lại, cũng rất nhiều người cao tuổi đã “hy sinh” đến mức không còn có điều kiện để chăm sóc bản thân, họ cam chịu sống khổ hạnh cả về vật chất lẫn tinh thần, có khi lại làm con cháu thêm lo lắng. Thật ra, trong xã hội hiện đại, nếu cha mẹ vì quá bận rộn mà không có thời gian quan tâm đến con cái và ông bà thì lúng túng do “khoảng cách thế hệ”, thì đâu đã phải là không tìm được “tiếng nói chung” để hướng bọn trẻ vào nền nếp, hiếu thảo và không ỷ lại. Thiết nghĩ, nếu không vì những định kiến này nọ, chúng ta nên học tập cách nuôi dạy của người phương Tây, nghĩa là dạy con biết tự lập ngay từ khi còn bé bỏng. Dĩ nhiên, bao che, dung túng con cháu làm điều sai trái sẽ không làm cho chúng “kính trọng”. Tiếc rằng, hiện tượng đó lại đang phổ biến ở nhiều gia đình, trong đó có cả một số gia đình quan chức các cấp.

Nếu đã cao tuổi, hẳn ai cũng biết câu “hậu sinh khả úy”. Vậy mà tiếc thay, ở đâu đó vẫn có những người tự coi mình là “nhân vật quan trọng”, “người không thể thay thế” để tham quyền cố vị. Không ít trường hợp coi thường lớp trẻ, thậm chí còn sợ người trẻ tài giỏi hơn mình, chiếm mất ghế, và đương nhiên họ không muốn đào tạo và phát huy khả năng của lớp trẻ để “con hơn cha, nhà có phúc”.

Nói tới đây, lại nhớ lời chia sẻ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên báo Tiền phong (Số Xuân Ất Mùi), rằng “Cá nhân tôi luôn luôn mong muốn và hi vọng sẽ có ngày một nhiều cán bộ giữ chức Bộ trưởng, Trưởng các Ban của Đảng, các ủy ban của Quốc hội, hay ở những vị trí cao hơn, ở tuổi 30 -40”.

Luận chuyện về người cao tuổi, thay vì ca ngợi “cây cao bóng cả”, xin mạn phép lan man đôi điều gọi là để “hầu chuyện”.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy