Hát lượn Then: tài hoa và trí tuệ của người Tày
VNTN - Lượn Then là một trong những khúc hát đặc sắc thể hiện khát vọng về tình yêu đôi lứa của thanh niên nam nữ Tày và kiểu hát này phổ biến nhất là ở Cao Bằng, Bắc Kạn. Các cuộc lượn Then được tổ chức trong nhà hoặc ngoài trời. Không chỉ độc đáo nó còn thể hiện trí tuệ, sự tài hoa của dân tộc Tày.
1. Hát trong nhà thường diễn ra khi có con trai, con gái làng khác đến nghỉ trọ. Sau bữa cơm tối, nam nữ thanh niên trong làng rủ nhau đến nhà có khách nghỉ trọ, xin được hát lượn. Họ chủ động cất tiếng hát. Những câu hát đầu tiên thường là hát mời, hát chào theo thể lục bát, có thể bằng tiếng phổ thông, hoặc tiếng Tày:
Anh ơi! anh ơi!
Người đồn khách lạ vào làng
Em đây xin bắc cầu vàng sang chơi
Nếu không biết hát, hoặc không muốn hát, khách có thể hát lời từ chối, cũng bằng những câu lượn như thế này:
Em ơi! em ơi!
Anh đây xin chối em về
Hát ra chẳng có lợi gì đôi bên
---------
Anh ơi! chớ hát chứ khuyên
Đầu làng chú bác nhà bên mất nằm…
Sau khi hát Then khoảng dăm bảy câu bằng tiếng phổ thông hoặc tiếng Tày, người hát chuyển sang phần lượn bằng tiếng Tày. Người hát lượn mời hát chừng ba mươi phút hoặc có thể lâu hơn. Nếu khách không đáp lời bằng lời hát, chỉ từ chối bằng lời nói, thì cuộc hát lượn không thành. Nếu khách đáp lại, cuộc lượn sẽ bắt đầu.
Anh ơi! anh ơi!
Em đây xin nói thực thà...
Nằm mơ em thấy hiện ra hình chàng
Qua sông em muốn vào làng
Nhưng còn ngần ngại chưa sang được đò
Việc này anh chớ đừng lo
Khi nào nước đủ tha hồ thảnh thơi
Mưa to anh cứ đào cứ khơi
Phần em em đã sẵn đây rồi
Quyết chung một nguyện quyết khơi một dòng
Bao giờ núi đá thành đồng
Thì em xin kết tấm lòng nhớ thương...
Từ khúc lượn chào trở đi, chủ và khách đối đáp theo bài bản. Và khi đã hát, phải hát cho tới sáng. Cũng có thể do một trong hai bên kém tài, lượn không cân xứng đành phải bỏ cuộc, chịu thua.
Cuộc lượn không thể thiếu hồi lượn kết. Nội dung là gửi lời chào tới mọi người trong nhà trong bản, lời nhắn nhủ làm quen, gắn kết tình thân.
Anh ơi! Anh ơi!
Hôm nay gặp bạn thân sinh
Gửi lời xin tỏ thực tình giờ đây
Một là chào mẹ chào thầy
Hai là chào khách đông tây trong nhà
Ba là chào bạn phương xa
Bốn là thưa với ông bà bậc trên
Năm là dâng tới tổ tiên
Sáu là chào cả hai bên họ hàng
Bảy lời mừng đến xóm làng…
Mười lời đáp lại thì ta chào tình.
Và bao giờ cũng vậy, lượn chia tay là phần lâm ly và da diết nhất. Tình cảm bịn rịn, nhớ nhung thấm đẫm trong từng câu hát:
Chia tay anh như bỏ thắt lưng
Nước mắt tràn rơi đều chan chứa
Ước gì cùng sánh bước lên đường
Xa nhau thực bồn chồn khó nghĩ
Bữa ăn nhìn đôi đũa nhớ mình
Cầm bát tưởng như hình tồn tại…
Ai dãi bày nỗi nhớ thiết tha
Nuốt cơm ăn như là nuốt rác
Nhớ anh thương xa xót con tim...
Bữa ăn thì có vị chát như sung
Khuyên đến chàng hãy nhớ bóng hình.
Sau lượn chia tay, đôi bên hát khúc lượn gọi hồn gọi vía. Theo quan niệm khi hát khúc này, hồn vía theo câu hát tản đi khắp nơi. Do đó, cuộc lượn kết thúc phải gọi hồn gọi vía về nhập vào thân đầy đủ.
Sau những cuộc lượn gặp nhau, về nhà lòng với người mà bần thần thương nhớ. Nỗi thương nhớ đó được tác giả dân gian miêu tả như sau:
Ngày buồn lên đỉnh núi mà trông
Nhớ đến nghĩa ngày trước hai ta
Nước mắt tuôn hai má ròng ròng
Bởi yêu anh mà đi chẳng được
Ngồi xuống mà nhờ gió chuyển lời
Biết anh còn nhớ em hay không?
Nước bể chảy lên non mới bỏ
Lửa có cháy nước suối mới lìa
Kết nhau để thành bia thiên hạ
Nhắn lời theo gió hãy thương
Gửi lời đến khác mường hãy ngẫm.
2. Lượn then có thể hát ở ngoài trời khi thanh niên nam nữ gặp nhau chẳng hạn:
Mắt trông thấy bóng qua đường
Thấy người khách lạ lòng thương muốn chào
Anh ới! Anh ơi! Mấy khi ta được gặp nhau
Gặp nhau ta hãy chào nhau
Phòng khi đi lại mai sau được chào
Nam nữ thanh niên Tày, nhất là đối với những người hay hát lượn khi đi đường, hay lên nương ra đồng cày cấy hễ gặp bạn là muốn làm quen. Ví như trên đường đi hoặc thong dong chăn trâu, chăn bò bắt gặp cô gái, chàng trai, có thể cất tiếng lượn chào đôi câu. Nếu qua vài câu lượn chào đối phương không lại đáp lời thì cuộc lượn không thành, nếu đối phương dừng lại đáp lời thì cuộc lượn bắt đầu. Hát lượn như vậy thường không hát theo bài bản như trong sách mà người hát thường ứng khẩu, nội dung chủ yếu là phần lượn kết và sau đó là lượn chia tay. Cuộc hát ngắn hay dài là thuộc vào thời gian và sự nhiệt tình của đôi bên.
Những cuộc lượn hát ngoài trời thường mang tính chất, chào hỏi, làm quen, giao tiếp... Nội dung cuộc lượn chủ yếu là ứng khẩu sao cho hợp khung cảnh sau đó cùng vài câu lượn kết và sau cùng là lượn chia tay.
Sau đây là mấy khúc lượn chào của nam nữ đi đường tình cờ gặp nhau. Bên nam đã có vợ mới cưới, bên nữ đã có người đến dạm hỏi lấy lá số đi xem. Cuộc Lượn diễn ra như sau:
Nam:
Bạn tình ơi!
Sáng nay anh ra cửa chẳng ngờ
Ra cửa gặp hoa sung trắng xóa
Ra cửa gặp hoa đào nở hồng
Anh xin thực lòng chào trước
Chẳng biết rồi có được em ưng
Hay để anh về không trống rỗng
Nữ:
Anh ơi!
Sáng nay em ra cửa không ngờ
Chẳng hay tại duyên số hay sao
Giờ được gặp thanh cao bạn mến
Mỗi người ở cách chốn khác phương
Giờ đây về hai ta gặp mặt.
Nam nữ thanh niên gặp mặt nhau chốc lát trên đường và dừng chân lại hát đôi câu tỏ tình, nếu đôi bên cảm được giọng hát của nhau họ tiếp tục hát những câu có ý dò hỏi:
Nữ lượn:
Anh ơi! Hoa Vạn nở ven ao cành ngắn
Thấy hoa chẳng thấy gốc em buồn
Thấy phượng chẳng thấy loan em chán
Ước sao được bắc cầu sang đó
Để được nghe lời gió của chàng
Nam đáp:
Thiên hạ người bắc cầu mây còn được
Lo hai ta bắc cầu gẫy đôi
Ước sao được thành nơi đi lại!
Bên nữ phán đoán xem chàng trai đã có vợ hay chưa nên lượn đáp như sau:
Cầu này có đáng gì đâu
Cầu mới bắc bỏ không bao giờ
Cầu thiên lý có ai người chán nhỉ?
Ý câu hát anh đã có vợ, vợ mới cưới anh đâu có thể không màng? Bị cô gái nắm được thóp chàng trai chống chế như sau:
Lời này nói thật bạn nàng
Ngày trước người già nghĩ không thông
Lấy gần để sớm hôm đi lại
Nhưng lòng anh chẳng chút ước ao.
Vợ anh khâu áo thì lộn tà
Anh đã đuổi về nhà ngoại ngay
Hôm nay anh mới cô đơn lỡ làng.
Chàng trai cố vin vào lý do khách quan do cha mẹ ép duyên nên người vợ mà chàng lấy không vừa ý vừa lòng, nên đã đuổi vợ về bên ngoại giờ chàng chỉ còn lại một mình cô đơn và muốn kết cùng cô gái. Nhưng cô gái đâu dễ mắc lừa. Cô khéo léo chối từ rằng lá số của cô cha mẹ đã đưa cho bên chồng chưa cưới của cô nên không thể kết duyên với chàng được:
Duyên anh hỡi:
Mệnh em mẹ đã được trao người
Dễ đâu họ trả về cho ta
Người già đã ăn gà mỏ quặp
Ngày nay em mới lo chẳng ước!
Nhưng chàng trai vẫn quả quyết bằng những lời khéo léo:
Duyên bạn hỡi!
Về nhà anh bán ruộng cùng mạ
Về nhà anh bán ngựa cùng yên
Đem về chuộc lấy nàng bằng được!
Thấy chàng trai kiên quyết kết duyên cô gái chẳng vừa liền đáp:
Đáng gì bán ruộng cùng mạ
Đáng gì bán ngựa cùng yên
Về chuộc lấy cô nàng chẳng xứng
Thiên hạ người chẳng ưng bỏ rồi
Đâu còn hợp với người sĩ nho?
Chàng trai lại nhỏ nhẹ khuyên:
Anh khuyên nàng hãy ngẫm cho minh
Dẫu số chẳng hợp cũng đành
Người già rằng: Kết đôi là chính
Chẳng hay nàng có định lòng không?
Trước những câu hát chân thật quả quyết như vậy, lòng cô gái cũng xiêu xiêu, nàng đáp:
Duyên bạn hỡi!
Miễn ta lấy được nhau là tốt
Hai ta sẽ nhóm lửa mặt nước!
Tuy lời hát thì thề non hẹn biển vậy thôi chứ các cuộc hát ngoài trời đôi bên đều dừng ở một thời điểm hợp lý bằng những khúc hát chia tay. Chia tay là những lời lưu luyến thương nhớ và ước hẹn kết đôi…
Sau đây là khúc lượn chia tay:
Anh ơi! Anh ơi!
Đau lòng tình nghĩa chia tay
Chim chóc gọi tụ bầy buồn sao
Đến giờ em phải rời chàng
Về nhà đến bữa lại buồn khó nhai
Chim buồn dang cánh bay cao
Em buồn xa vắng nhớ chàng khôn nguôi.
Anh ơi!Anh ơi!
Các cuộc hát ngoài trời thường kết thúc nhanh nhưng có cuộc cũng kéo dài cả chiều khi đôi bên cảm được tấm lòng của nhau. Từ cuộc Lượn tình cờ mà da diết đó cũng lắm đôi nam nữ thành duyên.
Hát Then luôn có mặt trong sinh hoạt đời sống người Tày. Ảnh: Q.K
Lượn Then cũng như các làn điệu dân ca khác được các thế hệ người Tày lưu giữ từ qua việc truyền khẩu và không ngừng được sáng tạo ra những lời ca thêm phong phú, nghệ thuật phản ánh được tâm tư nguyện vọng của con người trong cuộc sống. Đây thực sự là những áng thi ca đẹp do các nghệ nhân sáng tạo ra và sống mãi với thời gian.
Triệu Thị Mai
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...