Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
10:09 (GMT +7)

Hát Dá Hai ở Cao Bằng

VNTN - Dân tộc nào cũng có các loại hình nghệ thuật để thể hiện tình cảm, cuộc sống con người như văn, thơ, vũ, nhạc, hội họa, điêu khắc, kịch.v.v… Người Nùng ở Cao Bằng có điệu hát Dá Hai được dùng biểu diễn trên sân khấu, bắt nguồn từ cách biểu diễn “Mộc Thàu hí” trên sân khấu của người Nùng ở khu vực miền Đông Cao Bằng. 

Mộc Thàu hí (Mục đầu ca) còn có cách gọi dân dã là “Xướng Pết lảp” (ca vịt khô). Sở dĩ gọi như vậy là khi nghệ nhân hát biểu diễn có thêm các đầu hình nhân được đẽo bằng gỗ (con rối) mặt vẽ hình người các quan, tướng, hoàng hậu, trai, gái, ông già hay trẻ con.v.v…; thân được đan bằng lạt như đan lồng gà nhỏ, chân tay được cắm bằng thân cây trúc, mai, khăn, mũ, quần áo mặc vào, có dây buộc chân, tay để khi biểu diễn nghệ nhân sẽ cầm dây điều khiển, các hình nhân được treo thành sào lủng lẳng như vịt khô. Sân khấu nhỏ chừng 2 mét, cao hơn mét, sâu gần mét, sau sân khấu được quây vải, hai bên cánh gà có rèm treo. Nghệ nhân đứng lấp sau thả con rối xuống sân khấu, con rối được điều khiển bởi các sợi dây buộc ở tay, chân, cổ.v.v… Một nghệ nhân điều khiển được hai con rối, trường hợp trên sân khấu phải dùng nhiều con rối người ta treo nó ở sát phong hậu để tiện cho việc biểu diễn.

Từ sân khấu đơn sơ của “Mộc Thầu hí”, đến những năm sáu mươi của thế kỷ XX, hát Dá Hai có chuyển đổi cách biểu diễn, các nhân vật trên sân khấu được thay bằng người đóng các vai. Các diễn viên có kịch bản, dàn dựng thành từng vở cho phù hợp với điều kiện thực tế của xã hội. Hát Da Hai không chỉ phát triển ở nhóm tộc người Nùng ở Trùng Khánh mà thịnh hành ở một số địa phương trong tỉnh, cả người Tày cũng tổ chức các đội hát Dá Hai.

Nghệ thuật biểu diễn Dá Hai  

Dá Hai là cách gọi theo âm điệu của lời ca có đệm hai từ ngân nga  “Dá Hai”. Ví như câu ca “Sam vằn mì xá đét/ Pét vằn mì xá phân…” (ba ngày có trận nắng/ Tám ngày có trận mưa), thì điệu hát Dá Hai sẽ đệm vào câu hát hai từ trên như sau:

Dá… Hai… Hai… sam vằn mì xá đét Dá Hai… Hà… Hai... / Pét vằn mì xá phân Dá… Há… hai…

Từ “Mộc Thầu hí” đến hát Dá Hai là loại hát kể chuyện có đầu có đuôi, có ca hát, có nhạc cụ phụ họa, tai được nghe âm nhạc, lời ca, mắt được nhìn nhân vật biểu diễn. Khi còn biểu diễn ở giai đoạn cổ truyền Mộc Thàu hí, nghệ nhân vừa hát tay vừa điều khiển con rối theo nội dung của vở kịch. Thường một nghệ nhân đóng nhiều vai nên họ thay giọng lúc thì trầm (thể hiện người cao tuổi), lúc thanh (thể hiện nhân vật nữ), lúc giọng trẻ con (nhân vật nhỏ tuổi), lúc khóc thương nức nở, lúc cười vui.v.v… Biểu diễn “Mộc Thàu hí” nghệ nhân chỉ cần hát và điều khiển uyển chuyển con rối mang tính minh họa cho lời ca, còn trong hát Dá Hai, các diễn viên phải tập tành các động tác chân tay, di chuyển ra vào cho phù hợp với nội dung vở diễn. Lúc này các làn điệu Hỉ, nộ, ái, ố... được các diễn viên thể hiện bằng nghệ thuật biểu diễn. Sự đa dạng của các làn điệu hát Dá Hai làm cho loại hình hát sân khấu của người Nùng được nhiều người ưa thích.

Các làn điệu của Dá Hai gồm có: Nói vần (phuối rọi, phuối pác), điệu này nhân vật hay dùng ở phần tự sự; điệu phìn tiẻo, cao tiẻo, sái vá (mang tính chất vui vẻ); điệu thán tiẻo, khù tiẻo, sí tiẻo thể hiện thương cảm, tâm tình… Trong lúc diễn tùy theo nội dung của vở diễn mà người hát chuyển điệu hát từ điệu này sang điệu kia. Hòa cùng giọng ca còn có âm nhạc gồm: Chũm chọe, trống, thanh la, bộ gõ; riêng nhị thì có đôi, một chiếc kéo theo bè cao, một chiếc theo bè thanh trầm hòa nhịp cùng nâng đỡ cho lời ca thêm sinh động. Các động tác biểu diễn trên sân khấu cũng mang tính tượng trưng. Ví như lão tướng hô: Hãy dùng Binh! Mấy vị sử dụng đạo cụ đồng thanh đáp: Dạ! Dạ!.... Hoặc phi ngựa người ta chỉ cầm cái roi quất và chạy vòng trên sân khấu, hay chỉ vài ba bước thể hiện sự mệt nhọc là đã đi một chặng đường dài v.v… Hay nhân vật Tào Tháo bị Quan Công bắt chỉ đôi câu:  Anh hùng chân xỏ vào ống đũa/ Dẫu mà chắp cánh cũng khó bay…

Kế thừa và phát huy bài hát Dá Hai đặc sắc

Hát Dá Hai tồn tại trong dân từ lâu, lúc rầm rộ lúc im ắng, mãi những năm cuối thế kỷ 20 nghệ thuật này mới lại được nhen nhóm lại. Nhưng ở giai đoạn nào thì loại hình sân khấu này cũng được nhân dân ưa chuộng. Một trong những bài hát vận dụng các làn điệu Dá Hai hát thành công đó là bài hát “Nhìn trăng nhớ bạn” (Hai rủng nin nỉ), do tác giả Vương Hùng sưu tầm, nghệ sĩ Dương Liễu biểu diễn, đã đạt Huy chương Vàng trong Hội diễn nghệ thuật toàn quốc năm 1998. Bài hát này đã sử dụng các điệu trong hát Dá Hai một cách linh hoạt. Vào đầu bài hát, ca sĩ đã dùng phương pháp tự sự, lối nói vần được sử dụng trong hát Dá Hai tóm tắt nội dung của bài hát bằng tiếng Việt. “Đêm rằm trăng tỏ/ Mười sáu trăng treo/ Gần nhau đã quyến luyến/ Xa nhau càng nhớ thương/ Nhớ trăng tháng tháng còn thấy mặt/ Nhớ bạn đường xa biết bao giờ…”. Sau đó một số đoạn lời bài hát được chuyển sang các làn điệu hí tiẻo, thán tiẻo, sái vá…; lúc thì vút lên cao bay bổng, lúc trầm xuống sâu lắng, lúc tự sự… tạo sự uyển chuyển, sâu lắng, lột tả được nội dung của bài hát.

Từ điệu hí tiẻo: “Síp hả hai mần/ Sip xốc hai khoen /Nin hai nhằng hăn nả bươn pày/ Nin nỉ kha tàng quây nàn phúng/ Dú xẩư chăn hăn đây/ Vít pây quây vỉt chứ/ Song ràu bặng tôi thú siểu kha/ Thú tốc nhằng đảy xa mà pố/ Quây nỉ là cái ngỏ mí lùm/ Nả nỉ nhằng nin thâng ngỏ mí/Cuồng sửa nhặp đây mí đảy nủng/ Hai so nhằng rủng quá lặm khau...” (Đêm rằm trăng tròn/ mười sáu trăng treo/ Nhớ trăng tháng tháng còn thấy mặt/ Nhớ bạn đường xa biết bao giờ/ Ở gần sao quyến luyến/ Càng xa nhau càng nhớ nhung/ Hai ta như đũa thiếu đôi/ Đũa thiếu đôi còn bù được/ Xa bạn nỗi nhớ đâu nguôi/ Biết bạn còn nhớ tới mình không nhỉ/ Chiếc áo khâu đẹp chẳng được mặc/ Trăng non còn sáng tỏ ven đồi…) chuyển sang điệu thán tiẻo, câu ca lắng xuống buồn, nhớ nhung da diết: “Síp chất kin mẻ pết…/ Thang sàn việng tích ngỏ vạ ngàu…”. Lúc này bài hát lắng xuống, phần âm nhạc cũng ngừng lại để tiếp đó chuyển sang điệu sái vá vui vẻ: “Nhỉ ất hai pây chu bấu tẻo/ Cụt cù ngỏ tẳt thua nòn lấư / Phăn hăn nỉ ngỏ mon ăn tỏoc/ Hai chỏi rủng xoác khảu pha rườn… Dá Hai… Hai… Dá hài… dá hai… dá ha… Hài… dá hai... Rủng… a… là xoác… Dá… ha… hai… dá hài… Dá hai…”.

Bài hát “Nhìn trăng nhớ bạn” được thể hiện bằng tiếng Nùng mà không dịch ra tiếng Việt. Điều này đã chuyển tải được các giai điệu nguyên gốc của hát Dá Hai để bài hát trở thành một trong những bài hát dân ca hay của Cao Bằng.

Triệu Thị Mai

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy