Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
17:45 (GMT +7)

Hàng ngoại order: sức hút và rủi ro

VNTN - Kinh doanh hàng ngoại order là trào lưu của thời đại công nghệ thông tin, khi chúng ta sống trong một mạng xã hội khổng lồ mà ai nấy đều sẵn sàng chạm tay vào thế giới thông qua những cú click giản đơn. Hàng order mang đến cơ hội làm giàu cho người bán, tận hưởng cuộc sống cho người mua và xóa mờ ranh giới các nền văn hóa...


Từ tâm lý sùng ngoại  

Trong tâm thức của người Việt - một dân tộc bị khép kín hàng ngàn năm bởi chính sách bế quan tỏa cảng và tập quán tự cấp tự túc thì đồ ngoại luôn là một niềm khao khát. Nửa thế kỷ trước, quãng những năm 1960 - 1980 và thời kì đầu giải phóng, khi làn sóng người Việt Nam di cư sang nước ngoài sinh sống, lao động, học tập ngày một đông, thì đồng bào trong nước cũng có cơ hội tiếp xúc với hàng ngoại. “Hàng xách tay” bấy giờ chủ yếu đến từ các nước xã hội chủ nghĩa như Tiệp Khắc, Séc, Đức, Liên Xô… với một đặc tính “không bao giờ thay đổi” là nồi đồng cối đá, ăn chắc mặc bền. Nồi áp suất, ấm điện, đài cassette cho đến lật đật, bưu thiếp, vòng đá, kim khâu… đều được coi là những đồ dùng vô giá, được người Việt trân trọng bày trong tủ kính hoặc sử dụng giữ gìn như báu vật. Chuyện bà X đi bộ 20 km để mua về một cái vòng đá Tiệp Khắc hay bà Y được tặng một tá kim khâu mà đến chục năm sau vẫn còn chục chiếc có lẽ không có gì là lạ. Cho đến nay, rất nhiều gia đình vẫn còn sử dụng chiếc ấm điện, nồi hơi, bàn là Liên Xô từ thời “đẻ thằng cu nhớn”, mặc dù “thằng cu” ấy giờ đã ngót nghét ngũ tuần.

Thời kỳ hội nhập, hàng hóa tràn lan, đồ ngoại không còn là thứ khan hiếm, song không vì thế mà tâm lý ngưỡng mộ của người Việt tan biến. Ai cho miếng socola, trái dâu tây, cái kẹo “ngoại” là giấu giấu diếm diếm cả tuần, chờ con cháu về mới mở ra ăn. Tất nhiên, người già sống theo cảm tính của một thời xưa cũ, song ta vẫn bắt gặp tâm lý sùng ngoại ấy ở không ít người trẻ. Có lẽ cũng vì vậy mà xu hướng kinh doanh order, xách tay, nhập khẩu… phát triển mạnh mà chưa có dấu hiệu ngừng lại dù cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” vẫn được quán triệt từ trên xuống dưới.

Một cửa hiệu bán hàng xách tay đường Lương Ngọc Quyến T.P Thái Nguyên

Đến trào lưu hàng Order

Một trong những hình thức kinh doanh hàng ngoại thịnh hành nhất hiện nay chính là order - bán hàng trên mạng thông qua đặt trước.

Chỉ cần lướt web vài phút, ta có thể thấy cơ man nào là địa chỉ bán hàng order. Trào lưu mua bán order đa dạng ở mọi khía cạnh. Thứ nhất là chủng loại hàng hóa với đầy đủ các thể loại thượng vàng hạ cám, từ thực phẩm, thuốc thang, đồ điện tử, xe máy ô tô cho đến cây kim, sợi chỉ, chiếc bút bi, cục tẩy… Người bán chuyên nghiệp với thương hiệu, nhân viên, mã số thuế đầy đủ lệ bộ… cũng có, mà người nghiệp dư lại càng nhiều: học sinh, sinh viên tranh thủ part-time, dân công sở túc tắc lúc ngồi máy, giáo viên tận dụng giờ giải lao, phút rảnh rỗi học sinh làm bài. Sự đa dạng còn nằm ở 1001 lí do mà người bán đưa ra nhằm tạo niềm tin cho khách như: có người nhà định cư bên đó, bạn thân đang du học, anh chị em làm tiếp viên hàng không…

Mặc dù phải cạnh tranh khốc liệt song các cửa hàng order vẫn thu hút khách. Chị K, phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên - một nghiên cứu sinh tại Đức cho biết, mỗi ngày fanpage của chị nhận không dưới 10 đơn hàng. Thu nhập từ bán hàng order không chỉ đảm bảo cho chi phí sinh hoạt, học tập ở nước ngoài mà còn tạo việc làm cho nhiều người thân ở nhà khi giúp chị ship hàng, tập hợp mối hàng hay đơn giản là chia sẻ thông tin trên facebook.

Có nhiều lý do khiến người tiêu dùng trở thành tín đồ cho hàng order ngoại. Trước hết, đó là tâm lý sính ngoại, coi nguồn gốc xuất xứ như một trong những yếu tố tạo nên đẳng cấp. Không gian mua bán rộng mở cũng trở thành lợi thế của hình thức kinh doanh này, khi người mua dù đang nằm khểnh trên giường hay thư giãn trong… WC cũng có thể đặt hàng ngay và luôn từ châu Âu xa xôi, hoa lệ. Vấn nạn mất an toàn thực phẩm, đồ dùng Trung Quốc chứa nhiều nguy cơ bất an… cũng là nguyên nhân thúc đẩy người tiêu dùng Việt hướng đến thị trường Thái Lan, Malaisia, Úc, Nhật, Mỹ và các nước châu Âu. Bên cạnh đó, một vài đặc trưng tâm lý, văn hoá của người Việt cũng góp phần kích thích trào lưu order.

Người Việt cả nể, cảm tính, thích mua của người quen nên hễ gặp ông anh, thằng em, đồng nghiệp cùng cơ quan hay thấy vợ anh sếp nhớn tung status chào hàng là phải lập tức “tương tác”. Người quen sơ sơ thì mở hàng góp vui hay thỉnh thoảng đặt lọ dầu gội, cái quần soóc… lấy chỗ “đi lại”. Người quen “đặc biệt” thì xung phong làm khách hàng trung thành, không mua cũng biết ý để lại dòng comment tán thưởng. Cùng là hàng ngoại song người tiêu dùng có xu hướng chọn mua order nhiều hơn thanh toán trực tiếp lại cửa hàng còn bởi tâm lý không phải bỏ tiền “tươi”. Click chuột, đăng ký mua hàng, ung dung chờ hàng bay về trong 10 ngày, nửa tháng có lẽ đỡ “xót ruột” hơn hình thức mua bán truyền thống “tiền trao cháo múc”.

Người Việt Nam thích hàng ngoại order còn bởi tâm lý… ham rẻ. Nghe thật vô lý bởi hàng ngoại sao rẻ hơn hàng nội? Đúng vậy, chúng không rẻ so với hàng Việt Nam nhưng chúng rẻ so với cái giá mà chúng ta mặc định, với cái danh “ngoại” mà chúng ta sùng bái. Một chiếc áo phông cho trẻ con 300 nghìn đồng là đắt ở Việt Nam, song nếu được quảng cáo là áo phông xịn, nguồn gốc Italy, giảm 70% so với giá gốc, thì bỗng dưng nó trở thành thứ hàng khuyến mại có một không hai, khiến người ta đổ xô đặt nhanh kẻo hết. Mua tận bên Tây, không có giá gốc kiểm tra, không nhiều hàng cùng loại để so sánh, nên người mua order được phép hân hoan trong niềm vui của người săn hàng may mắn.

Lợi thế đi kèm bất cập

Mọi trào lưu văn hoá đều mang tính hai mặt. Không thể phủ nhận sức hấp dẫn của phương thức mua bán order như một sản phẩm tiên tiến của mạng xã hội. Nhiều người giàu lên nhờ bán hàng order, không ít khách hàng nghiện order tới mức mất hết niềm tin đối với hàng nội. Người thất nghiệp, sinh viên ra trường thiếu việc làm có thể sống nhờ order mà không cần một nguồn vốn đầu tư lớn. Nhờ có hình thức kinh doanh tiện lợi này mà người tiêu dùng có cơ hội tiếp xúc với những sản phẩm chất lượng trên toàn thế giới. Ngay cả đối với hàng hóa trong nước, kinh doanh online nói chung và order nói riêng cũng giúp xóa dần khoảng cách vùng miền. Có lẽ, trong tương lai gần, khái niệm “đặc sản” vùng miền sẽ mất bởi ngày nay, bất kỳ chỗ nào có mạng internet là có thể “đi chợ” năm châu bốn bể.

Tuy nhiên, trong muôn vàn lợi thế của phương thức bán hàng order vẫn có nhiều bất cập. Như mọi hình thức mua hàng qua mạng khác, hàng order không được “mắt thấy tai nghe” nên tính rủi ro cao gấp nhiều lần so với mua hàng nhập khẩu trực tiếp. Việc đổi trả hàng rất phiền toái (so với order hàng nội) do chi phí vận chuyển lớn, thời gian vận chuyển dài và phương thức vận chuyển phức tạp, qua nhiều khâu trung gian. Mỗi quốc gia, vùng miền có những tiêu chí chất lượng, thẩm mĩ khác nhau nên hàng tốt ở nước này chưa hẳn đã đáp ứng tiêu chuẩn của người tiêu dùng nước khác. Giả sử, người đàn ông Việt nặng 65 kg mặc áo Việt Nam cỡ L nhưng nếu đặt hàng áo cỡ L xuất xứ Đức, nhiều khả năng phải “bơi” trong áo. Một chuyên gia dinh dưỡng cũng khẳng định, nhiều ông bố bà mẹ sai lầm khi đổ xô mua sữa, cháo, bột Nhật, Úc, Nga, Mĩ… cho con mà không biết rằng, mỗi quốc gia có chuẩn dinh dưỡng khác nhau dựa theo tập quán ăn uống của người dân nước họ. Ví dụ, người Nhật ăn nhiều hải sản, do vậy lượng can-xi trong sữa sẽ không đòi hỏi cao như một số quốc gia khác, tương tự, các thực thẩm chức năng, mĩ phẩm cũng được điều chế dựa theo đặc trưng môi trường, thể trạng của người dân bản địa… Chính vì thế, hàng nhập khẩu chính thống, có sự điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp với đặc trưng của người Việt có ưu thế hơn so với hàng order ở phương diện này.

Một trong những điều người viết nhấn mạnh nhất là việc kinh doanh dược phẩm tràn lan qua con đường order. Mặc dù ở phương Tây có những quy định nghiêm ngặt về việc bán thuốc theo đơn, song thông qua con đường nào đó, thuốc bổ, thuốc bệnh đủ loại vẫn được chuyển về tràn lan. Điều kì lạ là không ít người chỉ “comment” kể lể sơ qua về tình trạng bệnh để người bán tư vấn, bốc thuốc như bác sĩ chuyên khoa. Không biết bệnh, không có khả năng chuyên môn, thậm chí ngôn ngữ ghi trên dược phẩm cũng không rõ (vì hàng order không có nhãn phụ tiếng Việt), vậy mà việc mua bán, sử dụng vẫn được tiến hành êm xuôi. Hậu quả sẽ là rất nghiêm trọng nếu người dùng phản ứng thuốc, nhờn thuốc hay gặp tác dụng phụ để rồi khi nhập viện, bác sĩ cũng không thể biết cái đồ ngoại mà bệnh nhân uống vào là gì, cách xử lý ra sao. Xét về phương diện kinh tế, việc người người, nhà nhà bán hàng order, xách tay tự phát gây khó khăn cho việc quản lý kinh tế, kiểm soát việc lưu thông tiền tệ.

Kinh doanh hàng ngoại order là trào lưu của thời đại công nghệ thông tin, khi chúng ta sống trong một mạng xã hội khổng lồ mà ai nấy đều sẵn sàng chạm tay vào thế giới thông qua những cú click giản đơn. Hàng order mang đến cơ hội làm giàu cho người bán, tận hưởng cuộc sống cho người mua và xóa mờ ranh giới các nền văn hóa. Song nó cũng chứa đựng không ít rủi ro nếu người bán thiếu trách nhiệm, người mua thiếu hiểu biết và người quản lý thiếu tận tâm.

Hiểu Mai - Nguyễn Ly

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy