Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
05:17 (GMT +7)

Hai lần hạ B-52 bằng pháo cao xạ

Cách đây 50 năm, trong chiến dịch “Điện Biên phủ trên không”, Trung đoàn 256, Quân khu Việt Bắc (nay là Quân khu 1) đã lập nên chiến công xuất sắc bắn rơi 2 máy bay B-52 trên bầu trời Thái Nguyên. Góp phần quan trọng vào chiến công này là hai cựu chiến binh Nguyễn Văn Đức, nguyên Tiểu đội trưởng Báo vụ - Tiêu đồ, Đại đội 10 là người trực tiếp theo dõi, vẽ đường bay chính xác, giúp chỉ huy xác định tầm bắn và thời điểm phát lệnh tấn công chuẩn xác. Và cựu chiến binh Nguyễn Công Tuấn, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 5 là người trực tiếp chỉ huy đơn vị “hạ gục” hai B-52 này bằng pháo cao xạ 100mm.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Đức (thứ 3 từ phải qua) cùng đồng đội thuộc Trung đoàn 256 thăm lại Di tích trận địa của Đại đội 5, tại phường Quang Vinh, TP Thái Nguyên.

50 năm đã qua đi, hai người thanh niên rắn rỏi, nhanh nhẹn năm nào, nay đã là những cụ ông trên 70 tuổi, mắt mờ, chân chậm nhưng trí nhớ vẫn vô cùng minh mẫn. Song ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là những cựu chiến binh ấy vẫn luôn lạc quan. Ông Tuấn nói: “Với những người lính như chúng tôi, được sống đến hôm nay đã là một may mắn!”.

Ngược trở lại theo dòng thời gian, ngày 27/6/1972, Trung đoàn 256, Quân khu Việt Bắc được thành lập, đóng quân tại TP. Thái Nguyên, với nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu trọng yếu như: Khu Gang thép Thái Nguyên, khu Ga Lưu Xá, kho tàng nằm xung quanh và Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn, ga Quan Triều, cầu Gia Bảy... và nhân dân trên địa bàn thành phố.

Thời điểm này, Chuẩn úy Nguyễn Công Tuấn đang công tác ở Đại đội 3, Trung đoàn 225, Sư đoàn 361 (Quân chủng Phòng không - Không quân) thì được điều động về làm Trợ lý tác huấn của Ban Tham mưu, Trung đoàn 256. Đến tháng 9/1972, đơn vị được cấp trên tăng cường 18 khẩu pháo 100mm và bổ sung 200 tân binh đa số là người dân tộc ít người đến từ huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Bắc Kạn). Ông Tuấn nhớ lại: “Khi đó tôi được điều động xuống tạm thời giữ chức Đại đội trưởng của Đại đội 5. Thời gian huấn luyện pháo thủ rất gấp, nên phải lựa chọn tân binh có nhận thức nhanh để huấn luyện “cấp tốc”. Hồi ấy, đa số thanh niên đã vào Nam chiến đấu, nên có chiến sĩ lớp học đến lớp 7 là quý rồi. Chúng tôi huấn luyện pháo thủ theo cách đánh trực tiếp, tức là ngắm bắn thủ công chứ không đánh bằng khí tài (không sử dụng máy radar và máy chỉ huy), lại không cơ động mà đánh tại chỗ”.

Hai cựu chiến binh: Nguyễn Công Tuấn (phải) và Nguyễn Văn Đức (trái) cùng ôn lại trận đánh B-52 năm 1972.

Ông Đức tiếp lời: Khi 3 đại đội pháo 100mm huấn luyện chiến đấu, thì Tiểu đội Báo vụ - Tiêu đồ của tôi cũng bước vào đợt tập huấn đặc biệt. Chúng tôi tập luyện thu các tín hiệu vô tuyến điện giả định các đường bay của máy bay B-52 sẽ đánh vào Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên theo các tình huống từ đơn giản đến phức tạp với nhiều tốc độ truyền tín hiệu vô tuyến điện khác nhau. “Hồi ấy, chúng tôi được trang bị 2 máy thu vô tuyến điện loại P311 do Liên Xô sản xuất tương đối hiện đại, rất bền và không bị nhiễu sóng khi thu tín hiệu. Sau khi thu nhận các tín hiệu (đã được mã hóa), tôi nhanh chóng giải mã rồi vẽ các đường bay mục tiêu mà máy bay địch di chuyển trên bản đồ bằng loại bút chì đặc biệt. Máy mở 24/24 giờ, trong khi chỉ có 3 người, lại không có lực lượng dự bị thay thế, vì vậy chúng tôi ăn, ngủ, nghỉ ngay tại trung tâm chỉ huy, lúc nào cũng trong tình trạng tai nghe, mắt nhìn, tay ghi chép bất kể ngày đêm. Luyện tập nhuần nhuyễn đến độ, anh em kể lại rằng có lúc tranh thủ chợp mắt mà tay tôi vẫn vẽ đường bay” - ông Đức hóm hỉnh nói.

Sau khi nghiên cứu cách đánh B-52, chỉ huy Trung đoàn rút ra kinh nghiệm: Một là, B-52 thường tìm điểm chuẩn để bay thẳng vào mục tiêu rải bom, cho nên đường bay, tọa độ rất ổn định, không thay đổi. Do đó, nếu đánh vào Thái Nguyên, thì điểm chuẩn được xác định là 1 quả núi cao giáp Hồ Ba Bể, Bắc Kạn, lấy đó làm hướng chính; Hai là, trần bay của B-52 là 15km, độ cao ném bom hiệu quả trong khoảng từ 9 đến 11km, trong khi pháo 100mm có tầm xa 21km và tầm cao 14km, cho nên để tăng xác suất bắn trúng, cần cắt điểm nổ cố định theo nhiều cự ly khác nhau.

Đêm 18/12/1972, B-52 Mỹ bắt đầu ném bom Hà Nội, ngay sáng hôm sau, Trung đoàn 256 tổ chức dồn dịch đội hình theo hướng “chân kiềng”, trong đó Đại đội 5 đóng quân tại xã Quang Vinh, TP. Thái Nguyên. Khi đó 3 đại đội pháo 100mm đều không có máy ra đa ngắm bắn đánh mục tiêu ban đêm, vì thế việc quyết định thời điểm nổ súng có ý nghĩa sống còn, bởi mỗi đợt bắn chỉ diễn ra trong thời gian từ 12 đến 20 giây, bắn sớm hay muộn, đạn sẽ nổ vào khoảng trống. Do đó, chỉ huy Trung đoàn quyết định phương án: “Pháo 100mm đánh trực tiếp quay tay từ thông số dữ liệu của Tổng trạm radar cấp trên, không sử dụng radar ngắm bắn (COH) và khí tài của các trận địa. Dùng phương pháp dựng màn đạn bắn đón, tập trung cả 3 đại đội bắn vào 1 mục tiêu, cắt ngòi nổ cố định 80...”.

Với cách đánh này, bộ phận Báo vụ - Tiêu đồ là mắt xích rất quan trọng, Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Đức cùng hai chiến sĩ Kiều, Vượng trở thành những “hoa tiêu” truyền dẫn tín hiệu các thông số dữ liệu về máy bay B52 từ cấp trên đến Sở chỉ huy Trung đoàn, để chỉ huy Trung đoàn xác định chính xác thời điểm, lệnh cho các đơn vị đồng loạt bắn.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Đức và những hồi ức về trận đánh B-52 cuối tháng 12/1972.

Nhớ lại trận đánh bắn rơi chiếc máy bay B-52 đầu tiên trên bầu trời Thái Nguyên vào đêm 24/12/1972, ông Đức thuật lại: “Tối hôm ấy trời rét đậm, sương mù dày đặc, khoảng hơn 6 giờ tối, mạng B1, Tổng trạm của Quân chủng Phòng không - Không quân có phát tín hiệu máy bay đầu tiên là các máy bay gây nhiễu EB-66, rồi F-4 đi trước khoảng 15 - 20 phút. Tôi lúc đó trực tiếp nghe thu máy chính và đi đường bay chính, bên cạnh tôi là hai đồng chí Kiều và Vượng nghe thu máy phụ để bổ sung thêm các thông số. Sau đó một lúc, tôi nhận được tín hiệu B-52 xuất phát từ sân bay Utapao (Thái Lan), độ cao 10km, tôi báo cáo: “Có tín hiệu máy bay B-52 xuất hiện và di chuyển về miền Bắc nước ta, theo phương án 1”.

Liên tiếp 3 tốp mục tiêu B-52 theo đuôi nhau theo 3 đường bay chính, rất ổn định. Thỉnh thoảng tín hiệu bị ngắt quãng, thay vì 3 phút báo 1 lần, 5 phút nó mới báo lại, tuy nhiên đường bay của chúng hướng về Thái Nguyên không thay đổi, độ cao không thay đổi, vì thế dù tín hiệu có đứt nhưng tôi vẫn vẽ được đường bay. Lúc đó, tình hình rất căng thẳng, tôi chỉ tập trung thu nhận tín hiệu và đi đường bay, trời rét căm căm, tôi đang khoác cái áo trấn thủ mà mồ hôi vẫn rịn trên trán.

Trong sở chỉ huy im phăng phắc, cả ê kíp trực chỉ huy chiến đấu của Trung đoàn tập trung xung quanh bàn tiêu đồ, chăm chú theo dõi theo các đường bay của địch. Sau hơn một giờ, khi tốp máy bay B-52 thứ hai vào đến tầm bắn, khoảng 25 - 30km, thủ trưởng Huệ “thét” vào máy bộ đàm 2W: “Bỏ F-4. Đánh B-52. Bắn nhanh. Bắn!”. Nói thật, mọi lần nghe thấy thủ trưởng thét lên thì anh em chúng tôi hãi lắm, nhưng lần này tôi lại thở phào nhẹ nhõm, bởi lúc này nhiệm vụ của Báo vụ - Tiêu đồ coi như hoàn thành.

“Ngay khi nhận được lệnh cấp trên, chúng tôi bắt đầu nã pháo, mỗi khẩu bắn 3 viên, với cách bắn: Loạt 1 điểm nổ theo 3 cự ly: 14km - 12km - 10km và loạt 2 điểm nổ ngược lại: 10km - 12km - 14km (tức là đạn cắt cự ly nào thì đến cự ly đó nó sẽ nổ - PV), cứ thế chúng tôi bắn đồng loạt, liên tục, bắn nhanh, bắn cấp tập, giăng thành lưới lửa trên không. Bắn xong cũng không biết là máy bay rơi, hôm sau chúng tôi mới được cấp trên thông báo, đơn vị đã tiêu diệt máy bay B-52 rơi ở biên giới Việt-Lào. Đây cũng chính là chiếc B-52 đầu tiên của Mỹ bị pháo cao xạ 100mm của ta bắn rơi trên bầu trời miền Bắc”. Sau khi lập công, Quân khu Việt Bắc và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Thái đến chúc mừng và thưởng cho cả đơn vị 1 con bò, riêng Đại đội tôi được cái đài Xiêng Mao - “hồi ấy là to lắm rồi” - ông Tuấn kể.

CCB Nguyễn Văn Đức và CCB Nguyễn Công Tuấn (thứ 2, 3 từ phải qua) cùng cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Phòng không 297.

Nhấp 1 ngụm trà, ông Tuấn nói tiếp: “Nhưng đối với tôi trận đánh đêm 26/12/1972 mới là đêm căng thẳng nhất. Sau khi bắn xong loạt thứ nhất, B-52 ném bom ngay sát trận địa của đơn vị, lửa bùng lên, khói mù mịt, đất văng tung tóe. Hầm của tôi bị sập, nên tôi bị thương nhẹ song vẫn chỉ huy bộ đội tiếp tục chiến đấu. Hôm đó, khí tài bị hỏng khá nhiều, trong đó có cái chảo của radar dùng bắt tín hiệu của máy bay, đường dây điện thoại đứt; máy thông tin vô tuyến 2W cũng không liên lạc được. Khi đó, cấp trên nhận định Đại đội 5 bị “xóa xổ”. Ở trận địa lúc này, đơn vị không nhận được lệnh của chỉ huy Trung đoàn, nên lúc đó tôi phải độc lập chỉ huy. Tôi quan sát điểm nổ trên không của Đại đội 3 và Đại đội 9 đều hướng về đường bay số 1. Tôi quyết định hạ lệnh cho đơn vị bắn dựng màn đạn theo phương pháp đã huấn luyện vào đội hình của địch. Kết quả trong đợt nổ súng ấy, Đại đội 5 được công nhận bắn rơi thêm một chiếc B-52”.

Ngay sau trận đánh trên, Trung đoàn 256 và Đại đội 5 được Nhà nước tặng Huân chương Quân công hạng Ba, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng gửi lẵng hoa chúc mừng. Với chiến công xuất sắc bắn rơi hai máy bay B-52 bằng pháo cao xạ 100mm, đã góp phần vào thành tích chung để sau này, Lữ đoàn Phòng không 297 (Quân khu 2 ngày nay) được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Tháng 5/2016, trận địa pháo năm xưa của Đại đội 5 (hiện nay ở tổ 5, phường Quang Vinh, TP Thái Nguyên) được UBND tỉnh công nhận là Di tích cấp tỉnh. Đây trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội cũng như nhân dân trong tỉnh.

Hương Dịu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Không khóc ở Đài Loan

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Trái tim bồ đề

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Thái Nguyên lưu luyến trong tôi

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Người bản Dao thay áo cho rừng

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Văng vẳng tiếng còi tàu

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước