Gọi suốt ngàn năm
VNTN - Luôn có những tiếng gọi, những câu hỏi từ quá khứ thăm thẳm vang vọng tới hôm nay. Chỉ có điều chúng ta có nghe được và trả lời ra sao mà thôi?!
Là một nhà khảo cổ học nổi tiếng khi còn rất trẻ, hắn hay mở Cổ sử đọc đêm đêm. Nhưng nhiều đêm mệt ngủ gục đầu xuống sách, bao giờ hắn cũng gặp đúng một trang kể về Hoàng hậu Chiêm Thành có tên Mị Ê đã cuốn chăn vào người nhảy xuống sông Gianh tuẫn tiết. Và cũng từ trong trang sách cũ ấy, một gương mặt đầy máu và nước mắt thấp thoáng, có một tiếng gọi thăm thẳm, hoang dại như gió lạc qua ngàn lau trắng vùng biên ải, giục giã thật đau đớn: - Hãy trở lại đi. Đã ngàn năm rồi…
Hắn bàng hoàng tỉnh hẳn, ôm cuốn sách vào ngực. Ai gọi thế? Và gọi ai? Chẳng lẽ gọi mình? Gọi đã ngàn năm, chắc phải có nhân duyên từ bao kiếp? Biết đi đâu mà tìm bây giờ?
Ở Viện Khảo cổ, anh em gọi hắn là nhà Chăm học. Không phải chỉ vì hắn am hiểu sâu sắc, có tình yêu mê đắm dành cho nền văn hóa này, đọc được thứ văn tự Chăm tối cổ đã thất truyền từ lâu, mà còn vì gương mặt, hình dáng rất giống với người Chăm, từng mơ thấy mình được hoài thai trên đỉnh tháp Vua - Ngôi tháp cổ kính nhất, linh thiêng nhất trong quần thể tháp Mỹ Sơn.
Sáng nay, một thông tin làm chấn động giới khảo cổ nước nhà, làm hắn run lật bật như lên cơn sốt. Trong khi khai quật một Tháp Chăm bí ẩn, nằm sâu trong lòng đất ở Mỹ Sơn, đội khai quật đã phát hiện một pho tượng phụ nữ Chăm tạc bằng thứ đá trong suốt nào đó chưa từng có ai biết tới, kì quái hơn có một pho tượng đàn ông khổng lồ ôm ghì pho tượng ấy từ phía sau. Hai pho tượng còn biết khóc, lệ chảy ra đỏ như máu. Có một linh tính tốt lành khiến hắn mất ăn mất ngủ, nhất là khi trang giấy chép câu chuyện về Hoàng hậu Mị Ê tự tử ở sông Gianh bỗng bốc cháy, trong khi cuốn Cổ sử vẫn còn nguyên vẹn. Không còn vé máy bay đến đó, nhà Chăm học đành đi tàu hỏa cho lành. Đoàn tàu như một gã lãng tử cô độc lầm lũi xuyên màn đêm mà chạy tới với hi vọng đuổi bắt mặt trời. Tiếng còi tầu hú lên như tiếng sói hoang hú gọi mặt trăng trên đỉnh núi. Ngoài ô cửa kính nhòe mờ vì mưa, thi thoảng xuất hiện gương mặt phụ nữ đầy máu áp vào, đôi mắt mở to với cái nhìn cầu khẩn, đong đầy cả nỗi buồn và niềm vui. Hắn nhìn vào đôi mắt ấy, vừa rùng mình kinh hãi, vừa có cảm giác thân thương như nhìn vào mắt mẹ hiền ở quê nhà. Xuống ga, hắn gọi taxi yêu cầu chạy liên tục về Thánh địa Mỹ Sơn, đúng lúc đó cậu học trò đang công tác tại Sở văn hóa tỉnh X gọi hốt hoảng:
- Thầy ơi. Thầy đi tới đâu rồi ạ? Thầy có kịp tới Mỹ Sơn trước 9 giờ sáng nay không? Một dòng họ Chăm nổi tiếng đã đến nhận đó là tượng bà Cụ tổ của dòng họ này, Chính quyền Sở tại cũng đã đồng ý cho họ rước tượng về thờ tại nhà thờ Tổ. Dưới chân đế bức tượng có một đoạn văn viết bằng một thứ chữ lạ lùng không ai đọc được. Mong thầy vào kịp, dịch văn tự cổ, xác định đây là tượng thần trong tín ngưỡng người Chăm hay đúng là tượng bà Cụ tổ của dòng họ ấy…
Lại văn tự cổ? Dù sử dụng tốt tiếng Phạn, tiếng Chăm cổ và hơn chục ngôn ngữ của các tộc người thiểu số ở châu Á, hắn vẫn lo lắng, nếu không đọc được thì sao? Nhưng linh cảm về một cuộc gặp gỡ may mắn đang chờ đợi ở phía trước khiến hắn phấn chấn lạ thường.
Đường tới Cổ tháp mới được khai quật um tùm lau sậy, cỏ dại ngang tàng dướn cao tới ngang ngực mà chắn lối đi. Rất nhiều dơi to bằng con gà con bám lúc lỉu trên vòm đá. Đất đá bị đào bới bật lên màu đỏ tươi. Một tháp Chàm nhỏ lần đầu lộ diện sau bao thế kỉ, hình như còn ngái ngủ, giờ đang ngơ ngác dưới mặt trời. Hai pho tượng Chăm đã được rước lên, đặt tạm trên một phiến đá xanh, đến gần bỗng rùng mình: Pho tượng phụ nữ có một gương mặt đã gặp hàng nghìn lần trong Cổ sử. Đó là gương mặt tuyệt đẹp, có thể gọi đó là mỹ nhân của người Chăm, mặc trang phục của một ÁP SA RA, hai tay đang vươn ra phía trước như cố níu kéo một điều gì. Điều quái dị hơn thế khi có pho tượng đàn ông khổng lồ ôm ghì pho tượng từ phía sau. Hai cánh tay gân guốc, có xăm hình Giao Long, gương mặt đẹp cương nghị nhưng u buồn, vóc dáng đồ sộ ấy cúi xuống như muốn ôm ấp, chở che cho người phụ nữ. Dòng tộc người Chăm kia đã thắp hương nghi ngút, gần trăm người quỳ xung quanh xì xụp khấn vái, có người còn khóc gọi thảm thiết. Cậu học trò sung sướng và kiêu hãnh:
- May quá. Thầy vào kịp rồi. Tôi đã nói mọi người cứ bình tĩnh, thầy tôi là chuyên gia số một về lĩnh vực này. Sẽ xác định rõ ràng ngay thôi.
Ông phó chủ tịch huyện gầy, cao, mặt chuột kẹp, nói bực dọc:
- Nhờ anh xác định giúp cho. Nếu cần, tôi cho công an giải tán đám đông, đưa pho tượng về bảo tàng tỉnh…
Hắn quỳ xuống trước pho tượng, đeo kính, chăm chú quan sát, lệ đỏ như máu của hai pho tượng bỗng ngừng chảy. Dưới chân hai pho tượng là bệ tượng làm bằng đá xanh trông như ngọc quý, hàng nghìn chữ kiểu Hỏa tự khắc từ ngực tượng xuống đến bệ tượng. Hắn đã đọc văn tự ấy, rồi trào nước mắt trước câu chuyện có máu lệ ngàn năm thấm vào từng gân đá này.
Đêm hôm đó, theo yêu cầu của hắn, tất cả giải tán để chuyên gia chuyên tâm dịch thuật. Khi đọc lại bản dịch của mình, dịch giả ngỡ ngàng và thấy đau thắt trong ngực. Nó khác xa với chính sử, kể cả những cuốn sách lịch sử cổ xưa nhất. Bóng đêm mênh mông như tấm vải liệm đen trùm lên cảnh vật và tháp Chàm cổ kính, 12 ngọn đuốc tẩm dầu cháy rừng rực xung quanh xua bớt đi giá lạnh. Ngọn đèn cực lớn chiếu sáng bãi đất trống. Hắn ngước nhìn pho tượng hồi lâu rồi lại nhìn xuống bản dịch của mình. Hình như pho tượng phụ nữ cử động, hai bàn tay từ từ hạ xuống, cầm lấy hai bàn tay người đàn ông đang ôm tượng từ phía sau. Từ hai mắt tượng có hai tia nước trong vắt, ngọt thơm phun ra như hai cầu vồng trắng muốt. Cả hai gương mặt của hai pho tượng hình như cũng ngời sáng bởi một niềm vui thầm lặng. Hắn quỳ xuống ngửa cổ uống từng ngụm rồi ngủ thiếp. Trong mơ, câu chuyện của một nghìn năm trước trở về như một bộ phim hoành tráng kì dị và huyền ảo, kể về những điều chưa từng ai biết tới, về những bể dâu ghê gớm trên dải đất này…
…Năm 1044, Vua Chiêm Sạ Đẩu ngạo nghễ trên ngai vàng: - Ta có mấy chục vạn quân tinh nhuệ, vài trăm thớt voi thiện chiến. Phải đánh Đại Việt. Mở mang bờ cõi…, trả mối thù bại trận bao lần…
Quan Tể tướng râu tóc bạc phơ quỳ sụp xuống run rẩy khẩn cầu: - Muôn tâu bệ hạ. Đất nước đang thanh bình. Việc binh đao là việc nên tránh. Vả lại hai nước hòa hiếu đã lâu. Triều Lý của Đại Việt đang thịnh trị. Khẩn tấu Bệ hạ thu hồi thánh lệnh. Tránh cho dân chúng cả hai nước rơi vào họa đầu rơi máu chảy… Đó mới là cái phúc của nước nhà…
Hoàng Đế Sạ Đẩu nổi cơn thịnh nộ, quát võ sĩ lôi Tể tướng giam vào Thiên lao, chờ khi khải hoàn sẽ đem ra chém đầu thị chúng. Hoàng hậu Mị Ê rập đầu đến chảy máu van xin Chúa Thượng thu hồi thánh lệnh, nhưng nước mắt đàn bà làm sao có thể làm mềm yếu chí anh hùng? Sạ Đẩu cao lớn sức địch nổi trăm người, tinh thông Thập Bát ban võ nghệ. Dưới tài thao lược của vị hoàng đế dũng mãnh này, quân Chiêm ào ạt tấn công, các châu mục sát biên giới của Đại Việt rung chuyển, hàng loạt thành trì tan vỡ. Tin dữ bay về Thăng Long mỗi ngày hàng chục lần báo tin tướng chết, quân tan, thành mất...
Ngày... tháng... năm 1044, Vua Lý Thái Tông thân chinh dẫn quân bình Chiêm. Dưới trướng có nhiều tướng tài, nhưng Hoàng đế yêu quý nhất viên Đại tướng tiên phong họ Nguyễn. Thời nước Việt ta bị Đồ Thư - Tướng của Tần Thủy Hoàng sang xâm lược, giặc Tần khi thua trận phải lui quân, có bắt về một tù binh có tên Lý Ông Trọng. Vóc dáng khổng lồ, sức khỏe vô địch, ăn một bữa gồm 5 mâm cỗ, mỗi mâm cho 7 người mới đủ no. Công trạng đánh dẹp Hung Nô của Lý Ông Trọng đã được sử Tàu ghi chép. Giờ đây, Đại tướng tiên phong họ Nguyễn của Vua Lý Thái Tông cũng có vóc dáng đồ sộ, sức mạnh địch nổi ngàn người như Lý Ông Trọng vậy.
Vua Lý Thái Tông sai Đại Tướng tiên phong họ Nguyễn đốc thúc ba quân đẩy lùi quân Chiêm, thu lại thành trì đã mất. Hàng chục dũng tướng người Chiêm đã rơi đầu dưới đại đao của họ Nguyễn. Trận đánh cuối cùng diễn ra trước thành Phật Thệ, Sạ Đẩu võ phục oai nghiêm, áo giáp vàng, mũ trận bằng vàng, cầm một cây búa khổng lồ, đứng trước cửa trận. 10 vạn tinh binh hàng ngũ chỉnh tề, giáo gươm sáng quắc. Trong Hậu cung, Hoàng hậu Mị Ê quỳ trước tượng thần Shiva, chắp tay cầu thần linh phù hộ cho chồng. Bên này, Vua Lý Thái Tông cho quân bày trận Bát quái. Tiên phong họ Nguyễn cầm cây đại đao nặng trăm cân, được luyện 49 ngày bằng thép quý tôi trong nước sông Hồng đỏ rực phù sa, thiên hạ đồn rằng 30 thợ rèn giỏi nhất nước Nam, khi tôi cây đại đao ấy đã khiến cho cả một khúc sông sôi lên sùng sục. Vua Sạ Đẩu thúc voi ra trận, quân Nhà Lý phun dầu bắn tên cháy rừng rực, bị lửa thiêu, 300 thớt voi quay đầu dẫm đạp, quân Chiêm chết không đếm xiết. Trận đấu tay đôi giữa Sạ Đẩu và tiên phong họ Nguyễn diễn ra từ đúng Ngọ sang đến giờ Tuất. Theo lời thách đấu của Sạ Đẩu, cả hai tiếp tục giao chiến trong bóng tối. Đao và búa va đập chan chát, những tia lửa bật ra lóe sáng rồi vụt tắt, không đủ soi sáng cho cuộc huyết đấu vô tiền khoáng hậu này. Trông họ như hai bóng ma khổng lồ đang quần thảo dữ dội trong cuộc chiến sinh tử. Vừa sang giờ Hợi, Tiên phong họ Nguyễn sử dụng đường đao thứ 37 - một đường đao bí truyền, cực kì độc hiểm của dòng họ Nguyễn chém rơi đầu Sạ Đẩu. Than ôi. Rồi thảm cảnh bi ai không bút mực nào tả xiết đã diễn ra. Vua tử trận. Quân sĩ tan tành. Kinh thành thất thủ chìm trong biển lửa. Trước cảnh đau thương ấy, Vua Lý xót thương mà ban quân lệnh: “Kẻ nào giết bừa dân Chiêm Thành thì sẽ giết không tha”. Nhờ quân lệnh ấy mà cảnh máu chảy đầu rơi mới chấm dứt. Theo lệnh Vua, Tiên phong họ Nguyễn đã lùng bắt được Hoàng hậu, các Hoàng tử, Công chúa Chiêm quốc. Vua hạ lệnh đưa tất cả lên thuyền trở về Thăng Long. Đó là vào mùa Đông năm 1044.
Khi Đại tướng họ Nguyễn vào cung cấm, Hoàng hậu Mị Ê đã thắt cổ bằng một vuông lụa trắng, vội vàng cắt lụa đỡ nàng xuống, khi hai mắt nhìn nhau, rùng mình, linh cảm về sự gắn bó đến chết và cả sau khi lìa bỏ trần thế, giữa hai người khiến chàng toát mồ hôi, thanh đại đao trên tay rơi xuống đất…
Thuyền Rồng ra biển rồi vào cửa sông nhằm hướng Thăng Long. Gió mùa đông hiu hắt. Hai bên sông là những làng mạc bị quân Chiêm thiêu trụi. Ruộng đồng bỏ hoang nằm nhìn bầy quạ đen lao xuống rỉa xác người chết rải rác trên các nẻo đường. Nhìn cảnh tượng ấy, Vua Lý Thái Tông thở dài, rồi quay lại bảo viên quan chép sử đi theo: - Việc binh đao là việc đường cùng mới phải dùng đến. Nếu Sạ Đẩu không bạo ngược xâm lăng, làm sao ta phải khởi binh dẹp loạn. Bao giờ an lành, ruộng hoang được cấy, dân chúng thái bình mới đúng là mong mỏi của Trẫm.
Khi quan chép sử đang khúm núm ghi lời vua dạy vào giấy Trúc Bạch thơm ngan ngát, in chìm hình 5 con rồng mềm mại uyển chuyển đang múa giữa vầng mây ngũ sắc, nhà vua quay sang bảo Tiên phong họ Nguyễn:
- Trong trận chiến này, công khanh lớn lắm. Về triều ta sẽ ban thưởng. Nhưng nhìn vẻ mặt khanh nhiều tư lự. Có tâm tư gì cứ nói ta nghe?
Tiên phong họ Nguyễn quỳ sụp, chắp tay mà thưa rằng:
- Muôn tâu Bệ hạ. Thần quả thực có điều cầu xin. Thần không cần quan tước, vàng bạc, chỉ xin có một điều…
Vua Lý Thái Tông cười thật sảng khoái:
- Nào. Khanh có điều gì cầu xin, cứ nói, ta sẽ chuẩn tấu?
Khi Tiên phong họ Nguyễn còn đang ấp úng, mắt ngời sáng, môi run run thì Hoàng đế quay sang nói nhỏ với Nội thị theo hầu.
- Đêm nay lạnh to. Trẫm thấy cô đơn. Ngươi truyền cho Hoạn quan báo Mị Ê sửa soạn, đến giờ Dậu vào Long sàng hầu Trẫm…
Quay lại, Hoàng đế cười:
- Sao cứ ấp úng mãi vậy. Xông vào trận tiền, vượt vạn trùng vây, chặt đầu mãnh tướng mặt không đổi sắc. Giờ cầu xin có một điều mà nói mãi không thành là làm sao?
Có một vầng mây đen lướt qua gương mặt khôi ngô, tuấn tú kia, mãi rồi viên dũng tướng ấy mới nói nên lời:
- Muôn tâu Bệ hạ. Để về Thăng Long, sau tiệc mừng công, thần tấu xin cũng không muộn ạ.
Chiều hôm ấy, Tiên phong họ Nguyễn bỏ cơm, ra đuôi thuyền, cầm chiếc vỏ ốc khổng lồ, lấp lánh bẩy màu mà thổi. Chiếc vỏ ốc mang theo từ quê nhà, có đựng chút nước sông Hồng, thường để trong rương gỗ. Lần đầu tiên chiếc vỏ ốc ấy vút lên âm thanh trầm buồn da diết mà binh sĩ ngẩn ngơ buông gươm giáo, ôm đầu gối, dõi nhìn một đàn chim đang mải miết bay về phương Bắc. Hình như họ nhìn thấy những cánh đồng đất đai quánh như mật mía, lúa ngô bạt ngàn, dòng sông ăm ắp cá, có túp lều tranh đêm đêm vợ trẻ giã gạo trông chồng, có mẹ già khóc thầm, cầm áo cũ lên ngửi cho đỡ nhớ con. Rồi tiếng vỏ ốc chuyển sang giai điệu xô xát kinh hoàng, thành tan nhà cháy, những cây cột cháy dở đen sì đâm lên bầu trời. Xác thiếu phụ nằm bên đường, mắt mở trừng trừng nhìn mây trắng bay… Đứa bé còn sống vẫn khóc u oa, cố với lấy vú mẹ. Chồng thiếu phụ gục chết không xa, tay còn cầm chắc đinh ba, ngực đầy máu…
Có những người lính bịt tai không dám nghe nữa. Có mấy người úp bàn tay che mặt, lệ nóng chảy ròng ròng xuống kẽ các ngón tay.
Đầu giờ Dậu, Vua Lý Thái Tông nằm trên Long sàng mỉm cười chờ đợi. Mị Ê đẹp rạng rỡ dù không trang điểm theo yêu cầu của Hoạn quan. Ra đến cửa thuyền, nàng quay lại nói thật dịu dàng, dù mắt phượng lóe sáng một tia lửa thật dữ dội:
- Ta muốn quàng thêm chiếc chăn ấm. Trời rét ngọt quá.
Mặc Hoạn quan đứng như trời trồng, mặt mày ngơ ngác, nàng quay lại phòng trên thuyền kéo chiếc chăn dày nặng khoác lên vai. Mỗi bước đi như có ngàn mũi dao sắc ngọt đâm ngược từ sàn thuyền lên gan bàn chân. Nàng không còn lệ để chảy nữa. Giờ có chảy cũng chỉ còn là máu thôi. Dừng chân trên cầu bắc sang thuyền Rồng, nàng ngẩng đầu nhìn trời, trăng mùa đông có vẻ đẹp u buồn lạ lắm. Trăng sáng trong đấy nhưng lạnh buốt và cô đơn lắm, như chỉ để dành cho kẻ xa xứ nhớ về quê hương và cho người nào muốn chết. Sông nước mênh mông. Trăng đổ thủy ngân trắng bạc đầy dòng sông. Và như thế sông không còn là sông nữa. Có phải đó là dòng sông lãng quên, để con thuyền không đáy chở linh hồn người chết về âm phủ? Hàng vạn cây lau sậy như linh hồn của hàng vạn người lính đã ngã xuống, giờ xếp hàng nhìn theo Người. Họ câm lặng quá. Chỉ có gió nỗi buồn chạy lang thang, làm lau sậy run rẩy cực độ, rồi khi đau quá thì ai chẳng lặng im? Còn nói được thành lời thì nỗi đau chưa đủ lớn! Ngoái nhìn về phía kinh thành, vài ngày trước còn vàng son hoa lệ, giờ chỉ là một đống tro than khổng lồ. Hình như vẫn còn những quầng lửa đỏ, thi thoảng lại bùng lên, thè cái lưỡi đỏ lòm liếm vào chân trời, mấy ngọn khói như những hi vọng mong manh len lén bay ngang trước khi tan tành trong gió mạnh. Nàng không biết có một đôi mắt từ thuyền Tiên phong đau đáu dõi theo từng bước chân đau đớn kia. Trên tay người ấy là chiếc vỏ ốc lấp lánh bẩy sắc cầu vồng. Bất ngờ Mị Ê quấn chặt chăn vào người, ai oán nhìn thuyền Rồng, ngẩng đầu gào một tiếng rợn người rồi đâm đầu xuống sông Gianh đang ầm ào nổi sóng. Chiếc vỏ ốc bỗng vỡ tan tành trong bàn tay bóp chặt. Trên hai bờ sông, lau sậy run bần bật trước khi đổ ngã vì gió lớn. Có một vì sao to bằng cái đấu chợt sa xuống sau đám cháy của kinh thành Phật Thệ…
Theo lệnh vua, hàng trăm thủy thủ lặn ngụp tìm kiếm. Vô ích. Sông sâu và sóng chảy xiết. Tiên phong họ Nguyễn cũng mất tích vào đêm đó. Vua Lý Thái Tông hối hận, sai lập miếu thờ ở bờ sông, thờ Mị Ê và gọi nàng là Liệt nữ, đồng thời xóa tên cùng mọi công trạng của Đại tướng họ Nguyễn trong mọi sử sách của bản triều.
Suốt chục năm sau đó, cả quân Chăm và quân Đại Việt đều lùng bắt người đàn ông có thân hình khổng lồ và một phụ nữ Chăm cùng đứa con trai của họ. Họ lẩn khuất trong rừng sâu, được những người dân nghèo cả Chăm và Việt nuôi giấu. Con đường chạy trốn dài hơn bao giờ hết. Không thể len lỏi mãi trong rừng, qua đồi núi nữa khi hàng ngàn mũi tên chặn trước, chặn sau. May làm sao dưới hàng trăm tháp Chàm có những đường hầm bí mật ngoằn ngoèo nối thông nhau, tạo ra một mê cung đầy rẫy những “cơ quan bí mật”, ngăn chặn, tiêu diệt những ai bạo gan muốn thám hiểm. Nhưng tình yêu có sự thông minh đặc biệt có tên là linh cảm. Họ đã vượt qua bao thử thách và cái chết để đến với sự sống. Có một đêm lâu lắm rồi, khi mới dìu nhau lướt thướt từ sóng nước lên bờ, trăng tròn sáng vàng mướt mát, dưới ngọn thác thiêng trong đền thờ Shiva, họ tắm cho nhau. Hàng vạn giọt nước trong vắt, thoang thoảng thơm mùi hoa Chăm pa âu yếm trườn qua thân thể họ, rửa sạch bùn đất và âu lo, hận thù và hoài nghi, mọi biên giới và sự phân chia sắc tộc, để rồi chỉ còn vẻ đẹp tuyệt mĩ xuất hiện trong tình yêu và cho tình yêu. Dũng tướng Đại Việt nâng bổng Mĩ nhân Chăm trên đôi tay lực lưỡng. Họ lên đỉnh tháp Vua - Ngôi tháp to đẹp nhất, linh thiêng nhất, rồi quỳ xuống thề nguyền dưới trăng sao. Vầng trăng và muôn ngàn tinh tú đâu có của riêng dân tộc hay Quốc gia nào? Không có rượu, họ cắt tay rồi rỏ vào miệng người yêu những giọt máu đỏ thắm cùng lời thề: - Sống chung đường. Chết chung mồ. Sẽ tìm nhau ở những kiếp sau. Nếu không gặp được nhau sẽ phá nát Âm phủ mà tìm. Xin trăng sao trên trời và các vị thần của cả người Việt, người Chăm chứng giám!
Đêm tân hôn kì vĩ trên đỉnh tháp Vua đã để lại trong Mị Ê một giọt máu Việt. Rồi đứa con trai của họ ra đời có sự hòa huyết của hai dân tộc. Khi đứa con được 7 tuổi, có một chiều ngồi nướng cá ăn trong Cổ mộ sâu thẳm trong lòng đất, đứa bé đã hỏi khiến cả cha và mẹ sững sờ:
- Sao người Chăm và người Việt lại đánh nhau?
Mị Ê đang vá áo cho hai cha con giật mình nhìn chồng. Họ Nguyễn dừng mài đao, ngẫm nghĩ và trả lời:
- Chỉ là vua chúa hai bên muốn đánh nhau thôi. Dân lành chỉ mong yên ổn mà làm ăn con ạ.
- Thế sao cha phải mài đao để làm gì?
- Để tự vệ khi bị kẻ xấu bắt nạt. Con xem bình thường cha dùng đao này đào lấy củ mài, chặt cây khô làm củi đốt, mổ lợn rừng lấy thịt ăn. Nó như con dao trong bếp nhà ta vậy…
- Thế sao mình cứ phải trốn trong này, thi thoảng đợi đêm tối mới dám ra ngoài? Sao cha mẹ không nói với kẻ xấu là đừng đánh nhau nữa?
Họ Nguyễn lúng túng, Mị Ê cười nhẹ trả lời:
- Con còn bé quá. Có nói bây giờ cũng không hiểu được đâu. Đợi khi nào con lớn, con sẽ nói hộ với mọi người những điều cha mẹ không thể và không kịp nói con nhé…
Nhưng những tháng năm lặng lẽ, yên bình ấy không còn nữa. Đêm ấy là đêm của ngày tết Chôl Chnam Thmây, cả ngàn làng Chăm vui trong vũ điệu cổ xưa và men rượu nồng nàn. Có ba người bí mật nép sau tháp cổ say sưa ngắm nhìn. Bất ngờ những mũi tên độc vun vút lao tới. Mị Ê đã trúng tên độc. Chồng nàng ném cây đại đao bay với tốc độ kinh hoàng, cắm sâu vào bếp lò rèn khổng lồ và cổ xưa nhất, nơi người Chăm rèn những nông cụ tốt nhất của mình. Chàng quát như sấm rền:
- Ta không muốn đánh nhau nữa. Cây đao này đã giết nhiều người Chăm, nay xin cho nó thành thép rèn nông cụ. Hãy lấy cái chết của vợ chồng ta để cởi bỏ oán thù vĩnh viễn đi. Sống trong thanh bình chẳng phải là mơ ước của muôn loài hay sao? Hãy thương lấy đứa bé vô tội này. Nó sẽ là cầu nối để những ai còn nhiều dã tâm, oán hận đi tới bắt tay nhau chung sống hòa bình.
Chàng bế xác vợ chạy như gió cuốn về với thác Thần trong đền thờ Thần Shiva, ôm lấy vợ và ngửa mặt cầu khấn. Không ai biết chàng cầu khấn điều gì, chỉ biết nước bỗng hóa thành bạc và thủy tinh bị nung chảy sôi sùng sục trùm lên người họ. Rồi cả hai người hóa đá trong tư thế người chồng ôm ghì người vợ từ phía sau…
…Hắn ôm ngực khóc lặng lẽ. Những ngọn đuốc đã tắt. Ngọn đèn bỗng mờ đi. Giật mình quay lại vì hình như nghe tiếng cười khẽ, hai pho tượng đã biến thành người đẹp và anh hùng tình tứ biết bao. Họ đang nhìn hắn với bao yêu thương?! Tình yêu ơi. Có phải ngươi là ngọn gió bất tử ngang dọc khắp địa cầu, chạm vào ai thì sẽ biến kẻ ấy vụt trở lên cao thượng, dũng cảm đến không ngờ? Ngai vàng cũng sẽ tan tành, Đế vương rồi sẽ về cùng cát bụi, các vương quốc lúc tụ lúc tan, lúc còn lúc mất. Vậy thì cái gì là vĩnh cửu trên quả đất này? Chỉ có thể chiêm nghiệm lịch sử, rồi rút ra bài học cho hôm nay. Không thể chất vấn, không có chữ “nếu” vì làm sao thay đổi được quá khứ? Chiến tranh là một điều không ai muốn! Nhưng trên địa cầu này đã bao giờ hết chiến tranh? Khát vọng hòa bình vĩnh cửu tồn tại nhưng vẫn chỉ là một mơ ước. Hình như chiến tranh, họa hoằn thôi, trong một vài trường hợp cá biệt như cuộc chiến Chăm Việt cách nay chục thế kỉ, lại là nguyên cớ cho sự hòa hợp tuyệt vời về văn hóa?! Giờ Chăm - Việt cùng bao tộc người chẳng đang vui sống hòa bình, hạnh phúc bên nhau đó sao? Có nhiều quốc gia, vì những lí do khác nhau, như những dòng sông hòa mình vào biển lớn. Quốc gia có thể mất nhưng Dân tộc vẫn còn, văn hóa của họ vẫn còn, đó chẳng phải là hạnh phúc lớn lao có được, dù trải qua bao biến động của lịch sử hay sao?!
Hắn vẫn băn khoăn một điều: Vậy ai là người viết vào đá câu chuyện này? Sao người ấy biết tường tận những sự thật mà không có một sử sách nào ghi chép?
Sáng hôm sau, hắn đã soạn thảo văn bản đề nghị địa phương bảo quản, đưa pho tượng vào Bảo tàng Chăm, trả lại tên Mị Ê cho nàng Hoàng hậu đã hóa đá này. Và tất nhiên phải đưa đi cùng vị Hoàng hậu này người chồng đã ôm Nàng suốt một nghìn năm. Có lẽ, trong các công trình điêu khắc của nhân loại, đây là vòng tay ôm của hai pho tượng có thời gian dài lâu nhất và bi hùng nhất?! Bỗng cậu học trò chạy đến reo to vì khám phá mới của riêng mình: - Thầy ơi! Còn sót lại mấy dòng văn tự cổ ở phía sau bệ tượng. Lật bật, lấy kính đeo vào, đọc rồi cười sung sướng, đây rồi: - Con trai của Thân phụ Đại tướng họ Nguyễn Đại Việt Quốc và Thân mẫu Mị Ê - Chiêm Quốc, Nguyễn Trà Viga kính cẩn xây dựng và thờ phụng… Nhìn lên, hắn thấy hình như hai pho tượng mỉm cười rạng rỡ.
Lật giở Dã sử của Chiêm Thành xưa, có ghi lại công trạng của danh nhân này: - Nhà kiến trúc sư, võ tướng, nhà ngoại giao kiệt xuất đã đi sứ sang Đại Việt ba lần, đem lại hòa bình trăm năm cho hai nước.
Lên máy bay trở ra Bắc, hắn lại nghe thấy một tiếng gọi tha thiết, xen lẫn tiếng cười ấm áp, khoan hòa, vọng lên từ đâu không rõ nữa.
Truyện ngắn. Nguyễn Đức Hạnh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...