Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
09:32 (GMT +7)

Giữ gìn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể Thái Nguyên

VNTN - Vốn di sản văn hóa phi vật thể của người Thái Nguyên có thể ví như một vườn hoa đầy màu sắc. Kết quả kiểm kê gần đây cho thấy ở địa bàn tỉnh Thái Nguyên hầu hết là sách vở, giấy tờ lưu hành của các dân tộc, thời xưa là dùng chữ Hán Nôm. Chữ Nôm, Hán Nôm của dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu, Cao Lan… còn khá nhiều.

Các tư liệu chữ viết vẫn còn rải rác ở các địa phương, ngoài các bản thần tích, thần sắc, hương ước còn chuông đồng, bia đá,… ở một số chùa, đền, đình, miếu, nghè, nhưng không còn mấy người biết viết và đọc được loại chữ này. Đây cũng là điều khó khăn trong việc bảo tồn về chữ viết của các dân tộc. Bên cạnh đó nói tiếng dân tộc cũng là một trong nguy cơ bị sao nhãng, mai một, do sự kế thừa không thường xuyên, tiếng phổ thông phát triển tính phổ cập mạnh, do đó tiếng dân tộc chưa được chú ý gìn giữ và phát huy.

Tại huyện Phú Bình có số di sản văn hóa Hán Nôm phong phú của dân tộc Kinh với hàng trăm bia đá, sắc phong, câu đối, hoành phi, sách thuốc, sách cổ chưa được hệ thống hóa, số hóa phục vụ nghiên cứu khoa học giáo dục truyền thống, làm cơ sở để phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch, là tiềm năng cần được bảo vệ gìn giữ, khai thác và phát huy hữu ích.

Khai hội Chùa Hang (Đồng Hỷ)

Tục lệ của các làng quê trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cũng cần được sưu tầm khai thác và bảo tồn những phong tục tập quán tốt đẹp có ích cho việc giáo dục truyền thống yêu nước, tư tưởng đạo đức trong sáng, hàm chứa nội dung phù hợp với cuộc sống của nhân dân hiện nay. Loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian như âm nhạc, múa, hát, sân khấu và các hình thức trình diễn dân gian khác có nhiều nét nổi bật. Những giá trị di sản thuộc loại hình này đã đứng vững trong nhiều năm nay. Từ năm 1999 đến 2015, ngành văn hóa đã thực hiện được 13 đề tài như:  Đám cưới dân tộc Tày (2 tập) xã Lam Vỹ (Định Hóa); Đám cưới của dân tộc Sán Dìu, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ); Điều tra VH phi vật thể vùng ATK, Hát Soọng cô xã Nam Hòa (Đồng Hỷ); Lễ hội cầu mùa dân tộc Sán Chí, Hát Xình ca của dân tộc Sán Chay, xóm Đồng Tâm xã Tức Tranh (Phú Lương); Lễ hội Oóc pò (xuống đồng) của dân tộc Nùng, xóm Tân Đô, xã Hòa Bình (Đồng Hỷ); Lễ cấp sắc của người Dao xã Yên Đổ (Phú Lương); Lễ cấp sắc dân tộc Nùng, xóm Tân Đô, xã Hòa Bình (Đồng Hỷ); Lễ cưới truyền thống của dân tộc Dao, xã Mỹ Yên (Đại Từ); Hát Ví ven sông Cầu của dân tộc Kinh, xã Đông Cao (Phổ Yên); nghi lễ đám cưới Sán Chay, xã Na Mao (Đại Từ).

Đến thời điểm hiện tại tỉnh Thái Nguyên có 6 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: Nhảy Tắc xình của dân tộc Sán Dìu xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh (Phú Lương), Lễ cấp sắc của cộng đồng dân tộc Dao tỉnh Thái Nguyên; Bảo tồn nghề múa rối cạn Thẩm Rộc và Du Nghệ xã Bình Yên, Đồng Thịnh (Định Hóa); Hát Soọng cô của người Sán Dìu (xóm Tam Thái, xã Hóa Thượng), huyện Đồng Hỷ, Nghi lễ Then của người Tày, xã Lam Vỹ (Định Hóa), Nghi lễ Hét khoăn của người Nùng xã Hòa Bình, xã Văn Hán, huyện (Đồng Hỷ); Tỉnh ta cũng có 9 nghệ nhân được Chính phủ phong tặng nghệ nhân ưu tú. Nghệ nhân loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian gồm: Bàn Đức Báo (Đại Từ), Diệp Minh Tài (Đồng Hỷ), Lưu Xuân Lai, Hoàng Văn Nguyên, Ma Quang Chóng (Định Hóa), Hầu Thanh Tĩnh, Vi Văn Cải (Phú Lương), Hoàng Thị Bích Hồng (TP Thái Nguyên). Nghệ nhân loại hình Ngữ văn dân gian: Hoàng Luận (Định Hóa). Tập quán xã hội là những giá trị văn hóa, truyền thống được vun đắp trong quá trình hình thành và phát triển của cộng đồng làng xã. Thể hiện lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc, ý thức cộng đồng làng bản. Hiện nay 100% các xóm bản xây dựng được hương ước, quy ước. Nhiều nghi lễ truyền thống được chọn lọc, khôi phục và duy trì góp phần tăng cường mối đoàn kết cộng đồng, xây dựng nông thôn mới khoa học, hiện đại nhưng giữ được truyền thống văn hóa.

Thái Nguyên hiện còn lưu giữ khá nhiều phong tục tập quán cần trân trọng tìm hiểu nghiên cứu. Trong số rất nhiều những phong tục ấy, có những làng giữ được hầu như nguyên vẹn, có những làng còn lại vài phong tục chính, nhưng hầu như người nông dân nào cũng khẳng định sức mạnh, tính tích cực của phong tục, tập tục trong sinh hoạt văn hóa ở nông thôn. Về tập tục hiện có ở nông thôn, người dân chú ý lễ mừng thọ, cúng gia tiên, cúng ông Công ông táo, tục lên lão, cúng Thổ địa, cúng Thành Hoàng, lệ khuyến học, lệ bán con cho chùa, tục kết chạ, hội thi đọc sử làng, lễ thôi nôi… Như vậy, có thể thấy trong sự sự tồn tại phong phú, thậm chí phức tạp của các tập tục tại nông thôn, có sự tập trung tôn vinh một số tục đẹp, phù hợp với truyền thống sinh hoạt và văn hóa như: lễ mừng thọ, lễ cúng gia tiên, tục lên lão, thờ Thành Hoàng, lệ khuyến học. Đó là xu hướng cần được hỗ trợ, khuyến khích. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng cần xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng để loại bỏ dần những hủ tục vẫn còn đây đó trong đời sống sinh hoạt làng xã, trong đó các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian, đặc biệt là cầu cúng, hủ tục trong lễ hội…

Sự biến động về quy luật phát triển và thực trạng biểu hiện của kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn vẫn đang diễn ra một cách nhanh chóng và chắc chắn sẽ có những thay đổi trong tất cả những yếu tố đã nêu. Nhưng dù có biến đổi thế nào, thì với những gì được thể hiện, văn hóa nông thôn cả nước nói chung vẫn giữ được cho mình những hằng số văn hóa. Đó là sinh hoạt văn hóa mang đậm nét dấu ấn, phong vị văn hóa văn minh nông nghiệp trồng lúa nước với cơ cấu tổ chức xã hội thôn làng tương đối khép kín, nay có sự tiếp biến trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; là sự bền vững phong phú, đa dạng của các hoạt động văn hóa dân gian thôn làng kết hợp với sự gia tăng ngày càng nhiều hình thức sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa hiện đại, tạo điều kiện cho người dân sáng tạo và hưởng thụ văn hóa nhiều hơn, cao hơn. Trong đó đặc biệt lưu ý quan tâm lĩnh vực truyền thống hiếu học có từ xa xưa với lệ khuyến học, khuyến tài; nhiều nét đẹp trong giao tiếp, ứng xử, thực hành văn hóa của người nông dân. Lễ hội ở các làng quê thu hút được đông đảo nhân dân địa phương cũng như du khách thập phương tham gia. Lễ hội không chỉ có ý nghĩa để sinh hoạt văn hóa tinh thần, tín ngưỡng tâm linh mà còn là dịp để quảng bá hình ảnh văn hóa truyền thống của địa phương đến với du khách.

Gần đây, lễ hội truyền thống được phục hồi ở nhiều địa phương, tạo nên một sinh hoạt văn hóa cộng đồng phong phú, bổ ích. Lễ hội cũng là dịp để cộng đồng dân cư tìm lại cội nguồn văn hóa thông qua thực hành lễ hội, tăng cường tình đoàn kết cộng đồng, gia đình trong làng xóm, mở ra môi trường sinh hoạt văn hóa, giải trí cho người nông dân. Một trong những di sản văn hóa tiêu biểu phải kể đến là tri thức dân gian về y học: Có thể nói, y học dân gian là cả một kho tàng kinh nghiệm hết sức phong phú, nhưng nội dung chủ yếu vẫn không ngoài hai vấn đề lớn có quan hệ hữu cơ với nhau: dưỡng sinh và trị liệu, hay nói đầy đủ là phòng chống bệnh tật, bảo vệ và nâng cao sức khỏe, kéo dài tuổi thọ và những kinh nghiệm trong đời sống sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, tắm gội, ngủ nghỉ, chọn nơi ở, dưỡng thai, chữa rắn cắn. Vai trò của y học dân gian có ý nghĩa rất thiết thực trong đời sống của nhân dân.

Ra đời do yêu cầu bức thiết của thực tiễn cuộc sống và được lưu truyền giữ gìn trong nhân dân nên y học dân gian có một vai trò rất đặc biệt trong việc phòng chống bệnh tật và bảo vệ sức khỏe cho con người. Ngay cả khi nền y học thành văn đã hình thành và phát triển, y học dân gian vẫn lặng lẽ tồn tại và được sử dụng khá rộng rãi trong quần chúng nhân dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần đắc lực vào công cuộc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cá nhân và cộng đồng.

Trên cơ sở kết quả điền dã, điều tra, kiểm kê thu được nhiều loại hình di sản có giá trị tiêu biểu, xứng đáng lựa chọn lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch như:  Lễ hội đền Đuổm, Lễ hội Lồng Tồng ATK  của người Tày Nùng… các phong tục tập quán tiêu biểu có ý nghĩa, có giá trị đại diện của các dân tộc thuộc địa bàn tỉnh Thái Nguyên đều xứng đáng đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Văn hóa phi vật thể thuộc tỉnh Thái Nguyên là một vốn văn hóa phong phú và đa dạng cần có các giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị đối với sự phát triển toàn diện của địa phương, làm cho di sản văn hóa phi vật thể tiếp tục tỏa sáng là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa hết sức cần thiết. Văn hóa phi vật thể đang nằm trong dân, nhiệm vụ đặt ra là làm sao khuyến khích dân ta có ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy nó như những viên ngọc được đem mài rũa để ngọc càng mài càng sáng phục vụ phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội cho quê hương Thái Nguyên ngày một giàu đẹp, thịnh vượng.

 

Nguyễn Đình Hưng

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy