Thứ tư, ngày 08 tháng 05 năm 2024
09:45 (GMT +7)

Giang Tiên

Nửa thế kỉ qua rồi mà tôi chưa trở lại Giang Tiên. Bỗng cảm thấy như mình là một anh con trai phũ phàng với người con gái từng yêu quý mình. Giang Tiên hệt như một cô sơn nữ tốt tính và vô cùng thông minh, lại dịu dàng với nét duyên ngầm. Giang Tiên xa mà gần trong tâm tưởng.

Tôi đi qua Giang Tiên lần đầu vào năm 1969. Cuối thu, se lạnh. Ngồi trên xe ô tô tải của trường Đại học Cơ điện đi ngược lên Bắc Kạn để chặt nứa chặt tre về dựng lớp học. Lúc xe chạy qua Bờ Đậu thấy có người nào đó bảo, sắp đến Giang Tiên. Bật nhớ ra những gì mình đã đọc của Trần Đăng, của Nam Cao, của Thôi Hữu, nhắc đến Giang Tiên. Họ viết về những chàng vệ quốc người Thủ đô lên chiến đấu hay ghé lại Giang Tiên. Họ kể rằng ở Giang Tiên nhiều quán xá, nhiều người Hà Nội lên tản cư lắm. Họ tả quán Cà phê Giang Tiên như một gốc cây ven hồ Tây với khói thuốc ẩn khuất mặt cô chủ quán, với nụ cười ngạo mạn nơi những chàng Vệ quốc quân trên chiến địa Việt Bắc.

Lúc ấy tôi chưa biết cà phê là gì mà cũng đã thấy mơn man háo hức nhìn gái Giang Tiên. Lúc ấy, Giang Tiên với tôi là một khúc đường hai bên ken dày cây phượng vĩ. Khúc đường ấy chỉ dài chừng hai trăm mét thôi nhưng chui trong một vòm cong phượng vĩ mùa đông cành khẳng khiu đan nhau nham nhở vàng, trước khi vào thị trấn Giang Tiên. Những tàn lá phượng vĩ mùa đông như những hạt cốm bay bay tả tơi trong nắng leo lét chiến khu.

Lần qua Giang Tiên nữa là một tháng sau, tháng 11/1969, khi đi chặt nứa từ Chợ Mới, Bạch Thông về xuôi. Đúng là Giang Tiên có mùi cốm. Xe dừng ở thị trấn. Một thị trấn vùng cao đặc mùi thị thành Thăng Long. Thấp thoáng những người phụ nữ đẹp, ít nói, tóc phi dê đứng sau quầy hàng mà quầy hàng nào cũng thơm như mùi va - ni. Họ là lớp người tản cư còn lại muộn mằn chưa về lại Thủ đô. Ở Giang Tiên người ta nhớ người Thủ đô đến mãi tận bây giờ. Cũng giống như vùng Phú Thọ hay Thanh Hóa, văn hóa người Thủ đô đi tản cư kháng chiến đến miền núi và trung du hằn sâu cho đến gần thế kỉ sau. Họ làm thành thị tứ, thị trấn cho những vùng quê heo hút. Nét tinh hoa vùng xuôi thật thản nhiên gieo lại những nơi này.

Tôi trở lại Giang Tiên nhiều lần sau đó 3 năm. Tháng Năm năm 1972 trường đại học của tôi sơ tán về Đại Từ (xã Phục Linh). Tôi về quê đưa tang ông nội nên khi đến trường mới biết khóa của mình đã di chuyển lên Đại Từ. Tôi lọ mọ tìm đường lên Phục Linh. Họ bảo lên Giang Tiên rồi đi vào Phục Linh qua mỏ than gì đó! Ôi Giang Tiên lại hiện ra, thơm thảo bồn chồn. Tháng Năm, nắng lắm mà Giang Tiên mát y như ngồi bụi tre ven suối. Ở đây lần đầu tiên tôi ngửi mùi thơm của phở. Họ bảo đấy là phở Hà Nội. Từ năm đi đại học tôi chưa bao giờ được ăn phở. Chỉ ngửi thôi. Mà nay được ngửi phở Hà Nội thì lại ngửi ở Giang Tiên trên Việt Bắc chứ không phải ở Thủ đô. Sau này nghĩ thật là may. Mùi ấy mới là mùi phở Hà Nội. Cái mùi vị ẩm thực chỉ chính xác khi con người ta đói.

Có con đường đá rẽ trái từ thị trấn đi vào mỏ than Phấn Mễ. Tôi nhớ cây cầu sắt cũ kĩ chắc làm từ thời Pháp qua suối Giang Tiên. Ngày xưa cha ông ta gọi là sông Tiên. Tôi đi đến một khu nhiều nhà tập thể công nhân, họ bảo đây là mỏ than Phấn Mễ. Tìm hỏi vào xã Phục Linh. May sao gặp một cô gái chừng 15 tuổi nhà ở khu mỏ nhận lời dẫn đường cho tôi vượt qua ngọn núi sang xã Phục Linh. Trưa hôm ấy nắng nhễ nhại. Cô gái học lớp 7 thật xinh xắn dẫn đường tay bẻ cành lá đắng cảy mùi hăng hăng che đầu. Lên đỉnh đồi cô chỉ cho tôi vào nơi tôi sơ tán. Cô bảo, có một trường đại học vừa lên đây tuần trước, eo ôi toàn là người học giỏi và đẹp đẽ. Tôi hỏi cô tên gì? Cô không nói. Cô kể nhà cô có anh trai đi bộ đội vừa mới đi B. Cô ta bảo tôi rằng, trông anh giống anh Chiến em nên em mới dẫn đường cho anh đấy. Cô gái cười bẽn lẽn cầm cành cây che đầu vẫy vẫy tôi lúc quay về.

Chỉ sau 3 tháng ở nơi sơ tán ấy là tôi lên đường đi bộ đội. Con suối Giang Tiên lùi lại phía sau. Ngày nhập ngũ tôi lại đi vượt qua ngọn núi từ trong làng Phục Linh ra Giang Tiên. Tôi lại đi qua nhà cô bé dẫn đường cho tôi dạo đầu hè. Chỉ nhớ khuôn mặt và mái tóc ngang vai của cô gái 15 tuổi. Giang Tiên từ ấy xa tít tắp.

Cây cầu cũ qua suối Giang Tiên và hàng phượng vĩ trùm kín đoạn đường nhựa nơi thị trấn Giang Tiên bao nhiêu năm chứng kiến cuộc kháng chiến chống Pháp của cha ông mình rồi lại chứng kiến lớp cháu con Việt Bắc ra đi đánh Mĩ nay có còn không? Giang Tiên có còn kiêu sa với các ngôi quán hàng xinh xắn mang tên các thiếu nữ Hà Thành của hơn nửa thế kỉ trước nữa không? Giang Tiên, nơi có con sông Tiên bởi một truyền thuyết ông Tiên tắm ở suối này rồi bay về trời. Người ta bảo ông tiên ấy là phò mã Dương Tự Minh, thủ lĩnh đánh giặc giữ quê hương phủ Phú Lương dưới triều Lý. Cái tên Dương Tự Minh với chúng tôi gợi lên một trường cấp 3 mà nơi đây có rất nhiều học sinh người Thái Nguyên học giỏi.

Cầu Giang Tiên cũ bắc qua suối Giang Tiên (Ảnh: P.T)

Năm mươi năm chưa trở lại Giang Tiên. Giang Tiên trong tôi là cảm giác của người con trai mới lớn, từng yêu qúy nơi này rồi lại chia li.

Tôi nhớ Giang Tiên cả trong những ngày tôi chiến đấu ở chiến trường Gia Lai. Cuối năm 1974 trong một trận chiến đấu ở đường 21 gần căn cứ Pờ Lây Me, đại đội tôi đi phối thuộc với Tiểu đoàn 9. Trận đánh ác liệt vô cùng, có một đại đội phó rất trẻ tên là Chiến người Phú Lương chỉ huy mũi xung phong đột phá. Tôi nghe anh em kể, đại đội phó này mới 20 tuổi và rất can trường. Tôi dò hỏi, có phải Chiến ở mỏ than Phấn Mễ đi không? Có người nói hình như thế. Đêm ấy giữa trận địa đường 21 đầy những vạt hoa cúc quỳ cháy nham nhở tôi nhớ đến cô bé ở Phấn Mễ hôm nào. Nhớ cô gái nói rằng, em thấy anh giống anh Chiến nhà em thì em dẫn đường cho anh đó thôi. Tôi nhớ đến Giang Tiên, nhớ những con người hiền lành ở một vùng chiến khu tôi từng sống và rất đỗi thân yêu…

Thái Nguyên, vùng đất tôi gửi lại tuổi thanh xuân hơn cả 5 năm đại học, mỗi tên đất, tên rừng, tên làng, ở đâu cũng vậy, đều có linh hồn.

Nguyễn Trọng Luân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đồi Dung

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Chã - nơi ấy có mẹ chồng tôi

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

“Người Gang Thép!”

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Một miền quê yêu dấu

Tôi và Thái Nguyên 9 tháng trước

Tiếng gọi điều công

Tôi và Thái Nguyên 9 tháng trước

Lũng Luông kỉ niệm

Tôi và Thái Nguyên 10 tháng trước

Phúc Lộc – làng quê êm đềm tuổi thơ tôi

Tôi và Thái Nguyên 10 tháng trước