Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
17:20 (GMT +7)

Giản lược ngôn ngữ

VNTN - Trong một số cuộc mít tinh kỷ niệm hoặc chào đón một sự kiện nào đó có ý nghĩa xã hội đối với địa phương hoặc tầm cỡ quốc gia, người tham dự và người theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng như phát thanh, truyền hình được nghe người điều hành hoặc người đọc diễn văn dùng cụm từ “Các mẹ Việt Nam anh hùng”, kiểu như: “Xin giới thiệu đến dự có các mẹ Việt Nam anh hùng...”; “Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, thưa các mẹ Việt Nam anh hùng...”. Không biết người đọc có biết là mình đã bỏ mất một từ “Bà” hay không, còn người nghe thì thấy rất khó lọt tai.

Cụm từ “mẹ Việt Nam anh hùng” là một nhóm từ diễn đạt đầy đủ một ý nghĩa mô tả rõ tính chất chủ ngữ. Có thể hiểu nghĩa của cụm từ đó là những bà mẹ Việt Nam có con đã tham gia cách mạng, đặc biệt là trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Những người con ấy có thể hy sinh hoặc trở về nguyên vẹn với gia đình thì các bà mẹ của họ vẫn là mẹ Việt Nam anh hùng. Còn cụm từ “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” lại khác ở từ nguyên. Trước hết, cụm từ này là một danh hiệu được dân tộc ta tôn vinh với những người mẹ Việt Nam đã nuôi nấng, dạy dỗ, động viên con cái thành những chiến sỹ có mặt trong các nhiệm vụ Cách mạng, tiêu biểu là cuộc chiến tranh giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc. Cụm từ này còn là sự đánh giá nỗi mất mát đau thương của các bà mẹ khi có con độc nhất hoặc hai con trở lên đã hy sinh trong cuộc đấu tranh của dân tộc.

Như vậy, không có danh hiệu “mẹ Việt Nam anh hùng” mà chỉ có danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, mặc dầu khi giới thiệu hoặc khi đọc diễn văn mọi người đều mặc nhiên thừa nhận cụm từ ấy dù thiếu chữ “Bà”, vẫn dùng để chỉ các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trong những sự kiện cụ thể và những ngữ cảnh cụ thể thì các Bà mẹ Việt Nam anh hùng được nhắc tới là những cá thể có tên, tuổi, địa chỉ rõ ràng, không thể nhầm lẫn với một ai khác. Còn mẹ Việt Nam anh hùng trong các trường hợp đã nói ở trên dễ trở thành phiếm chỉ. Đó là chưa kể trong giao tiếp hàng ngày, khẩu ngữ của nhân dân đồng bằng sông Cửu Long thường tránh dùng từ “các mẹ”. Cho nên trong các diễn đàn ở mọi cấp khi cần vinh danh hoặc giới thiệu những hy sinh lớn lao của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng với tư cách là những người mẹ cụ thể, các lời phát biểu và các bài diễn văn nhất thiết không thể thiếu chữ “Bà”, cụm từ hoàn chỉnh ấy là danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng được in chữ đỏ trên tấm bằng tuyên dương của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Xu hướng giản lược ngôn ngữ hiện nay là xu hướng chung và rất dễ lan truyền, nhưng nếu cứ “dùng mãi thành quen” thì sẽ xa dần với từ nguyên của một cụm từ biểu hiện đầy đủ một ý nghĩa xã hội rất riêng biệt. Cũng trong biểu hiện của xu hướng giản lược ngôn ngữ, lâu nay một số bài văn nói và viết có tính chất chỉ đạo thấy xuất hiện cụm từ “tai tệ nạn xã hội”, ví dụ như: “Mọi ngành phải tập trung phòng chống các tai tệ nạn xã hội...”, hoặc  “quyết tâm đẩy lùi các tai tệ nạn xã hội trên địa bàn...”. Sử dụng nhóm từ này, người nói (hoặc người viết) đã bớt đi được một từ, nếu nói đầy đủ là tai nạn, tệ nạn, bởi có chung một chữ nạn như một mẫu số nên nói tắt luôn là tai, tệ nạn.

Điều đáng nói ở đây là tai nạn và tệ nạn là hai sự việc có nội hàm rất khác nhau. Tệ nạn xã hội là một hành vi hoàn toàn do con người chủ ý gây ra, nó tác động xấu đến đời sống xã hội trong những phạm vi khác nhau, có khi rất nguy hiểm cho đời sống xã hội như tệ nạn tham nhũng, tệ nạn ma túy, tệ nạn mại dâm... Còn tai nạn là sự việc gây ra tác hại đến đời sống của con người và xã hội. Song tai nạn có thể do con người gây ra (như tai nạn giao thông), nhưng cũng có sự việc do nhiều lý do khác (như may rủi, do trình độ kỹ thuật hoặc do thiên nhiên).

Giản lược ngôn ngữ có thể đã tạo ra sự phong phú, sáng tạo cần có tiếng Việt hiện đại, song nếu bớt đi một từ mà không biểu đạt đầy đủ nội dung của nhóm từ đó, những người sử dụng đang làm ngôn ngữ tiếng Việt trở nên thiếu trong sáng.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy