Giai điệu và ca từ trong âm nhạc: Đâu là chuẩn mực?
Theo Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhạc trẻ hiện nay có tới 70 % ca khúc được xếp vào danh sách nhạc thị trường. Đặc biệt trong số này, rất ít có bài hát hay. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của danh xưng “ca sĩ thị trường” làm méo mó đời sống âm nhạc.
Nghe và hiểu một bài hát, hay nói đúng hơn là cảm thụ một tác phẩm âm nhạc sẽ trở nên dễ dàng nếu người nghe được học và am hiểu về nhạc lý, còn không, thì ca từ và giai điệu sẽ giúp họ cảm nhận cái hay, cái đẹp của tác phẩm âm nhạc. Về lý thuyết là vậy, còn thực tế, nếu bỏ qua dòng nhạc cách mạng, nhạc trữ tình, thì với nhạc trẻ, đặc biệt là dòng nhạc thị trường, ca từ và giai điệu dường như đã trở thành xa xỉ.
Khi sáng tạo là sản phẩm lỗi
Nhiều người cho rằng, các ca khúc cách mạng, nhạc trữ tình dù hay đến mấy thì giờ đây cũng chỉ dành cho những sự kiện lớn, dịp kỷ niệm, còn hầu như không có đất diễn trên sân khấu lớn mang tính thương mại, mà thay vào đó là nhạc trẻ, những ca khúc hit đang làm mưa làm gió trên mạng xã hội. Đây là nhận định không sai, thậm chí trong một chừng mực cụ thể, dòng nhạc cách mạng, nhạc trữ tình còn lùi lại phía sau, nhường diễn đàn cho nhạc trẻ và nhạc thị trường. Điều này hoàn toàn bình thường bởi nó phù hợp với quy luật thị trường và thị hiếu của người nghe thế hệ 9X,10 X và gen Z…
“Hết thương, cạn nhớ” của ca sĩ Đức Phúc, mượn cốt truyện Chí Phèo của Nam Cao được người nghe đón nhận
Song nói gì thì nói, dù là nhạc trẻ hay nhạc thị trường, ca sĩ thị trường… thì âm nhạc vẫn phải giữ đúng chuẩn mực của nó, cho dù chỉ mang tính giải trí. Những bài hát hay sản phẩm âm nhạc được xem là đang làm mưa làm gió mạng xã hội với những ca từ: Hai, ba con mực/ Anh yêu em cực (bài Hai ba con mực); Em nói là em thấy thương/ Vì cái tính anh hiền/ Biết tim anh trống vắng/ Nên em muốn hiến anh tình (bài Hãy để con trai bà bán bánh mì lo cho em)… đã đặt ra hàng loạt những câu hỏi không chỉ về tính ăn xổi của dòng nhạc thị trường mà còn là vai trò định hướng cảm thụ âm nhạc của những nhà phê bình nghệ thuật hiện nay ở đâu trong dòng chảy âm nhạc đương đại. Xoay quanh những điều rất nhỏ trong cuộc sống, thậm chí chỉ là tiếng thở dài, một tiếng rao đêm vắng, cũng đủ biến nó trở thành một sản phẩm của dòng nhạc thị trường, và điều lạ là lượng người share và like vô cùng lớn. Song tỷ lệ nghịch với lượng người share và like ngay tại thời điểm sản phẩm âm nhạc xuất hiện trên mạng xã hội, thì khi được hỏi, chính những người ấy lại không biết tác giả của sản phẩm đó là ai. Theo bà Nguyễn Thị Minh Châu, nhà lý luận phê bình âm nhạc: Nhạc thị trường giống như một chiếc áo, dù hay và đẹp đến mấy cũng sẽ bị thay thế. Bởi theo quy luật thị trường, nhạc thị trường sẽ luôn được làm mới và ít nhiều không có giá trị nghệ thuật. Người nghe đang dễ dãi với âm nhạc, họ chỉ quan tâm là người hát có đẹp không, video clip có hoành tráng không? Mà quên mất rằng, họ đang trả tiền cho một thứ văn hóa độc hại, ăn xổi và bào mòn tinh thần của giới trẻ.
Cảnh Tây Bắc đầy thơ mộng và cuốn hút trong “Mời anh về Tây Bắc” của Sèn Hoàng Mỹ Lam
Trong miếng bánh của thị trường nhạc trẻ, chỉ 30% còn lại (theo số liệu của Hội Nhạc sĩ Việt Nam) là không phải nhạc thị trường. 30% ấy là những sáng tác mang âm hưởng của thời đại. Đó là những sáng tạo mới dựa trên chất liệu dân gian hoặc khái quát hóa những điều tốt đẹp trong cuộc sống trở thành những sản phẩm âm nhạc giàu cảm xúc. Đặc biệt định hướng thẩm mỹ tốt. Có thể điểm qua một số sản phẩm âm nhạc đang làm mưa làm gió hiện nay như: MV (video ca nhạc) “Thị Mầu” của Hòa Minzy được hơn 5,6 triệu lượt xem, hơn 227.000 lượt thích và hơn 15.000 bình luận. Ca khúc lọt top 1 Trending YouTube; “Hết thương, cạn nhớ” của ca sĩ Đức Phúc, mượn cốt truyện Chí Phèo của Nam Cao để kể câu chuyện tình yêu Chí Phèo, Thị Nở; “Mời anh về Tây Bắc” của Sèn Hoàng Mỹ Lam khai thác âm hưởng dân gian miền núi; Bích Phương với MV “Nói thương nhau thì đừng làm trái tim em đau” mang dấu ấn văn hóa Tây Bắc; “See Tình” của Hoàng Thùy Linh, mang âm hưởng ngũ cung. Lời bài hát xoay quanh câu chuyện tình yêu rất dễ thương của cô tiên cá Linh khi trót say nắng chàng trai chài lưới ngay từ khoảnh khắc đầu tiên. Ngay sau khi ra mắt, ca khúc nhận được nhiều lời khen từ khán giả. Thậm chí vũ điệu của “See Tình” cũng nhanh chóng trở nên hot trên mạng xã hội và được giới trẻ Hàn Quốc cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới hưởng ứng.
Đi tìm “chiếc áo” phù hợp
Sự sáng tạo của e kip, ca sĩ khi mang âm hưởng dân gian vào nhạc trẻ đã làm thức dậy kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc. Nhất là trong giai đoạn giới trẻ đang quay lưng với nghệ thuật truyền thống, đang dần quên đi những tích chèo, cải lương hay tuồng cổ, thì “Thị Mầu” đã làm họ nhớ đến một nghệ thuật Chèo cổ vẫn khiêm nhường nhả tơ, dệt bức tranh nghệ thuật đa màu sắc của văn hóa Việt. Đó chính là sự sáng tạo trong cách thể hiện ca khúc, là sự dấn thân thử nghiệm những xu hướng âm nhạc mới để làm nên giá trị, cốt cách của nhạc trẻ. Trong một đời sống âm nhạc đang chìm đắm trong sự chi phối của nền kinh tế thị trường, tôn vinh yếu tố giải trí thì sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, trình làng những tác phẩm cổ truyền theo phương thức mới, thu hút sự quan tâm của công chúng là những tín hiệu rất đáng được ghi nhận từ đời sống âm nhạc trẻ.
Theo nhạc sĩ Minh Châu, sự đan xen giữa xưa và nay trong một sản phẩm âm nhạc như một cây cầu nối để thế hệ ngày nay cảm thấy thích thú với những giá trị xưa của truyền thống dân tộc. Những thế hệ đi trước lại cảm thấy thế hệ ngày nay đã làm cho giá trị xưa hấp dẫn hơn. Không chỉ có nhạc sĩ Minh Châu ủng hộ sự sáng tạo của nhạc trẻ trong kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, nhiều nhà lý luận phê bình, nghệ sĩ gạo cội cũng đã và đang ủng hộ xu hướng này. Với họ sự kết hợp này cho thấy nhạc trẻ đã và đang gặp được “vỉa quặng” vô cùng quý giá trong kho tàng nhạc cổ dân tộc. Việc còn lại của họ chính là kết hợp truyền thống và đương đại như thế nào cho khéo, phù hợp là bài toán cần có biên độ không gian và thời gian để kiểm chứng và đánh giá. Tuy nhiên, không phải nhạc sĩ, ca sĩ nào cũng có thể kết hợp giữa âm nhạc truyền thống và đương đại cho sản phẩm âm nhạc của mình, nhạc sĩ Tiến Luân cho rằng, nghệ sĩ cần phải có kiến thức, sự hiểu biết nhất định về âm nhạc truyền thống để tạo ra sản phẩm âm nhạc mới phù hợp.
Bên cạnh những sản phẩm âm nhạc gây tiếng vang, lan tỏa những giá trị văn hóa tích cực thì cũng có không ít những sản phẩm âm nhạc bị chính giới trẻ quay lưng vì những trò lố lăng, sáng tạo quá đà đã gây phản cảm như: “Tiếng chuông Bát Nhã” của Jombie; “Phận duyên lỡ làng” của Phát Huy T4 và Truzg hay trước đó là “Tứ phủ” của Hoàng Thùy Linh cũng bị cho là chưa hiểu Đạo Mẫu… Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - nguyên Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam: Để hiểu truyền thống và sáng tạo trên chất liệu truyền thống thì công tác đào tạo tại các trường nghệ thuật cần phải được chú trọng. Bên cạnh đó những người làm công tác lý luận phê bình cũng phải công tâm, chỉ ra những mặt được và chưa được của sản phẩm âm nhạc, từ đó làm tốt công tác định hướng sáng tạo nghệ thuật.
Về lý thuyết là vậy, nhưng thực tế, công tác đào tạo tại các trường nghệ thuật đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, không chỉ về kinh phí, đội ngũ giảng viên mà ngay cả người học. Nhiều chuyên ngành âm nhạc truyền thống không có hoặc có thì cũng rất ít học viên theo học. Vì vậy tình trạng “chợ chiều” là bức tranh có thực ở những khoa chuyên ngành truyền thống dù không muốn thừa nhận. Chưa nói đến việc đào tạo những người làm công tác lý luận phê bình ở những chuyên ngành này. Bởi có quá nhiều cái khó, đòi hỏi họ phải thấu hiểu, dũng cảm đương đầu đấu tranh trên con đường đi tìm sự hoàn mỹ của nghệ thuật truyền thống mà họ theo đuổi.
Điệp khúc cuốn hút, giai điệu vui tươi, hiện đại trong “Say tình” của Hoàng Thùy Linh
Làm mới nhạc truyền thống bằng cảm nhận và tài năng của nghệ sĩ trẻ đã và đang là một xu hướng để âm nhạc truyền thống khoác chiếc áo mới bước ra thế giới. Để thế giới biết đến những mạch nguồn dân tộc đã làm nên cốt cách, văn hóa của người Việt Nam không chỉ trong suốt bốn nghìn năm lịch sử, mà còn là sự hiện diện của một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng hôm nay.
Vẫn biết, khai thác vốn cổ kết hợp với hiện đại để tạo nên một sản phẩm âm nhạc được người nghe, xem đón nhận cần rất nhiều yếu tố. Am hiểu nhạc lý, hiểu từng thể loại âm nhạc cổ để có sự phối kết hợp hoàn hảo nhất, để cái cũ được tôn vinh và cái mới không bị khỏa lấp… là một điều không dễ. Nhưng với những gì chúng ta đã chứng kiến, thưởng thức trong thời gian qua, tin rằng những hướng đi mới nhiều sáng tạo này sẽ còn đem lại những bất ngờ, thú vị cho công chúng người nghe tại Việt Nam và cả thế giới. Bởi không chỉ có vũ điệu của “See Tình” mà sẽ còn có nhiều ca khúc khác được thế giới đón nhận, từ đó làm giàu có và gia tăng giá trị cho nền âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nước nhà nói chung.
Nguồn ảnh: Internet
Thảo Vy
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...