Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
11:31 (GMT +7)

Giấc mơ về sự “lặng lẽ”

VNTN - Hai trận động đất xảy ra trong vòng 3 ngày (từ 14 đến 16/4) với tâm chấn ở tỉnh Kimamoto, trên đảo Kyushu, Nhật Bản, thêm một lần nữa khiến đất nước mặt trời mọc gánh chịu những tổn thất nặng nề; đã có ít nhất 50 người chết, khoảng hơn 3 nghìn người bị thương. Toàn bộ cơ sở hạ tầng Kumamoto thiệt hại nghiêm trọng, gần 45 nghìn người đã phải di tản khỏi khu vực này để tránh thảm họa.

Ba ngày sau động đất, trong bản tin thời sự tối trên VTV, các phóng viên thường trú Đài Truyền hình Việt Nam đã có một phóng sự ngắn, phản ánh về việc người dân Nhật Bản “bình ổn” sau thảm họa. Mất nước, đường sá bị phá hỏng và sụt lún khiến nguồn lương thực tiếp tế bị cản trở, bệnh viện đổ sập…, vậy nhưng người dân khi đi siêu thị, với số lượng hàng hóa khan hiếm vẫn không vội vã mà kỹ càng lựa chọn, chỉ mua những thứ thực sự cần thiết với số lượng đủ dùng. Một người dân Nhật khi trả lời phỏng vấn, đại ý đã nói rằng, bà muốn ai cũng có cái để mang về nhà. Người Nhật - một lần nữa khiến thế giới phải ngả mũ thán phục bởi cách mà họ cùng nhau đối phó với thiên tai: luôn lặng lẽ, ngay ngắn xếp hàng chờ tiếp tế, nhận lương thực và nhu yếu phẩm ở địa điểm phân phối hàng cứu trợ. Trong khi đó, nhân dân cả nước tích cực quyên góp và gửi hàng cứu trợ tới khu vực bị động đất ảnh hưởng.

Nhìn người dân Nhật Bản giữ vững kỷ luật ngay cả khi đang đối mặt với thảm họa, hẳn nhiều người Việt sẽ giật mình khi nghĩ tới nỗi “kinh hoàng” Lễ hội Đền Hùng, Khai ấn đền Trần, gần đây nhất là Lễ hội  Hoa anh đào ở Đồng Nai… với những hình ảnh chen lấn, xô đẩy, cướp giật… một cách tham lam, thiếu văn hóa.

Theo thống kê của Cục Văn hóa Thông tin cơ sở từ năm 2005, cả nước ta hiện có gần 9 nghìn lễ hội, trong đó có trên 7000 lễ hội dân gian truyền thống, 1400 lễ hội tôn giáo, 400 lễ hội lịch sử cách mạng và 25 lễ hội du nhập từ nước ngoài. Với số lượng lễ hội “khổng lồ”, nhiều người tỏ ra nghi ngại cho rằng “Dân Việt làm ít, chơi nhiều”, rằng “chỉ riêng đi chơi hội cũng không đủ thời gian”…

Lễ hội đền Hùng (10/3 âm lịch) năm nay thực sự là một nỗi ám ảnh đối với những ai sợ đám đông. Còn với những người “chìm” trong đám đông chen lấn, xô đẩy thì hẳn là một cuộc hành xác nhờ đời. Từ ngày 1-10/3, có khoảng 7 triệu người đổ về di tích đền Hùng, nhưng hàng triệu người tập trung trong ngày chính hội đã khiến khu vực này trở nên hỗn loạn. Nhiều người già, trẻ nhỏ, sức khỏe yếu đã ngất xỉu. Trước đó, Lễ Khai ấn đền Trần cũng ngột ngạt không kém, dù có tới 2000 cảnh sát được huy động bảo vệ, song hàng vạn người vẫn ồ ạt leo rào “vặt” lộc trên ban thờ; chuyện “bão giá” từ nhà nghỉ đến hàng quán, ăn xin chiếm cứ…; dù loa của Ban tổ chức liên tục đưa thông tin về lễ khai ấn và nhắc nhở việc đi lễ văn minh, song mọi thông tin dường như là vô tác dụng.

Trên mạng xã hội có người đã “hài hước” làm một phép so sánh: vào ngày 16/4, tại Hà Nội đã diễn ra Chiến dịch nâng cao chất lượng du khách người Việt khi đi công tác du lịch ở nước ngoài, với nội dung thiết thực là muốn ai cũng có ý thức, biết vứt rác đúng chỗ, nói chuyện văn minh, biết xếp hàng và biết nhẫn nại, để khiến hình ảnh du khách Việt Nam trở nên đẹp hơn trong mắt bạn bè quốc tế. Nhưng cũng vào ngày hôm ấy, những mẩu tin tràn lan sự “kinh hoàng”, hình ảnh giải cứu trẻ nhỏ, cấp cứu người ngất xỉu… ở lễ hội đền Hùng cũng được đăng tải trên hầu khắp các trang báo mạng. Phép so sánh chỉ là hai nguồn tin, nhưng như thế cũng là quá đủ khiến người ta suy nghĩ.

Cách đây ít ngày, hình ảnh người Việt tham lam, thiếu văn hóa lại vẫn tiếp tục được “trình diện” tại Lễ hội Hoa anh đào tổ chức tại Đồng Nai. Vẫn “muôn năm cũ” là chen lấn, giành giật lấy hoa, mặc cho bảo vệ canh chừng, ban tổ chức nhắc nhở, can ngăn. Dường như lòng tham, sự ích kỷ vẫn chiến thắng tất cả.

Quay lại câu chuyện người Nhật giữ vững kỷ luật sau thảm cảnh, sự lặng lẽ đáng khâm phục của họ, lẽ nào mãi chỉ là giấc mơ đối với dân Việt?

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy