Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
21:42 (GMT +7)

Đường về ăn Tết

VNTN - Tình cờ lướt facebook, thấy Văn nghệ Thái Nguyên đăng bài mời cộng tác với chủ đề “Về nhà”, lòng tôi đầy chộn rộn. Đó không phải cảm giác phấn chấn khi được một tờ báo nào đó “gãi đúng chỗ ngứa” mà đặt hàng trúng vấn đề mình hứng khởi. Đó là cảm xúc thích thú pha chút nghẹn ngào, khi mấy tiếng ngắn gọn kia gợi nhớ đến bao nhiêu cái Tết, bao nhiêu chặng đường trở về đón Tết, của hiện tại và cả những ngày đã rất xa xôi…

 

Tranh minh họa (Nguồn: Internet)

Hồi còn bé tí, tôi khoái nhất là cảm giác đi học những ngày cuối cùng trước khi về nghỉ Tết. Các cô giáo trường làng không dạy, chỉ cho lớp tự quản, tự ôn để tranh thủ qua chợ mua mớ lá dong, yến gạo nếp. Mà có thánh mới tự quản với chả tự ôn cái lúc Tết đã đến “mông” và thi học kỳ thì cũng đã kết thúc. Buổi cuối cùng, mỗi đứa phải mang nộp một cành rong, tức là cành tre khô, để rào lớp học. Nhà tôi gần trường, sáng nằm trong chăn nghe tiếng học sinh kéo rào loẹt xoẹt, bụi đường tung trắng đất khô, thế là biết Tết về. Thường thì hôm đó lộn nhộn nhất! Lơ khơ, tá lả, chúc tụng, chia quà một tí là cô trò ùa cả ra sân để "niêm phong" phòng học. Lớp học sau bao cấp trống hoác với mấy bộ bàn ghế gãy chân mà cô trò rào như lô cốt. Có lẽ không phải sợ trộm mà ai cũng thích cảm giác rào dậu ấy như một sự tận hưởng cảm giác cuối năm, được phong kín tất cả những phần việc dở dang, để ra Giêng ngày rộng tháng dài tính tiếp. Gần trưa, cả trường hơn chục phòng đều kín bưng, như những tổ chim khổng lồ, và thế là a lê hấp, đoàn binh giải tán về nhà ăn Tết.

Giờ tôi đã thành mẹ của hai đứa trẻ. Ngày học cuối năm của các cháu cũng vui lắm. Nghe đâu, “tiết mục truyền thống” của trường các bạn ấy là trang trí lớp với bóng bay, ruy băng, hoa giấy để đầu năm khai xuân cho rực rỡ. Lũ trẻ chắc không hình dung nổi lớp học tổ chim của mẹ nó thuở nào. Ba thập niên là bao khác biệt, song tôi tin, cảm giác hưng phấn của buổi học cuối năm sẽ vẫn còn nguyên, bởi hôm trước, khi được mẹ xui nghỉ trước một buổi đi Hà Nội chơi, cháu đã từ chối rất quyết liệt. “Con thích nhất trên đời là đi học ngày hôm nay” - nghe câu nói ấy, tôi biết con đang sống trong hạnh phúc của mình mấy chục năm trước. Và biết đâu, mấy chục năm sau, trong một buổi sớm giáp Tết như hôm nay, cô gái của tôi lại ngồi mà viết “Đường về ăn Tết”?

Học đại học không nghỉ Tết cùng nhau mà mạnh đứa nào thi xong thì đứa ấy ra bến xe “lượn” trước. Năm thứ nhất, tôi nhớ mang máng môn thi cuối cùng là Văn học Trung Quốc, ngày 26 âm, vấn đáp. Ba, bốn giờ sáng dậy học bài, thấy ký túc le lói ánh đèn và xe ôm lượn vè vè dưới sân nhà H1 (Kí túc xá ĐH Sư phạm Thái Nguyên). Tiếng hòm xiểng, tiếng khóa cửa, gọi nhau chúc Tết rộn hết cả lòng, y như thể tiếng kéo rào trường làng thời thơ ấu. Không gì cơ cực bằng ngồi ngâm Kinh Thi và đọc “bộ tứ”: Hồng Lâu, Thủy Hử, Tây Du, Tam Quốc giữa lúc ký túc xá lộng gió trống trơn, đứa phòng bên đang nhét quà vào ba lô và hội bạn thân cứ 30 phút lại tớn lên ra chợ sinh viên mua quà về cho cháu. Nhưng không học không được, vì thi vấn đáp, lại là môn Văn học nước ngoài với những bậc giáo sư cực uyên thâm và nghiêm khắc. Thế nên đứa nào thi xong, đứa ấy cứ như đẻ được con ra ngoài, nhẹ như phỗng, chân trước chân sau về phòng xếp đồ, gửi chăn, đóng hòm, gọi xe ôm, ra bến xe “cút” thẳng. Thương nhất hai đứa cuối sổ, một đứa tối mịt mới thi và đứa còn lại vô phúc bị chuyển sang tận hôm sau, một mình canh ký túc đêm cuối Chạp. Ra Tết tôi lên sớm, thấy nó để lại dòng “huyết thư” đầy phẫn uất trên giấy dán tường: "Trời ơi, sao 27 tôi mới được về quê ăn Tết". Mười mấy năm đã qua, không biết giờ quay lại ký túc, phòng 315 H1 của Đại học Sư phạm Thái Nguyên dấu yêu, liệu có còn vết tích ấy?

Tôi đi học không quá xa nhà, nên không có cơ hội được gặm nhấm cái hồ hởi, xao xuyến và thi vị của khách “lữ hành” trên hành trình tàu xe, bến bãi để trở về quê. Bố của tôi thì đầy những trải nghiệm tuyệt vời ấy. Hồi mới đi công nhân Gang Thép, cứ tầm 29 là được về quê, háo hức không kể xiết. Bố tận hưởng niềm vui đó trên 120km đạp xe. Để có năng lượng cho hành trình, ông chuẩn bị hai cái bánh chưng, cứ đi tầm 40km lại bỏ ra, ngồi vệ đường, nhởn nhơ ăn, vừa ăn vừa ngắm cảnh gió đông se sắt, người người tấp nập ngày cuối năm. Bốn lần ăn nửa cái bánh chưng như vậy thì về đến nhà: làng Tảo Khê, xã Tảo Dương Văn, huyện Ứng Hòa, Hà Tây (nay là Hà Nội). Mấy chục năm trôi qua, giờ cao tốc thênh thang, chạy xe nhà chỉ gần 2 tiếng là đến cổng làng - điểm năm xưa ăn góc bánh chưng cuối cùng dưới gốc cây gáo - nhưng thi thoảng ông vẫn nhắc về kỷ niệm cũ và ngỏ ý muốn có cơ hội trải nghiệm lại cảm giác ấy.

Về nhà ăn Tết! Về nhà ăn Tết! Chẳng biết cuộc đại tranh luận “Tết ta hay Tết tây” sẽ đi về đâu, song chắc hẳn, ai cũng có thể cảm nhận được niềm hân hoan trong tiếng reo vui ấy. Đường về ăn Tết có thể dài cả nửa vòng trái đất hay ngắn như đường đến trường làng tôi, có thể nặng nề với bao hành lý cùng tâm tư hay nhẹ bông bỗng như cái đầu của đám sinh viên vừa thi xong môn cuối, song nó hẳn sẽ để lại những hồi ức đẹp đẽ trong mỗi người, khi ta vẫn còn là người Việt.

Một ngày giáp Tết

Suối Linh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 6 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 6 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước