Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
11:59 (GMT +7)

Được gì từ những cuộc thi?

VNTN - Mới đây, diễn đàn “Đặt hàng với tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo” Phùng Xuân Nhạ ngay sau khi ông nhậm chức, do báo Tuổi trẻ làm cầu nối đã nhận được nhiều kiến nghị, góp ý của  giáo viên, học sinh, phụ huynh gửi tới. Thu hút sự quan tâm, đồng tình của cộng đồng là những ý kiến xoay quanh việc có quá nhiều các cuộc thi của thầy và trò trong một năm học.

Theo chia sẻ trên diễn đàn từ những người đã, đang là giáo viên, thì hiện nay một năm học cả thầy và trò phải tham gia khoảng 10 - 15 cuộc thi như: Văn hay chữ tốt; giải toán trên máy tính cầm tay; thi học sinh giỏi các môn văn hóa; sáng tạo nhi đồng; sáng tạo khoa học kĩ thuật; vận dụng kiến thức liên môn; dạy chủ đề tích hợp; giáo viên dạy giỏi các môn văn hóa; giáo viên chủ nhiệm giỏi; tổng phụ trách đội giỏi; đồ dùng dạy học tự làm; giải toán trên mạng Internet…. Với những ai ngại thi cử thì đó quả là một cơn ác mộng.

Giáo sư Nguyễn Võ Kỳ Anh, viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người cho rằng, nhà trường chỉ nên lựa chọn một số cuộc thi nhất định cho giáo viên tham gia để kích hoạt sự sáng tạo và năng lực giảng dạy chứ không nên buộc giáo viên phải thi nhiều cuộc thi. Bởi mười mấy cuộc thi như thế thì còn đâu thì giờ để đầu tư cho chất lượng giảng dạy nữa!

Chuyện thi thố ấy đã chẳng còn mới lạ gì bởi nó đã diễn ra nhiều năm nay, vấn đề là những cuộc thi nhận được sự tán đồng thì ít mà loay hoay, phản đối thì nhiều. Một giáo viên trẻ tỏ vẻ chán nản bởi giấc mơ trở thành giáo viên của cô giờ trở thành sức ép tâm lý. Lương thì thấp, nhà xa, kinh tế khó khăn chẳng đủ chi tiêu. Thế nhưng công việc thì lại không hề dễ thở chút nào. Cả ngày dạy ở trường, tối về lại phải vật lộn với đống công việc soạn, chấm bài, làm kế hoạch môn, các loại sổ: tích lũy, chuyên đề, chủ nhiệm, sổ tay lên lớp, giáo án dạy đội tuyển, sổ điểm cá nhân, vào điểm học bạ, phê học bạ, nhận xét học sinh… Một năm bình quân mỗi giáo viên được nhà trường lên kế hoạch kiểm tra 3 lần, 1 lần kiểm tra toàn diện, 2 lần kiểm tra chuyên đề. Chỉ ngần ấy cũng đã thấy vất vả, nhiêu khê, vì không chỉ là việc chuyên môn mà còn phải hoàn thành một gánh hồ sơ sổ sách đi kèm khác nữa. Không chỉ thế, cô và nhiều đồng nghiệp khác còn phải đối mặt với áp lực bị các cấp lãnh đạo, hết Phòng rồi lại đến Sở, Bộ Giáo dục bất ngờ thanh kiểm tra giờ dạy… Cô giáo này còn hài hước, rằng nhiều khi thấy mình như kẻ tội đồ, liên tục bị soi mói, bới lông tìm vết..., đến nỗi quá căng thẳng, ăn không ngon ngủ không yên.

Có rất nhiều cuộc thi, và những cuộc thi dành cho học sinh cũng “gay cấn” không kém. Cả thầy và trò đều “căng” như dây đàn vì những “chỉ tiêu chất lượng”, “bộ mặt nhà trường”. Việc so sánh, xếp loại dẫn đến căn bệnh hình thức, thành tích là điều không mới. Khi những ưu việt nổi trội của công nghệ thông tin được áp dụng vào giảng dạy, thì việc tra cứu thông tin trở nên tiện ích, nhanh gọn hơn, vậy nhưng phiền toái nó mang đến cũng không ít. Nhiều ít người khi về đến nhà là ôm máy tính, gắn bó với máy tính hơn cả chồng (vợ) con. Ngày nghỉ đều phải tranh thủ chỉnh sửa giáo án theo kiểu mới để phục vụ cho việc… đi thi. Từ đó khiến không ít những tiêu chí nhằm phát huy tính sáng tạo cho giáo viên như sáng kiến, kinh nghiệm, giải pháp hữu ích phần lớn lại được copy trên mạng.

Vẫn biết lợi ích mà các cuộc thi mang lại tạo cơ hội để giáo viên nâng cao năng lực dạy học thông qua việc phân tích các bài học, tổng kết và chia sẻ những sáng kiến, kinh nghiệm về giảng dạy, tổ chức lớp học, khai thác sử dụng phương tiện, đồ dùng dạy học… Từ đó, thầy và trò có dịp được bộc lộ sở trường, năng khiếu và có cơ hội gặt hái cho mình những thành tích mới trong học tập, công tác. Nhưng công bằng mà nói, thì sự vinh danh giáo viên dạy giỏi phải do chính học sinh bầu chọn, đó mới là danh hiệu cao quý nhất mà người giáo viên cần phải đạt được.

Suy cho cùng thì những danh hiệu, thành tích bề nổi từ các cuộc thi đâu thể tồn tại mãi theo thời gian!

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy