Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
02:48 (GMT +7)

Đúc tên

VNTN - Xoan háo hức bao nhiêu lúc lựa chọn bộ nồi nhãn hiệu Sunhouse tốt nhất có trong siêu thị thì lại lấn cấn bấy nhiêu khi không biết mở lời thế nào để khoe với bà Nam thành quả ấy. Thế là Xoan bê nguyên cái túi bóng to màu đen có chiếc hộp đựng bộ nồi để lên nóc chạn gỗ, rồi xuống nhóm lại bếp, đặt nồi cá kho chuối lên. Tuần trước, Tết dương lịch, sau khi nhận thưởng của công ty, Xoan mua bộ bếp ga mới. Thay vì lấy bộ nồi tặng kèm, bởi Xoan thấy nó mỏng mảnh quá, nhà bán ga bớt cho Xoan hai trăm. Thì nay Xoan mua bộ nồi mới để nấu với bếp ga thôi, có gì đâu mà lấn cấn mãi?

Rõ là không mất điện mà bà Nam vẫn thổi cơm bằng chiếc nồi mười bốn. Bà bảo ăn cơm nấu nồi cơm điện bà chả thấy ngon. Hai bò gạo lọt thỏm cái nồi nhôm đúc. Đấy là thêm con chó mẹ với đàn chó con bà mới thổi hai bò, chứ chỉ hai mẹ con thì thổi miệng bò là ăn không hết. Mâm cơm được đặt trên chiếc chậu nhôm giữa gian bếp. Bà Nam với Xoan, mỗi người một ghế con ngồi hai bên. Đồ ăn đơn giản với đĩa ngồng cải luộc, ít đậu rán, bát cà tứ thời muối xổi và đĩa cá kho chuối nhỏ xinh. Cái giống cà tứ thời đến khỏe, quanh năm suốt tháng ra hoa, kết trái, bất chấp thời tiết. Rét cận Tết buốt da buốt thịt mà quả tim tím, phơn phớt, trăng trắng, ngả vàng cứ lúc lỉu. Bên cạnh nồi cơm, chiếc nồi số tám kho cá để đó, ăn hết cá trên đĩa lại đơm cho nóng. Bà Nam ăn xong trước, vẫn nấn ná ngồi, bảo Xoan ăn xong thì để đó bà dọn rửa, lên viện trông cu Bon đỡ cho thằng Kiên nó về làm. Tết nhất đến nơi rồi, ai người ta xây nhà hai năm, để nó về trát nốt cái tường dở, rồi bó hè, lát nền, đổ sân cho họ còn vào nhà mới trước Tết. Một buổi chiều mà làm được nhiều việc thế á mẹ. Là mẹ liệt kê ra việc nó còn chưa làm xong ấy chứ. Ôi mẹ như giám sát công trình, nắm rõ các công đoạn ấy cơ. Xoan kiểu hơi nhấm nhẳng hỏi thêm, người ta nhờ hay mẹ xin đám đấy. Bà Nam giật mình lúng túng nhưng cố tỏ vẻ hơi giận, lườm nhẹ Xoan một cái bảo nó nhờ chứ mẹ hơi đâu. Thực ra, chiều qua nhà Kiên, bà thấy ông Lợi ngồi ngẩn ngơ nên hỏi, ông Lợi kể sự tình bà mới biết. Xoan cố nhấm nhẳng thêm câu, Bon nó sắp mười lăm tuổi rồi mẹ vẫn cứ gọi cu cò gì nữa. ở cùng nhau ngót hai chục năm, bà Nam và Xoan rõ lắm tính tình của nhau nên giao tiếp có phần thoải mái chứ không khép nép phân biệt “khác máu tanh lòng”. Với bà Nam, Xoan như con gái rồi. Còn với Xoan, bà Nam như mẹ đẻ. Thực ra là Xoan muốn ở làm việc nhà, đi làm công ty may cả tuần, có mỗi ngày Chủ nhật nghỉ, lại tót đi thì còn ra cái thể thống gì. Hơn nữa, dạo này Xoan để ý thấy bà Nam gầy đi trông thấy, ăn uống kém hẳn. Nay Xoan định là đưa bà đi viện tư khám. Vậy lại thôi. Cuối tuần sau Xoan sẽ đưa mẹ đi.

 

Kiên bị bất ngờ. Hỏi Xoan sao đằng ấy biết cu Bon nằm viện mà vào đây. Lại nữa, sao giống nhau thế, thằng Bon nó thanh niên đến nơi rồi vẫn cứ cu cò mãi. Ơ thế chả phải Kiên nhờ mẹ cho tôi lên trông cháu để về xây nốt à. Không. Thế rõ rồi. Bà Nam đẩy Xoan đến với bố con Kiên. Chả hiểu sao bà lại thay đổi hẳn một trăm tám mươi độ. Trước kia, bà suốt ngày canh Xoan thật lực, thấy Xoan ra khỏi nhà là xét nét, dò hỏi, chỉ sợ Xoan quen người này, gặp người kia, rồi lại tếch đi lấy chồng. “Con gái là con người ta, con dâu đích thực mẹ cha mua về”, gái lấy chồng có phận gái hết, giờ bà chỉ còn mình Xoan để bầu bạn lúc xế chiều, nên bà phải giữ chứ. Đằng nào Xoan cũng đến rồi, thì nhờ Xoan trông Bon, Kiên tất tả về cho kịp công xây buổi chiều.

Giấc mơ phố thị, giấc mơ Thủ đô kéo vợ Kiên ra khỏi làng La, nơi rặt chỉ có cấy hái, cày bừa, trồng trọt, chăn nuôi và rừng núi chứ chẳng có gì hơn thế. Khi ấy cu Bon mới hai tuổi, vừa cai sữa được tháng chứ mấy. Lần cuối cùng người làng La gặp mẹ cu Bon, là khi cô về hoàn tất thủ tục ly hôn, lúc cu Bon tròn ba tuổi. Mọi giấy tờ đã được vợ Kiên nhờ người trên Toà án làm sẵn. Kiên, vợ Kiên, ký roẹt mấy chữ, tòa án thông qua quyết định thỏa thuận của các đương sự thuận tình ly hôn, thế là xong. Xưa, thích nhau từ khi ôn thi vào lớp mười ở trường huyện, rồi yêu, động viên nhau học hết mười hai, tròn hai mươi thì cưới, tưởng sống chết bao phen mới lấy được nhau. Bố mẹ hai bên kịch liệt phản đối, bởi nhà đầu huyện, nhà cuối huyện, cách nhau cả gần trăm cây số. Giờ, kết thúc cuộc hôn nhân trong có vài tiếng đồng hồ. Ai đó bảo “cá chuối đắm đuối vì con” chứ dâu xứ này, vợ Kiên chẳng phải là đầu tiên và duy nhất như thế. Ừ thì, chồng chả thiết cũng không sao. Đằng này, con đấy, mà vợ Kiên đi là đi bặt, tịnh không một liên lạc gì. Giờ thì thanh niên Bon đã học lớp tám rồi, Kiên vẫn cứ ở vậy. Niềm tin vào đàn bà trong Kiên như hòn than nghiến, xưa nó đượm, rực bao nhiêu thì nay đã tàn, chỉ còn tro lạnh. Với Kiên, hơn chục năm nay, chỉ còn công việc và chăm Bon thôi. Kiên làm thợ cả, thuê thêm ba thợ xây với một thợ phụ nữa, túc tắc một năm xây ba, bốn cái nhà từ độ tháng Tư trở đi, đến Tết là vừa. Cũng vất vả, gần Tết năm nào cũng có nhà phải làm gấp mới kịp. Ông Lợi hơn sáu mươi. Đúc nồi không chỉ là nghề, mà là nghiệp, là niềm vui, là cuộc sống của ông… Giờ người ta toàn dùng nồi cơm điện, nấu ăn bếp ga, ông thành ra thất nghiệp. Ông ngẩn ngơ suốt, đành nhận chân thợ phụ cho con trai. Xây thì không dám nhận rồi, sáu mươi tuổi học nghề mới khó lắm. Hơn nữa, mắt kém, ông nhìn dây cước căn chỉnh để đặt gạch, chít vữa vào không còn chuẩn nữa.

Thằng Bon đẹp trai, lớp tám đã cao mét bảy. Trộm vía, chắc vì thương bố đơn thân nuôi mình, từ bé nó chả mất đồng tiền thuốc nào. Có chăng chỉ là cảm cúm qua loa, đánh gió trứng gà, đồng bạc hoặc tóc rối hay lá ngải, gừng là khỏi thôi. Hôm qua, tự dưng cái ruột thừa ruột thiếu gì ấy của nó sưng viêm, phải cắt, báo hại nó nằm viện thế này. Thấy Xoan lên, nó rối rít cảm ơn. Bất giác, Xoan tủi thân quá. Nước mắt chực trào ra. Nếu Nam còn, chắc nó cũng phải cao lớn gần tầm này. Bố Nam cao hơn mét bảy cơ mà.

Những ngày vất vả với những đơn hàng vội xuất khẩu, với tăng ca, đâm lại hay. Xoan ít có thời gian nghĩ ngợi linh tinh. Sáng dậy sớm, cho gà, vịt ăn, dọn qua loa nhà cửa đỡ bà Nam rồi đi làm. Ngày may thật lực, căng như dây đàn, không cả có thời gian mà thở. Không kịp thở mà có đầy hôm, tổ trưởng vẫn sa sả chửi như tát nước vào mặt. Ừ thì áp lực từ trên. Trước khi sa sả vào mặt công nhân, tổ trưởng cũng đã nhận biết bao lời chửi rủa từ quản lý. Cứ thế, đời công nhân mà. Biết làm sao được. Thế mới ra sản phẩm, mới có chất lượng, mới kịp tiến độ. Tối có khi chín giờ mới về tới nhà, mệt, đặt đầu là ngủ. Giờ rảnh tý, là nghĩ ngợi, là những xưa cũ lại hiện về, rõ rệt. Những xưa cũ vui ít, buồn nhiều. Vui ít thôi nhưng đáng quý và đáng nhớ. Buồn thì nhiều nhưng đáng trân trọng và cũng chẳng thể nào quên.

Kiên với Xoan lớn lên cùng nhau trong ngôi làng miền trung du nửa đồng nửa núi. Hai đứa rất thân. Đôi bạn thân. Những đói nghèo của vùng quê mà mười bốn trên tổng số mười lăm xã, thị trấn của huyện thuộc diện đặc biệt khó khăn không chắp cánh cho những giấc mơ đại học của lũ trẻ làng. Vậy là lấy chồng, lấy vợ sớm thôi. Xoan cưới trước Kiên mươi ngày. Nhưng vợ chồng Xoan muộn mằn hơn nên khi cu Bon được một tuổi thì Nam mới ra đời. Nhà ba người con, bố Nam là trai, lại là cả nên vợ chồng Xoan ở chung với mẹ chồng góa bụa đã ngót chục năm. Khỏi phải nói, bà vui như thế nào khi Nam được sinh ra. Cháu nội của bà, cháu đích tôn. Mọi yêu thương dành cho cháu nội trước tiên, phần nhiều. Sau ngày đầy tháng cu Nam, sáng sớm, mẹ chồng Xoan đã mang mấy cái nồi nhôm, vung nhôm cũ đã mất tai, cụt núm với hai bao lon bia bà tích trữ mấy năm trời sang nhà ông Lợi. Bà hỏi ướm ông từ trước cả tháng, ông nhận lời rồi nay bà mới mang sang. Thật là háo hức. Công cuộc tích tài sản cho cháu đích tôn bắt đầu từ đây. Nhất định phải có gì đó để cho cháu có thể sử dụng cả đời. Đất ấy, nhà ấy, thì sẵn rồi. Còn tài sản khác, phải tích lũy thôi. Buồn mỗi nhẽ, số phế liệu ấy không đủ cho kế hoạch của bà Nam.

Nhìn cái lò đắp bằng gạch lẫn bùn đặt trong vỏ thùng phi đang rừng rực lửa, bà biết là mình phải xếp hàng dài nhưng vẫn ngồi bó gối ngó ông Lợi đang toát mồ hôi khuấy nhôm. Ngồi được một lúc thì ông Lợi nhờ bà khiêng chiếc nồi gang - loại đặc biệt thiết kế dùng để nấu nhôm - hỗ trợ ông đổ nhôm vào cái khuôn đúc bằng cát lẫn đất đã được ông kỳ công thiết kế từ lúc tinh mơ. Công việc thật là vất vả và nặng nhọc. Xong đâu đấy, bà lại ngồi ở bậc thềm ngắm người thợ say sưa với công việc. Bà tưởng tượng, ông làm với niềm yêu thích vô bờ, chứ làm để lấy công thì, đáng bao nhiêu. Ông Lợi cười cười bảo bà cứ về làm việc, ngồi đấy mà đợi đến tối đêm cũng chửa xong. Tôi không bớt một tí nhôm nào của bà đâu mà lo. Mà chỗ phế liệu này không đủ cho kế hoạch của bà đâu. Tôi sẽ bù vào, như ý bà luôn. Được tôi khắc gọi sang lấy về. Ừ thì bà có chắc lép gì đâu. Chẳng qua là bà háo hức quá, không nỡ về mà muốn ngồi ngắm cái quá trình, từ những thành quả nhặt nhạnh suốt mấy năm của bà, nó sẽ tan chảy rồi đúc thành những chiếc nồi, mang tên cháu bà, cháu trai của bà. Quả như lời ông nói, bà về làm việc mà cứ thắc thỏm mãi, đến tối đêm vẫn chưa thấy ông Lợi gọi lấy nồi. Đến tận chiều hôm sau bà mới được ới sang. Nhìn vẻ mặt hân hoan của bà, ông Lợi cũng vui lây. Thành quả hai ngày cực nhọc của ông, dậy từ khi trời chưa sáng rõ, ông cũng còn thích nữa là bà. Ông trân quý từng sản phẩm mình để bao tâm huyết mới làm ra được. Lúc bà sang, ông vẫn còn ngồi rũa nốt những vẹo thừa, cẩn thận từng tí một, như cách ông tắm rửa, chăm bẵm thằng cu Bon từ lúc lọt lòng tới giờ. Bố mẹ nó, lúc còn chung nhà, đi làm suốt ngày, lấy đâu thời gian chăm con, sau rồi mẹ nó lại đi biệt nữa. Ngắm năm chiếc nồi trắng phau phau xếp hàng, bà mãn nguyện lắm. Đây là nồi số 8, nhỏ vậy để kho cá, kho thịt. ừ thì kho nồi đất ngon hơn, nhưng thế này mới “đồng bộ”, mới là một thể thống nhất. Bà nghĩ thế. Kia là cái số 14, nấu cơm vừa vặn cho bốn người, thêm một hai người nữa vẫn được, thêm phần con chó, con mèo nữa chứ. Chiếc 40 thì để luộc gà. Cái 60 dùng nấu cơm mỗi khi nhà có việc to, cần sắp vài mâm cơm. Còn chiếc 100 thì chắc chắn để luộc bánh chưng mỗi dịp Tết về rồi. Năm nào cũng phải đi mượn, ngại ngại là. Bà tính cả. Không thiếu cũng chẳng thừa. Vung nào cũng đúc tên NAM, in hoa hẳn hoi, rõ nét, nổi bật. Nồi nhỏ, chữ nhỏ, nồi to, chữ to. Xong, nồi nhỏ để trong nồi to, cứ thế lần lượt, vung ngửa lên lần lượt đậy vào thế. Bố Nam được bà điệu sang cùng khiêng nồi về. Nặng đáo để.

Hết cữ rồi, Xoan bế cu Nam ra hóng ở cửa. Thấy mẹ chồng với chồng khiêng nồi về, vui cười tíu tít, Xoan cảm nhận rõ sự ấm cúng, hạnh phúc trong ngôi nhà nhỏ của mình. Bà thật biết cách yêu thương và lan tỏa sự vui vẻ, tình yêu sang người khác. Niềm hân hoan ấy của cả gia đình, nhẽ còn kéo dài bất tận nếu như đám cháy định mệnh ấy không bùng lên, khi cu Nam mới tròn hai tháng tuổi.

Tháng mười một, trời hanh khô, rét buốt. Tưởng chừng như một tàn thuốc gảy ra là có thể thiêu rụi tất cả. Hai đêm liền, cu Nam sốt rừng rực. Bố Nam đốt đuốc soi cho bà nội lấy lá mát để vò ra lấy nước uống và đắp trán. Xoan liên tục dấp khăn ấm rồi chườm. Mãi rồi cu Nam cũng hạ sốt. Cả nhà ai cũng mệt nhoài bởi thức đêm thứ hai. Chiếc đèn dầu để gần phía đầu giường được vặn bấc vừa phải còn quan sát mọi vật lúc nửa đêm tối như hũ nút ngày cuối tháng. Nhưng không hiểu sao, nó bị đổ thế nào và bắt lửa vào chiếc ri - đô ra sao mà thiêu rụi cả ngôi nhà. Lửa bùng lên thì cả nhà mới tỉnh. Xoan bế con chạy được ra, chỉ biết ôm con khóc ròng đứng nhìn đám cháy. Mẹ chồng với chồng cố hết sức có thể lao vào cứu đồ đạc ra ngoài. Nửa đêm nên hàng xóm chạy sang hộ chạy đồ đạc được rất ít. Tiếng người la hét, tiếng bước chân rầm rập. Xô, chậu, nồi,… bất cứ thứ gì có thể đựng nước được huy động tối đa để vục nước đổ vào đám cháy. Bố cu Nam, chuyến cuối cùng, phải cứu lấy cái ăn, cố bê bao thóc đã được xúc ra từ chiều, để trong cái bồ góc buồng, thì bị bức tường đổ ập xuống. Đám cháy được dập sau hai tiếng ngùn ngụt. Ngôi nhà chính trơ trọi cột, tường cháy dở. Gian bếp nhỏ cách hiên ra, không bị bắt lửa, còn giữ lại được, nhưng đồ đạc trong bếp không nhiều. Gia đình nhỏ bốn người gần như trắng tay. Chòm xóm giúp dựng nên cái lều, mỗi người mang sang 1 vài đồ đạc, vốn hạn hẹp của nhà mình. Nằm liệt hơn hai tháng thì bố Nam đi, mang theo phần nửa niềm hy vọng sống, mục tiêu sống của mẹ mình. Nam mồ côi cha từ khi bốn tháng tuổi. Ở làng La, người ta gọi tên vợ theo chồng, bố mẹ theo tên con cả. Bố Nam mất rồi, người ta gọi tên bà nội của Nam theo tên cháu: “Bà Nam”.

Bà Nam chăm bẵm cháu từng tí, cho Xoan đi làm chấm công hợp tác xã. Mẹ con, bà cháu đùm rúm nhau cũng qua những ngày khốn khó, cho niềm đau, nỗi xót xa nguôi ngoai. Tan hợp tác, bà Nam được chia hơn bốn sào ruộng, cấy được chiêm mùa hai vụ, nên dù ngày giáp hạt vẫn phải bữa độn sắn, bữa độn khoai, mẹ con, bà cháu vẫn đùm bọc nhau được. Những tưởng, khổ thế là tận cùng rồi. Ông trời không lấy đi hết của ai mọi thứ đâu. Thế mà, ông trời nỡ cướp đi nửa niềm hy vọng sống còn lại của bà. Lên năm tuổi, Nam chạy nhảy chơi bị ngã gẫy tay. Thì cũng đơn giản thôi, bọc thuốc nam là khỏi. Cơ mà, chẳng may, tổn thương ấy khiến Nam bị nhiễm trùng máu. Ban đầu là những cơn sốt cao, không hạ được dù dùng thuốc. Người Nam xanh, yếu dần. Các bệnh viện địa phương không đưa ra được một kết luận nào về căn bệnh mà cu Nam bị mắc phải. Chỉ đến khi cu Nam được đưa xuống Bệnh viện Huyết học, căn bệnh mới được gọi tên, nhưng quá muộn rồi. Các phác đồ điều trị được các bác sĩ đầu ngành đưa ra không cứu được Nam nữa. Con trai chưa kịp vào lớp một, bố Nam đã đón con đi bầu bạn. Bà Nam với Xoan, tưởng chết đi, sống lại bao lần. Còn nỗi đau nào hơn thế nữa không? Dạo cu Nam mới mất, có những ngày, bà Nam lao ra đường, vừa đi, vừa khóc, tìm gọi cháu khắp nơi. Cháu đi chơi ở đâu mà mãi chả về. Hàng xóm giữ bà lại, nhắn người gọi Xoan ra đón. Xoan bảo mẹ đừng thế, cháu đang ở nhà, con đưa mẹ về với cháu. Rồi mẹ con vuốt nước mắt dìu nhau về. Lại có những đêm, trời lạnh buốt, Xoan ra cầu Bến, cứ đứng như thế, lúc nhìn xuống dòng nước, lúc ngửa mặt lên trời, cho gió thốc vào mũi, vào mồm, vào mặt, rồi Xoan đấm thùm thụp vào ngực mình. Gió xổ tung tóc Xoan rối bời. Lạnh ấy, buốt ấy, chẳng bằng nỗi đau trong tim Xoan. Xoan muốn có một cái đau thật đau thân xác, để quên đi cái nỗi đau cứ bóp nghẹt trái tim mình. Nên lần thì ra cầu Bến, lần thì ra mộ bố con Nam, cạnh bìa rừng, khóc rồi hét, rồi mê mải, điên dại, chạy, mệt thì nằm bệt giữa hai ngôi mộ. Một xanh cỏ, chưa kịp sang cát để xây cất gọn gàng, một đất vẫn còn mới tinh. Giời chưa cho chết, Giời còn bắt sống, nên Xoan cũng không có ý định chết. Chỉ là muốn có một cái gì đó, để giải tỏa thôi. Xoan sợ không làm thế, lồng ngực mình sẽ vỡ tung ra mất. Tức ngực, không thể nào thở nổi. Tỉnh dậy, không thấy con dâu, bà Nam lao ra cầu Bến trước. Từ xa thấy con cứ ngửa mặt lên trời, bà nấc nghẹn, con đừng có dại dột, còn mẹ đây. Con còn tuổi trẻ, cuộc đời còn dài lắm, đừng bỏ mẹ một mình. Rồi hai mẹ con lại vuốt nước mắt dìu nhau về. Người làng La bối rối mỗi khi gặp bà Nam bởi chẳng biết chào thế nào. Tên thật của bà rất ít người biết đến. Bà phải đỡ lời trước luôn. Cứ gọi tôi như vậy. Cháu nó ở đây này. Bà nói rồi đặt tay lên ngực trái. Mãi mãi là thế. Không lo tôi đau lòng đâu.

Thời gian là liều thuốc chữa lành các vết thương hiệu quả nhất. Cái đận mà mẹ rồi con sống không nổi, chết chẳng xong cũng dần qua đi. Làng xóm, láng giềng qua lại động viên, hỗ trợ hai mẹ con thường xuyên. Nhưng cái chính, vẫn là hai mẹ con tự vượt. Công ty may mở chi nhánh ở địa phương, tận dụng nguồn lao động tại chỗ. Bà Nam động viên Xoan suốt. Đi mà làm con ạ. Cũng vất vả, căng thẳng, áp lực, nhưng mưa không đến mặt, nắng không đến đầu, là đỡ khổ nhiều rồi. Cứ úp mặt vào ruộng vườn, bao giờ mới ngẩng mặt lên được. Ruộng giờ đã có máy móc hỗ trợ, không làm được thì thuê. Mà hai mẹ con, ăn uống có là mấy. Thế là Xoan trở thành công nhân. Cuộc sống của hai mẹ con khá lên dần, cùng với sự đổi mới ở làng quê. Xoan quên hẳn bộ nồi để trên nóc chạn gỗ góc bếp. Lại quay cuồng với những đơn hàng gấp, tăng ca. Cứ về tới nhà là đã có cơm dẻo, canh ngọt sẵn ấy rồi. Cuối tuần, Bon ra viện. Xoan đáo qua nhà Kiên hỏi thăm cháu một lát trước khi về nhà. Tới nhà, nhìn lên chạn, Xoan thấy bộ nồi đã không còn trên ấy nữa. Hơi giật mình, Xoan ngó ra sân giếng. Từng chiếc nồi nấu bếp ga được rửa rồi úp trên chiếc rổ to. Mấy chiếc nồi nhôm đúc số 8, 14, 40 cũng được xếp hàng ngay ngắn. Bao nhiêu năm dùng, chỉ ngoài nồi là đen, trong nồi, rồi vung vẫn sạch bong, sáng loáng. Cái tên Nam trên vung nồi vẫn nổi bật. Nước mắt Xoan chực trào ra mà Xoan cố ngăn lại. Sau bữa tối, bà Nam thủ thỉ bảo Xoan hướng dẫn mẹ cách dùng bếp ga, bật, tắt, điều chỉnh lửa, nấu thế nào… Cho tiện con ạ. Củi không lấy được nữa, nhóm bếp củi, rồi nấu cũng lâu. Xoan òa khóc ôm lấy bà Nam, cứ thế mãi không nín được. Bà Nam ôm Xoan, không nức nở, nước mắt lặng lẽ bò trên gò má cao gầy. Chính Xoan, không muốn sự thay đổi. Xoan cứ muốn cuộc sống như thế này thong thả trôi đi thôi. Nhưng sắp không được nữa rồi. Từng lời Kiên nói khi tối, vẫn còn rõ mồn một bên tai Xoan: “Xoan bận đi công ty suốt nên mẹ nhờ Kiên đưa đi khám vì gần đây mẹ thấy mệt nhiều. Tế bào ung thư trong mẹ đã di căn diện rộng rồi. Trị xạ cũng sẽ không kéo dài được lâu nữa đâu Xoan ạ. Mẹ dặn Kiên không nói cho Xoan biết, còn dặn Kiên hãy chăm sóc Xoan lúc mẹ không còn… Hai đứa mình hợp lực cùng chạy chữa cho mẹ Xoan nhé.”

Xoan ôm bà Nam ngủ tròn giấc đêm ấy. Sáng sớm mặt trời đã tròn trĩnh phía đằng đông. Ngày mới bắt đầu.

Truyện ngắn. Trịnh Hiên

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đi về miền thương

Văn xuôi 1 ngày trước

Vị chát trung du

Văn xuôi 1 tuần trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước