Chủ nhật, ngày 22 tháng 09 năm 2024
04:39 (GMT +7)

Du lịch Việt Nam ngọt hay đắng?

VNTN - Trong phiên họp ngày 8/6 Quốc hội kỳ 9 khóa 13, trả lời câu hỏi của nhiều đại biều về việc ngành du lịch Việt Nam (DLVN) tại sao ngày càng xuống dốc thảm hại, Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao & Du lịch Hoàng Tuấn Anh cũng tự hỏi: “Việt Nam nhiều thứ “nhất thế giới”, mà sao khách du lịch vẫn không mặn mà…”


Tháng 5/2015, qua kết quả khảo sát khách quốc tế đến VN cho biết 94,09% du khách đánh giá “tốt” và “rất tốt”, chỉ 0,22% đánh giá “kém” và “rất kém”, vậy mà tính từ tháng 12/2014 - 5/2015 du lịch VN giảm sút khách quốc tế lên đến 12,2 %.

“Vẻ đẹp tiềm ần”, “Vẻ đẹp bất tận”, rồi nhiều thứ "nhất...", gần 9000 lễ hội trong năm, và tự hào khi được nhiều tạp chí hàng đầu trên thế giới về du lịch, các tập đoàn truyền thông danh giá như CNN, BBC, ABC, NBC,… ca ngợi và giới thiệu như: đứng thứ 6/20 điểm đến hấp dẫn nhất; có nhiều bãi biển thuộc hạng đẹp nhất thế giới; kỳ quan Sơn Đoòng là 1/12 hang động kỳ thú nhất thế giới; vịnh Hạ Long là một trong những kỳ quan ấn tượng nhất thế giới; TP Đà Nẵng có những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp nhất thế giới; có nhiều món ăn nằm trong Top ẩm thực khám phá thế giới… Rồi hiện tại có 17 di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể, di sản thiên nhiên… được UNESCO công nhận là di sản thế giới.. Nhưng sao khách du lịch quốc tế vẫn không chọn VN làm điểm đến, hoặc chỉ đến một lần rồi không bao giờ quay lại?

Vịnh Hạ Long và một số điểm DLVN ngày càng vắng bóng du khách quốc tế.      Ảnh: QK

Vị đắng hay chỉ là giấc mơ ảo?

Mục tiêu được đề ra trong năm 2015 của ngành Du lịch VN(DLVN) là dự kiến sẽ đón 8,3 triệu du khách nước ngoài. Và có rất nhiều mục tiêu khác được đề ra ngay ở trong một cuộc Hội thảo “Kết nối các miền di sản thế giới ở VN” tại Thanh Hóa trong lễ khai mạc Năm du lịch quốc gia.

Nhưng tính đến tháng 5/2015, lượng du khách ngoại quốc đến VN giảm 12 tháng liên tiếp. Theo Tổng cục Du lịch, trong 4 tháng đầu năm 2015, lượng khách quốc tế đến VN đạt hơn 2,69 triệu lượt người, giảm 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong thời gian này, khách đến VN từ châu Á đạt hơn 1,73 triệu lượt người, giảm 12,9% so với cùng kỳ năm 2014. Đáng chú ý là, một số nước và vùng lãnh thổ có khách đến VN giảm nhiều, như Trung Quốc giảm 33,2%; Malaysia giảm 6,1%; Campuchia giảm 28,1%; Thái Lan 23,7%; Lào 35,5 giảm 17%; Philippines giảm 16,1%; Indonesia giảm 21,6%; Đài Loan giảm 2,7%.

Ngay như số lượng khách quốc tế vào VN như dự kiến là 8,3 triệu thì cũng chỉ chưa tới 10% so với dân số, trong khi ở hai nước láng giềng thân cận nhất, tính theo số thống kê quốc gia năm 2014 thì khách du lịch vào Lào 3 triệu người bằng 50% dân số Lào, Campuchia đón 4,5 triệu khách quốc tế, bằng 30% số dân Campuchia.

Phải chăng, DLVN đang mơ ảo với những gì “Trời cho” hay “của để dành” mà ông cha để lại, nghĩ rằng sẽ không cần phải bỏ gì ra vẫn thu lợi về như một cách làm chơi ăn thật, theo tư duy “mì ăn liền”? Và vì thế mà việc chi phí cho quảng bá DLVN cứ y như một chút “có cho vui” 3 triệu USD năm 2015, trong khi một số quốc gia trong khu vực ASEAN chi rất ngọt: Thái Lan chi 80 triệu USD, Malaysia chi 100 triệu USD, Singapore chi 130 triệu USD…. Chưa kể việc quảng bá ra nước ngoài cũng bỏ mặc, dù có nhiều hãng truyền thông danh giá bỏ tiền ra làm phim, phát sóng toàn cầu, nhưng rồi sau đó DLVN không hề có ý định mua lại để tiếp tục quảng bá, phủ sóng thêm thời gian. Gần nhất là ngày 13/5/2015, hãng truyền thông ABC News của Mỹ, trong chương trình Good Morning America đã làm một chương trình truyền hình trực tiếp hang động Sơn Đoòng của VN, gây một cơn choáng sốc cho khán giả toàn cầu và như một cơn địa chấn với khán giả VN, nhưng rồi, sau khi chương trình phát sóng, trong khi các hãng lữ hành quốc tế mua bản quyền để làm chương trình du lịch thám hiểm đến Sơn Đoòng với giá tour rất cao, trung bình 3000 USD/ chuyến…, thì các hãng DLVN chỉ đứng nhìn không biết phải làm gì tiếp theo.

Chẳng có công ty lữ hành nào lại báo cáo rằng khách du lịch chê mình quá tệ. Và cũng chẳng có Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch địa phương nào nói rằng khách đánh giá du lịch tại địa phương mình kém. Những con số 94,09% du khách đánh giá “tốt” và “rất tốt” phải được xem dưới góc độ nào một cách chuẩn xác, để không rơi vào “ tự sướng”, để rồi ngành DLVN cứ rơi từ yếu kém này sang yếu kém khác trong một giấc mơ ảo thành tích.

Ngành du lịch Việt Nam chưa chuyên nghiệp

Thái Lan đã miễn thị thực cho 61 nước, trong đó 40 nước miễn đơn phương, Singapore miễn cho 180 nước, trong đó có 80 nước miễn đơn phương. Còn Việt Nam hồi đầu năm 2015 tăng giá phí visa nhập cảnh từ 5 USD lên 45 USD/khách, chưa kể muốn sang du lịch VN, du khách phải tốn cả trăm USD cho thủ tục xin xét duyệt, làm khách ngoại hẫng hụt và bất bình. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), các chỉ số cơ bản đo lường tính cạnh tranh của ngành du lịch một quốc gia gồm có: Đóng góp của du lịch vào GDP; thu nhập từ khách du lịch inbound theo từng thị trường, thời gian lưu trú qua đêm; giá trị xuất khẩu dịch vụ du lịch; năng suất lao động, sức mua và giá cả dịch vụ du lịch, thủ tục thị thực nhập cảnh; tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học; tài nguyên văn hóa; mức độ thỏa mãn của du khách; và chương trình hành động của ngành du lịch. Ngoài ra còn có một số chỉ số phụ như: Mức độ đa dạng hóa thị trường; nguồn nhân lực, mức độ kết nối hàng không và các phương tiện khác; phân bổ ngân sách chính phủ dành cho ngành du lịch; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch...

Nếu xét theo các chỉ số trên, thì ngành DLVN gần như thiếu và yếu tất cả. Từng hạng mục đều có những yếu kém tồn tại từ nhiều năm nay vẫn chưa có hướng khắc phục hay thay đổi.

Cho dù có cơ quan chủ quản là Tổng cục DLVN nhưng nhìn lại bộ máy tổ chức chồng chéo như hình ngôi sao; vừa dọc (ngành), vừa ngang (chính quyền), vừa trên (cấp ủy)... Do tổ chức bộ máy không giống ai nên việc quản lý tài nguyên du lịch cũng “5 cha 3 mẹ”. Từ trung ương đến từng địa phương, từ các đoàn thể cho đến từng ngành, từ các doanh nghiệp cho đến từng cá nhân đều có thể chủ sở hữu các điểm tham quan, các dịch vụ…, nên cách ứng xử của mỗi nơi mỗi khác, không tuân thủ thống nhất.

Ví dụ như việc định giá tham quan rất tùy tiện, chẳng có chuẩn mực nào. Tổng cục Du lịch, các hiệp hội ngành và cả các công ty lữ hành đều không thể được tham vấn, chứ đừng nói là can thiệp. Như ở Hội An, có lẽ chỉ có VN có kiểu bán vé cho tất cả khách bước chân vào phố, cho dù họ chỉ đi dạo và không tham quan điểm nào. Hay vé tham quan Vịnh Hạ Long có 5 điểm khác nhau, mỗi điểm có 3 loại vé: người lớn, trẻ em và người già; tổng cộng 15 loại vé.

Hay ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch, thì ngành DLVN gần như rất sơ khai. Cho dù có trang web của Tổng cục Du lịch, nhưng để có liên kết đến từng địa điểm du lịch và những thông tin chi tiết thì hầu như con số “0”.

Liên kết và đồng bộ để chuyên nghiệp và chuẩn du lịch

Nghị quyết số 92/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới được ban hành ngày 8/12/2014 đã chỉ ra 5 nhiệm vụ trọng tâm: Nâng cao nhận thức của xã hội về du lịch; tăng cường hỗ trợ của Nhà nước cho phát triển du lịch; tạo điều kiện thuận lợi đảm bảo an ninh, an toàn để thu hút khách và phát triển du lịch; tăng cường quản lý Nhà nước về du lịch. Nghị quyết cũng đã đưa ra một số giải pháp cụ thể như cho phép Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ động phê duyệt, phân bổ nguồn ngân sách để thực hiện 2 chương trình trọng điểm: chương trình Xúc tiến du lịch quốc gia và chương trình Hành động quốc gia về du lịch…

Song, du lịch mang tính liên ngành, liên vùng rất cao, do vậy để hiện thực hóa, rất cần sự phối hợp đồng bộ để khắc phục những hạn chế, yếu kém hiện nay. Nếu các ngành và chính quyền địa phương các cấp không thực sự vào cuộc quyết liệt thì ngành DLVN dù có rất nhiều lợi thế cũng khó có thể phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Ví dụ, ngành DLVN không thể phát triển, nếu không có ngành giao thông hỗ trợ và tiếp sức. Với hệ thống giao thông khá phức tạp, không bảo đảm an toàn như hiện nay, xe chạy tốc độ quá chậm cho một hành trình trên 200km có thể mất 4 giờ, thì du khách sẽ khó mà hài lòng.

Vấn đề xúc tiến du lịch quốc gia và chương trình hành động quốc gia về du lịch là 2 chương trình trọng điểm để phát triển DLVN, nhưng cho tới giờ, việc quảng bá DLVN ra bên ngoài vẫn cứ chờ đợi ngân sách Nhà nước, mà phần chi chỉ như giọt nước bỏ bể, việc quảng bá gần như chỉ trông chờ vào “sự tốt bụng” của nước ngoài, họ làm được gì thì cảm ơn, chứ không chủ động thuê họ làm công việc quảng bá cho VN. Ngay cả việc có một Đại sứ DLVN cũng không, sau khi Đại sứ đầu tiên hết nhiệm kỳ và không hợp tác tiếp...

Và nếu cứ giữ tư duy lạc quan ảo với những số liệu đẹp như mơ ấy, thì ngành DLVN sẽ mãi chẳng cất cánh phát triển một cách chuyên nghiệp, uy tín, đưa VN thật sự là điểm đến không chỉ một lần với du khách quốc tế để khám phá “vẻ đẹp tiềm ẩn”, “vẻ đẹp bất tận” như slogan của ngành DLVN.

Minh Châu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy