Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
20:01 (GMT +7)

Du lịch nông thôn

VNTN - Khác với đi tour du lịch truyền thống, hình thức du lịch nông thôn không bị gò bó theo chương trình khép kín (thường đơn thuần là ngủ và nghỉ), mà có sự trải nghiệm, không chỉ là những điểm đến mới với phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, du khách còn được hòa mình vào cuộc sống sinh hoạt của người dân địa phương, tham gia khám phá công việc, phong tục văn hóa, những món ăn độc đáo… Hình thức du lịch này đã được khai thác và phát triển từ khá lâu tại nhiều quốc gia ở châu Âu từ những năm 30 của thế kỷ trước, và hiện nay đang dần phát triển tại các nước châu Á, trong đó có Việt Nam với sự mới mẻ và hấp dẫn riêng.

Thật lấy làm vui khi bắt kịp xu hướng du lịch nông thôn, tỉnh Thái Nguyên bước đầu áp dụng và có được những kết quả khả quan. Sau hai kỳ Liên hoan Trà được tổ chức với quy mô lớn (năm 2011 và 2013) thu hút sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế, đầu năm 2013, Dự án Làng văn hóa du lịch cộng đồng nằm trong Chương trình đối tác đô thị và phát triển kinh tế giữa thành phố Thái Nguyên và thành phố Victoria (Canada) được triển khai thực hiện tại vùng chè đặc sản Tân Cương gồm 4 xã: Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu và Quyết Thắng, với 28 hộ dân tham gia. Đến đây du khách được tham gia trải nghiệm hái chè, tự tay sao, lên hương chè; thưởng thức các món ăn dân dã là rau sạch tự trồng, gà, cá tự nuôi… Hình thức này đã mở rộng sự kết nối và giới thiệu về các sản phẩm chè từ du khách tới đông đảo bạn bè và người thân của họ. Nhờ vậy mà các gia đình làm du lịch cộng đồng đã kí kết được nhiều hợp đồng bán chè giá trị…

Một địa điểm du lịch khác là di tích ATK Định Hóa, cùng với việc tôn tạo các di tích, phát huy giá trị lịch sử cách mạng, du lịch cũng phát triển chuyển hướng trải nghiệm giới thiệu bản sắc văn hóa vùng nông thôn. Du khách được leo đèo, lội suối lấy củi, bẻ măng rừng, hái chè cùng bà con trong các bản làng khu di tích; tham gia các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống mang nét đặc trưng của địa phương. Theo báo cáo của Ban quản lý Khu di tích, thì năm 2013 nơi đây đã đón gần 570 nghìn lượt khách, sang năm 2014 tăng lên gần 700 nghìn lượt người.

Với những kết quả đạt được, Thái Nguyên đã có một hướng đi mới trong phát triển du lịch. Tuy vậy, những hạn chế cũng dần bộc lộ khi các vùng chè chưa có nhiều hoạt động níu chân du khách lưu trú qua đêm, chưa có những sản vật địa phương ấn tượng, do đó bản sắc văn hóa vùng miền, địa phương không có cơ hội giới thiệu… Phải chăng chúng ta không chỉ thiếu cơ sở vật chất mà còn thiếu sự liên kết giữa các hộ dân với cơ quan quản lý và các trung tâm lữ hành du lịch trong và ngoài tỉnh?

Tìm hiểu về du lịch nông thôn trong khu vực châu Á như Thái Lan, Nhật Bản, thấy rằng hình thức này phát triển khá tốt, bởi nó khai thác tối đa các tiềm năng, bản sắc vùng miền. Ở Nhật Bản có 3 hình thức du lịch được xếp vào loại hình du lịch nông thôn gồm: Tham quan vãn cảnh nông thôn; nghỉ ngơi thư giãn tại các vùng nông thôn; học tập nghiên cứu tại các vùng nông thôn. Việc phát triển du lịch nông thôn gắn liền với việc cải thiện cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của cộng đồng cư dân. Vì thế, họ xây dựng hình ảnh đẹp đẽ về khu vực nông thôn, có những quy chế, hoặc điều lệ liên quan đến bảo tồn cảnh quan quý giá với nhiều diện tích cây xanh và mặt nước ở các vùng; tìm ra “mỗi thôn một sản phẩm”, tạo sự phong phú đa dạng trong các sản vật phục vụ du khách. Ngoài việc chuẩn bị cơ sở vật chất và các quy chế hoạt động cho các dịch vụ lưu trú, ăn uống, nâng cao chất lượng dịch vụ, họ còn xác lập hệ thống thông tin liên kết, cung cấp và trao đổi thông tin giữa thành thị và nông thôn thông qua các hoạt động xúc tiến quảng bá; xác lập hệ thống các cơ chế quản lý, các chế độ, chính sách hỗ trợ phát triển từ phía nhà nước; xây dựng cơ chế giao lưu với các doanh nghiệp, liên đoàn lao động, hiệp hội nông nghiệp các tỉnh thành phố, và các vùng nông thôn…

Rõ ràng là, với những hiệu quả bước đầu đạt được kia, chúng ta hoàn toàn tin tưởng về một hướng đi phù hợp của du lịch nông thôn. Song làm thế nào để phát huy hiệu quả và sâu rộng, thì thiển nghĩ, kinh nghiệm từ đất nước Nhật Bản rất đáng để chúng ta học tập.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy