Đờn ca Tài tử Nam Bộ: xã hội hóa hay bảo tàng hóa?
Ngày 5/12/2013, tại phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (UNESCO) tổ chức tại Baku (Azerbaijan), Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ (ĐCTT) đã được công nhận là “Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Tuy nhiên, sau gần 10 năm được phong danh, di sản này vẫn cứ chơi vơi, nửa vời - xã hội hóa trong cộng đồng hay bảo tồn theo kiểu bảo tàng?
ĐCTT Nam Bộ là sản phẩm văn hóa phi vật thể của Nam Bộ, vừa mang tính bác học, vừa dân gian gắn liền với mọi sinh hoạt cộng đồng dân cư Nam Bộ, được cải biên từ nhạc cung đình Huế và sáng tác mới trên nền tảng âm nhạc dân ca, hát đối, hò vè của vùng đất Nam Bộ.
Di sản Đờn ca tài tử Nam Bộ
Người miền Nam coi ĐCTT là sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu trong các dịp lễ hội, tết, giỗ, cưới, sinh nhật, họp mặt,… Lễ giỗ Tổ được tổ chức vào ngày 12/8 âm lịch hàng năm. Các bài bản của ĐCTT được sáng tạo dựa trên cơ sở nhạc Lễ, nhạc Cung đình, âm nhạc dân gian miền Trung và Nam Bộ. Các bài (bản) này được cải biên liên tục từ 72 bài nhạc cổ và đặc biệt là từ 20 bài gốc (bài Tổ) cho 4 điệu (hơi), gồm: 6 bài Bắc (diễn tả sự vui tươi, phóng khoáng), 7 bài Hạ (dùng trong tế lễ, có tính trang nghiêm), 3 bài Nam (diễn tả sự an nhàn, thanh thoát) và 4 bài Oán (diễn tả cảnh đau buồn, chia ly).
Nhạc cụ được sử dụng trong ĐCTT gồm: đàn kìm, đàn tranh, đàn cò, đàn tỳ bà, đàn tam (hoặc đàn sến, đàn độc huyền), sáo, tiêu, song loan... Từ khoảng năm 1930 có thêm đàn guitar phím lõm, violon, guitar Hawaii (đàn hạ uy cầm). Người thực hành ĐCTT gồm: người dạy đàn (thầy đờn) có kỹ thuật đàn giỏi, thông thạo những bài bản cổ, dạy cách chơi các nhạc cụ; người đặt lời (thầy tuồng) nắm giữ tri thức và kinh nghiệm, sáng tạo những bài bản mới; người dạy ca (thầy ca) thông thạo những bài bản cổ, có kỹ thuật ca điêu luyện, dạy cách ca ngâm, ngân, luyến,...; người đờn (danh cầm) là người chơi nhạc cụ và người ca (danh ca) là người thể hiện các bài bản bằng lời.
ĐCTT được thực hành theo nhóm, câu lạc bộ và gia đình, ít khi nhạc công độc tấu, mà thường song tấu, tam tấu, hòa tấu. Dàn nhạc thường cùng ngồi trên một bộ ván hoặc chiếu để biểu diễn với phong cách thảnh thơi, lãng đãng, dựa trên khung bài bản cố định gọi là “lòng bản”. Sau này có chút biến tấu, biểu diễn trên ghe xuồng khi chở khách tham quan sông nước. Khán giả có thể cùng tham gia thực hành, bình luận và sáng tạo.
ĐCTT được truyền dạy theo hai hình thức: truyền ngón, truyền khẩu trực tiếp tại nhà, câu lạc bộ, gia đình, dòng họ; truyền ngón, truyền khẩu kết hợp với giáo án, bài giảng tại một số trường văn hóa nghệ thuật địa phương và quốc gia. Người học đàn cần những kỹ năng cơ bản như: rung, nhấn, khảy, búng, phi, vê, láy, day, chớp, chụp…; học chơi độc chiếc, tam tấu, tứ tấu, ngũ tấu, lục tấu với các nhạc cụ khác nhau. Người học ca (đơn ca, song ca) học những bài truyền thống, trên cơ sở đó sáng tạo cách nhấn nhá, luyến láy tinh tế theo nhạc điệu và lời ca của bài gốc.
Và với những giai điệu cũng trở thành kinh điển như: Nam Xuân, Nam Ai, Nam Bình, Nam Đào, Lưu Thủy trường, Phú lục chấn, Bình bán chấn, Xuân tình chấn, Tây Thi vắn,… thì ĐCTT trở thành một di sản - báu vật của miền đất Phương Nam. ĐCTT có 3 “dòng” chính do ba tay đờn kiệt xuất là Ba Đợi, Ký Quờn, Tài Khị, tạo thành 3 nhóm ĐCTT tạo ảnh hưởng cho toàn bộ ĐCTT Nam bộ sau này.
Đứng đầu trường phái Tài tử miền Đông là nhạc sư Nguyễn Quang Đại (Thầy đờn Ba Đợi, sinh năm 1855, không rõ năm mất), ông vốn là một quan nhạc của triều Nguyễn, từ quan để hưởng ứng phong trào Cần Vương chống Pháp (khoảng năm 1885), vào Nam dạy nhạc Lễ, nhạc Tài tử. Riêng ở Cần Đước - Long An là nơi ông sinh sống, truyền dạy nhạc Lễ và nhạc tài tử Nam Bộ ở đây lâu nhất, có nhiều học trò nhất. Ông có công chỉnh lí 4 bản Bắc: Lưu thuỷ trường, Phú lục chấn, Bình bán chấn và Cổ bản vắn của ca nhạc Huế thành hơi điệu theo phong cách nhạc tài tử Nam Bộ. Ông còn sáng tác thêm bộ “Ngũ châu”: Kim tiền bản, Ngự giá, Hồ lan, Vạn liên, Song phi hồ điệp và 8 bản “Ngự”: Đường Thái Tông, Vọng phu, Chiêu Quân, Ái tử kê, Bát man tấn cống, Tương tư, Quả phụ hàm oan, Duyên kì ngộ.
Nhóm miền Tây (Vĩnh Long, Sa Đéc, Mỹ Tho) do ông Trần Quang Quờn - Ký Quờn đứng đầu, là người tài hoa “cầm kì thi họa”. Ông soạn lời ca “Bá Lý Hề” theo điệu “Văn Thiên Tường” và “Tứ đại oán” vào khoảng những năm đầu 1900. Trường phái này cho ra đời 10 bản Khách, còn gọi là “Thập thủ liên hườn” gồm: Phẩm tuyết, Nguyên tiêu, Liên hườn, Tây mai, Kim tiền, Hồ quảng, Xuân phong, Long hổ, Tẩu mã, Bình nguyên.
Nhóm Bạc Liêu, Rạch Giá do ông Lê Tài Khị (1862 - 1924), quê ở Bạc Liêu đứng đầu, có thể nói là mạnh nhất ở lục tỉnh Nam Bộ. Nhạc sư Lê Tài Khị còn gọi là nhạc Khị, giới Tài tử - Cải lương miền Tây tôn ông là hậu Tổ nhạc tài tử Nam Bộ. Ông đã có công chấn chỉnh, hiệu đính và hệ thống hóa 20 bản Tổ, còn đào tạo nhiều thế hệ đệ tử tài hoa, những danh cầm, nhạc sư, soạn giả Cải lương nổi tiếng nhất ở miền Tây Nam Bộ, trong đó có nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1892 - 1976) là tác giả của bản “Dạ cổ hoài lang”, tiền thân của bài Vọng cổ nhịp 32 sau này. Nhóm này còn có bộ “Tứ bửu” do Tài Khị sáng tác để đáp lại bộ “Ngũ châu” của nhóm miền Đông, gồm các bản: Minh Hoàng thưởng nguyệt, Ngự giá đăng lâu, Phò mã giao duyên, Ái tử kê (khác với Ái tử kê trong 8 Ngự - theo sách của Nguyễn Tấn Hưng). Vào năm 1936, nhóm “Dây Đờn Rạch Giá” ra đời được người hâm mộ yêu thích và nhanh chóng phát triển khắp Nam Bộ, gây tiếng vang trong giới chơi nhạc tài tử. Đến thập niên 40 của thế kỷ trước, Rạch Giá còn có một tiệm đóng đàn nổi tiếng khắp lục tỉnh Nam Kỳ tên là “Sơn Ca”, chuyên đóng đàn guitar phím lõm, đàn kìm bán cho giới tài tử.
Những chơi vơi giữa xã hội hóa hay bảo tàng hóa
Khi cầm nắm trong tay báu vật ĐCTT, những người tâm huyết và trách nhiệm với loại hình nghệ thuật này không khỏi có rất nhiều băn khoăn lo lắng: làm sao giữ gìn, bảo tồn, phát huy cho nó lấp lánh, rạng ngời, cho đúng tầm và xứng tầm, để không bị mai một, biến tấu và trở thành một loại hình nghệ thuật hòa mình trong cuộc sống hôm nay một cách tích cực. Sau gần 10 năm kể từ ngày được phong danh “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, ĐCTT vẫn còn khá chơi vơi giữa việc xã hội hóa trong cộng đồng cho tự do phát triển, tự do biến tấu, hay tinh lọc bảo tồn các vốn cổ nguyên thủy theo kiều bảo tàng và chỉ trình diễn theo đúng chất bảo tàng?
Hiện ĐCTT đang hiện diện ở 21 tỉnh, thành phố Nam Bộ, và có những vươn tầm ra một vài tỉnh ngoài miền Trung, miền Bắc trong các miền du lịch di sản. Điều đó cho thấy nghệ thuật ĐCTT đang tiềm ẩn sức sống bền lâu. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian nhìn nhận, ĐCTT có sức lan tỏa, tác động mạnh tới công chúng chính là vì nó tồn tại song song ở cả hai hình thức: sinh hoạt thính phòng - biểu diễn trên các sân khấu lớn với phối âm phối khí có tính chất nâng cao, và sinh hoạt cộng đồng - biểu diễn như một show đờn ca ngẫu hứng phục vụ lễ lạc gia đình, làng xóm, du khách…
Trong các tỉnh, thành Nam Bộ đều có câu lạc bộ, nhóm ĐCTT, được biểu diễn thường xuyên ở miệt vườn thôn dã cho đến các điểm du lịch hay những sân khấu, hội thi, lễ hội, hội chợ… Một số tỉnh thành cũng quan tâm hướng phát triển ĐCTT kết hợp với du lịch như TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Long An, Bạc Liêu, Kiên Giang, Rạnh Giá, Hậu Giang, Cần Thơ, Tiền Giang… Bên cạnh đó cũng có nhiều tỉnh đã cho ĐCTT như một hoạt động thuộc về bảo tàng như ở Bạc Liêu, Kiên Giang, TP Hồ Chí Minh.
Xét trên bề nổi dường như ĐCTT hiện đang phát triển khá tốt nhưng đi sâu vào việc bảo tồn di sản ĐCTT thì thấy rõ sự khiếm khuyết. Về việc lan tỏa cộng đồng - xã hội hóa, thì ĐCTT vẫn rất thưa thớt, chỉ rộ lên khi có hội diễn - 3 năm/lần, hay các cuộc thi “ăn theo” một sự kiện du lịch nào đó của các tỉnh thành. Phần lớn ĐCTT hiện tại gần như tự phát theo các nhóm, chủ yếu phục vụ du khách, rất ít sự chuyên nghiệp, chỉ là học theo nhau với vốn liếng vài bài bản cổ phổ biến, “lòng bản” nhạc ĐCTT (20 bài gốc) được xem như là linh hồn của ĐCTT. Tuy vậy, cho tới hiện tại, thì những “thầy đờn” có ngón nghề không có ai, không thể phát huy hết cái hay cái đẹp của ĐCTT. Và thực chất ĐCTT đang phát triển hiện nay chỉ như một show diễn tạo không khí, thêm gia vị cho bữa ăn hay chút giải trí miệt vườn sông nước.
Ngay cả việc đưa ĐCTT - di sản - vào bảo tàng, như một kiểu bảo tàng “sống”, một hoạt động của bảo tàng, cũng chưa thành một đề mục hay một phần của hoạt động bào tàng, mà cũng chỉ là một show “kèm” theo với một hoạt động khác. Ngoài ra việc không có nhiều những công trình nghiên cứu một cách bài bản về nghệ thuật ĐCTT để thầy rõ hơn giá trị “báu vật”, nên chưa đáp ứng được nhu cầu tham khảo, học tập và thưởng thức của công chúng. Việc sưu tầm bài bản cổ, sáng tác lời mới và luyện tập nhuần nhuyễn chưa được duy trì thực hiện một cách tự giác; Nghệ nhân chơi được bốn loại nhạc cụ: đàn tranh, đàn cò, đàn kìm và đàn guitar còn hạn chế… nên không thể phát huy hết vẻ đẹp, giá trị của ĐCTT. Đặc biệt, các nghệ nhân tham gia ĐCTT chủ yếu là lớp người đã lớn tuổi, thế hệ trẻ không mấy mặn mà với nghệ thuật này là điều đáng báo động trong việc bảo tồn và phát triển ĐCTT trong tương lai.
Bên cạnh đó, các chuyên gia văn hóa cũng cho rằng, để bảo tồn và phát triển ĐCTT còn cần đào tạo thế hệ khán giả hiểu biết và có thể thưởng thức loại hình này. Nên chừng mực nào cũng chưa thể đáp ứng điều kiện cần và đủ để đưa di sản vào bảo tàng.
Với những giá trị hiện hữu và tầm vóc một di sản thế giới thì ĐCTT giờ đây là tài nguyên vô cùng đặc sắc để phát triển, đặc biệt là xã hội hóa, trở thành sản phẩm du lịch cộng đồng đặc thù vùng Nam Bộ (bao gồm vùng du lịch Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long). Nhưng để có sản phẩm chất lượng cao, để phát huy giá trị di sản thì không thể thực hiện theo kiểu dễ dãi, cứ có đờn - đàn, và người biết ca vài bản là thành, mà rất cần sự đầu tư đồng bộ của Nhà nước. Địa phương miền di sản và các doanh nghiệp du lịch cần có chính sách, chương trình khuyến khích, hỗ trợ và bảo đảm môi trường, điều kiện cần thiết để bảo tồn giá trị đích thực và toàn vẹn đối với di sản ĐCTT, để ĐCTT vừa được xã hội hóa vừa là di sản trong bảo tàng.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...