Đổi gió
Henry van Dyke (1852 - 1933) là một tác gia, nhà giáo dục, mục sư người Mỹ.
Có ba người hàng xóm cùng sống trong một ngôi làng nọ. Nhà họ chỉ cách nhau bởi cái sân sau và mái vòm đằng trước. Họ được gắn kết với nhau bởi một mối quan tâm chung về việc đóng thuế, tiền nước và mức sinh hoạt cao. Mỗi người có một quan niệm về tôn giáo riêng: một người mang quan điểm Thần bí, người thứ hai theo chủ nghĩa Hoài nghi và người còn lại mắc chứng dạ dày chậm tiêu. Anh ta tự gọi mình là Người mắc bệnh hen.
Những khác biệt này vô cùng quen thuộc và đã đặt nền tảng cho một tình bạn bền vững bằng một thói quen kì cục là tranh cãi không ngừng nghỉ về mọi chủ đề có thể. Những bà vợ không bao giờ tham gia vào những cuộc tranh luận này vì họ kiên quyết ăn ở hòa thuận với nhau. Họ không thể tưởng tượng được việc khác nhau về quan điểm mà lại không liên quan gì đến cá nhân. Họ gọi nhau là Clara, Caroline và Katharine và hôn chào nhau mỗi khi gặp mặt nhưng lại đều cẩn thận hạn chế nói chuyện về những chủ đề trên, loại mà họ đều có chung một suy nghĩ ví dụ như sự vô ơn của người giúp việc.
Tuy nhiên, các ông chồng cứ khi nào tụ tập được với nhau mà sức ảnh hưởng của các bà vẫn không suy giảm thì họ lại tiếp tục cuộc tranh cãi dữ dội để tìm ra vấn đề trong từng sự kiện hàng ngày cho dù nó có rõ mồn một đi chăng nữa, và đặc biệt là cả trong những chuyện chưa từng xảy ra. Vậy nên họ sống rất vui vẻ và tình bạn giữa họ càng ngày càng khăng khít hơn.
“Tôi có thể hiểu quan điểm của anh,” một trong số bọn họ sẽ nói như vậy sau khi một ý kiến dường như vô hại vừa được đưa ra. “Có lẽ vậy,” người khác sẽ đáp, liều mạng giữ lấy lợi thế của mục đầu tiên trong định nghĩa, “nhưng rõ ràng anh không hiểu nó rồi.”
Và thế là người thứ ba có hân hạnh được chỉ ra rằng hai người kia chẳng biết anh này đang nói gì cả. Chuyện này lúc nào cũng do việc họ kết hợp chống lại anh ta và thường là chống lại cái anh ta đạt được bởi anh ta biết cách lợi dụng mâu thuẫn trong lối chơi nước đôi của họ.
Nhưng tất cả các thú vui trần tục, như Sancho Panza đã nói, rồi cũng sẽ tới lúc chán ngấy thôi. Sau vài năm giải trí theo cách thông thường, những người hàng xóm cảm thấy có một sự suy giảm đáng lo ngại về dũng khí nam nhi và sự bình yên ngày càng trở nên mong manh. Những cuộc tranh luận của họ dần trở nên đơn điệu, xa cách, lặp đi lặp lại tới mức chỉ khá hơn một bài báo cáo tình hình khô khan đôi chút: “Tôi đứng đây” – “Anh đứng đó” – “Anh ta đứng chỗ kia” – “Nói về nó để làm gì?” Gia vị cho cuộc nói chuyện đã biến mất khỏi bàn ăn của họ. Và khi mỗi người nhai món ngũ cốc yêu thích của mình trong yên lặng, họ đều cảm thấy như thể những ngày đại yến đã kết thúc và từng người cần phải nói với nhau:
"Quãng đời tươi đẹp đã chấm dứt. Cuộc sống sẽ ngày càng khó khăn hơn.”
Một đêm khi họ sắp chia tay, còn lâu mới tới nửa đêm, không một cuộc tranh cãi nảy lửa nào xảy ra. Họ nhìn nhau buồn bã như những người đàn ông cảm giác được một nỗi bất hạnh chung đang tới gần.
“Vấn đề là,” người Thần bí, người chẳng ghét cái gì hơn sự cô độc, nói, “chúng ta không suy nghĩ thấu đáo và vì thế nguồn cảm hứng từ Linh Hồn Tối Cao của chúng ta đang khô cạn dần.”
“Vấn đề là,” người hay hoài nghi có những mối lo ngại võ đoán còn nhiều hơn số lượng giáo điều nói, “những ý nghĩ mặc định đang làm tắc nghẽn đường cung cấp dưỡng chất cho đầu óc chúng ta.”
“Vấn đề là,” người bệnh hen thở khò khè, chứng khó tiêu khiến anh ta thèm ăn kinh khủng, “cuộc sống hiện đại thật là đáng nản, nhất là dịch vụ giúp việc nhà. Tháng trước vợ tôi đã thuê năm đầu bếp, và người hiện giờ đang làm lại không phải là một đầu bếp. Vệ sinh là nền tảng cho việc suy nghĩ đúng đắn.”
Việc khơi lại thú vui tranh luận một cách bất thình lình khích lệ họ lắm lắm. Và họ cứ thế thảo luận về nó hàng giờ liền đến khi dừng lại, như thường lệ, lại là những kết luận thực tiễn từ những giả thuyết linh tinh nhất.
Bọn họ đều thống nhất rằng vấn đề là: để khắc phục vấn đề này, không gì tốt hơn bằng việc đổi gió. Vì thế họ quyết định có một chuyến đi chơi nhỏ cùng nhau.
Đầu tiên họ đến New York và cái thành phố to lớn ấy làm họ vô cùng kinh ngạc. Anh Hoài nghi thích nhà thờ Thánh John, bởi vì như anh nói là nó là thứ đáng để con người tin cậy. Anh Thần bí thì hài lòng với các loại nhà hát vì theo anh ta, hầu hết các vở diễn dường như đều quá phi thường. Anh Hen suyễn lại hài lòng với đường tàu điện ngầm vì hệ thống thông gió rất thỏa đáng, anh ta nói vậy. Giống như ăn bánh tráng miệng trên một chiếc tàu hơi nước, bạn biết chính xác mình đang có gì; đám vi trùng trộn lẫn vào nhau và vô hiệu hóa lẫn nhau.
Điểm đến tiếp theo của cuộc viếng thăm là Chicago, nơi họ nghe nói là có một trường dạy văn đang mọc lên với thứ tiếng tăm như tiếng sấm ngoài hồ nước. Họ đi tới nhiều câu lạc bộ nói chuyện và nhanh chóng nhập vào giới văn chương sành sỏi nhất. Lúc nào cũng vậy họ luôn đạt được điều mình muốn.
“Thế này thật là chán,” anh Thần bí nói. “Linh hồn tối cao của chúng ta không ở đó.”
“Hẹp hòi,” người Hoài nghi nói. “Những kẻ này là loại người vô thần mù quáng nhất mà tôi từng gặp.”
“Độc hại,” anh bệnh nhân hen nói, “nhưng tôi nghĩ mình có thể tiêu hóa được một khi tôi thở được dễ dàng hơn. Luồng gió này quá mạnh đối với tôi.”
Vì thế họ thống nhất đi Philadelphia để nghỉ ngơi. Nhân viên lễ tân ở cái khách sạn kiểu thực dân mà họ hay lui tới cam đoan rằng tòa nhà đã kín chỗ, anh ta chỉ còn một phòng duy nhất, một phòng khách riêng mà anh ta có thể xếp vào ba giường nếu họ chịu.
Căn phòng rộng và cổ lỗ. Một cái giá sách cao có cửa kính đứng tựa vào tường. Ba chiếc giường đặt cạnh nhau ngay chính giữa phòng. “Giống ở nhà quá.” Mấy người họ cùng khóc rồi cứ nằm đó mà tranh luận nảy lửa cho đến tận nửa đêm về đạo đức của Benjamin Franklin.
Vài giờ sau, anh bệnh nhân hen bị một cơn thở dốc khủng khiếp làm cho bừng tỉnh khi đang ngủ say.
“Mở cửa sổ mau,” anh ta thở hổn hển. “Tôi bị ngạt gần chết rồi đây.”
Anh Thần bí bật dậy khỏi giường và mò mẫm dọc theo tường tìm công tắc điện nhưng không tìm ra được. Thế là anh ta dò ra cửa sổ và chạm được tay vào mặt kính.
“Nó bị khóa rồi,” anh ta khóc lóc. “Tôi không thấy cái chốt cửa đâu hết. Không kéo lên xuống được.”
“Tôi chết mất,” anh bệnh nhân hen rên rỉ, “trừ khi có được chút không khí. Đập kính đi!”
Thế là anh Thần bí sờ soạng tìm cái ghế gác chân ở chỗ anh ta vừa vấp ngón chân vào rồi dùng nó đập mạnh vào cửa kính.
“A,” anh bệnh nhân hen nói trong một tiếng thở dài nhẹ cả người, “tôi đỡ hơn rồi. Không gì tốt hơn không khí trong lành.”
Sau đó cả đám đi ngủ tiếp.
Buổi sáng từ từ đánh thức họ, và họ cứ nằm ngửa như thế nhìn quanh căn phòng. Những khung cửa sổ đóng kín và bóng tối thật buồn rầu. Nhưng cánh cửa kính của cái giá sách có một cái lỗ thật là to!
“Thấy chưa!” anh Thần bí nói. “Đó là phép chữa bệnh bằng đức tin. Linh hồn tối cao đã chữa cho các anh.”
“Không phải,” anh Hoài nghi nói. “Đó là cách cứu chữa bằng sự nghi ngờ. Để thoát khỏi một thứ gì đó ta phải nghi ngờ nó.”
“Tôi nghĩ,” anh bệnh hen bảo, “đó là cơn ác mộng, và cái món hổ lốn đó là nguyên nhân gây ra mọi khổ đau của loài người. Chúng ta đã đi chơi đủ rồi và lại còn thấy rằng chẳng có nơi nào tốt bằng ở nhà.”
Thế là họ trở về làng và tiếp tục những cuộc tranh luận của mình trong hạnh phúc mãi mãi về sau.
Henry van Dyke (Mỹ)
Dịch giả: Trương Thị Mai Hương
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...