Thứ tư, ngày 04 tháng 12 năm 2024
00:25 (GMT +7)

Đôi điều về nhạc rap và rap Việt

Ngày nay, không thể phủ nhận một điều: rap là một trong những thể loại phổ biến nhất ở Mỹ và đang lan ra toàn thế giới. Với những thể loại nhỏ như mumble rap, rapmetal, rapcore; bên cạnh đó, rap cũng không ít lần thâm nhập vào những thể loại khác như disco, jazz hay nhạc reggeaton; là cầu nối giữa thơ nói và nhịp nhạc. Ở Việt Nam, từ chỗ như “đứa con hoang” trong làng âm nhạc đến nay rap đã có một chỗ đứng khá vững chắc. Thậm chí, đời sống nhạc Việt hiện đang được bao phủ bởi sắc màu của rap, từ phủ sóng truyền hình đến sự thăng hạng trên các bảng xếp hạng âm nhạc và đứng đầu các Top Trending YouTube Việt Nam.

Rap là gì?

Rap là phong cách truyền tải vần, nhịp điệu và lời nói, thường được diễn tả theo nhịp. Rap là một phần văn hóa hiphop, rộng lớn hơn, bao gồm lời nói (MC), nhịp (DJ), điệu nhảy đường phố (break dance) và nghệ thuật tranh phun sơn (graffiti art)… Rap còn bao gồm: “nội dung” - những thứ sẽ được nói; “luồng nhạc” - sự miêu tả vần và nhịp điệu của những gì được nói, “sự truyền tải” - giọng điệu và tốc độ trong những điều được nói ra.

 

DJ Kool Herc năm 1973, lúc này ông đang chơi breakbeat tại một buổi block party. Ảnh: nguồn internet.

Sự ra đời của rap đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi. Tuy vậy, người ta chấp nhận rộng rãi rằng nhạc rap đã được khai sinh ra từ nhiều thế kỷ trước, đến từ vùng đất ở Tây Phi. Trong lịch sử của người Tây Phi luôn tồn tại những nhà sử học và họ kể câu chuyện của vùng đất của họ với nhịp trống đơn giản.

Bên cạnh đó, cũng có luồng thông tin khác chứng minh các nghệ sĩ dân gian vùng Caribe cũng kể những câu chuyện của họ bằng những bài hát đồng dao, từ đó đặt nền móng cho sự ra đời của nhạc rap.

Sự ra đời của nhịp lặp

Mặc dù thời điểm chính xác về sự ra đời của nhạc rap vẫn còn được tranh luận, nhưng không thể phủ nhận rap được bắt đầu chơi rộng rãi khi các DJ (Disc jockey- những người chuyên chọn và phát nhạc trong các bữa tiệc) ở New York lấy các bộ gõ từ nhạc disco, soul hay funk để tạo ra được nhịp nền lặp đi lặp lại.

Từ đó, nhiều người công nhận DJ Kool Herc được coi là người khởi xướng ra thể loại này. Những buổi tiệc tùng thời học sinh của ông vào những năm 1970 là nơi bắt đầu cho những ý tưởng mà ông đang phát triển, bằng việc sử dụng hai bàn xoay đĩa của mình để tạo ra các vòng lặp, chơi nhịp lặp đi lặp lại, kéo dài phần nhạc đệm của bài nhạc ra. Trong buổi tiệc đó, sau khi nhận ra rằng nên có một người giữ đám đông phấn khích, lúc này ông mời người bạn của mình là Coke La Rock để làm việc đó, vòng lặp của rap được ra đời. Nơi ra đời của hiphop hiện đại được coi là tại 1520 Sedgwick Avenue, quận Bronx, tiểu bang New York.

Hiphop bắt được xu hướng

Ở quận Bronx, làn sóng yêu thích hiphop không dừng lại. Những năm 1970 không cấm cản DJ phát triển, bao gồm những cái tên huyền thoại khác đến từ Bronx như Afrika Bambaataa và Grandmaster Flash. Trong suốt khoảng thời gian đó, DJ đã trở thành hiện tượng, hát nói cũng nổi lên. Kurtis Blow là nghệ sĩ nhạc rap đầu tiên ký với Mercury Records vào năm 1979. Nhóm nhạc The Fatback và Sugar Hill Gang cũng phát hành những album chính thức, luôn nằm trong top 40 Billboard trong suốt năm sau đó. Những bản thu âm này chủ yếu do các nghệ sĩ hát lời nắm phần điều khiển bởi hầu hết những DJ thời đó không quan tâm đến bản thu âm của họ, mà chỉ quan tâm đến không khí “quẩy” ở những buổi tiệc tùng.

Vào những năm 80, DJ Grand Wizard Theodore bất ngờ sáng kiến ra hành động “cào cấu” và kỹ thuật thả kim (needle drop) không những đưa rap lên tầm cao mới mà còn tạo ra sáng kiến mới cho DJ chơi nhạc.

 

Snoop Dogg (trái) và Jay-Z (phải) là hai rapper giàu nhất thế giới, tài sản của Jay-Z khoảng 1 tỷ USD. Ảnh: nguồn internet.

Vào năm 1982, MC Melle Mel và Ed “Duke Bootee” Fletcher ra mắt một bài hát. Mặc dù ra mắt dưới cái tên “Grandmaster Flash” và “Furious Five”, nó thực sự là một dự án đầy đam mê giữa họ trong nỗ lực thay đổi những nội dung được hát và đẳng cấp của dòng nhạc này. Bài hát đó đánh dấu sự lụi tàn của khuynh hướng DJ hiphop và mở ra một kỷ nguyên mới cho người người đọc rap. Bài hát được mang tên “The Message”.

Kỷ nguyên “Vàng” của nhạc rap

Cho đến năm 1984, vần và rap còn rất đơn giản. Sự phát triển của ngành âm thanh và những kỹ thuật được chế ngự dưới bàn tay của những người hát rap trước đây, đã khai sinh ra một thế hệ rapper mới, được biết đến với cái tên “the Golden Era”.

Vào “kỷ nguyên mới” này ở New York nơi mà những ca khúc hay album được ra mắt đã mang màu sắc, âm điệu và hướng đi của nhạc rap hiện đại, mỗi rapper luôn sáng tạo cho mỗi tác phẩm của họ, bao gồm Eric B. & Rakim, Run-DMC, Quest, Public Enemy. Nhịp dày đặc hơn, hát rap nhanh hơn, và công nghê lấy mẫu cũng tăng vọt. Nó cũng trùng hợp vào giai đoạn lời bài hát trở thành một hình thức phản đối mạnh mẽ, tập trung vào những bất công của xã hội, được khơi mào bởi Melle Mel và Duke Bootee.

Cạnh tranh bùng nổ

Những năm 1990 chứng kiến sự chia rẽ trong cộng đồng rap, cụ thể là sự khác biệt trong các quyết định phát triển, từ đó phân chia phong cách và nội dung giữa bờ Đông và bờ Tây. Ngoài những khác biệt về phong cách, có một sự tồn tại của những cá nhân gây ra sự rạn nứt trong thế giới nhạc rap, cụ thể là Tupac Shakur và The Notorious B.I.G.

Sau những vụ lùm xùm xảy ra, những tranh cãi xung quanh lắng xuống… Lúc này tên tuổi như Jay-Z và Snoop Dogg trở nên phổ biến ở cả hai bờ biển và giúp rap vượt qua những tranh cãi, xung đột trước đây, một tín hiệu cực tốt cho dòng nhạc này trước khi đến với thời kì cực thịnh.

Những nữ rapper đầu tiên tham gia

Trong khi những năm 90 chứng kiến cuộc xung đột của hai bên bờ biển, cũng là lúc chứng kiến sự bùng nổ của các rapper nữ, mặc dù có nhiều nội dung phản cảm với phụ nữ lúc đó, nhưng chính những sự thay đổi trong định kiến của người phụ nữ đã giúp dòng nhạc này một lần nữa được lột xác trong giai điệu ngày càng tốt hơn mở đường cho những ngôi sao nhạc rap mà chúng ta biết hiện nay.

Salt-N-Pepa, MC Lyte, Queen Latifah và Yo Yo đã thành công, trong khi Da Brat và Lauryn Hill là một trong số những người đầu tiên được chính thức công nhận với bản thu âm được chứng nhận platinum (bạch kim) với doanh số bán ra và thành tích đáng kể tại các giải Grammy.

Sự gia nhập của nhiều Rapper trẻ

Từ năm 2000 trở đi, phần còn lại của lịch sử, công nghệ phát trực tuyến và những tiến bộ công nghệ mới cho phép tạo ra nhiều sắc thái hơn, nhiều cảm xúc hơn với thể loại này, hỗ trợ những phương pháp lấy mẫu, triển khai nhịp và phương pháp phân phối nhạc.

Lúc này, xu hướng là hướng tới các rapper trẻ tuổi, những người có khả năng sáng tạo, nhiều ý tưởng khiến cho dòng nhạc này trở nên gần gũi hơn bao giờ hết. Chính điều đó đã giúp hình thành nên một thể loại dễ nghe hơn, dễ tiếp cận hơn và có nhiều sự quý mến như hiện nay.

Nhạc rap tại Việt Nam

Ở Việt Nam rap bùng phát mạnh từ những năm 1997 đến 2005... Trong giai đoạn này, với sự phát triển mạnh của mạng internet và dịch vụ thu âm nên đã có nhiều rapper Việt xuất hiện đến mức không thể kiểm soát nổi con số. Tuy nhiên, giai đoạn này rap Việt bị đánh giá là mang tính bột phát, sự phát triển hỗn loạn, không chiều hướng.

Kể từ năm 2006, rap Việt đã trở thành một làn sóng, được giới nghe nhạc trẻ tuổi yêu thích. Những cái tên được người ta chú ý nhiều đến như: Andree, Đinh Tiến Đạt, LK , Lil Shady, Kyo và rapper nữ Suboi… Từ năm 2010 đến nay là một loạt những tên tuổi đánh dấu bước phát triển ngoạn mục của rap Việt như: JustaTee, Mr.T, BigDaddy, Rhymastic, Kimmese, Karik, Sơn Tùng M-TP, Đen Vâu, Binz…

 

Hai chương trình tìm kiếm tài năng nhạc rap trên sóng truyền hình đang được giới trẻ Việt Nam cuồng nhiệt đón nhận. Ảnh: nguồn internet.

Với Karik, năm 2011 anh trở thành rapper trong nước đầu tiên đoạt giải MTV Việt Nam; năm 2018, anh kết hợp cùng Orange trong ca khúc “Người lạ ơi”, bản hit đình đám đạt hàng trăm triệu view, càn quét tất cả các bảng xếp hạng âm nhạc trong nước một thời gian dài. Đen Vâu được mệnh danh là “nhà thơ làng rap Việt”. Sản phẩm nào của anh tung ra tuy mộc mạc và tốn rất ít chi phí đầu tư nhưng cũng lại nhanh chóng lọt top thịnh hành với hàng chục triệu view như: “Anh đếch cần gì nhiều ngoài em”, “Hai triệu năm”, “Lối nhỏ”... Đặc biệt, MV “Bài này chill phết” mang về cho anh những con số vô cùng ấn tượng với hơn 100 triệu view… Còn với rapper Wowy, năm 2019 anh đưa nhạc rap vào phim điện ảnh “Ròm” - phim điện ảnh đoạt giải cao nhất tại Liên hoan phim Quốc tế Busan, đánh dấu mốc nghệ sĩ tiên phong mang rap Việt vươn ra thế giới.

Và dù trong năm 2020 rap Việt được lên sóng chính thức ở 2 đài truyền hình lớn trong nước là Truyền hình Việt Nam - VTV và Truyền hình TP. Hồ Chí Minh - HTV và được giới trẻ phát “cuồng” đón nhận, nhưng ngoạn mục nhất chính là đêm chung kết chương trình “Rap Việt”, “King of Rap” đã thu hút đông đảo số lượng khán giả, riêng “Rap Việt” đã có tới 1,2 triệu lượt xem trực tuyến trên Youtube, thuộc hàng cao nhất của các show giải trí trong nước.

Minh Quang (tổng hợp)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy