Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024
19:22 (GMT +7)

Đoàn Nghệ thuật Thái Nguyên:Mạnh dạn phá cách, nâng tầm chuyên nghiệp

VNTN - Tự tin khai thác yếu tố nghệ thuật đương đại như một sự dấn thân tìm tòi và khám phá cái mới; không chỉ có mồ hôi, nước mắt mà cả máu đã rơi trên sàn tập, các nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Nghệ thuật Thái Nguyên đã cống hiến hết mình cho một “Sắc hồng nơi gió ngàn” ấn tượng, khác lạ tại Hội thi Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015 vừa qua.


Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Sắc hồng nơi gió ngàn” được xây dựng theo trình tự: Con người từ thủa khai sinh lập địa đi tìm, khai phá đất đai, trong lao động, sản xuất, tình yêu được nảy nở đơm hoa kết trái; tái hiện hình tượng các anh hùng dân tộc lập nước và giữ nước; ca ngợi nền văn hóa đậm bản sắc vùng miền, những danh lam thắng cảnh, trà đạo, văn hóa nổi bật Thái Nguyên… Với mức kinh phí đầu tư hơn 1 tỷ đồng, dàn diễn viên trực tiếp trên sân khấu và các bộ phận phục vụ khác là 70 người, thành tích Đoàn đạt được trong Hội thi rất đáng khích lệ, gồm Huy chương Bạc cho chương trình nghệ thuật, 1 Huy chương Vàng (tác phẩm múa), 3 Huy chương Bạc tiết mục (2 múa và 1 ca).

 

Để chọn được một nét đặc trưng nổi bật của Thái Nguyên để đem lên sân khấu thì không khó, bởi đây là tỉnh trung tâm vùng với nhiều lợi thế cả về kinh tế lẫn văn hóa, giáo dục…, song làm thế nào để những sáng tạo nghệ thuật không còn trong vòng luẩn quẩn với chè, với thép nữa thì lại là điều không dễ với các đạo diễn, biên đạo. Trăn trở và nung nấu về sự đổi mới, Đoàn Nghệ thuật Thái Nguyên đã chọn hướng đi khai thác sâu về bản sắc văn hóa dân gian và dân gian đương đại. Ý tưởng này tạo cơ hội cho diễn viên cọ sát, tiếp cận cái mới và phát huy khả năng diễn xuất của mình. Nghệ thuật đương đại có sự kén chọn khán giả, song trong “Sắc hồng nơi gió ngàn” là sự hòa trộn khá cẩn trọng, vẫn giữ cốt lõi bản sắc truyền thống kết hợp với ngôn ngữ đương đại chứ không hoàn toàn là đương đại. Trong hầu hết các phần múa, yếu tố đương đại và truyền thống được gắn kết chặt chẽ, một sự tiếp cận mới mẻ nhưng không xa lạ với công chúng.

Múa “tinh sương”

Được đầu tư một cách kỹ lưỡng, tâm huyết hơn cả là các tiết mục múa, bởi đây là loại hình tạo môi trường mở cho sức sáng tạo của các biên đạo, nghệ sĩ. Tác phẩm múa “Tìm về đất mới” mở màn chương trình ấn tượng, nổi bật thủa hồng hoang với sự sinh sôi, nảy nở của tình yêu và những mầm xanh; hát Akabella “Huyền thoại hồ Núi Cốc” - một bản phối hiện đại, không có nhạc, hát bằng sự tự cảm, yêu cầu dàn ca sĩ phải chắc nhịp, các trường độ, cao độ chuẩn xác. Có thể nói đây là một tiết mục nghệ thuật đỉnh cao, khác hoàn toàn với các bản phối truyền thống mà khán giả từng được nghe trước đó, mang đến phong cách âm nhạc mới lạ, thậm chí khó cảm nhận nhưng độc đáo; tiết mục múa “Phút thăng hoa” mang đậm bản sắc, hình tượng con người dân tộc Dao. Mỗi diễn viên được ví như một nét hoa văn trong tổng thể tấm thổ cẩm xinh đẹp, vô cùng tinh xảo, cầu kỳ của người Dao; múa “Tinh sương” khám phá đặc sản chè Thái Nguyên không chỉ ở hình ảnh đồi chè, hay những cô gái hái chè mà sâu hơn, chắt lọc sự tinh túy ở hình tượng hương chè đầy lãng mạn, thi vị…

Để có được 90 phút tỏa sáng trên sân khấu này, hơn 50 ca sĩ, diễn viên của Đoàn đã kiên trì tập luyện ròng rã gần 3 tháng. Với yêu cầu của hội thi là các đoàn có dàn nhạc chơi trực tiếp, Đoàn Nghệ thuật Thái Nguyên với các bản phối mới yêu cầu kỹ thuật cao, nhạc công gần như phải tập mới hoàn toàn ở nhiều loại nhạc cụ không phải sở trường. May mắn là Đoàn vẫn duy trì và phát triển được dàn nhạc từ trước, tuy nhiên việc tập luyện cũng vô cùng gian nan. Đối với diễn viên, ca sĩ, không chỉ miệt mài trên sàn tập tối ngày, họ còn phải tham gia các buổi diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị được tỉnh giao trong năm ở các bản làng vùng sâu vùng xa, đi về trong ngày nên khá vất vả. Thời gian chuẩn bị cho hội thi, ai đến Đoàn cũng dễ dàng bắt gặp cảnh diễn viên mải mê với các động tác múa mà quên bữa trưa, hay 11 giờ đêm vẫn lặng lẽ trên sàn tập. Nhiều người bong gân, sái tay chân, còn việc bị trầy xước thì là chuyện… thường ngày ở huyện!

Diễn viên Nông Thanh Tùng, vừa là biên đạo, đồng thời đảm nhận vai trò diễn viên múa chính trong tác phẩm múa mở màn “Tìm về đất mới” (đoạt Huy chương Vàng). Đằng sau niềm vinh dự ấy, là sự “trả giá” bằng những vết trầy trụa khắp cơ thể, bị sái tay khi thực hiện những động tác múa khó, đòi hỏi kỹ thuật cao. Tuy vậy Tùng cũng không dám nghỉ tập nhiều, phải vừa uống thuốc giảm đau, vừa chịu đựng để tập. Nhắc chuyện, Tùng vui vẻ bộc bạch: cả đoàn hiện chỉ có 5 diễn viên múa là nam, mình đảm đương khá nhiều phần múa nên rất căng thẳng. Vui vì thành tích đã đạt được, đó cũng là niềm tự hào chung cho Đoàn, bởi “các kỳ hội diễn trước đoàn mình chưa có được huy chương vàng nào về múa cả”. Cũng là một Solist trong chương trình, Nguyễn Thanh Thúy nhận được sự quan tâm đặc biệt bởi sự lao động miệt mài đến quên mình. Trong 10 tiết mục của chương trình tham gia hội thi có 4 tiết mục múa, thì cả 4 Thúy đều giữ vai trò múa chính. Áp lực, vất vả vô cùng, thời gian tập luyện Thúy phải gửi con nhà bố mẹ, ngày nào cũng 11, 12 giờ đêm mới về, nhiều khi kiệt sức Thúy tụt huyết áp, phải truyền nước, xông thuốc liên tục. Hôm tổng duyệt, cả đoàn được phen “hú vía” khi phải gấp rút đưa chị về nhà để bác sĩ chăm sóc.

Nói về những vất vả cũng như thành công sau cuộc thi, Biên đạo múa, Phó Giám đốc Đoàn Nghệ thuật Thái Nguyên Trần Thị Thanh không giấu diếm niềm vui, song chị cũng chia sẻ nhiều trăn trở: Đối với nghệ thuật chuyên nghiệp, cái khó là dù chương trình dàn dựng tốn kém, công phu, có nhiều tiết mục đầu tư cả trăm triệu đồng nhưng sau khi “tranh tài” thì không thể sửa để đem đi vùng sâu vùng xa diễn lại được. Chất lượng chương trình thì qua các giải thưởng cũng đã thể hiện rõ sự thành công của các nghệ sĩ. Tuy vẫn còn những điều chúng tôi tự thấy chưa thực hài lòng, như các tiết mục ca chưa khai thác được hết tiềm năng chất giọng ca sĩ, bản lĩnh sân khấu diễn viên chưa thực tốt…, chúng tôi sẽ chú trọng quan tâm rèn luyện, nâng cao hơn nữa thời gian tới.

 

Vẫn còn đâu đó những băn khoăn về sự phá cách và làm mới với nghệ thuật đương đại, nhưng điều quan trọng là các nghệ sĩ Thái Nguyên đã dám tìm tòi và nỗ lực với sự sáng tạo của mình để nâng tầm chuyên nghiệp, điều đó đáng để họ nhận được sự tin yêu của công chúng tỉnh nhà.

Lê Đình

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy