Điện ảnh Việt Nam ra biển lớn cách nào?
VNTN - Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21 (LHPVN 21) khép lại với những Bông sen Vàng, Bông sen Bạc (BSV, BSB) được trao cho các tác phẩm, cùng những hội thảo, triển lãm và các cuộc giao lưu với khán giả tại Vũng Tàu phần nào đã phác họa diện mạo điện ảnh Việt Nam hiện tại… Nhưng tựu trung vẫn là mừng ít, lo nhiều…
Những Bông sen Vàng: Phim xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc, Diễn viên nam phụ xuất sắc, Âm thanh xuất sắc, Họa sĩ thiết kế mỹ thuật xuất sắc, dành cho phim “Song Lang” của đạo diễn Leon Quang Lê (trước đó phim từng đoạt Cánh diều Bạc 2018, Ngôi sao xanh 2018, Phim xuất sắc Hội Điện ảnh TP Hồ Chí Minh 2018, và hàng loạt giải thưởng quốc tế khác), không ngoài dự đoán của mọi người, và có thể xem đây là “Vàng” xứng đáng. Những BSV- BSB ở các thể loại khác của LHPVN 21 như phim Tài liệu, phim Khoa học, phim Hoạt hình nói chung đều được sự đồng thuận cao của Ban giám khảo.
Từ những đổi mới… LHPVN 21 do Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức, diễn ra từ ngày 23 đến 27/11/2019 đã đổi mới ngay từ khẩu hiệu “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam dân tộc, nhân văn, sáng tạo và hội nhập”. Với sự tham gia tranh giải Bông sen Vàng của 16 phim truyện điện ảnh, trong đó có 4 phim của các hãng phim Nhà nước và phim Nhà nước “góp vốn 70%”, 29 phim tài liệu, 20 phim hoạt hình và 9 phim khoa học, được xem như là một thành công của LHPVN 21, cho dù số phim tham dự, nhất là với phim truyện điện ảnh vẫn chưa thể hiện hết tiềm lực của điện ảnh Việt Nam.
Sự mới mẻ, ấn tượng tại Lễ khai mạc, Bế mạc đến từ việc kết hợp công nghệ làm hình nền minh họa cho các tiết mục nghệ thuật, cũng như cách “bắn” hình giới thiệu các tác phẩm tham gia tranh giải Bông sen, tạo sự liên tưởng về sự năng động trong điện ảnh Việt Nam thời 4.0. Điểm mới gây ấn tượng mạnh với khán giả chính là cuộc triển lãm “Biển đảo Việt Nam qua góc nhìn điện ảnh” của Viện phim Việt Nam, mang đến cơ hội được chiêm ngưỡng gần như toàn bộ những hình ảnh tuyệt đẹp về biển đảo Việt Nam trong các bộ phim đã để lại dấu ấn mấy chục năm qua, cùng với đó là cuộc trưng bày các máy quay phim, chiếu phim “xưa” của các Hãng phim Giải phóng, Hãng phim truyện Việt Nam, Hãng phim Tài liệu - Khoa học Trung ương… từ thời chiến tranh. Hai cuộc hội thảo chuyên môn đều mang tính thời sự: “Bối cảnh quay phim tại Việt Nam” và “Nâng cao chất lượng điện ảnh Việt Nam trong hội nhập quốc tế”, giúp các nghệ sĩ, nhà quản lý và công chúng hiểu thêm về điện ảnh Việt Nam ở thời điểm hiện tại cũng như nhìn nhận những nền tảng, cơ hội và cả thách thức trong việc hội nhập với sân chơi điện ảnh quốc tế. Bằng những hình ảnh slide, clip sinh động để nói về những cơ hội và thách thức trong việc xây dựng Việt Nam thành phim trường quốc tế cũng như biến phim trường thành địa điểm du lịch thu hút khách. Đưa ra nhiều giải pháp cụ thể để giải quyết các vần đề còn khúc mắc, tham luận của Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế - Bộ VHTTDL Trần Nhất Hoàng nhận được sự quan tâm đặc biệt. Nhà báo Trần Việt Văn - báo Lao động, thành viên giám khảo hạng mục phim Tài liệu - Khoa học, cũng đặt ra những vấn đề rất thiết thực cho điện ảnh Việt Nam: Hội nhập với điện ảnh đương đại thế giới hay đường ra biển lớn luôn là khát khao của các nhà làm phim Việt hiện nay, nhưng ra bằng đường nào và cách nào? Phải chăng cứ phim mang nội dung càng sex, càng bạo lực, càng lạ, không mang hồn cốt Việt truyền thống, và nếu lồng vào đó những ý tưởng phản kháng chế độ, phản biện xã hội thì càng dễ đươc khen?... Điểm mới nữa là, các Ban giám khảo của LHPVN 21 được trẻ hóa khá nhiều. Có sự xuất hiện của các nhà báo kỳ cựu có uy tín nghề, các thành viên là giáo viên chuyên ngành trong các trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, việc “thẩm định” chấm giải vì thế mà mang tính chuyên nghiệp cao. Đối với phim tham dự, điểm mới là đề cập đa dạng các đề tài, đặc biệt những đề tài có tính nhạy cảm như đồng tính, chủ quyền biển đảo, hay vấn đề toàn cầu đang nóng về môi trường, nhiều câu chuyện từ lịch sử truyền thống - khám phá công nghệ cao - tình yêu với thiên nhiên…, hiện thực đương đại trong phim hoạt hình.
Vẫn là… mừng ít lo nhiều LHPVN 21 đã khép lại, tuy nhiên không phải tất cả những BSV, BSB đã thật sự lấp lánh đúng chất “vàng”, chất “bạc” về mọi mặt, để có thể vững tin rằng điện ảnh Việt Nam đang phát triển, đang khởi sắc, hay đang tiệm cận với điện ảnh thế giới, để có thể thỏa mãn là ta đã gần với Oscar, Cannes, Venice, Berlin, Bafta… Phim truyện điện ảnh là tấm gương phản ánh rõ nhất sự phát triển của điện ảnh quốc gia. 16 phim đủ tư cách tham dự giải là con số quá khiêm tốn nếu nhìn vào danh mục phim sản xuất và ra rạp (khoảng 70 phim trong hai năm 2018 - 2019). Ở thể loại này vẫn thấy rõ ba nhóm là tốt - trung bình - kém, vì thế cuộc đua tranh BSV không hề có tính quyết liệt giữa các phim. Dòng phim thị trường có vị trí áp đảo hơn. Giải thưởng BSB cho phim Nhà nước bỏ vốn 70%, được gọi là phim “nghệ thuật” về đề tài chiến tranh, thì cũng là một phim hơi kém màu, còn nhiều lỗi… Điểm yếu nhất hiện nay của phim điện ảnh Việt vẫn là kịch bản, đề tài, cách xác định và thể hiện vấn đề, cách kể chuyện, cách phản ánh nhân vật sao cho giống thực nhất đang là vấn đề lớn mà Điện ảnh Việt phải đối mặt. Phim hoạt hình dù đã rất tiến bộ về kỹ thuật tạo hình, công nghệ làm phim, nhưng nội dung vẫn bị lặp lại, cách kể chuyện cũ, thiếu hấp dẫn. Phim tài liệu vẫn là tình trạng cách thể hiện thiếu sáng tạo, phong cách làm phim cũ như: Áp đặt nhân vật “diễn” quá nhiều, thuyết minh nhiều, câu chuyện lan man không điểm nhấn... Với Phim khoa học thì gần như lẫn với phim tài liệu nên sức thuyết phục chưa cao, đôi khi quá nặng nề hình ảnh minh họa mà thiếu trải nghiệm thực tế. Nhìn vào danh sách 20 phim hoạt hình, 9 phim khoa học và 29 phim tài liệu tham dự tranh giải năm nay có thể thấy đây vẫn là sân chơi của các hãng phim nhà nước quen thuộc như Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học TW, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, Ban Khoa giáo - Đài Truyền hình Việt Nam, Điện ảnh Quân đội nhân dân... Điều đó cho thấy, việc xã hội hóa vẫn chưa chạm tới các thể loại này. Vì thế, ngoài điểm yếu là “một màu”, thì cuộc thi còn hạn chế sự đua tranh về sự đa sắc, đa phong cách… Hội thảo tuy rằng thiết thực, song để tìm ra những giải pháp cụ thể, đổi mới thật sự được thực hiện ngay sau LHPVN 21 thì vẫn chưa xác quyết được, bởi sự vắng mặt của rất nhiều ngành liên quan.
Điện ảnh Việt cần làm gì lúc này? Ông James Cheatley - Giám đốc phụ trách châu Á - Thái Bình Dương của MPA cho rằng, Việt Nam cần có một đầu mối liên lạc để các nhà làm phim nước ngoài kết nối. Đầu mối này có thể giúp các đoàn làm phim các khâu thực hiện như: xin giấy phép như thế nào, kết nối với các địa phương, điều gì có thể và không thể khi đến quốc gia này... Việt Nam cần có cơ chế, chính sách cụ thể và rõ ràng về việc đón các đoàn làm phim quốc tế vào làm phim. Cần có chính sách rất đầy đủ như hoàn thuế, ưu đãi các đoàn làm phim vào Việt Nam, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực, thủ tục, hỗ trợ thiết bị... cung cấp thông tin một cách minh bạch và đầy đủ.
Qua ý kiến của James Cheatley, có thể thấy việc hợp tác với nước ngoài trong dự án chiến lược “Việt Nam thành phim trường quốc tế” của chúng ta còn khá nhiều hạn chế. Nên chăng cần đề nghị bổ sung quy định pháp lý, phương pháp để tạo điều kiện cho các dự án hợp tác phim như: Hoàn thuế, thủ tục hải quan, nhập cảnh người và thiết bị...; tăng cường quảng bá bằng cách lập trang mạng xã hội, website và xây dựng các kế hoạch, chương trình, chiến dịch giống như ngành Du lịch đã marketing cho địa điểm du lịch những năm qua… Một trong những giải pháp tiềm năng là khuyến khích các ngôi sao điện ảnh Việt Nam quảng bá bối cảnh quay phim tại Việt Nam; khuyến khích doanh nghiệp chủ động, hoàn thiện dịch vụ... Một nền điện ảnh chuyên nghiệp đủ sức cạnh tranh, giải quyết những vấn đề nhân lực thôi là chưa đủ. Trong giai đoạn hội nhập, khó tránh khỏi việc phải đối mặt với sự phân mảng về thị hiếu, thiếu ổn định về chất lượng và hơn hết là vẫn còn loay hoay trong định hướng. Điều quan trọng nhất lúc này đối với các nhà sản xuất phim Việt Nam, thiển nghĩ đó là sự nhạy bén trong nắm bắt xu hướng và việc lên chiến lược định hướng sản phẩm rõ ràng. Thêm vào đó, cách dung hòa giữa cái tôi sáng tạo của bản thân và thị hiếu khán giả cũng rất quan thiết. Chúng ta có thể lồng ghép những yếu tố văn hóa thông qua ngôn ngữ điện ảnh thay vì chỉ ngôn ngữ nói…
Hoài Hương
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...