Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
01:50 (GMT +7)

Điện ảnh Việt đã có mùa phim hè?

VNTN - Tính đến hết tháng 7/2019, theo lịch công chiếu chính thức, sẽ có 8 phim Việt ra rạp trong mùa hè này. Người yêu điện ảnh Việt Nam có thể lạc quan, tin tưởng về sự dịch chuyển của điện ảnh nước nhà, bước đầu tạo nên dấu ấn hình thành cho mùa phim hè? 

Theo dự kiến, trong năm 2019 số phim Việt ra rạp dự kiến là 71 phim. Có thể thấy sự phân chia trải rộng theo mùa, không chỉ là mùa phim Tết như cách đây mấy năm mà còn mùa phim hè, phim mùa thu, phim mùa Noel. Trung bình hiện nay mỗi năm có khoảng 35- 40 phim Việt ra rạp. Con số này có sự tăng trưởng dần đều qua từng năm. Theo số lượng thống kê từ trang phim Moveek, số lượng phim Việt tăng từ 12 phim (2011) lên 21 phim (2012, 2013), 24 phim (2014), 40 phim (2015), 42 phim (2016), 36 phim (2017), 42 phim (2018).

Kỷ lục của phim Em chưa 18 (kinh phí 12 tỷ đồng) của mùa hè 2017 với doanh thu 171 tỷ đồng vẫn chưa phim nào phá được. Hè 2018 không có phim nào tạo dấu ấn bởi bị các phim bom tấn Hollywood “đè bẹp” như: Avengers: Cuộc chiến vô cực (Avengers: Infinity war); Quái nhân Deadpool 2 (Deadpool 2); Solo: Star Wars ngoại truyện (Solo: A Star Wars Story -); 11 tên cướp thế kỷ (Oceans Eleven); Thế giới khủng long 2: Vương quốc sụp đổ (Jurassic World: Fallen Kingdom); Người kiến và chiến binh ong (Ant man and the Wasp); Tòa tháp chọc trời (Skyscraper); Mama Mia: Yêu lần nữa; Nhiệm vụ bất khả thi: Sụp đổ...

 

Phim Việt mùa hè 2019

 Ở những năm đầu thời mở cửa, điện ảnh Việt đã trải qua thời gian dài phải nhường hẳn mùa hè cho phim ngoại tung hoành trên sân nhà. Kể từ Dòng máu anh hùng (2007), phim Việt mới bắt đầu có mùa phim hè. Tuy phong độ không thật ổn định, song đã có những mùa hè phim Việt cạnh tranh sòng phẳng với phim ngoại ra mắt cùng thời điểm với doanh thu không thua kém, thậm chí còn hơn, như Em chưa 18 và Lật mặt 2 của năm 2017.

 

Một cảnh trong phim “Em chưa 18”

Mùa phim hè tại Hollywood chính thức khởi động từ tháng 4 và kéo dài đến hết tháng 7, vì thế hè cũng là thời điểm rất nhiều bom tấn của Hollywood đổ bộ ào ạt vào thị trường Việt. Các năm trước gần như phim Việt “mất hút” hoặc chìm trong các loạt bom tấn của họ.

Một tín hiệu đáng mừng là hè 2019 đang có lợi thế với phim Việt, khi các bom tấn Hollywood đổ vào Việt Nam không rầm rộ như những năm trước, ngoại trừ một vài phim đáng trông đợi như: Đại úy Marvel (Captain Marvel); Avengers: Hồi kết (Avengers: Endgame), còn những phim khác không mấy nổi bật: Sát thủ John Wick: Phần 3 - Chuẩn bị chiến tranh (John Wick: Chapter 3- Parabellum); X-Men: Phượng hoàng bóng tối (X-Men: Dark Phoenix); Đặc vụ áo đen: Sứ mệnh toàn cầu (Men in Black: International); Chuyện ngày xưa ở... Hollywood (Once upon a time in Hollywood); Hobbs & Shaw - ngoại truyện của Fast & Furious. Tháng 5, 6 có live- action Thám tử Pikachu (Detective Pikachu); Vua sư tử (Lion King)… nhưng những dự án này với số đông khán giả Việt không quá hấp dẫn so với các dự án hành động hay phiêu lưu khác đã từng chiếu ở Việt Nam trước đó.

Trong khi đó, lượng phim Việt ra rạp tại thời điểm này khá ồ ạt. Tháng 4 có Lật mặt: Nhà có khách. Tháng 5 chứng kiến cuộc đổ bộ của 5 phim: Người vợ ba, Ước hẹn mùa thu, Tháng 5 để dành, Cà chớn anh đừng đi và Vô gian đạo, rải đều khắp các tuần. Tháng 6 là cuộc hẹn của 2 phim Thiên linh cái và Thật tuyệt vời khi ở bên em. Lịch chiếu của tháng 7 hiện tại vẫn còn trống, khả năng bổ sung nhiều dự án là hoàn toàn có thể.

Xét về mặt doanh thu phòng vé Việt mùa hè 2017, có 2/10 phim thắng lớn là Em chưa 18 và Tháng năm rực rỡ; 2 phim hòa vốn là Xóm trọ 3D và Có căn nhà nằm nghe nắng mưa, 1 phim nghệ thuật Đảo của dân ngụ cư doanh thu kém. Những phim còn lại như: Cha cõng con, Đời cho ta bao lần đôi mươi, S.O.S Sói trắng... đều thất thu. Năm 2018 phim Lật mặt: Ba chàng khuyết thắng phòng vé nhưng không phá kỷ lục của Em chưa 18 hè 2017, 100 ngày bên em cũng chỉ hòa vốn.

Mùa hè 2019 còn có 2 phim đang trong tranh cãi. Phim kinh dị Thiên linh cái của đạo diễn Hàm Trần, đã đự kiến ra rạp 19/4 rồi dời sang tháng 5, tháng 6 và hiện tại chưa biết có được ra rạp, bởi phim nói về những con người u mê bị cuốn vào vòng xoáy tội lỗi của thế giới bùa ngải, cho dù đã dán nhãn 18+ nhưng xem ra chưa thuyết phục được Hội đồng thẩm định phim vì yếu tố mê tín dị đoan. Còn phim Người vợ ba (tên tiếng Anh: Ash Mayfair) của nữ đạo diễn Nguyễn Phương Anh, sau khi đoạt nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế, phim công chiếu rạp Việt Nam từ ngày 17/5, nhưng chỉ sau 4 ngày ra rạp đã vấp phải phản ứng của cộng đồng về việc diễn viên nữ chính của phim mới 13 tuổi và phải diễn xuất những cảnh 18+, có dấu hiệu vi phạm Luật về quyền trẻ em…, nên rút ra khỏi rạp.

Thực tế, số lượng phim Việt chiếu rạp vào mùa hè so với tổng số phim sản xuất trong năm ra rạp còn rất ít, gần như các nhà sản xuất vẫn tập trung cho phim Tết, phim mùa thu và Noel, nên vào các tháng 5, 6, 7 ít phim ra rạp. Một phần cũng vì đây là những tháng tập trung nhiều bom tấn Hollywood nên các nhà làm phim Việt lâu nay thường tránh. Chưa kể những phim Việt ra rạp tại thời điểm này cũng không phải là các dự án bom tấn của các nhà sản xuất, đa phần đều là những bộ phim được thực hiện trước đó một thời gian khá lâu, đến nay nhà sản xuất mới tìm được thời điểm “trống” để ra rạp. Chất lượng của những phim này cũng ít được đầu tư cho thật tốt, bởi quan niệm phim hè không cần những tác phẩm sâu sắc, chỉ cần giải trí, vui nhộn, nhẹ nhàng…

Đề tài thanh xuân chiếm lĩnh phim hè

Trong năm 2019 ngoại trừ một số dự án đặc biệt như Hai Phượng (thể loại hành động), Người vợ ba (thể loại art house) thì điện ảnh Việt đang rơi vào trạng thái một màu với sự thống lĩnh của dòng phim thanh xuân sau thời gian đứt đoạn. Sau thành công của một loạt phim đề tài học đường, tuổi thanh xuân, tình yêu, cuộc sống của người trẻ như Em chưa 18; Cô gái đến từ hôm qua; Em là bà nội của anh; Tháng năm rực rỡ..., hiện các nhà sản xuất phim đang đẩy mạnh đầu tư dòng phim này. Đáng chú ý là doanh thu của các bộ phim có chủ đề thanh xuân khá cao. Bên cạnh 2 phim đạt doanh số hơn 100 tỉ là Em chưa 18 (171 tỉ đồng), Em là bà nội của anh (102 tỉ đồng), nhiều phim thanh xuân khác cũng thu được tiền bán vé ở mức ấn tượng trên 70 tỉ đồng, như: Cô gái đến từ hôm qua (72 tỉ đồng), Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (78 tỉ), Tháng năm rực rỡ (84 tỉ)... Chàng trai năm ấy; 12 Chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy; Yêu; 4 năm 2 chàng và 1 tình yêu... đạt doanh thu trên 40 tỉ đồng. Những con số trên đã cho thấy sự khởi sắc của dòng phim thanh xuân Việt.

Chịu ảnh hưởng dòng phim về tuổi thanh xuân của Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, thời gian gần đây Việt Nam cũng có nhiều bộ phim xoay quanh những câu chuyện của người trẻ, những mối tình tươi đẹp, ngây ngô, có nhiều yếu tố ngôn tình, lãng mạn hóa chuyện tình yêu. Đa số các phim thanh xuân này do các đạo diễn trẻ thực hiện, có màu sắc tươi mới, diễn viên trẻ đẹp, khung cảnh mộng mơ... đáp ứng thị hiếu của khán giả trẻ. Ngoài những phim đã, đang và sắp ra rạp trong mùa hè, thì nửa cuối năm 2019 còn rất nhiều phim chủ đề thanh xuân như: 90 ngày hạ; Yêu anh nhé chàng trai; Người lạ ơi - yêu mất rồi; Oppa phiền quá nha; Tháng ngày thanh xuân ấy; Mỹ nhân thần sách; Mắt biếc

Sau thành công từ Tháng năm rực rỡ, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng lại tiếp tục với tác phẩm có chủ đề tuổi trẻ, tình bạn và tình yêu Ước hẹn mùa thu, ra rạp từ 10/5, là câu chuyện hài hước, lãng mạn về số phận chàng “hot boy hôn mê” từ tuổi 17 khi đang có tình yêu đẹp với cô bạn cùng lớp và bất ngờ bị tai nạn. Phim hài, hành động Vô gian đạo của đạo diễn trẻ Trần Việt Anh ra rạp ngày 24/5 và Ngôi nhà bươm bướm của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh (dự kiến ra rạp cuối tháng 7) mang đến câu chuyện về gia đình, xã hội với ý nghĩa rộng mở về tình yêu đồng giới. Tháng 5 để dành của đạo diễn trẻ Lê Hà Nguyên vừa ra rạp đầu tháng 6, chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng trong giới trẻ Việt Ranh giới của tác giả Rain8X - một phim được cho là “âm thanh trong trẻo” của tuổi thanh xuân, những trăn trở, ranh giới giữa bản năng và lý trí, sự tò mò về giới tính của tuổi mới lớn, là bầu trời kỷ niệm với bối cảnh những năm đầu thập niên 2000 ở vùng quê Bắc Bộ, tuổi học trò gắn liền với những buổi đá bóng sau giờ lên lớp hay trò chơi điện tử Rồng Đen…

Phim đề tài thanh xuân gợi về một thời đôi mươi tươi đẹp, trong sáng không chỉ được giới trẻ yêu thích mà còn thu hút cả những người đã qua tuổi thanh xuân. Mặt khác, theo các nhà sản xuất, đầu tư phim thanh xuân không quá tốn kém, dễ làm, dễ thu hồi vốn, lại ít bị kiểm duyệt nghiêm ngặt. Bà Dương Vân Anh, Hãng phim MBC Studio, đơn vị chọn tập trung thực hiện dòng phim học đường tuổi thanh xuân (đã sản xuất phim Hạ cuối tình đầu, sắp tới là Mùa tử đằng yêu em...) cho rằng, dù đã có rất nhiều tác phẩm ra mắt, nhưng mảnh đất phim thanh xuân vẫn còn rất màu mỡ và nhiều tiềm năng.

Để tạo nên một mùa phim hè Việt đúng nghĩa, theo đánh giá của giới chuyên môn, cần hội tụ ba tiêu chí: Các phim ra rạp phải là phim bom tấn, đủ sức cạnh tranh với những phim bom tấn của nước ngoài; Nhà sản xuất phải có đủ tự tin, ấn định thời gian phát hành, lên kế hoạch truyền thông, không phải né phim trong nước, tránh bom tấn nước ngoài; Cần sự phối hợp và hỗ trợ của các cụm rạp, nhưng phải dựa trên chất lượng phim (thực tế thị phần phim Việt hiện nay chỉ ở mức 23%, trong khi mục tiêu là 50%). Và để điện ảnh Việt có mùa phim hè, rất cần sự đa dạng trong thể loại, từ phim hành động, phiêu lưu cho đến phim dành cho tuổi teen, thiếu nhi… Tức là có thể đáp ứng được nhu cầu giải trí của mọi đối tượng, điều mà điện ảnh Việt hiện tại vẫn còn loay hoay, rất khó có phim tạo nên “sốt” doanh thu phòng vé.

Hoài Hương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Phim ngắn: Có phải là vấn nạn?

Điện ảnh - Truyền hình 1 tháng trước