Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
02:18 (GMT +7)

Điện ảnh và du lịch Việt – duyên tình trắc trở

Tổ chức UNESCO từng nhận định: “Phim, hình ảnh động là những tư liệu lịch sử quý giá của mỗi dân tộc và nhân loại. Vì thế, chúng còn được đánh giá là di sản văn hóa. Thậm chí, với khả năng phổ biến rộng rãi, gần gũi với thực tế thì tư liệu, hình ảnh động càng có sức lan tỏa nhanh tới mọi đối tượng, vượt mọi biên giới đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Sức ảnh hưởng của phim, hình ảnh động tới con người ngày càng lớn trong thời đại công nghệ hiện nay”. Nhưng xem ra mối giao duyên giữa điện ảnh Việt Nam với ngành du lịch vẫn còn nhiều trắc trở, gập ghềnh… 

Cảnh trong phim “A Tourist's Guide to Love” (Hành trình tình yêu của một du khách)
Cảnh trong phim “A Tourist's Guide to Love” (Hành trình tình yêu của một du khách)

Điện ảnh thế giới và gần hơn là điện ảnh khu vực châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ… đã thành công từ rất lâu khi họ biết kết hợp với du lịch nhiều năm nay và luôn phát triền bền vững. Còn ở Việt Nam, việc “kết duyên” giữa điện ảnh - du lịch vẫn khá, trắc trở, thiếu gắn kết bền vững… cho dù cả hai “nhà” nhiều năm nay luôn cố gắng “xích lại gần nhau”.

Điện ảnh Việt và du lịch ngẫu nhiên thành duyên

Lâu nay việc “hậu” phim, bối cảnh thành địa điểm check-in du lịch gần như là tự phát sinh từ phía khán giả xem phim, hoặc các youtuber, tiktoker sau khi check-in về phát clip trên mạng để khuyến dụ các “tay chơi” thích du lịch khám phá, chứ không phải chủ động của ngành du lịch, tạo thành sản phẩm du lịch “ăn theo” phim.Các đạo diễn chọn bối cảnh đẹp với chủ đích làm cho nội dung phim nhiều cảm xúc, câu chuyện phim hấp dẫn hơn, không hề nghĩ chọn bối cảnh đẹp để sau khi phim được ra rạp, thì bối cảnh phim thành địa điểm du lịch. Có lẽ chỉ sau khi phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” - 2015, đạo diễn Victor Vũ, đã tạo cơn “bigbang” với khán giả bằng những thước phim mãn nhãn cảnh đẹp của Phú Yên, tạo nên nickname rất thơ: “Xứ hoa vàng cỏ xanh”. Và ngẫu nhiên, phim đã khơi dậy tiềm năng du lịch của cả một vùng đất, tốc độ tăng trưởng từ sau khi phim chiếu, từ 13% tăng lên trên 25%.Khán giả lại thêm mơ mộng với Huế trong phim “Mắt biếc” - 12/2019, đạo diễn Victor Vũ, như đồi Thiên An với rừng thông xanh mát và ăm ắp những bụi hoa sim tím đẹp như mộng, đồi Vọng Cảnh nhìn xuống sông Hương, khu phố cổ nổi tiếng Bao Vinh (thị xã Hương Trà), cây “cô đơn” bỗng dưng thành điểm check-in của giới teen khi đến Huế. Hay một cố đô Huế đẹp dịu dàng, thâm trầm, nghiêm cẩn mà lộng lẫy trong “Gái già lắm chiêu” - đạo diễn Namcito và Bảo Nhân. Phong cảnh sông nước mênh mang miền Tây Nam bộ trong phim “Tro tàn rực rỡ”, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên - 2022, gần nhất là phần 6 của series phim “Lật mặt” của Lý Hải, hiện đang chiếu rạp trong tháng 5/2023.

Huế hấp dẫn du khách một phần cũng nhờ sự “quảng bá ngẫu nhiên” của điện ảnh. Ảnh: QKCây “cô đơn” trong phim Mắt biếc
Huế hấp dẫn du khách một phần cũng nhờ sự “quảng bá ngẫu nhiên” của điện ảnh. Ảnh: QKCây “cô đơn” trong phim Mắt biếc

Trước đó, cao nguyên đá Hà Giang trong “Chuyện của Pao”, đạo diễn Ngô Quang Hải, “show” hình ảnh vùng đất địa đầu Tổ quốc với cao nguyên đá, núi non hùng vĩ, sông nước thơ mộng, con người nồng hậu, đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước, quốc tế cùng địa danh thung lũng Sủng Là, Đồng Văn, Hà Giang. Rồi mùa nước nổi Nam Bộ độc đáo trong “Mùa len trâu”- đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh, “Cánh đồng bất tận”- đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, phố cổ Hội An trầm mặc trong “Áo lụa Hà Đông”- đạo diễn Lưu Huỳnh, Ninh Bình, Hà Nội trong “Thiên mệnh anh hùng”- đạo diễn Victor Vũ… Năm 2012, phim “Ngọc Viễn Đông”- đạo diễn Ngô Quốc Cường, được vinh danh tại Liên hoan phim độc lập California (CAIFF) tại San Francisco (Mỹ) ở hai hạng mục “Phim có bối cảnh quay đẹp nhất” và “Nhạc phim hay nhất”.Nhà quay phim NSƯT Lý Thái Dũng chia sẻ: “Quả thật, trong phim của Việt Nam thời gian gần đây, người xem có thể thấy không ít cảnh đẹp được khai thác hết sức công phu, xuất hiện nhiều đại cảnh, thể hiện nhiều phong cách sáng tạo, cá tính hơn. Bên cạnh đó, tính độc đáo của bối cảnh còn được xem là “bảo chứng bản sắc” cho phim Việt. Và yếu tố bản sắc đặc biệt có ý nghĩa khi các nhà sản xuất muốn đem đứa con tinh thần của mình ra với thế giới”.

Hình ảnh Việt Nam gây sốt trong “A Tourist's Guide to Love”

Năm 2017, phim “Kong: Đảo đầu lâu”- Kong: Skull Island, "bom tấn" của điện ảnh Hollywood sau khi ra mắt khán giả, một loạt bối cảnh của phim ở Việt Nam đã trở thành điểm đến trong tour du lịch mới, thu hút du khách đến với 5 danh lam thắng cảnh gồm Quần thể Di sản thế giới Tràng An, Vân Long, Tam Cốc (Ninh Bình); Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Phong Nha (Quảng Bình). Cũng từ đây, ngành Du lịch Việt Nam bổ nhiệm đạo diễn Jordan Vogt-Roberts làm Đại sứ Du lịch Việt Nam nhiệm kỳ 2017 - 2020.Trước đó, đã có một số phim điện ảnh quốc tế lấy bối cảnh Việt Nam như “Pan”- 2015, “Hai cô con gái ông chủ vườn thuốc” - 2006, “Người Mỹ trầm lặng” (The Quiet American) - 2002, “Đông Dương”(Indochine) - 1992, “Người tình” (L'Amant) – 1991…; thị xã Sa Đéc, ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, bến phà sông Hậu, vịnh Hạ Long, phố cổ Hội An, nhà thờ Đức Bà... trở thành những địa chỉ check-in thu hút rất đông du khách Việt Nam và khách quốc tế đến tham quan.

Cây “cô đơn” trong phim Mắt biếc
Cây “cô đơn” trong phim Mắt biếc

Trong những ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5/2023, một cơn “sốt” khi phim “A Tourist's Guide to Love” (tạm dịch: Hành trình tình yêu của một du khách), phim của Hollywood, được sự hỗ trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam quay hoàn toàn ở Việt Nam, kinh phí hơn 10 triệu USD, chính thức lên sóng toàn cầu và độc quyền trên Netflix từ 21/4/2023. Tính đến 5/5/2023 thì phim đã chiếm vị trí số 1 trong bảng xếp hạng Top 10 toàn cầu cho Phim (tiếng Anh) với 20,92 triệu giờ xem. Phim cũng lọt vào Top 10 tại 89 quốc gia trên Netflix và xếp hạng 1 tại Canada, Costa Rica, Bulgaria, Phần Lan, Nam Phi, Việt Nam; thứ 2 tại Top 10 phim của Mỹ, thứ 3 ở Philippines; thứ 4 ở Singapore; thứ 5 ở Indonesia; thứ 6 ở Malaysia; thứ 8 ở Thái Lan. Ngày 19/4, trailer phim được phát trên bảng quảng cáo ngoài trời Quảng trường Thời đại Times Square (New York), tại góc đại lộ Sunset và Shelbourne.Đây là phim quốc tế đầu tiên quay tại Việt Nam sau đại dịch COVID-19, thuộc thể loại hài lãng mạn, của đạo diễn Steven K. Tsuchida, biên kịch người Ireland gốc Việt Eirene Tran Donohue. Câu chuyện phim đơn giản: Công việc và đổ vỡ tình cảm đưa Amanda (Rachael Leigh Cook) tới Việt Nam, trong chuyến công tác nhằm thâu tóm đơn vị lữ hành địa phương Saigon Silver Star. Cô quen Sinh Thạch (Scott Ly), hướng dẫn viên người Việt điển trai đang cố gắng vực lại công ty gia đình. Amanda thích lập kế hoạch cho mọi chuyện và luôn để ý đến từng tiểu tiết. Sinh là người phiêu lưu, luôn tìm kiếm những trải nghiệm mới và sẵn sàng cho mọi thử thách.“A Tourist's Guide to Love” giống nhật ký hành trình của vlogger du lịch khi đến Việt Nam trải nghiệm. Qua 106 phút, chuyện tình cặp đôi phát triển theo chuyến đi khám phá Nam - Trung - Bắc của nhóm du khách, từ thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Nam (Sơn Mỹ, Hội An), Hà Nội, Hà Giang… Câu chuyện tình trong phim không nhiều “phản ứng hóa học”, nhưng phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, những sinh hoạt hàng ngày đôi lúc kỳ lạ và văn hóa ẩm thực độc đáo, lễ hội đầy bản sắc truyền thống… của Việt Nam đã đủ quyến rũ.Và một điều đặc biệt, nếu là người Việt xem phim, thì chắc chắn phim chưa hấp dẫn bởi các phong cảnh quen thuộc, góc nhìn cũ với xích lô, ruộng lúa, cảnh mua bán bất cần khách, trải nghiệm băng qua đường phố; ăn những món “kinh khủng” như trứng vịt lộn,… nhưng với người nước ngoài, thì phim phần nào đã phác họa một đất nước Việt Nam không phải trong chiến tranh. Đó là một đất nước với vẻ đẹp thanh bình, văn hóa hấp dẫn, điểm đến thân thiện, con người dễ mến, vui vẻ….

Cuộc giao duyên nhiều trắc trở

Điều đáng nói duy nhất, một câu hỏi với các nhà sản xuất phim và ngành du lịch Việt Nam, tại sao lại là Hollywood làm phim du lịch Việt Nam mà không phải Việt Nam làm? Và nếu đem so sánh với những hoạt động quảng bá rầm rộ trên kênh truyền thông lớn, chi phí không nhỏ mà chỉ riêng ngành du lịch thành phố Hồ Chí Minh từng triển khai cuối năm 2022 (phát sóng video “Welcome to Ho Chi Minh City” và “Ho Chi Minh City - Vibrant City” trên kênh CNN, phủ sóng toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Bắc Mỹ trong suốt 18 ngày), hiệu ứng lan tỏa của phim “A Tourist's Guide to Love” cực lớn mà chẳng tốn kém gì.Đầu tư nhiều cho bối cảnh để làm nổi bật cảnh sắc Việt Nam trên màn ảnh rộng đang là xu hướng được nhiều đạo diễn trong nước theo đuổi. Đó không đơn thuần là “cái bắt tay” giữa nghệ thuật và du lịch, mà là đòi hỏi tự thân của điện ảnh Việt trên con đường hội nhập, hướng ra thế giới. Tại sao ngành du lịch không nắm bắt cơ hội này để “kết thân”?Đã có nhiều cuộc hội thảo, triển lãm mang vấn đề kết nối điện ảnh - du lịch, gần nhất là cuộc hội thảo chủ đề “Khánh Hòa - Điểm kết nối lý tưởng của điện ảnh và du lịch”, của Hội Điện ảnh Việt Nam ở thành phố Nha Trang trong khuôn khổ sự kiện Giải thưởng Cánh diều năm 2021, để tìm ra những giải pháp góp phần kích cầu du lịch, gia tăng gắn kết giữa điện ảnh với du lịch. Và nỗ lực cải thiện điều kiện, thủ tục cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài theo hướng tinh giản, nhanh chóng và hiệu quả hơn; áp dụng chế độ ưu đãi về thuế đối với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam vừa được cập nhật trong Luật Điện ảnh 2022.Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cũng nêu rõ: “Điện ảnh là một ngành nghệ thuật trọng điểm, một trong 13 điểm nhấn cần thực hiện khi phát triển công nghiệp văn hóa ở văn hóa… Dựa trên sự phát triển của điện ảnh cũng như sự lan tỏa của nó với thế giới thì việc kết hợp điện ảnh với du lịch sẽ góp phần tích cực thu hút thêm khách du lịch đến nước ta. Qua phim ảnh, du khách quốc tế sẽ biết đến Việt Nam - một điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn”.Hy vọng năm 2023 duyên Điện ảnh - Du lịch Việt Nam sẽ có sự gắn kết, giao duyên tạo những bước đột phá tích cực.

Hoài Hương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Phim ngắn: Có phải là vấn nạn?

Điện ảnh - Truyền hình 2 tuần trước