Thứ sáu, ngày 15 tháng 11 năm 2024
00:23 (GMT +7)

Địa hạt mới của phim tài liệu đề tài chiến tranh cách mạng

VNTN - Khoảng 10 năm trở lại đây, phim tài liệu về đề tài chiến tranh cách mạng gần như thiếu vắng trong đời sống nghệ thuật. Có nhiều lý do để biện minh cho sự vắng bóng của một phân khúc được cho là vô cùng quý giá của điện ảnh Việt Nam, nhưng tựu trung vẫn là do thiếu vắng những kịch bản chân thực có giá trị lịch sử, trang thiết bị kỹ thuật cũng như kinh phí để thực hiện phim còn nhiều bất cập. Tuy vậy, đề tài này vẫn là một “lãnh địa” nhiều sức hút, khi có những phim lần đầu ra rạp đã gây tiếng vang. 

Lĩnh vực phim tài liệu về đề tài chiến tranh cách mạng được công chiếu trên các kênh chính thống như Đài Truyền hình Việt Nam không nhiều, thậm chí có phần thưa vắng nếu không muốn nói chỉ xuất hiện vào các dịp kỷ niệm trọng đại của đất nước. Do đây đều là những phim đặt hàng của Nhà nước và được Hãng phim Tư liệu và khoa học Trung ương đảm nhận, chưa có bất kỳ một hãng phim tư nhân nào dấn thân vào lĩnh vực này. “Những cánh én đầu tiên” là bộ phim tài liệu về đề tài chiến tranh cách mạng thuộc series phim Không chiến Việt Nam do Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) đầu tư và thực hiện thông qua studio Én Bạc của trường, là một luồng gió thực sự mới mẻ. Sự thành công hết sức bất ngờ của bộ phim đã đem đến một cái nhìn lạc quan không chỉ đối với những nhà làm phim, những đạo diễn gạo cội từng sống chết với phim tài liệu nói chung, đề tài chiến tranh cách mạng nói riêng, mà ngay cả những đạo diễn trẻ, những người chân ướt chân ráo bén duyên với phim tài liệu, đều có quyền hy vọng về một địa hạt mới mà ở đó lịch sử dân tộc hiện hữu, trường tồn trong đời sống nghệ thuật đương đại.

Thành công từ những thước phim chân thực

Vượt qua những mặc định khô cứng của phim tài liệu, những yêu cầu khá cao về kinh phí, trang thiết bị kỹ thuật, “Những cánh én đầu tiên” được ê kíp thầy và trò trường Đại học Duy Tân thực hiện bằng sự sáng tạo và quyết tâm cao độ, nhằm đem đến cho khán giả trong nước cũng như bạn bè thế giới những thước phim chân thực nhất về Không quân nhân dân Việt Nam. Phim tái hiện trận chiến tại Hàm Rồng - cây cầu huyết mạch trên tuyến chi viện Bắc Nam ngày 4/4/1965 giữa lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam với lực lượng Không quân và Không quân - Hải quân Mỹ. Trong trận chiến này, Không quân Việt Nam hạ được 2 máy bay chiến đấu của Không quân Mỹ, nhưng bên cạnh đó là sự tổn thất to lớn của chúng ta khi 4 phi công chiến đấu chỉ còn 1 người duy nhất trở về. Phim sử dụng tư liệu lịch sử không chỉ ở phía Việt Nam mà còn từ Không quân Hoa Kỳ. Vì thế, trận đánh ngày 4/4/1965 được khắc họa rõ nét, đậm chất oai hùng nhưng lại không hề khoa trương hay tẻ nhạt như những bộ phim tài liệu lịch sử khác. Khởi chiếu từ ngày 9/8 tại các cụm rạp ở Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, phép màu đã đến khi lần đầu tiên, một bộ phim tài liệu cháy vé tại rạp Bà Triệu, Hà Nội.

 

Một cảnh trong phim “Những cánh én đầu tiên”

Xung quanh công việc “bếp núc” của đoàn làm phim, cũng có nhiều chuyện đáng nghĩ. Do không có điều kiện để dựng phòng quay buồng lái các tiêm kích cho phim, đoàn đã phải dựng phòng quay bằng bìa carton. Không những thế, vì không có đủ điều kiện dựng ánh sáng phim trường chuẩn, đoàn đã phải quay các cảnh phi công trong buồng lái ở ngoài trời để tận dụng ánh sáng tự nhiên, tất cả các khâu đoạn của bộ phim, từ vai trò sản xuất, diễn viên, lồng tiếng, nhạc phim v.v…, đều do người trong đoàn hoặc các thành viên tự nguyện tham gia thực hiện.

Nỗ lực để đem đến những thước phim lịch sử tái hiện nhiều góc khuất của lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam đã được đền đáp. “Những cánh én đầu tiên” đã chinh phục khán giả bằng những cảm xúc chân thật, lấy được những giọt nước mắt trân trọng từ khán giả, là niềm tự hào và biết ơn những “cánh én” đã bảo toàn không phận Việt Nam cả trong thời chiến và thời bình.

Mở ra những địa hạt mới

Hiện nay, với thế mạnh của kỹ xảo, phim tài liệu về đề tài chiến tranh cách mạng nói riêng hay phim truyện điện ảnh nói chung có thể khắc phục được một số hạn chế về bối cảnh, kỹ thuật, thậm chí cả một phần kinh phí đầu tư nhất định. Theo những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực điện ảnh, kỹ thuật quay flying-cam (quay phim bằng máy bay mô hình) đang khá phổ biến, có thể giúp ghi lại hình ảnh mô phỏng trận chiến chân thực và sống động nhất. Tuy nhiên, để phim tài liệu có sức hút như kiểu của “Những cánh én đầu tiên”, thì cần có một cuộc cách mạng toàn diện, cả về con người, quan niệm làm phim cũng như đề tài, kịch bản. Mọi thứ đều phải cuốn hút.

Trước đây, phim tài liệu chủ yếu do Hãng phim Tài liệu Việt Nam sản xuất, thường có nhiều lời bình, thể hiện ý kiến chủ quan của tác giả. Đây là điểm bất lợi của phim tài liệu, do thiếu hình ảnh, hoặc những hình ảnh được sử dụng chỉ mang yếu tố phụ trợ nên lời bình buộc phải “dầy” hơn để tăng tính hấp dẫn cho phim. Sự hạn chế này đã được các đạo diễn hãng phim nhận ra, nhưng do tư liệu lịch sử được lưu trữ hạn chế, cũng như công tác quảng bá, hợp tác giữa hãng phim với các quốc gia trên thế chưa thực sự hiệu quả, nên những tư liệu lịch sử cần và đủ để sản xuất một bộ phim tư liệu gặp không ít khó khăn. Chưa kể những hợp đồng mua bán bản quyền, lưu giữ tư liệu giữa Việt Nam với các hãng phim tư nhân quốc tế gặp rào cản lớn từ vấn đề kinh phí… Những khó khăn trên, vô hình trung trở thành “kỳ đà cản mũi”, khiến phim tư liệu về đề tài chiến tranh cách mạng càng co cụm lại.

Gần đây nhất, tại Liên hoan Phim Tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 10 (diễn ra từ ngày 31/5 đến 9/6 tại Hà Nội và TP.HCM), Việt Nam có 15 phim, không chỉ riêng của Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương, mà mở rộng còn có phim của Đài Truyền hình Việt Nam, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh Việt Nam, và của các tác giả độc lập. Nhiều phim đã đoạt giải thưởng Bông Sen vàng và Cánh Diều vàng tại các kỳ liên hoan trong nước, nhưng chỉ duy nhất có một phim lịch sử về nhà yêu nước, chí sĩ cách mạng Phan Châu Trinh, không có phim về đề tài chiến tranh cách mạng. Song đây cũng là cơ hội để điện ảnh Việt Nam đẩy mạnh mảng phim tư liệu trong dòng chảy điện ảnh Việt Nam và thế giới. Qua cọ xát từ các liên hoan phim hằng năm, các đạo diễn của Việt Nam đã nhận ra những hạn chế trong làm phim tư liệu, hình ảnh đã được đẩy lên nhiều hơn và lời bình chỉ như một điểm nhấn, đóng vai trò làm nổi bật lên ý tưởng và thông điệp của phim. Hiện các biên kịch, đạo diễn đã biết khéo léo gửi gắm nội dung muốn truyền tải vào nhân vật, để nhân vật tự cất tiếng nói, dẫn dắt chuyện phim.

Trước “Những cánh én đầu tiên”, bộ phim “Huyền thoại 1C” tái hiện cuộc chiến đấu suốt hơn 2.000 ngày đêm của những chiến sĩ trong Ðội TNXP trên tuyến đường khói lửa vận chuyển vũ khí, thuốc men, lương thực, thương binh… ở miền Tây Nam bộ cuối những năm 1960 cũng là một phim đáng kể. Các di tích lịch sử như: rừng tràm huyện Mộc Hóa (Long An), hang núi Moso (Kiên Giang), đồi Tức Dụp (An Giang), rừng Sác (huyện Cần Giờ - TP. Hồ Chí Minh)… đã được “cải tạo” làm bối cảnh phim. Ngoài ra, đoàn làm phim phải đóng 34 xuồng ba lá khác nhau, thuê đàn trâu 30 con từ Campuchia để kéo hàng trên mặt nước lệt sệt (vì trâu của ta không làm được như thế). Ðã có 457 khẩu súng các loại, 1.500 kg thuốc nổ, 300 kg khói màu, hơn 1.000 lít xăng dầu cùng trực thăng, thiết giáp… đã được sử dụng phục vụ cho các đại cảnh bom rơi đạn nổ. Tuy nhiên, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân nói rằng, có những đại cảnh chưa thật hoàn hảo nhưng không thể làm lại vì quá tốn kém, vì một phút kỹ xảo phải tiêu tốn đến cả triệu USD.

Để có một bộ phim tư liệu lịch sử, chân thực, xúc động và lấy được nước mắt của khán giả, không chỉ tốn kém về mặt kinh phí, mà còn cần sự dấn thân của cả ê kíp làm phim. Đạo diễn Trịnh Quang Tùng, Phó Tổng giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương từng chia sẻ: “Làm phim tài liệu là sự dấn thân, không chỉ đi vào những nơi hiểm nguy, khó khăn mà còn phải kiên trì, đeo bám, thuyết phục nhân vật bộc lộ. Khi đã quyết định làm phim là luôn trong trạng thái sẵn sàng, bởi nhân vật, tình huống, sự kiện không chờ và không cho phép người làm phim chần chừ một giây phút nào”.

 

Hiện trường quay một đại cảnh của phim "Đường Hồ Chí Minh trên biển”

Khi làm phim về chiến tranh, đi vào cuộc chiến có nghĩa là chấp nhận mọi điều có thể xảy ra, trong đó không loại trừ cả những nguy hiểm đến tính mạng, như khi vào cảnh bom rơi đạn nổ, cảnh vượt sóng gió của những đoàn tàu không số… Tuy nhiên, vượt lên tất cả những khó khăn đó, bằng sự dấn thân và niềm đam mê nghệ thuật chân chính, những thước phim lịch sử đã lần lượt ra đời, khẳng định vị thế của mảng đề tài đặc biệt quan trọng này trong dòng chảy điện ảnh Việt Nam. Sự thành công của “Những cánh én đầu tiên” đã như là chất men làm tăng độ “say”, độ “mặn” của dòng phim tài liệu.

Là một người tâm huyết với điện ảnh, đạo diễn Trịnh Quang Tùng bày tỏ sự lạc quan, rằng điều ông lo nhất là thiếu đội ngũ kế cận cho lĩnh vực phim tài liệu vốn được cho là khô là khó đã không xảy ra. Từ những dấu hiệu tích cực qua các kỳ liên hoan phim quốc tế và trong nước, mật độ tham gia của lĩnh vực phim tài liệu đang dần dày hơn và có nhiều giải thưởng hơn.

Sau “Những cánh én đầu tiên”, địa hạt phim tài liệu nói chung, lịch sử cách mạng nói riêng đang mở ra với một biên độ khác mới. Bởi, bên cạnh các nhà làm phim am hiểu, có kinh nghiệm vẫn tiếp tục sáng tạo, thì một lớp đạo diễn trẻ đang trưởng thành, biết kế thừa thế hệ đi trước và có sự dấn thân, tìm tòi, tạo nên những bước chuyển cho phim tài liệu Việt Nam. Gần đây, đề tài phim tài liệu đã đa dạng, hấp dẫn hơn, các nhà làm phim cũng chú trọng đến tính nghệ thuật trong mỗi khuôn hình, sao cho đầy tính khám phá, bất ngờ, cung cấp kiến thức song hành cùng tính giải trí trong mỗi tác phẩm. Hi vọng rằng, biên độ cho phim tài liệu sẽ rộng mở, đến gần hơn với khán giả chứ không chỉ đơn thuần dừng lại ở những bộ phim ra rạp đơn lẻ.

Nguyễn Phương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy