Day dứt một câu hỏi
VNTN - Các phương tiện thông tin đại chúng gần đây đưa tin những sự việc vi phạm những nguyên tắc quản lý xã hội của nhà nước trên một số lĩnh vực, được nhân dân cả nước quan tâm. Có thể kể ra đây như: ở huyện Văn Chấn (Yên Bái), một lực lượng nào đó đã huy động mấy chục xe tải chở hàng trăm tấn than khai thác trái phép đi tiêu thụ trong thời gian dài mà không thấy cơ quan chức năng hoặc chính quyền sở tại can thiệp, ngăn chặn, hoặc kiểm tra tính hợp pháp của việc làm đó; việc xây dựng khu nhà 8B Lê Trực trái quy định cho phép ở ngay một trong những địa điểm trung tâm nhất, trọng yếu nhất của Hà Nội mà không thấy đơn vị chủ quản theo dõi, quản lý; một khu nhà, nhà nghỉ, nhà hàng với quy mô khá lớn, khang trang hiện đại xây dựng ngay giữa vườn quốc gia Ba Vì (Hà Nội) bất hợp pháp vì trái mục đích sử dụng đất và chưa có giấy phép xây dựng; vài ba chục máy hút cát suốt đêm (có khi cả ban ngày) nhiều tháng ở Bắc Ninh mà không thấy cơ quan quản lý nào đến kiểm tra.
Nguồn: Intetnet
Quy trình chung của những vụ việc này là: các sự việc sai trái kéo dài gây bức xúc trong dư luận xã hội nhưng không có tiếng nói can thiệp của cơ quan quản lý; các phương tiện thông tin đại chúng đưa ra công khai và phản ánh; chính quyền địa phương thành lập đoàn thanh tra liên ngành để kiểm tra sự việc được báo chí đưa trong các bản tin, các phóng sự; bước cuối cùng là kết luận của các đoàn thanh tra, căn cứ vào kết luận đó để các cấp chính quyền xử lý nếu có sai phạm.
Vấn đề ở đây là các sự việc đó đều diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, công khai chứ không hề lén lút, cũng không phải xảy ra một sớm một chiều mà kéo dài; có quy mô lớn, huy động nhiều nguồn lực, nhiều phương tiện máy móc tiến hành trên một không gian không nhỏ. Nghĩa là mọi sự việc coi như được công khai hóa, hợp pháp hóa. Tất cả đều tồn tại, trái phép, ngang nhiên thách thức… Chúng có chung một “mẫu số” là những lực lượng làm việc phi pháp đó được hưởng lợi (có khi là rất lớn), và xem chừng tổn thất của quốc gia là không nhỏ.
Nhưng tại sao nó lại xảy ra? Đây là câu hỏi nhức nhối với nhiều người khi theo dõi các chương trình thông tin của quốc gia. Có thể đặt ra những giả thiết sau đây:
- Về phía người dân, trước sự việc sai trái mà ai cũng thấy, cũng biết nhưng không ai phản ánh cho các cấp có thẩm quyền. Có hai trạng thái tâm lý có thể xảy ra: thứ nhất là “không buồn” nói vì có nói cũng chẳng giải quyết được gì. Công an, quân đội ở khắp nơi mà họ chẳng nói, mình nói làm gì, ai nghe; thứ hai là không dám “tố”, tức là “không dám” nói. Lâu nay thư nặc danh không có giá trị, nếu tố cáo phải là người có địa chỉ, có chữ ký, dấu chứng nhận của chính quyền sở tại. Dân không dám vì sợ bị trù dập, trả thù, vì hầu như ai cũng cảm thấy sau những công trình to lớn kia có một thế lực đang “bảo kê” cho nó, nên dân không dám “vào cuộc”.
- Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước thì sao? Với các cơ quan luật pháp như thanh tra, kiểm tra (Đảng), công an thì rất cần có đơn thư tố cáo để làm bằng chứng mới vào cuộc. Nhưng như trên đã phân tích, có ai “buồn” hay “dám” tố cáo đâu, nên các cơ quan pháp luật nhà nước cứ “im lặng” như không có chuyện gì xảy ra. Dư luận cũng đặt ra nghi vấn, liệu các cấp chính quyền có bị “bôi trơn” để cho các dự án lớn ấy tồn tại hay không?
Các giả thiết trên nếu đúng thì thật vô cùng nguy hiểm, bởi một đất nước dân chủ mà dân không dám làm chủ và không muốn làm chủ. Một nhà nước pháp quyền mà các công cụ của nhà nước pháp quyền lại thờ ơ với công việc quản lý của mình để cho nhiều thế lực “nhờn luật” như vậy.
Quốc hội khóa XIV sẽ được bầu vào tháng 5 tới - sẽ là một ngày hội lớn của đất nước. Nhưng hàng triệu cử tri vẫn day dứt một câu hỏi, rằng vì sao những hành vi phạm pháp cứ ngang nhiên tồn tại như vậy. Đó là một dấu hiệu không bình thường cần được phân tích và nhận diện. Nói một cách dân dã là phải được chỉ mặt, đặt tên.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...