Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024
17:32 (GMT +7)

Đất sống nào cho múa dân gian dân tộc?

VNTN - Múa dân gian được sinh tồn, gìn giữ và phát triển, tạo nên đời sống đa dạng bản sắc văn hóa các tộc người; Ở Thái Nguyên đã có những nghệ sĩ thành danh với loại hình nghệ thuật đặc sắc này như NSND Lê Khình, cố Nghệ sĩ Ưu tú Vương Thào… Song sự thành công của họ không đồng nghĩa với việc lớp biên đạo, nghệ sĩ múa trẻ hiện nay, hay các đoàn nghệ thuật mặn mà, đầu tư cho múa dân gian dân tộc.


Chông chênh… xu hướng mới

Dành trọn sức lực, tâm huyết cả đời người cho nghệ thuật múa dân gian, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Khình đã biên đạo, dàn dựng trên 200 tác phẩm múa của các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Cao Lan, Lô Lô, Mông, Sán Dìu…; đoạt các giải thưởng Nhà nước, nhiều Huy chương Vàng, Bạc, Bằng khen…. Có nhiều tác phẩm dàn dựng mười mấy năm vẫn vững vàng sức sống như: Múa Hội Kỳ Yên (tổ khúc múa then dân tộc Tày - 2001); Những bông đỏ của rừng (2004)… Yêu và say nghề, ngoài 80 tuổi nhưng ông vẫn không ngừng sáng tạo. Trong tay hiện vẫn có 3, 4 kịch bản múa dân gian dân tộc, người nghệ sĩ già đã cần mẫn cả năm trời để nghiên cứu, hoàn thiện kịch bản, song ông lại chẳng mấy vui, bảo: “còn tư duy được thì cứ lặng lẽ làm thôi, chứ nguy cơ “xếp xó” vì không có đất sống đâu. Bây giờ các đoàn nghệ thuật không đầu tư nhiều cho múa dân gian, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc thì cũng chuyển phương thức hoạt động, dân gian truyền thống cũng đang dần được thay đổi, làm mới rồi”.

“Những bông đỏ của rừng”. Biên đạo múa: NSND Lê Khình           Ảnh: Đồng Đăng

Có thể nói rằng, múa dân gian dân tộc là loại hình nghệ thuật biểu hiện tri thức văn hoá của quần chúng, biểu hiện bản chất múa của văn hóa dân tộc; phản ánh sức sáng tạo, tài năng của nhân dân. Từ những điệu múa người ta nhận biết được tư duy thẩm mỹ, ý thức, thái độ trong sinh hoạt, lao động sơ khai của người xưa trong chiến đấu, sản xuất, các mối quan hệ xã hội, phong tục tập quán, đời sống tâm linh... Bản chất của múa dân gian là nói về dân tộc nào thì phải dùng ngôn ngữ của dân tộc đó. Nhưng mấy năm gần đây nghệ thuật múa này đang có chiều hướng “lệch lạc” khi các biên đạo, đặc biệt là biên đạo trẻ mượn múa dân gian để làm đương đại, sáng tạo còn nhiều sai phạm đến văn hóa dân tộc, làm mới nhưng “không tới” khiến công chúng và ngay chính người thực hiện cũng lẫn lộn, chông chênh khi định giá chất lượng tác phẩm.

Gắn bó lâu năm với nghề múa, ông Ngô Đình Thành - nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc, hiện là Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, cũng bày tỏ băn khoăn: múa dân gian dân tộc có nhiều dòng gồm: dân dã, quần chúng; dân gian cung đình; dân gian đương đại. Không phủ nhận rằng khi sáng tạo trên chất liệu dân gian thì tạo được luồng gió mới, song nó cũng vô tình phá hỏng chất dân gian truyền thống. Một phần cũng là do cơ chế, công nghệ thông tin phát triển kéo theo sự phát triển mới lạ của các loại hình nghệ thuật; việc xây dựng đội ngũ từ biên đạo, diễn viên, âm nhạc… cho múa dân gian dân tộc của chúng ta chưa thực sự chỉn chu. Ở Thái Nguyên hiện nay, những thế hệ tên tuổi của nghệ thuật múa dân gian dân tộc thì người đã mất, người còn sống thì đã lớn tuổi. Biên đạo trẻ không mấy ai làm múa dân gian, hoặc có làm thì cũng dùng kết hợp múa đương đại.

Điểm tên các biên đạo, nghệ sĩ làm về múa dân gian ở Thái Nguyên hiện chỉ chưa đầy bàn tay. Ngoài NSND Lê Khình chuyên về dân gian dân tộc thuần túy, còn lại cũng chỉ vài ba người thì làm dân gian nhưng không tách rời múa đương đại, như nghệ sĩ Trần Thị Thanh, Phó Giám đốc Đoàn Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên; nghệ sĩ Hoàng Thiện Thực, giảng viên trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc. Cả hai đều biên đạo múa dân gian theo phong cách mới, song họ cũng luôn trăn trở với chính những sáng tạo đó.

Là người khá thẳng thắn và cởi mở, nghệ sĩ Hoàng Thiện Thực cho rằng, ngay trong khâu đào tạo huấn luyện múa, các cá nhân dù đã thi đỗ vào chuyên ngành nhưng vấn đề là họ không trải qua thực tiễn, trong khi cuộc sống các dân tộc thì ngày càng thay đổi, không đi sẽ không nắm bắt được. Rồi việc tuyển sinh chuyên ngành múa hiện nay cũng rất khó, rất ít sinh viên chọn theo đuổi múa dân gian dân tộc, vì dòng múa này không yêu cầu kỹ thuật như đương đại mà yêu cầu cao về sự thể hiện, người thể hiện không đạt sẽ sợ múa dân gian. Việc sáng tạo dân gian đương đại là xu hướng chung theo nhịp sống hiện đại, và người làm nghề bắt buộc phải chấp nhận điều đó. Tuy cảm thấy rất đau, song chúng tôi phải chấp nhận, không phải nghệ sĩ kém cỏi mà do thực tiễn, người mua (thị trường) cần những gì thì người bán (biên đạo) sẽ bán thứ đó thôi. Cái khó của người làm biên đạo hiện nay là người viết nhạc dân gian. Thái Nguyên hiện không có người viết nhạc nên xu thế tìm nhạc cũng chỉ là âm hưởng dân gian chứ không thuần dân gian được.

Ở Đoàn Nghệ thuật tỉnh, muốn dàn dựng một vở múa dân gian dân tộc đậm đặc cũng khó, chỉ khi tham gia hội thi - diễn thì mới đầu tư làm. Tuy nhiên tác phẩm vẫn không thể là dân gian thuần túy, bởi khi lên kế hoạch, kịch bản chương trình, Đoàn còn phải chờ đợi cấp trên phê duyệt nội dung, tài chính, kinh phí…, khi xong xuôi những khâu ấy thì thời gian còn lại không nhiều, nên việc đầu tư không có chiều sâu. Hơn nữa, lịch biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị hàng năm cũng khá dày, người làm công tác biên đạo, anh em nghệ sĩ, diễn viên cũng không có thời gian đi thực tế, nghiên cứu về múa dân gian. Theo nghệ sĩ Trần Thị Thanh thì, làm về múa dân gian cần đầu tư thời gian, nghiên cứu sâu cả nửa năm, thậm chí cả năm trời mới được một vở, dựng cả tháng mới hoàn chỉnh, nhưng, kinh phí hỗ trợ, thù lao nhận được 20 triệu thì mấy ai hứng thú? Múa dân gian có nhiều tác phẩm khi dàn dựng rất cầu kỳ về bối cảnh sân khấu, phải tết từng cọng dây tái hiện khung cảnh rừng núi, rồi bệ bục, đạo cụ, màn hình led… Tất cả những thứ ấy khi diễn trên sân khấu chuyên nghiệp thì hay, nhưng khó có thể mang chúng đến các bản làng vùng sâu vùng xa vì không có không gian, biểu diễn sẽ rất khó.

Giữ gìn, phát triển thế nào?

Với những khó khăn nhìn thấy trước mắt, không khó để hiểu tại sao sức sống của nghệ thuật múa dân gian đang dần trở nên èo uột ở Thái Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Nhưng khi đặt ra câu hỏi: Liệu rằng múa dân gian dân tộc có mất đi trong tương lai? Hầu hết các biên đạo, người làm công tác quản lý đều khẳng định rằng, dòng múa này có thể đã, đang mai một, nhưng sẽ không bao giờ mất đi nếu chúng ta khai thác và phát triển sự “đúng” bản sắc. Giá trị lớn của múa dân gian là tính nhân văn, là kho tàng văn hóa lịch sử, khi trộn lẫn ngôn ngữ đương đại, bản sắc dân gian chỉ còn trong trang phục, cấu trúc ngôn ngữ, tuyến đội hình… Múa dân gian đòi hỏi đầu tư thời gian thấu hiểu, cảm nhận một cách thấu đáo đến nắm bắt được nó, phải có hồn cốt, sắc diện của dân tộc đó thì mới ra tác phẩm hay chứ không đơn giản chỉ là tạo hình sắp xếp. Song, nhìn trên góc độ “thị trường” thì chúng vẫn có những mặt đẹp nhất định. Việc kết hợp tạo ra loại hình dân gian đương đại là cần thiết trong bối cảnh công chúng thưởng lãm nghệ thuật cần cái mới. Nhưng quan trọng là người thực hiện tác phẩm cần xác định rõ phải nói cái gì, nói như thế nào.

Xu hướng sáng tạo mới chính là múa dân gian không nhất thiết phải đậm đặc, nếu biên đạo, diễn viên biết khai thác sâu các chi tiết bản sắc cũng đã đạt chuẩn hay và thành công của nghệ thuật này. Dân gian đúng bản sắc nhất là khi thổi được hơi thở cuộc sống hiện đại của dân tộc đó. Ví như trong múa cấp sắc của người Dao được xây dựng từ lễ cấp sắc, thì cũng có những cảnh leo trèo, nhào lộn…, đó là những ngôn ngữ hiện đại; hoặc se lanh của dân tộc Mông, đó không phải là điệu múa, song để biến nó thành múa thì cần ngôn ngữ sáng tạo về cả đạo cụ, động tác… Nếu có những phương pháp sáng tạo, thủ pháp sáng tạo mới nhưng “đúng” chất thì múa dân gian vẫn rất hấp dẫn với người xem hiện nay.

Để duy trì và phát triển dòng múa dân gian dân tộc trong thời đoạn mới, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc đã có những định hướng khá cụ thể. Với những tác phẩm múa di sản thương hiệu của dân gian Việt Bắc vang danh toàn quốc như: Những bông đỏ của rừng (dân tộc Pà Thẻn), múa trống Cao Lan, những cô gái Lô Lô, múa xúc tép, múa cầu phúc…, Nhà hát sẽ tiếp tục giữ gìn và phát huy, đồng thời cố gắng đầu tư để dựng lại những tiết mục múa cũ đã dần mai một, sẽ làm chuẩn mực về múa dân gian để cả nước nhìn vào, dù tốn kém cũng phải thực hiện. Thêm nữa, công tác sưu tầm và bổ sung chất liệu mới trong hệ thống múa đã có cũng là vấn đề quan thiết đối với Nhà hát.

Bên cạnh đó, để phù hợp với xu hướng đổi mới, hội nhập xã hội hóa và nhu cầu thưởng thức của công chúng, Nhà hát cũng phải tiếp cận với ngôn ngữ múa hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển của người trẻ. Quan điểm của ban lãnh đạo Nhà hát hiện nay là dù đổi mới nhưng không quên gốc rễ văn hóa dân tộc, vì nếu thiếu cái gốc đó thì không bao giờ có thể nói đến đổi mới. Nhà hát phải đi bằng hai, ba chân cùng một lúc, vừa giữ truyền thống, vừa dựng vở mới. Việc xây dựng phát triển dân gian đương đại vì đó là xu hướng tất yếu, nhưng luôn hướng đến bản sắc “đúng” của dân gian.

Bài toán về nguồn lực kế cận phát triển dòng múa dân gian dân tộc tại tỉnh Thái Nguyên - những người sẽ tiếp nối bước chân của các NSND Lê Khình, cố Nghệ sĩ Ưu tú Vương Thào vẫn là bài toán khó, cần được nhìn nhận và tìm hướng đi phù hợp. Với những biên đạo trẻ, họ thích sáng tạo và phá cách, thì như chia sẻ của nghệ sĩ Trần Thị Thanh vừa ở phương diện làm nghề, vừa làm quản lý thì nghệ thuật múa dân gian rất cần được đầu tư kinh phí một cách xứng đáng hơn, cần có chế độ đặc thù riêng cho người chuyên nghiên cứu về nó, như vậy các nghệ sĩ sẽ có điều kiện thuận lợi mà giữ lửa múa dân gian!

Kim Việt

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy