“Đạo” nhạc trong VPop
VNTN - Mấy năm nay, chuyện các thần tượng VPop Việt khi ra MV mới hay tung clip đăng tải trên mạng, không thiếu những lùm xùm nghi án “đạo” nhạc, “đạo” hình ảnh, “đạo” trang phục, “đạo” ý tưởng…, chưa kể chuyện vi phạm bản quyền thường xuyên xảy ra. Có lẽ luật chưa nghiêm, thiếu “thuốc”, nên hành vi “đạo” vẫn cứ tiếp diễn như căn bệnh mãn tính.
Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2018, làng nhạc Việt đã xảy ra không ít những vụ lùm xùm đạo nhạc, đạo ý tưởng, không chỉ trong các MV mới mà ngay cả ở chương trình gameshow âm nhạc. Từ các ca sĩ chưa thành danh cho đến các “sao”, “thần tượng”, thậm chí cả những cái tên đang rất hot của VPop.
Cho tới nay, việc “đạo” từ ý tưởng cho tới vi phạm bản quyền của giới VPop vẫn chưa có một hình phạt nào nghiêm khắc, chỉ dừng ở việc gỡ trên mạng, hay ngưng phát hành, và sau đó thì lại tiếp tục như chuyện nhỏ, không đáng bận tâm, và có thể lại tiếp tục “đạo” ở tác phẩm khác.
MV Đừng buông tay của Lưu Hương Giang có nhiều chi tiết giống với MV Hymn For The Weekend đình đám của nhóm nhạc Coldplay và Beyonce. Nguồn: Internet
“Đạo” nhạc như cơm bữa
Trong chương trình Sao đại chiến đêm chung kết diễn ra vào 26/1/2018, đội Phúc Bồ và Hà Lê thể hiện ca khúc Cưa cẩm, lấy cảm hứng từ bài hát Chiếc khăn piêu. Ngay khi chương trình kết thúc, phần thi này đã bị khán giả tố “đạo” nhạc ca khúc Body của Mino, nghệ sĩ của công ty nổi tiếng Hàn Quốc YG. Sự kiện chưa kịp lắng, thì cặp đôi này tiếp tục vướng tranh cãi tương tự trong phần thi mang tên Rap binh đoàn hổ diễn ra tối 2/2/2018, bị chỉ trích sao chép Okey Dokey do Zico cũng nhà Mino sản xuất và thể hiện trong chương trình rap Show Me The Money… Hết Phúc Bồ thì đến lượt Tronie với ca khúc Anh thích thả thính, cựu thành viên nhóm 365, vừa phát hành đã dính nghi án sao chép Love me love me của Winner, ca sĩ thần tượng Hàn Quốc, nhóm nhạc trực thuộc YG.
Phúc Bồ liên tiếp dính nghi án đạo nhạc Mino dịp đầu năm 2018
Gần đây nhất, trong tập 4 Sing My Song - Bài hát hay nhất diễn ra tối 25/3/2018, Phạm Hoàng Duy đã mang tới một sáng tác với chủ đề Con tha thứ cho mẹ, nói về những “thiên thần” kém may mắn khi không được sinh ra đời… Với chủ đề lạ, giai điệu nhẹ nhàng, ca từ ý nghĩa đã chinh phục được các huấn luyện viên, nhưng ngay sau đó, ca khúc được phát hiện phần beat (tiết tấu) có nhiều điểm tương đồng với ca khúc For Life của nhóm nhạc Hàn Quốc đình đám EXO.
Trước đó, năm 2017, những vụ “đạo” nhạc có tầm cỡ đã làm ảnh hưởng không nhỏ vị thế và uy tín VPop trên thị trường nhạc khu vực và châu lục. Mở đầu là MV 102Hater của Lil Shady cùng Zenky ra mắt vào cuối tháng 12/2017, nhưng chỉ một tuần sau đó phải xóa bỏ trên trang Youtube. Đây là kết quả của việc tẩy chay, cả những biện pháp cứng rắn từ cộng đồng IKONIC Việt sau khi phát hiện 102Hater chính là bản Việt hóa của Be I - một trong những sáng tác làm nên tên tuổi của B.I (trưởng nhóm IKON) tại chương trình Show Me The Money mùa 3. Vụ việc này còn khiến không ít IKONIC quốc tế phẫn nộ, đồng thời gửi yêu cầu đến YG để phía công ty có hành động pháp lý nhằm bảo vệ "chất xám" của trưởng nhóm IKON và người đồng sáng tác là CHOICE37.
Ngay sau ồn ào của Lil Shady, một cái tên khác của VPop là Đinh Đại Vũ đã đặt nguyên một scene (bối cảnh) trong MV DNA của BTS vào MV Em muốn cái gì đây của mình. Ngoài scene được lấy ra từ DNA, sản phẩm này của Đinh Đại Vũ còn bị phát hiện có khá nhiều điểm tương đồng với Hãy ra khỏi nơi đó đi (Phan Mạnh Quỳnh) và Em của ngày hôm qua (Sơn Tùng M-TP). Ngoài ra có vài scene trong Em muốn cái gì đây cũng bị fan của KPop tố là “đạo” ý tưởng từ Blood, Sweat & Tears của BTS.
Những ca sĩ hot như Sơn Tùng M-TP, cũng có ít nhất 6 sản phẩm bị chỉ ra điểm tương đồng với các sản phẩm của KPop, trong đó Em của ngày hôm qua giống Every night (EXID), Cơn mưa ngang qua (Sarangi Mareul Deutjianha), Nắng ấm xa dần (As one), Đã đến lúc em thức tỉnh (Going Crazy)… Trong đó, gây tranh cãi nhiều nhất phải kể đến Chắc ai đó sẽ về được cho là giống Because I Miss You do trưởng nhóm CNBlue, Jung Yonghwa thể hiện. Ngay cả ca sĩ thường ngồi ghế nóng các gameshow âm nhạc nổi tiếng trên truyền hình là Lưu Hương Giang khi ra mắt MV Đừng buông tay được đầu tư khủng tại Ấn Độ, đã bị cư dân mạng nhanh chóng phát hiện có nhiều chi tiết giống với MV Hymn For The Weekend đình đám của nhóm nhạc Coldplay và Beyonce.
Khắc Hưng vốn được biết tới với vai trò một nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc khá "mát tay" khi liên tục sở hữu những bản hit đình đám, thuộc hàng “sao” trẻ trong sáng tác, trong năm 2017 cũng khá "tai tiếng" khi “sở hữu” tới 4 ca khúc dính nghi vấn “đạo” sản phẩm âm nhạc nước ngoài: sự giống nhau giữa Ánh nắng của anh (ca sĩ Đức Phúc) và I của nghệ sĩ piano người Hàn Quốc Yiruma (album First Love phát hành năm 2001); Ghen bị tố có giai điệu giống với I got it của Bebe Rexha, phần hình ảnh trong MV cũng bị chỉ ra giống các cảnh trong phim Emergency Couple của Hàn Quốc; Đâu chỉ riêng em (ca sĩ Mỹ Tâm), ra mắt chưa bao lâu đã bị cư dân mạng tố giống ca khúc nhạc Hoa Tình lay động lòng nhói đau. Ca khúc thứ 4 của Khắc Hưng dính nghi án “đạo” nhạc nước ngoài là Như cái lò, phần âm nhạc đặc biệt là beat và flow rap có nhiều sự trùng hợp với ca khúc Bass Down Low.
Đầu tháng 12/2017, người hâm mộ của A Pink cũng đăng tải hàng loạt bằng chứng tố MV Tình yêu ở lại của Quán quân Sao Mai 2017 Thu Thủy là sản phẩm “đạo” trắng trợn MV The Spring của Eunji. Không chỉ trùng lặp về mặt hình ảnh, kịch bản giữa 2 MV cũng không có gì khác biệt, và MV này chỉ tồn tại đúng 1 ngày trên Youtube thì bị gỡ bỏ vì vi phạm bản quyền. Sau khi hoàn thiện đội hình 6 nam thần và tung ra bản đầy đủ cho MV Kẻ cắp trái tim, Đông Nhi và Ông Cao Thắng khiến fan BTS dậy sóng vì nghi án “đạo” ý tưởng, lấy cảm hứng hơi nhiều từ MV Blood, Sweat & Tears của BTS. Ca khúc Người ta và anh của Lê Thiện Hiếu khi chỉ vừa ra mắt vài ngày đã bị cư dân mạng phát hiện có bản phối giống hệt với Till the morning comes của nhóm nhạc The Marauders (nhóm nhạc chuyên chơi thể loại Reggae tại Mỹ).
Juun Đăng Dũng ra mắt ca khúc mới Ta quên nhau chưa, nhưng sản phẩm này vướng ngay nghi án “đạo” hit Kpop khi phần dạo đầu bị cho là copy y hệt Yanghwa BRDG của Zion.T. Tóc Tiên chợt trở nên hiền lành bất ngờ trong bản ballad Em không là duy nhất với hơn 40 triệu lượt xem, nhưng rồi không thoát khỏi các "thánh soi" khi dính nghi vấn đạo nhái Chuyến tàu ly biệt do Triệu Vy thể hiện với phần điệp khúc cả hai giống y hệt nhau. MV debut (ra mắt) trong sự nghiệp ca hát chuyên nghiệp của Chi Pu Cho ta gần hơn nhanh chóng trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm đặc biệt từ phía cộng đồng mạng, ai tinh ý nhận ra ngay MV có concept (khái niệm) hao hao hit 8 năm về trước You And I của Park Bom.
Không chỉ “đạo” về âm nhạc, về ý tưởng, hình ảnh… mà ngay cả trang phục cũng bị tố là “đạo”, như Sơn Tùng M-TP vô số lần xuất hiện với trang phục giống G-Dragon. Còn trong giới VPop rất nhiều ca sĩ có hình tượng giống những nhóm nhạc như Uni5, Lime, Monstar…
Chưa có “thuốc” chữa bệnh “đạo” nhạc
Trước những lùm xùm “đạo” nhạc này, những người trong cuộc cũng lên tiếng giải thích. Người cho rằng do nghe nhạc ngoại nhiều nên có thể bị ảnh hưởng vô thức và không tránh khỏi một số đoạn trong bài hát giống với tác phẩm của ai đó, nhóm nhạc nào đó nhưng sau đó đã phát triển theo hướng khác bản gốc. Người thì khẳng định không bị ảnh hưởng của bất kỳ bài hát nào hay nhóm nhạc nào, đó chỉ là “những tư tưởng lớn gặp nhau” một cách ngẫu nhiên. Người thì khá ngây thơ cho rằng ai mà có thể kiểm soát nổi hàng triệu triệu các ca khúc đã sản xuất nên có lấy chỗ này, chỗ kia chút, thì chẳng là của ai cả…
Tất cả các nghi án “đạo” nhạc, hiện nay mới dừng ở mức phát hiện, khơi ra, lùm xùm ồn ào ít lâu rồi lại “chìm xuồng”. Cho đến giờ, chúng ta vẫn chưa có một biện pháp nào thật nghiêm khắc để áp chế hay trừng phạt, kể cả biện pháp răn đe ngăn ngừa cũng không.
Truy tìm nguồn gốc vấn đề “đạo” nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long cho ý kiến: “Các bạn trẻ hiện nay nghe theo trào lưu, mặt khác nhiều người chưa có quá trình học tập bài bản, nền tảng kỹ thuật sáng tác, phong cách sáng tác... Do đó, việc ảnh hưởng của thời đại, của nhu cầu âm nhạc mà họ đang sống sẽ không tránh khỏi việc cho ra đời những sản phẩm chịu ảnh hưởng. Điều quan trọng là các nghệ sĩ trẻ có nhận thức được trong cuộc đời âm nhạc muốn thành công, vững vàng trong sự nghiệp phải tạo ra được nét riêng của mình…”.
Nhà lý luận, phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu cho rằng: “Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay thì vấn đề “đạo” nhạc rất dễ dàng, ai ai cũng được nghe những nguồn âm nhạc vô tận trên khắp thế giới, vì thế vấn đề “đạo” nhạc còn phải tùy thuộc vào từng thời kỳ, từng quan điểm. Có những quan điểm sáng tác thời kỳ hậu hiện đại, cũng có không ít nhạc sĩ lấy mỗi nơi một ít, chắp vá vào thành tác phẩm của mình. Vì thế, để bàn luận về vấn đề này rất khó, vì đứng trên quan điểm nào để nói cho thấu đáo. Còn với tốc độ phát triển thông tin mạng như hiện nay, giới trẻ được tiếp xúc với rất nhiều nền âm nhạc khác nhau trên thế giới. Nếu không có bản lĩnh về nghề nghiệp, bản lĩnh sáng tạo và chưa hình thành được cái “tôi” của mình thì việc chịu ảnh hưởng trong môi trường, không gian âm nhạc rộng lớn này sẽ rất dễ dàng, kể cả là người có ý thức”.
Chuyện “đạo” nhạc, có thể nói là một hành vi không thể chấp nhận được. Trong một giai đoạn nào đó, để vững vàng trong âm nhạc, tìm được chân dung âm nhạc của riêng mình thì bản thân nhạc sĩ, ca sĩ phải là người luôn luôn khao khát đi tìm cái mới để khẳng định cái tôi riêng biệt của mình, lúc đó sẽ tự kiểm soát được bản thân.
Về phía các nhà quản lý văn hóa nghệ thuật nói chung, đã tới lúc phải áp dụng đúng Luật bản quyền, Luật Sở hữu trí tuệ để có những quy định hình phạt nghiêm minh với những hành vi “đạo” trong nghệ thuật, không riêng gì âm nhạc. Bởi chúng ta đang trên đường hội nhập toàn diện với thế giới, thì không nên xem việc “đạo” nhạc là chuyện nhỏ.
Hoài Hương
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...