Miu của Sinh
Cả nhà ai cũng yêu Miu, nhưng yêu nhất là anh Sinh và bố Bình. Anh Sinh ngồi học, Miu ngồi bên, chăm chú nhìn trang sách, ra vẻ ta biết chữ. Anh Sinh đi ngủ, anh nằm trong, Miu nằm ngoài để được nhiều quạt mát. Bố Bình đi làm về là gọi, cháu Miu ơi, bác về rồi nè. Miu chạy ra, bố bế lên, hỏi - Hôm nay cháu ở nhà có vui không, có bắt được thằng chuột trộm cướp nào không? Miu chẳng trả lời, cứ long lanh mắt xanh nhìn bố, rồi nhìn ra cửa. Bố hiểu ý, nựng luôn,… À, tí nữa anh Sinh mới đi học về, để bác yêu trước, anh Sinh yêu sau nhé. Bố quá thuộc bài “Đợi anh về” này rồi.
Bố bế Miu ra cửa ngóng anh. Nắng quá, mặt đường cứ ánh ánh lên như ai cầm gương soi. Nắng vỡ đầu mất, thôi, ta về nhà cho mát, bố xoa đầu Miu và quay vào. Hai người vừa xuống bếp thì… huỳnh huỵch, hổn hển... anh Sinh “quát” - Bố yêu Miu của con à, trả cho con ngay - anh Sinh lao vào, giằng lấy Miu. Anh nâng Miu lên, anh hạ Miu xuống, anh dụi đầu, anh áp má. Mãi, cơn nhớ nhau mới dịu. Anh nhìn Miu đắm đuối:
Ôi, yêu em quá, anh yêu em nhất quả đất.
Meo meo… Em nhớ anh lắm. Em đi tìm anh mà không biết trường ở chỗ nào... eo eo…
Ơ… anh là người mới được đi học, em là mèo phải ở nhà trông nhà chứ.
Eo eo…. Đến trường thích hơn… eo eo…
Hai người nói với nhau bằng một tiếng của anh Sinh. Ngọt ngào yêu quí. Khi sang lời Miu, anh chuyển giọng nghe cũng giống giống Miu.
Đúng rồi, người mới được đi học, mèo phải ở nhà bắt chuột bắt gián. - Bố từ nãy đứng im nghe, giờ mới ý kiến… vào hùa với anh. Tự nhiên Miu bỗng xị mặt, giãy giãy, trằn xuống “không yêu anh”.
Mẹ đã dọn cơm xong, hỏi, bố con nhà này có ăn cơm không đấy. Có có, Sinh đáp nhanh. Đói quá và món sườn chua ngọt ngon quá nên Sinh ăn một lèo. Sang bát thứ hai thì… ôi Miu đâu… Miu ơi… Miu ơi… Sinh đứng dậy vẻ mặt hốt hoảng. Mẹ nhìn bố, lắc đầu nói: “Hai bố con nhà này lạ thật, nó no rồi, không ăn đâu”. “No thế nào được, mọi bữa nó xơi ba miếng thịt cùng mình chứ. Hay là vừa nãy anh nói, nó dỗi”. Mẹ ơ mắt, không hiểu. Bố kể lại, hai anh em nó trò chuyện với nhau, bố có nói mèo phải ở nhà không được đi học như anh Sinh… Mẹ hiểu ra, phá lên cười… Ối giời ôi, giờ đến lượt anh, cũng chả phân biệt được đâu là người, đâu là mèo rồi. Mẹ cười chảy cả nước mắt, bố nhe răng nhìn, rồi tự nhiên bố cũng rung người cười khùng khục.
Bố mẹ ăn xong, đang còn ngồi chuyện thì Sinh dẫn Miu về. Hai người khoanh chân và khoanh tay:
Con xin lỗi bố mẹ, vì đến bữa lại bỏ đi.
Làm sao mà bỏ đi? Chê mẹ nấu không ngon à? - Mẹ hỏi.
Hay bố nói thì dỗi. - Bố hỏi nữa.
Không phải. Con tìm thấy nó trong gậm giường.
Thế thì đúng rồi. Đúng là dỗi rồi. - Bố vỗ đùi, khẳng định.
Đây. Dỗi mà thế này à. Sinh đặt Miu xuống ghế, … chìa ra cái đầu chuột gói trong miếng lá chuối.
Bố tròn mắt, mẹ mắt tròn, Sinh vênh mặt lên, Miu cũng được tay Sinh cho vênh mặt lên… Nào hai bác thấy cháu giỏi chưa, cháu làm việc to lớn lại bảo cháu dỗi cơm.
Bố mẹ nhìn Miu ngưỡng mộ, anh hùng bằng xương bằng thịt bằng lông đây chứ đâu xa.
“...Sáng nay mọi người đi làm đi học, mỗi cháu ở nhà… thì một đàn cống ba chục con hùng hổ kéo đến. Bọn nó vây quanh cháu, cháu lùi lùi đến sát tủ thì dừng lại, cong lưng dựng lông lên, ngoao ngoao thật to - Hôm nay tao sẽ cho chúng mày tan xác. Bọn giặc cậy đông vẫn xông lên. Cháu không nhịn được nữa. pạp… hự… cháu giơ móng, tung người. Ối giời ôi, chúng nó kêu khóc vang trời, một đứa, chắc là đầu đàn, nói to - gặp siêu Miu rồi, anh em rút mau. Chúng nhoằng nhoằng chạy như tia chớp, cháu cũng vèo vèo hơn chớp… tóm được một con xử tội”.
Sinh thay mặt Miu kể chiến công.
Hay. Quá hay! - Bố vỗ tay bộp bộp.
Cứ như phim chưởng ý. Đúng là chuột nhà mình nhiều nhưng làm gì mà ba chục con hùng hổ kéo đến. Mẹ nhìn Sinh, nhìn Miu vẻ không tin.
Con nói thật đấy. Miu nhà mình không phải bình thường đâu.
Sinh nói, rồi cúi xuống Miu, mắt chớp chớp như sắp khóc. Bố ẩy ẩy mẹ. Mẹ biết nhỡ lời, bật nói luôn: Công nhận Miu giỏi thật, dũng cảm thật, yêu Miu quá. Thế mới là con cháu của gia đình ta, người học giỏi, Miu tài ba - Bố nối lời mẹ mấy câu khen.
Lời bố mẹ như cái bơm. Mặt Sinh sung sướng căng lên. Mặt Miu cũng mượt mà thêm.
Sinh yêu Miu mãi, không giảm một mi li mét. Hôm nào cũng như hôm nào, anh đi học về là em ra đón luôn. Anh học bài, em ngồi bên. Anh đi ngủ, em nằm bên… đợi lúc nào anh ngáy khò khò, em mới khẽ trở dậy xuống bếp ngồi, im phăng phắc trong bóng tối. Miu có điều gì phải suy nghĩ thật kỹ à? Nhầm. Miu ngồi rình bọn chuột cướp trộm đấy. Người còn phải ngủ để lấy sức khỏe mai đi học, đi làm. Miu làm ca đêm quen rồi, chả thấy mệt mỏi buồn ngủ tí nào.
Miu cứ ngồi im như thế, con muỗi vo ve không thèm chấp. Tận tới lúc anh Sinh dậy đánh răng rửa mặt, Miu mới lên, meo meo hỏi, anh dậy rồi à, em cũng đi làm về, đêm qua không có thằng chuột nào đến đâu. Anh xoa đầu Miu, bảo em ngoan lắm.
***
Cứ tưởng tình yêu của cả nhà dành hết cho Miu, thì đánh đùng một cái mẹ mang một chàng Cún về. Lúc Cún về, Sinh chưa về, chỉ có bố. Bố hỏi luôn: Đã xin ý kiến thằng Sinh chưa. Mẹ xua tay, việc gì phải xin ý kiến, bụ bẫm đẹp trai thế này có mà sướng rơn lên chứ lỵ. Nó yêu Miu thế, dứt khoát không yêu Cún - Bố nói giọng lo lo.
Y như rằng, Sinh đi học về, Cún lũn cũn ra chào thì bị quát luôn: “Mày là thằng nào? Đến đây làm gì?”. Mẹ nghe tiếng, chạy vội từ dưới bếp lên, giải thích: “Hôm nay mẹ xuống nhà cô Hường, mẹ kể con yêu Miu như bạn thân, cô ấy cho luôn em Cún”.
Con không thích thằng chó này. Chó gì mà ục à ục ịch như lợn thế.
Im lặng, mẹ bế Cún lên, bắt nó khoanh hai chân trước… lạy anh Sinh. Em xin phép anh, từ nay cho em là em của anh, em sẽ ngoan ngoãn dễ thương cho anh vui.
Không xin xỏ gì sất… Meo meo… Miu ơi… Miu ơi!
Sinh bỏ mẹ và Cún đấy, gọi Miu về. Một lúc có tiếng meo meo từ sau bếp. Như mọi ngày, thấy tiếng anh, Miu nhoắt vào.
Ách ách ách… Cún xông lên, dẩu mồm sủa vào Miu. Không hiểu làm sao, con gì mà không tiếng meo, to bằng một trăm con chuột, cứ xua đuổi mình… Hồn vía lên mây, Miu chạy mất dép.
Đấy, mẹ thấy chưa, ngoan ngoãn chưa. Con bắt đền mẹ đấy. Miu ơi về đây với anh… Miu ơi về đây với anh…
Sinh bổ đi tìm Miu. Ra đằng trước, đi dọc đường gọi, hỏi. Không thấy.
Ra đằng sau gọi, không một tiếng thưa. Sinh ngồi xuống vườn khóc. Đang nghĩ đến cảnh Miu bỏ nhà đi lang thang như mấy đứa mèo hoang, đói khát bên bãi rác… thì chợt… văng vẳng tiếng meo. Sinh đứng lên nhìn thật chậm, bờ tường, chuồng gà… không một bóng Miu. Meo meo, Miu ơi… anh đi tìm em, có anh đây không sợ đứa nào hết… Meo meo, lại tiếng meo… tiếng thì thấy mà Miu chả thấy. Quái lạ, hay là mình bị bệnh tưởng, Sinh đưa tay đập vào đầu mình mấy cái, rồi nhìn rà soát lại. Lần lượt, hết chỗ thấp, lên chỗ cao. Lên cây nhãn. Sinh lại gốc ngó lên. Một lượt từ cành bổng xuống cành la, từ chỗ mốc thếch ra đám lá xanh.
Miu đang nằm trên một cành bé teo, cả hai không động đậy. Xuống đây, anh Sinh đây mà - Sinh vẫy tay, Miu vẫn im lặng. Xuống đi, anh cho con cá nướng - Miu như không nghe thấy. Anh thề suốt đời chỉ yêu em, không yêu thằng Cún đâu… Sinh trèo lên cây, đến cành bé không ra được nữa, đành giơ tay ra… Lúc này Miu mới quay lại. Meo meo… em không về thì anh cứ ở đây. Nói xong, Sinh nằm ra trên cành, giả vờ khóc. Tiếng khóc làm vòm lá xạc xào. Tiếng khóc một lúc nữa làm Miu không chịu nổi. Miu ngó nghiêng xung quanh, rồi khẽ đi lại với anh mình.
Hai anh em về. Bố mẹ cùng Cún đang xem tivi. Nhìn Miu trên vai Sinh, thấy nét mặt Sinh, mẹ nhanh trí bế Cún luôn.
Em xin lỗi chị Miu, anh Sinh. Từ nay em ngoan, không loăng quăng làm chị sợ nữa.
Tay mẹ và đầu Cún cùng lạy Miu. Miu tròn mắt chả hiểu chuyện gì. Thấy không sợ lắm anh chàng to béo ục ịch này nữa.
Thôi thế đủ rồi. Cái thằng mặt đần thối này từ nay mà còn dọa Miu, ta sẽ cho nhà khác nuôi.
Vâng. Em hứa là em sẽ giữ lời. Bố nói hộ Cún.
Chó với mèo bao giờ chả thế. Nhưng rồi chúng sẽ yêu nhau thôi. Gì thì cũng con cháu một nhà. Bố nói.
Được. Hôm nay có bố mẹ chứng kiến nhé. Nếu một lần nữa để Miu sợ thì đừng có trách. Anh Sinh lạu cạu.
Sinh bế Miu lên tầng. Cún bịch bịch chạy theo, đến cầu thang thì dừng lại, ngửa cổ nhìn. Mình cũng sẽ được anh Sinh yêu như chị Miu. Cún nghĩ thế và quay đầu ra phòng khách nằm im.
Truyện ngắn. Du An
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...