Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
17:37 (GMT +7)

Đám ma

VNTN - Người ta vác một chiếc ghế ra sân, dìu ông cụ ngồi vào đó. Trên tay ông là di ảnh người vợ vừa mới qua đời. Cậu con cả đang nói lời gan ruột: “Chúng con đau đớn và tiếc thương vô hạn xin được đưa tiễn mẹ về nơi an nghỉ cuối cùng”. Ai đó khóc mồi một tiếng rồi đám người cứ thế òa ra nức nở. Mẹ ơi, mẹ ời, cả đời mẹ khổ. Lúc còn khỏe, thèm đủ thứ chẳng có mà ăn. Giờ chúng con mua bao thứ bổ béo mà mẹ đâu ăn được. Thôi mẹ về nơi chín suối đợi chúng con ở đó. Đi hết kiếp này chúng con lại xin được hầu hạ mẹ. Tiếng khóc hờ của mấy người con dâu khiến người ngoài phải rơi nước mắt. Thường thì những người chết vì già, người ta ít khóc. Sinh, lão, bệnh, tử đó là quy luật của một kiếp người. Cụ bà đã ngoài chín mươi tuổi, không bệnh tật gì nặng cả ngoài đau nhức xương khớp. Sống được thế cũng coi là có phúc lắm rồi. Nhưng những giọt nước mắt này là sự xót xa dành cho cụ. Vì cho đến tận lúc đã nhắm mắt xuôi tay con cháu cụ mới tụ về đông đủ dưới mái nhà này. Quây quần xung quanh cụ, hệt như lúc chúng còn thơ ấu. Đứa bấu chân quần, đứa níu vạt áo, đứa nắm lấy tay, đứa khóc ời ợi đòi ăn. Thằng cả của cụ đứng kia, đầu đội khăn tang, tay chống gậy. Nó nói thương tiếc cụ đấy nhưng lòng nó còn đầy gai góc, hằn học lắm. Nó đứng đó nhưng bụng dạ có khi đặt ở mấy sào đất thổ cư, cái ao trước cửa, đồi cây sau nhà. Người ta tin nằm trong chiếc áo quan còn nồng mùi sơn cụ nhìn thấy hết, nghe thấy hết. Vì từng lời thật giả thế nào chưa bao giờ lại rõ ràng đến thế. Ngay cả tiếng thở phào nhẹ nhõm của vợ chồng thằng út biết đâu cũng vọng đến bên tai bà cụ. Trong những tiếng khóc than có mấy lời là thật? Đã đến giờ đưa ma. Đoàn người chầm chậm rời nhà. Chỉ ông cụ ngồi lại giữa sân. Ghế vững lắm mà ông thấy chông chênh như có thể ngã xuống bất cứ lúc nào. Quanh chỗ ông ngồi giờ chỉ thấy bóng của thời gian đang dần lấn tới.

 

Ông cụ nhìn trong ánh nắng chiều lấp lóa thấy người vợ trẻ của mình đang vấn cao tóc gọn gàng rồi thoăn thoắt trộn đất đắp tường nhà. Nắng đổ trên đầu, mồ hôi thấm ướt lưng trần. Xung quanh nhà không một bóng cây. Đất đá sỏi bỏng rát chân người, từng nhát cuốc bổ xuống chan chát lửa. Vợ ông bụng bầu vượt mặt, đội nắng kéo từng tàu lá cọ để chồng lợp nhà. Rồi từng hố sâu được đào, từng bầu cây trồng xuống. Nắng quá, trồng mười cây chết sáu. Trồng đi trồng lại mãi cũng thành rừng. Đôi vai chai cứng vì gánh nước lên đồi tưới cây. Hết làm nhà lại đào hầm tránh bom. Chiến tranh gầm gào trong từng mạch sống. Từng đứa con ra đời, chúng ríu rít chơi dưới những tán cây xanh mát. Ríu rít bới những hố bom để trồng hoa dại. Ríu rít dạy nhau học bài dưới gốc cây mít già bị bom chém một vết sắc lẹm ngang thân. Ngày ấy chị em máu thịt bồng bế bao bọc lẫn nhau. Bữa cơm độn nhiều khoai sắn vẫn vui vẻ chia nhau từng miếng cháy đáy nồi. Thời tem phiếu thì chia nhau mét vải may manh áo manh quần. Đâu có nghĩ đến một ngày lại từ mặt nhau vì đất đai, nhà cửa. Bóng chiều xuống thấp, hôn lên những vết chân chim trên đuôi mắt người già. Tiếng kèn đám ma đã xa dần. Người vợ đầu ấp tay gối cuối cùng cũng bỏ lại ông để nằm dưới lòng đất lạnh sâu. Bà hơn ông tám tuổi, nằm liệt giường đã lâu, có ra đi trước cũng là lẽ thường tình.

Dù đã chuẩn bị trước cho ngày này để lo liệu được chu toàn vậy mà ông vẫn không khỏi chông chênh. Từ giờ trong căn nhà này chỉ còn có mình ông. Phía giường bên kia trống không, chẳng còn dáng bà nằm co quắp. Ông vẫn giữ thói quen dò sóng đài FM cho bà nghe. Chương trình gì cũng được. Cho nhà cửa có tiếng người vang lên. Chứ thật ra tai ông không còn nghe rõ nữa. Vang lên trong đầu ông giờ chỉ còn là những âm thanh cũ. Tiếng gió lay bụi chuối. Tiếng mưa phùn trên mái lá cọ. Tiếng líu ríu ngoài sân của bầy cháu, bầy gà. Tiếng cơm sôi trong nồi gang bếp củi cũng lục bục trong đầu. Có đôi khi ông nghe thấy tiếng bà gọi về ăn cơm. - Cơm hôm nay có gì vậy bà? - Tép xào khế chua với canh mồng tơi ông ơi. - Để tối tôi đi soi cua nấu bát canh cho tụi nhỏ ăn. Lại có lúc thấy tiếng bà vén màn, bước xuống khỏi giường đi ra bàn pha trà. Bà ngồi một mình lẩm bẩm nói chuyện với đứa con gái nhỏ đã mất từ khi bốn tuổi. Trước lúc mất nó còn đang hát bài: “con mèo mà trèo cây cau”. Hôm nó ngã xuống ao, những bông hoa xuyến chi nở trắng trên bờ. Ông bế nó đi chôn trong đêm. Trăng vằng vặc đỉnh đầu. Soi rõ cả những giọt nước mắt của bà chảy tràn trên gò má sạm đen. Đứa con gái nhỏ chôn ở bìa rừng yên nghỉ giữa lao xao cây lá. Nhưng cả đời bà không bao giờ quên được khúc ruột của mình. Nếu còn sống, thì có khi nó lại là đứa con hiếu thảo. Chỉ tại ông trời không thương nên đã bắt nó đi. Để lại cho bà ba đứa con chỉ biết đến tiền. Có lúc bực quá ông mắng: “con hư tại mẹ”. Nhưng bà đã bao giờ dạy con những điều không tốt?

Sáng nào ông cũng ra giữa sân ngồi lên chiếc ghế gỗ. Chầm chậm nhìn kí ức ngấm dần trong khoảng không gian trước nhà. Nhiều năm trước, đất đai của ông rộng hút tầm mắt. Đất vườn trồng cây ăn quả. Đất rừng thì trồng tràm, bạch đàn. Lúc còn có sức khỏe ông không để tay chân nghỉ ngơi, suốt ngày quần quật ngoài rừng. Cả một đời vất vả nuôi các con khôn lớn, rồi dựng vợ, xây nhà cho từng đứa đến sức tàn lực kiệt. Vậy mà bố mẹ còn chưa kịp nằm xuống các con đã tranh giành tài sản. Đứa nào cũng sợ thiệt nên cố kiết vơ vét về mình. Đứa cả đòi phải phần hơn. Đứa thứ, đứa út lồng lên tranh nhau từng mét đất. Những nhát cuốc vang lên chan chát trên mảnh vườn đá sỏi. Anh em chửi bới từ mặt nhau hết lần này đến lần khác. Sau khi chia cho các con, ông chỉ để lại cho mình một khoanh đất nhỏ. Xây hai gian nhà nhỏ, một mảnh sân be bé và mảnh vườn rau tí tẹo phía trước. Bây giờ ông tai điếc, mắt mờ. Nhưng ông biết khoảng không gian chật hẹp của mình cũng đang bị con cháu lấn chiếm dần. Thằng cả rào vườn rau của bố lại làm chuồng gà. Đàn gà suốt ngày chạy vào sân tìm ăn, ỉa bậy. Thấy ông ngồi bất động, có con tợn tạo còn mổ cả vào chân. Mùi cứt gà bốc lên hôi thối. Ông lần tìm cây chổi vẫn thường dựng ở đầu nhà nhưng không thấy. Chúng biến mất như cách nhiều đồ vật khác trong nhà vẫn không cánh mà bay. Ông chỉ nghe thấy những tiếng bước chân lướt nhanh qua mặt, sau lưng mình như người vô hình. Ông nghe bước chân mà biết được đâu là con dâu cả, đâu là con dâu thứ. Nghe tiếng động là biết cái xoong trong góc bếp, cái chậu ngoài giếng vừa bị nhấc đi. Tiếng cưa máy vang lên, từng thân cây đổ xuống. Từ cây xà cừ ông bà trồng để chuẩn bị cho con cháu đóng áo quan cho mình lúc nhắm mắt xuôi tay. Đến mít, nhãn, vải, xoài, tất cả đều là cây ăn quả ông trồng đã lâu năm. Chúng biến cây của ông thành tủ, giường, phản, cửa. Nhà của chúng từng cái ghế để ngồi cũng cầu kỳ trạm rồng khắc phượng. Còn chiếc ghế ông ngồi đã cũ kĩ, mọt chân. Ông không nói gì, chỉ thấy cơ thể mình ngày một nhẹ đi. Nhẹ đến mức ông cảm tưởng mình có thể bay lên trời như một chiếc lá khô đã rút cạn sự sống đến từng đường gân mỏng mảnh. Bà đã gọi ông đi…

Đám tang ông cụ cũng như mọi đám tang khác. Người chặt hai cây chuối non dựng hai bên hương án, gần kề áo quan. Người gọi thợ kèn. Người xé khăn tang. Người tính toán xem bao nhiêu mâm, ăn uống những món gì để làm cỗ bàn mời khách. Đám thợ kèn thấy vắng tiếng khóc hơi kì, nên thỉnh thoảng nhắc mấy bà con dâu “khóc bố đi”. Còn đám cháu chắt ở xa, chỉ có đám ma đám cưới mới có dịp gặp nhau nên chúng nó bảo “tội gì mà không cười”. Khách viếng nhà trên, thợ kèn rưng rức ca. Phía sau nhà cháu chắt xúm lại cười rinh rích tranh nhau cái chân gà, bộ tim gan gà vừa luộc xong vẫn còn nóng hổi. Đứa trèo cây mít vỗ bồm bộp. Đứa vặt hồng xiêm xanh mang về rấm. Tiếng ai đó vừa nói vừa cười: “không khéo tối nay cụ về vặn cổ mày hỏi cây tao trồng còn chưa kịp ăn, sao chúng mày hái quả?”. Cả đám lại cười ầm.

Đang mùa dịch Covid con cháu cứ lo ít người đến viếng. Đi thiên hạ mãi rồi, giờ mới có dịp để thu hồi lại. Trước khi di quan bác thợ kèn cứ ca đi ca lại câu: “cụ đã ra đi chỉ để lại một tấm ảnh màu”. Mọi người đều nhìn vào di ảnh. Còn trong di ảnh, mắt ông cụ như đang nhìn vào thấu tận tâm can mỗi người. Ánh nhìn khiến vài người nhoi nhói. Quan tài chưa khênh ra khỏi nhà mấy cô con dâu đã giục nhau cử người canh thùng phong bì cho cẩn thận. Chẳng thế thì sao, trên mạng từng đăng mấy vụ mất phong bì nhà đám. Vừa mới sáng ra trời đã nắng vỡ đầu. Con cháu nhốn nháo giục nhau mang vòng hoa, cờ phướn, ấm chén phục vụ nước uống dọc đường.

Quanh quẩn cũng chỉ có con cháu và anh em thân thiết đưa ông cụ ra đồng. Trong đám người ấy có thằng Đao. Chẳng có gì lạ cả, đâu đó trên làng quê ở đất nước này vẫn tồn tại những người như Đao, ngơ ngẩn. Đám giỗ, đám ma, đám cưới… chẳng có cái đám nào là không có mặt. Đi từ phòng cô dâu, xuống phòng bếp, đến giờ ăn thích mâm nào thì ngồi chẳng cần biết mâm cho người trẻ con, người nhà hay khách quý. Có khi cỗ vừa dọn ra chưa kịp mời khách Đao đã ngồi vào đánh chén ngon lành. Dạo này ăn cỗ xong ngoài lấy phần về cho mẹ thì thằng Đao hay xin nhà chủ một chai rượu nhỏ, đút vào túi quần chẳng biết để làm gì. Vì trước giờ chẳng ai thấy thằng Đao uống rượu. Dân làng trêu: “cỗ không mất tiền là ngon nhất phải không Đao? Nhất mày, được ăn được nói được gói mang về”. Đao ngửa cổ cười hềnh hệch. Đám ma hay đám cưới cũng đều cười như thế. Trong một đám nào đó, có một ông tiến sĩ nào đó từng nhìn Đao bảo: “thằng bé này có chỉ số hạnh phúc cao hơn hẳn chúng ta”. Cả đám đông cười ồ. Một kẻ mắc bệnh đao thì làm gì biết buồn đau khổ não. Chẳng thế mà đâu đó trong những đám đông ồn ào ấy có người từng đã ước được sống một cuộc đời vô lo vô nghĩ như Đao.

Đao đi sau đoàn người. Đám ma ở làng Đồi bây giờ không còn rải vàng mã như xưa nữa. Tục qua cầu cũng được làm rút gọn. Người ta thả tiền lẻ và trong cái đĩa lớn do một cụ trong hội Phật giáo cầm theo suốt dọc đường. Thấy Đao bỏ vào đó mấy nghìn, có người hỏi: “mày lấy đâu ra tiền?”. Đao cười hềnh hệch bảo: “tiền người ta cho, để dành đi đám ma đấy”. Lúc này đoàn người đang đi xuống chân dốc đoạn khúc cua, một bên là đồi cao, một bên là vực sâu. Cả đám người bỗng nhiên dừng lại, nhòm xuống vực bàn tán xôn xao về một vụ tai nạn giao thông xảy ra đêm hôm trước. Họ hỏi nhau người ngã có uống rượu không? Bao nhiêu tuổi? Khu mấy, con nhà ai? Gãy mấy cái xương sườn? Nhìn suối nước phía dưới, họ nói: “thằng đó phúc dày. Nếu ngã xuống suối, đêm hôm nằm đó chẳng ai biết thì hôm nay cũng tò te tí”. Xe tang đã đi một đoạn xa, đám đông mới nhớ ra. Trong số những người đang hớt hải chạy theo có cả con dâu và mấy đứa cháu nội ưa hóng chuyện. Cả đoạn đường đưa ông cụ ra bãi tha ma không còn tiếng khóc nào. Đám con cháu có lẽ đã chán vai trai thảo dâu hiền.

 

Đoàn người đến nghĩa trang lúc mặt trời đã lên đến đỉnh. Đám chuồn chuồn bay chấp chới trên nền trời xanh thẳm báo hiệu những ngày dài chói chang nắng đổ. Vài người than: “nắng quá, hạ huyệt nhanh còn về”. Xe tang nhanh chóng được đẩy lên đỉnh đồi. Ông thầy cúng quệt mồ hôi trên mặt, giục con cháu nhanh hạ huyệt cho kịp giờ đẹp. Quan tài được khênh xuống khỏi xe tang. Lúc này người ta mới để ý thấy trên quan tài có một vết nứt nhỏ, chắc là do gỗ kém lại để nắng quá. Mấy bà con dâu càu nhàu:

- Mỗi cái việc chọn mua quan tài cũng không xong. Mấy cái chuyện chôn cất không cẩu thả được. Vớ vẩn lại vận vào đời con cháu. Nhỡ mà có chuyện gì…

- Chuyện gì là chuyện gì. Chết là hết.

- Mà cũng tại chú thím. Vườn của ông bà bao nhiêu cây gỗ quý. Ông đã dặn để cây xà cừ đóng quan tài thế mà chú thím mang xẻ đóng đồ bán cho người ta hết. Nên giờ phải đi mua. Ham của rẻ nên mới nứt như thế đấy.

- Nhà này có phải mình tôi làm thợ mộc đâu. Cây trong vườn cũng có phải chỉ mình tôi chặt. Mấy người có hiếu sao không đóng cho ông cỗ áo quan đi.

- Thôi thôi, hạ huyệt nhanh còn về. Chết là hết. Ngày xưa người ta cuộn cái chiếu mang chôn cũng xong. Nứt một tí có làm sao mà phải cãi nhau. Thiên hạ cười cho.

Bỗng nhiên có tiếng khóc ới ời đâu đó vang lên. Mọi người đưa mắt nhìn nhau. Họ tìm kiếm trên khuôn mặt con cháu của ông cụ vài giọt nước mắt. Nhưng không có ai khóc, tất cả còn đang nhăn nhó như khỉ vì trời nắng. Vậy tiếng khóc phát ra ở đâu? Họ dáo dác nhìn quanh, à hóa ra là thằng Đao.

- Nó vừa nhổ cỏ vừa khóc trên mộ ai thế nhỉ?

- Hình như là mộ bố nó đấy? Bố nó chết hơn một năm rồi.

- Khổ thân, lúc còn sống ông bố chẳng đoái hoài gì đến hai mẹ con nó. Bỏ đi lấy vợ hai, bao nhiêu tài sản đất đai đều chẳng để lại cho thằng Đao bất cứ thứ gì. Ấy thế mà lúc nằm xuống thằng Đao mặc áo tang quỳ khóc sưng cả mắt. Hôm đi chợ nghe mẹ nó sụt sùi kể: “thằng bé ốm suốt mấy ngày vì nhớ thương bố nó”.

Nắng quá. Đoàn người dạt về những bóng cây trong nghĩa trang. Lúc này quan tài đã hạ huyệt. Mỗi người nhặt một nắm đất nhỏ vứt xuống như một lời đưa tiễn cuối cùng. Ai đó bảo:

- Thế là hết đời người. Từ giờ nằm lại dưới lòng đất lạnh, mãi mãi không nhìn thấy cháu con.

- Nghe nói sau khi chết linh hồn vẫn còn quanh quẩn bên cạnh người thân chưa muốn rời đi. Có khi thân xác nằm đây nhưng hồn ông cụ sẽ theo chân chúng ta quay về.

- Quay về để làm gì? Có khi chỉ thêm đau lòng.

Đám người tản ra. Khói vàng mã bay cay xè mắt người. Chỉ còn lại bóng thằng Đao cúi gập người tưới rượu trên ngôi mộ nhỏ. Nắng chiếu lấp lánh trên khóe mắt nó. Trên mộ, mùi rượu bốc lên, những que hương cứ lụi dần đi hệt như đời người vậy…

Truyện ngắn. Vũ Thị Huyền Trang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 6 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 6 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước