Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
23:34 (GMT +7)

Đại hội IX Hội Nhà văn Việt Nam: Thêm trách nhiệm với đất nước, dân tộc và với chính mình

VNTN - “Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật góp phần xây dựng văn hóa và con người Việt Nam" là chủ đề của Đại hội nhiệm kỳ này.

Là một trong những sự kiện văn hóa thu hút sự quan tâm của dư luận trong những ngày này, Đại hội IX Hội Nhà văn Việt Nam đã để những dấu ấn tốt đẹp về một Đại hội dân chủ, đổi mới, đoàn kết của những người làm nghề sáng tạo. Trong một bầu không khí cởi mở, tinh thần trách nhiệm cao, các nhà văn đã bàn bạc, thông qua các văn kiện của Đại hội, bầu ra một Ban Chấp hành mới. Điều quan trọng là các nhà văn đã thực sự dân chủ trong việc quyết định các vấn đề của tổ chức mình. Và điều quan trọng nhất là: một lần nữa, Hội Nhà văn xác định thêm trách nhiệm của đội ngũ, của từng nhà văn với dân tộc, với đất nước.

Các nhà văn xếp hàng bầu cử Ban Chấp hành mới

Trong bối cảnh đất nước chuyển mình mạnh mẽ bởi công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kéo theo những thay đổi sâu sắc về cấu trúc xã hội, không gian văn hóa, điều kiện sống và quyền con người, vận hội thời cơ xen lẫn với những nguy cơ, thách thức trong đó nguy cơ lớn nhất là sự sa sút nghiêm trọng về đạo đức và văn hóa, ngay trong Báo cáo của Ban Chấp hành Khóa VIII Hội Nhà văn Việt Nam trình trước Đại hội đã vang lên những câu hỏi khẩn thiết về trách nhiệm của nhà văn: nhà văn đã làm gì, làm như thế nào, làm đến đâu trong việc chuẩn bị cho con người Việt Nam bước vào xã hội công nghiệp? Đã làm gì để giúp con người vòng tránh khỏi những cạm bẫy của thị trường? Đã làm gì để chuẩn bị cho thế hệ trẻ hội nhập với thế giới với đầy vẻ tự hào và tự tin về cốt cách văn hóa Việt Nam?

Để trả lời những câu hỏi này, cũng là một lần nữa định vị vai trò, trách nhiệm của văn học đối với đời sống xã hội và đất nước, Báo cáo xác định: văn học nghệ thuật phải tạo ra những tố chất bên trong con người, những kháng sinh tự nhiên và bền vững, trở thành người bạn đồng hành tin cậy, giúp con người và xã hội chống lại căn bệnh "sa mạc hóa văn hóa", chống lại sự suy thoái, biến chất, sự phai nhạt về niềm tin, lý tưởng, về lẽ sống và cách sống.

Từ đó, nhiệm vụ xây dựng con người, xây dựng văn hóa sẽ là chủ đề lớn nhất, có ý nghĩa bao trùm toàn bộ hoạt động của Hội Nhà văn. Văn học phải trở thành văn hóa, kết tinh thành văn hóa với những giá trị có sức sống lâu dài. Văn học phải giúp người đọc đào sâu vào bản thể hình thành những nền tảng bền vững của cái thiện, làm cho cái thiện trở thành phương châm xử thế và quy tắc ứng xử tối cao trong cuộc sống hàng ngày.

Với tinh thần ấy, Đại hội Hội Nhà văn xác định phương hướng phát triển văn học trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 và các năm tiếp theo là "Phát huy mọi tiềm năng sáng tạo, đề cao tính tích cực xã hội của nhà văn, đổi mới mạnh mẽ tư duy nghệ thuật và phương thức hoạt động của Hội, tập trung cao độ mọi nguồn lực và điều kiện để sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, góp phần xứng đáng xây dựng văn hóa và con người Việt Nam".

Phương hướng này đã được cụ thể hóa bằng những nhiệm vụ, mục tiêu và 3 nhóm giải pháp cụ thể, trong đó nhóm giải pháp thứ nhất và quan trọng nhất được xác định là Đẩy mạnh sáng tác. Bởi sáng tác luôn là lý do để nhà văn tồn tại, đồng thời là cách thức tốt nhất để nhà văn thể hiện trách nhiệm của mình với xã hội.

Ngoài việc đồng tình với mục tiêu, phương hướng chung của Đại hội, nhiều nhà văn đã bày tỏ tình cảm, trách nhiệm của mình đối với các vấn đề lớn của đất nước, của dân tộc và của tổ chức Hội. Tại diễn đàn Đại hội, nhà văn Nguyễn Khắc Phê thẳng thắn kêu gọi: nhà văn phải suy nghĩ và có trách nhiệm với đất nước trước tình hình Biển Đông và quốc tế ngày càng phức tạp. Ông nói, tình hình quốc tế hiện nay quá nguy hiểm, các thế lực đe dọa hòa bình trỗi dậy, máu đã đổ ở nhiều nơi trên thế giới này, chủ quyền quốc gia bị đe dọa, nhà văn không thể im lặng. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến và nhà văn Lê Hoài Nam đề nghị Hội bảo vệ quyền lợi và nhân phẩm của nhà văn.

Đại diện cho các nhà văn khu vực phía Bắc, nhà văn Trần Thị Việt Trung (Thái Nguyên) chia sẻ những băn khoăn về việc thiếu vắng đội ngũ và tác phẩm văn học các dân tộc thiểu số, và mong muốn khu vực này cần được quan tâm hơn.

Không phát biểu trên diễn đàn, nhưng nhà văn Trần Hùng (Cao Bằng) chia sẻ với phóng viên VNTN điều mong muốn lớn nhất của ông, là Hội Nhà văn cần quan tâm đầu tư  bồi dưỡng các tác giả trẻ và đặc biệt là việc quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới. Ông kỳ vọng vào những nhà văn có ngoại ngữ, có kinh nghiệm trong công tác quảng bá, có quan hệ rộng rãi với đội ngũ dịch giả trên thế giới, nhất là người Việt ở nước ngoài.

 Dù chia sẻ hay không chia sẻ trong khuôn khổ Đại hội, thì mỗi nhà văn cũng đều ý thức rất rõ trách nhiệm của mình trước nhân dân, Tổ quốc. Và một chặng đường mới lại bắt đầu, với những nỗ lực sáng tạo mới đang chờ đợi, để có một nền văn học thực sự xứng tầm với vị thế nó cần có, trong lòng dân tộc

Nguyễn Thúy Quỳnh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy