Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
11:33 (GMT +7)

“Cuộc chiến” thực phẩm bẩn

VNTN - Chưa bao giờ, chuyện mất an toàn thực phẩm lại trở thành nỗi ám ảnh trong toàn xã hội như hiện nay. Trên báo chí, facebook cá nhân, khẩu hiệu đường phố cho đến câu chuyện trong mỗi nhà là vấn đề chỗ này tiêm thuốc an thần cho lợn, chỗ kia tưới rau bằng chất thải nhà máy… Tin đồn nửa thực nửa hư về những miếng thịt, bát cơm chuyển sang màu đỏ sau một đêm… chỉ là giọt nước tràn ly từ một cốc nước vốn đã chất đầy những thứ độc hại, sự thiếu hiểu biết và tàn nhẫn.

Đã từ lâu, mỗi khi đi chợ, câu hỏi quen thuộc nhất của người tiêu dùng là “sạch hay không sạch” chứ không phải chuyện rẻ - ngon. Nghe thấy ở đâu có thịt sạch, trứng sạch, cá sạch… là người thành thị “mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua” để “săn” về bằng được, dẫu phải sắm tủ bảo ôn lớn cho gia đình nhỏ chỉ hai người hay chấp nhận ăn thức ăn đông đá với một vài món tẻ nhạt trong cả tháng. Sạch - bẩn đôi lúc rất mơ hồ và được xây dựng trên cơ sở niềm tin cảm tính. Nỗi ám ảnh thực phẩm bẩn khiến chúng ta bình thường hóa những thứ bất bình thường và ngược lại. Nhiều chuẩn giá trị được thay đổi. Xưa kia ai mua phải thịt lợn sề thì thật là… vô phúc, vì thịt vừa hôi, vừa dai. Nhưng ngày nay, thịt lợn sề là hàng thượng hạng bởi nó chắc chắn sạch do lợn nái thường được nuôi với một chế độ riêng. Ngày trước, quả táo tàu biểu tượng cho sự sang quý và may mắn, nhưng nay mấy ai dám ăn táo tàu chợ, hay mua táo, lê (nếu không phải hàng Úc, hàng Mỹ đắt đỏ) để làm quà biếu. Chúng trở thành biểu tượng cho sự nguy hiểm, độc hại, bất chấp vị - màu của nó ngon đẹp thế nào.

Ngày nay, chúng ta không còn xa lạ với mô hình vườn ao chuồng trong nhà lô đô thị. Những sân thượng xanh ngắt màu rau, chiếc cốc bé bằng bàn tay cũng được tận dụng để dí cây tỏi, nhét cây hành thật an toàn, tiết kiệm và lãng mạn. Nhưng khi mà công chức thành thị sống trong ngôi nhà mấy chục mét vuông phải kiêm luôn cả việc nuôi gà trên gác mái, nuôi lợn đằng sau, trồng rau đầy vỉa hè…, thì mọi việc không còn bình thường chút nào. Mỗi người mỗi nghề, bạn không thể là công chức hoàn hảo nếu lúc nào cũng nhấp nhổm tưới rau, cho gà ăn, nấu cám lợn ở nhà để mỗi ngày gia đình mình có bữa cơm sạch. Nguy cơ thực phẩm bẩn đã khiến người Việt quay trở về với cuộc sống tự cấp tự túc như mấy trăm năm trước. Liệu đó có phải một tín hiệu đáng mừng?

Trong hàng trăm nguyên do dẫn đến tình trạng trên, có lý do “bệnh đám đông” cố hữu của người Việt. Người sản xuất, thương lái có biết việc mình làm là sai, là ác không? Biết, rất biết, nhưng họ tự nhủ: Ai chẳng làm thế! Bỏ tù thì bỏ tù cả làng. Người tiêu dùng có biết mình đang đối diện với thực phẩm bẩn hay không? Biết, nhưng đành bấm bụng: Cái gì chẳng bẩn, ai chẳng phải ăn, trừ phi anh là đại gia ăn gạo Nhật, uống nước Hàn. Nông dân ngán ngẩm khi xem thời sự nói về cái này bẩn, cái kia “tàu”, về chuyện so với năm 2009, số người bị ung thư ở nước ta trong năm 2015 đã tăng hơn 2 lần, nhưng ngay sau đó, họ vẫn đứng lên pha cám công nghiệp cho lợn ăn, để rồi sáng hôm sau thịt sớm, mặc cho nhà sản xuất khuyến cáo thời gian ngừng chăn trước khi xuất chuồng là nửa tháng.

Ăn uống là nhu cầu thiết yếu để tồn tại. Chúng ta không thể “nói không với thực phẩm” như nói không với ma túy, tệ nạn... Chúng ta đều biết, sử dụng thực phẩm bẩn đồng nghĩa tìm đến ung thư, với cái chết, nhưng không thể biết bát cơm, miếng thịt mình ăn mỗi ngày thực sự là bẩn hay sạch khi mà sự phân định chỉ mơ hồ qua lời hứa của bà bán rong hay câu quảng cáo “hàng quê”, “hàng xách tay an toàn” của những người bán hàng online. Hàng triệu người Việt vẫn ăn ba bữa hàng ngày, vẫn ngày đêm cầu trời khấn Phật, hy vọng cho thực phẩm mình ăn vào không chứa mầm mống ung thư. Họ hy vọng về sự thay đổi khi Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Cao Đức Phát và các cấp chính quyền hạ quyết tâm “cải thiện tình hình trong vài tháng”. Hy vọng về điều kỳ diệu sẽ xảy ra sau ngày 1/7/2016 - khi mà luật mới sẽ hình sự hóa hành vi đầu độc nhân loại bằng thực phẩm sẽ được thi hành chính thức.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy